[Kỳ 1] Cuộc Đấu Tranh Ba Làng 1954

Cuộc Đấu Tranh Ba Làng 1954
[Kỳ 1] Giai Đoạn Chuẩn Bị Đại Hội Giáo Xứ Để Mở Màn Cuộc Đấu Tranh

Tin ký kết bản hiệp định đình chiến tại Geneve ngày 20 tháng 7 năm 1954 giữa nhà cầm quyền và quân đội thực dân Pháp chỉ được dân chúng thì thào bàn tán với nhau. Chính quyền Hà Nội chỉ loan báo kết quả cuộc hội đàm để chấm dứt chiến tranh Việt Nam nhờ có chiến thắng Điện Biên Phủ, chứ không hề loan báo các tiết mục khác như Điều 14, đoạn B, và lời tuyên bố cuối cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954 ở đoạn 8.

Chẳng những họ không hề loan báo mà còn dùng xảo kế, ngăn cấm, đàn áp và ghép tội cho những ai loan báo nội dung tiết mục bất lợi này. Nhưng cuộc hội đàm Geneve năm 1954 có tầm vóc rất quan trọng trên dư luận quốc tế, chính quyền Hà Nội không thể bưng bít nổi các tin tức và nội dung bản hiệp định Geneve trước giáo dân Ba Làng.

Khi chính quyền Hà Nội biết dân Ba Làng đang mong muốn được di cư thì họ dùng xảo kế đánh phủ đầu trước bằng cách vu cáo cha chính xứ Nguyễn Dương Hiển dụ dỗ con chiên di cư vào Nam theo ông Ngô Đình Diệm nhằm mục đích bắt ngài để trấn áp, uy hiếp và ngăn chận giáo dân Ba Làng đòi di cư vào Nam.

Giáo dân căm hờn trước lời vu cáo bịa đặt trắng trợn này, hội đồng giáo xứ cùng với anh em thanh niên lợi dụng lời vu cáo này lấy “gậy ông đập lưng ông” bằng cách phát động phong trào tranh đấu đòi chính quyền thi hành hiệp định Geneve cho đồng bào được di cư vào Nam như hiệp định Geneve đã quy định.

Sống trong chế độ kìm kẹp công an trị thời bấy giờ, việc tổ chức cuộc hội nghị là chuyện khó khăn và nguy hiểm, nhưng cơ hội ngàn năm một thuở không nắm lấy để thoát khỏi xiềng xích chế độ thì khó có cơ hội nào khác nữa.

Tôi xin bắt đầu câu truyện đấu tranh. Anh Nguyễn công Lý là người sống cùng làng. Chúng tôi thường hay gặp nhau trò chuyện. Nhưng hôm đó anh Lý đến tìm gặp tôi khác hẳn những lần gặp mặt như mọi khi, gương mặt anh đăm chiêu như đang có chuyện gì quan trọng sắp xảy đến. Anh muốn nói gì đó với tôi. Thấy cử chỉ bất thường của anh, tôi hỏi:

– Hình như anh có chuyện gì quan trọng đặc biệt muốn nói với tôi?

Bờ biển lúc đó đông người, anh ngó trước ngó sau, khi không thấy có ai ở gần để ý anh mới thố lộ:

– Chú đoán đúng. Tôi tìm đến chú để cho chú biết là anh em thanh niên định tổ chức cuộc mạn đàm để chuẩn bị chu đáo trước cho cuộc đại hội toàn giáo xứ sắp tới. Chú cố gắng đến tham dự, đừng quên đấy.

Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Cuộc mạn đàm để…
Anh chận lại vì có người đi qua. Tôi lơ đảng trả lời mấy câu chào hỏi để đánh lạc hướng người qua lại.

Anh bảo tôi:
– Mình bàn thảo ở đây không tiện, cần phải giữ bí mật. Nhiều vấn đề rất quan trọng cần có nhiều thì giờ và cần có thêm một số anh em khác nữa để có đủ sáng kiến và nhân lực thì cuộc thảo luận mới đầy đủ và mới có nhân sự để trao trách nhiệm cho mỗi người phụ trách một công tác làm nòng cốt hướng dẫn cuộc đại hội giáo xứ sắp tới.

Tôi hỏi tiếp:
– Bao giờ mình mạn đàm?
Anh trả lời:
– Chủ Nhật tới sau thánh lễ nhì vào 10 giờ sáng.
Tôi hỏi thêm:
– Mình họp ở đâu?
– Sau thánh lễ nhì, mình ở lại trong nhà thờ đọc kinh chờ cho bà con ra về hết rồi sẽ tùy chỗ nào thuận tiện và an toàn nhất mình sẽ quyết định sau.
– Vâng, thôi cứ quyết định như vậy đi. Hôm đó tôi sẽ có mặt.

Anh Lý sau đó chào tôi và vội vàng ra về để tránh những đôi mắt cú vọ của công an và cán bộ địa phương rình rập. Anh Lý đã đi rồi mà tôi vẫn thừ người ngồi bất động vì cái tin chấn động mà anh mới mang đến. Lúc đó có nhiều ông đi qua bà đi lại mà tôi chẳng thiết chào hỏi ai. Tâm tư tôi suy đoán miên man, rồi đây những gì sẽ xẩy đến. Biết bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu khó khăn và bao nhiêu nguy hiểm sẽ xảy đến cho giáo xứ này. Nhiều đêm sau đó tôi thao thức mất ngủ…

Ngày Chủ Nhật, thường thì tôi hay đi lễ nhất, nhưng hôm đó tôi đi lễ nhì. Thánh lễ nhì ngày Chủ Nhật nào cũng rất đông nên sau thánh lễ phải đợi rất lâu giáo dân mới ra về hết. Nhìn chung quanh thấy không còn ai ở lại nhà thờ, anh Nguyễn công Lý mới đến ghé tai từng người khẽ nói:

– Mình bảo nhau vào phòng mặc áo để bắt đầu cuộc mạn đàm.

Mọi người cẩn trọng bước vào phòng mặc áo ngồi quay quần bên nhau. Ai nấy cảm thấy không khí buổi họp mặt hôm đó có vẻ đặt biệt và quan trọng lắm. Anh Nguyễn Công Lý cẩn thận đi ra khóa cửa lại cho chắc ăn.

Trong buổi họp có 8 người gồm anh Cả Hiến, anh Trần Thái Giáp, anh Nguyễn Công Sửa, anh Nguyễn Trường Thọ, anh Nguyễn Văn Vụ, anh Mai Đức Thi, anh Ngô đình Thuấn, và tôi (Nguyễn Đức Giỏi). Tất cả ngồi thành vòng tròn sát bên nhau.

Trong bầu không khí yên lặng của buổi họp bí mật, anh Nguyễn văn Vụ người vui tính trong bọn nói đùa:

– Cuộc gặp gỡ quan trọng thế này mà chỉ có bảy, tám mạng thì làm nên cơm nên cháo gì đây.

Mọi ngưòi phì cười nhưng không dám cười lớn tiếng, sợ bên ngoài nhỡ có người nghe. Anh Cả Hiến hắng giọng nói:

– Thôi đừng đùa nữa. Chúng ta bắt đầu vào đề tài thảo luận ngay, không nên ở đây lâu.

Khai mạc buổi mạn đàm, anh Nguyễn Công Lý nhìn mọi người rồi trình bày:

– Thưa các bạn. Nội dung buổi họp kín hôm nay chúng ta thảo luận thế nào để đạt được các mục đích:
1. Soạn thảo kế hoạch và bố trí ngày đại hội mong thu phục sự đoàn kết trong giáo xứ.
2. Chuẩn bị nhân lực để phân công giao trách nhiệm cho khả năng của mỗi người được giao phó.
3. Giữ bí mật không cho cán bộ biết để họ có đủ thì giờ nghiên cứu kế hoạch ngăn cản hoặc phá rối.
4. Vận động tất cả giáo dân tích cực tham gia ngày đại hội của giáo xứ thật đông đủ để làm áp lực với chính quyền.
5. Thống nhất ý chí và hành động trong thời gian đấu tranh.
6. Hướng dẫn mỗi giáo dân phát biểu ý kiến theo đúng mục tiêu kế hoạch đã quy định, đồng thời bẽ gãy mọi mưu toan của cán bộ xâm nhập vào ngày đại hội để phá rối.
7. Hôm nay chúng ta chưa cần đông người tham dự sợ có thể bị lộ để công an biết trước, chúng có đủ thì giờ tìm cách ngăn chặn đàn áp trước khi chúng ta chưa thu phục được sự đoàn kết trong giáo xứ.

Anh Nguyễn Công Sữa chợt lên tiếng:
– Tôi nghe trong bản hiệp định đình chiến có tiết mục: “Người dân được quyền tự do di cư đến phần đất và chế độ nào mình muốn theo”, nhưng tôi chưa được đọc đầy đủ chi tiết bản hiệp định đó. Vậy ai có bản tài liệu về hiệp định Geneve xin đọc cho anh em nghe để biết trước khi chúng ta bàn luận.

Anh Cả Hiến liền lấy tập tài liệu giấu trong người được bí mật gửi về từ Hà Nội ra đọc. Anh Cả Hiến đọc tới đâu, anh em vui mừng phấn khởi tới đó.

Sung sướng nhất là điều 14, đoạn B của hiệp định Geneve ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 quy định:

“Trong thời gian kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở vùng giao cho bên kia thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy”.

Và trong lời tuyên bố cuối cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954 ở đoạn B có nói:

“Phải triệt để thi hành những điều khoản trong hiệp định đình chỉ chiến sự, nhằm mục đích bảo vệ tính mạng và tài sản của mọi người và nhất là phải để cho tất cả mọi người ở Việt Nam tự do lựa chọn vùng mình muốn sống.

Được nghe nội dung bản hiệp định, mọi người lên tinh thần và không giấu được nỗi sung sướng. Anh Mai Đức Vinh giơ tay phát biểu ý kiến:

– Thưa các bạn, chiếu theo văn bản đã được ký kết thì chúng ta có quyền đòi hỏi chính quyền miền Bắc cho chúng ta di cư vào Nam nhưng chính quyền Hà Nội sẽ không bao giờ thi hành. Chúng ta phải đòi hỏi mạnh mẽ mới mong được di cư. Muốn được di cư vào Nam chúng ta cần phải nhờ đến sự can thiệp của Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế. Muốn được Ủy Ban Giám Sát can thiệp hữu hiệu chúng ta phải tổ chức cuộc đại hội giáo xứ đại quy mô, vận động các giáo dân tích cực tham dự đại hội đông đủ, gây tiếng vang trên dư luận quốc tế và thu phục sự đoàn kết trong giáo xứ trăm người như một, thành một sức mạnh đấu tranh thì mới mong đạt được kết quả mỹ mãn. Nhà cẩm quyền luôn luôn sợ sức mạnh đoàn kết và sợ quốc tế lên án những vi phạm hiệp định Geneve. Nhờ những ưu điểm đó, cuộc đấu tranh của chúng ta nhất định sẽ thành công.

Anh Nguyễn Trường Thọ nêu thêm ý kiến:
– Chúng ta phải tìm ra những lý luận hợp pháp vững vàng, cùng chính chúng ta là những người phải đi tiên phong phát biểu ý kiến hăng say mạnh mẽ, trước để giáo dân theo đà đó mà phát biểu mạnh dạn hăng hái và can đảm. Ngoài ra chúng ta cũng cần phổ biến rộng rãi trong hội nghị nguyên văn bản hiệp định đình chiến Geneve được ký kết ngày 20-7-1954. Đặc biệt là chúng ta phải nhấn mạnh điều 14 đoạn B và lời tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 ở đoạn 8. Chúng ta phổ biến rộng rãi cho đồng bào biết; Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến Quốc Tế làm trung gian can thiệp và sự giám sát tích cực hữu hiệu. Tôi tin rằng nếu đồng bào biết được đầy đủ chi tiết cuộc hội nghị Geneve và sự giám sát tích cực hữu hiệu của Ủy Ban Quốc Tế thì khí thế của cuộc đấu tranh sẽ bừng bừng và chúng ta sẽ thành công mỹ mãn.

Tiếp theo, anh Nguyễn Công Lý phát biểu:
– Sống trong lòng chế độ này chúng ta đều biết, chính quyền sẽ dọa nạt, bắt bớ làm áp lực để dập tắt phong trào di cư của đồng bào. Vậy muốn đối phó với chính quyền, chúng ta phải hướng dẫn hội nghị đề cao tinh thần đại đoàn kết cao độ bảo vệ lẫn nhau, quyết không để chính quyền bắt ra khỏi giáo xứ bất cứ một ai. Làm được như vậy, đồng bào mới can đảm mà đấu tranh.

Tiếp tục, anh Nguyễn Trường Thọ phát biểu:
– Chúng ta cũng nên tìm người có khả năng, có bản lãnh, có uy tín để lèo lái và điều khiển cuộc đại hội, kịp khi phá tan mọi âm mưu của cán bộ gài vào để phá rối hội nghị.

Anh Trần Thái Giáp đề nghị:
– Bản tài liệu hiệp định Geneve cắt chia ra từng phần, giao cho mỗi người chịu trách nhiệm học thuộc lòng, để khi phát biểu trong đại hội có lý luận vững vàng, phát biểu thông suốt mạch lạc, lên tinh thần cho ngày hội. Khi đồng bào hiểu rõ thông suốt được mọi chi tiết bản hiệp định Geneve thì tinh thần mọi người sẽ rất hăng say vững mạnh và can đảm đấu tranh không ai còn nghi ngờ lo sợ nữa.

Anh Nguyễn Công Sửa phát biểu ý kiến kế tiếp:
– Muốn vận động giáo dân tham dự đại hội đông đủ, chúng ta phải lấy danh xưng nào cho đại hội, tìm đề tài nào thích gây nhiều quan tâm để giáo dân tích cực tham dự hội nghị. Theo ý tôi, chúng ta nên chọn đề tài: “Cuộc thanh minh cho cha xứ”, ngài không hề dụ dỗ con chiên di cư vào Nam như cán bộ đã vu khống. Đây là một lợi thế để đồng bào tích cực tham gia hội nghị để bảo vệ cha xứ.

Thấy sáng kiến hay, mọi người đều đồng ý vì lâu nay giáo dân đang căm phẫn nhà cầm quyền đã từng vu khống cha Mai Bá Nhạc là phản động lấy cớ bắt giam ngài đem đi thủ tiêu. Hôm nay lại vu khống cho cha xứ dụ dỗ con chiên di cư vào Nam theo ông Ngô Đình Diệm để tìm bắt ngài như đã bắt cha Mai Bá Nhạc. Chắc chắn giáo dân sẽ tham đự rất đông nhằm bảo vệ cha xứ của mình.

Anh Nguyễn Công Lý nêu ý kiến khác:
– Thưa các bạn. Việc thanh minh cho cha xứ chỉ là cái màn che đậy khéo léo để chúng ta triệu tập giáo dân tham dự hội nghị đông đủ mà thôi. Vấn đề
chính của hội nghị là phổ biến bản hiệp định Geneve rộng rãi đến mỗi giáo dân để mọi người hiểu biết và thông suốt mà tích cực tham gia cuộc đấu tranh hăng hái và kiên cường can đảm không còn biết sợ sệt. Chúng ta cũng nên báo một tin mừng cho đại hội là: Chúng ta đã cử người đi Hà Nội nạp đơn trao tận tay Ủy Ban Quốc Tế. Uỷ Ban là một cơ quan can thiệp rất có hữu hiệu. Sau khi nạp đơn xin can thiệp di cư, chúng ta cũng đã xin Ủy Ban về Ba Làng để can thiệp cho đồng bào được di cư vào Nam. Chúng ta đã được Ủy Ban hứa sẽ sớm về Ba Làng một ngày không xa. Nếu đồng bào biết được tin Ủy Ban Kiểm Soát đình Chiến hứa sẽ về Ba Làng can thiệp thì tinh thần đấu tranh rất cao, rất hăng say và rất anh dũng.

Sang vấn đề lựa chọn người điều khiển đại hội như chủ tọa, thư ký và trật tự, cuộc mạn đàm đã đề cử những người có khả năng, can đảm, tháo vát, có phản ứng mau lẹ được mọi người tín nhiệm. Và chúng tôi đã lựa chọn được những người sẽ đảm trách cho ngày đại hội…

Về ngày giờ khai mạc, anh em bàn thảo khá lâu vì không muốn thông báo ngày đại hội quá sớm để cán bộ có đủ thì giờ nghiên cứu kế hoạch phá rối hoặc ngăn cấm hội nghị. Sau khi bàn thảo lợi hại, anh em quyết định tổ chức vào ngày Chủ Nhật tuần tới, và chỉ thông báo cho giáo dân biết trước một ngày trước đại hội và ngay sau khi thánh lễ Chủ Nhật để công an không kịp trở tay. Tất cả mọi chi tiết được bàn thảo đầy đủ. Cuộc họp kín bế mạc, anh em lần lượt chia tay ra về.

Cuộc họp kín được che đậy rất kín đáo nhưng tôi vẫn hồi hộp lo sợ nếu chính quyền biết được, họ sẽ đánh tơi bời trước khi ta thu phục được sự đoàn kết trong giáo xứ. Nhưng rất may, chính quyền và cán bộ không hề hay biết có cuộc mạn đàm này…

(Kỳ tới: Ngày Đại Hội Giáo Xứ)
Tác giả: Cụ ông Nguyễn Đức Giỏi
Ảnh: Edit minh hoạ từ Internet

Lượt xem 403 Lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *