Khi còn là học viên triết, cha linh hướng thường nói với chúng tôi: “Các con muốn đi thuyền chèo bằng tay, hay là thuyền buồm.” Câu nhắc nhở khéo ấy của vị linh hướng giúp chúng tôi ý thức về vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong mọi khía cạnh của đời sống.
Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, có lẽ Chúa Thánh Thần là Đấng thường xuyên bị chúng ta lãng quên nhất! Chúng ta thường bỏ qua, ít để ý đến sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đây là một sự lãng quên „”tai hại!” Vì nếu không sống theo Thần Khí Sự Thật, thì chúng ta sẽ bị lôi kéo bởi các thần khác. Vậy vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta là gì?
Trong bốn sách Tin Mừng, chỉ có Tin Mừng theo thánh Gioan dùng một danh từ để chỉ Chúa Thánh Thần.[1] Đặc biệt, danh từ này chỉ xuất hiện trong diễn từ biệt ly của Đức Giêsu, từ chương 12 đến chương 16 theo Tin Mừng thánh Gioan, và được nhắc đến với nhiều vai trò khác nhau.[2] Chúa Thánh Thần được xem như một “Người trợ giúp” (Ga 14,25-27) – một người sẽ “dạy dỗ” các môn đệ và “nhắc nhở” họ về sự dạy dỗ của Chúa Giêsu; Ngài giúp họ vượt qua nỗi buồn và có được sự bình an đích thực (Ga 16,6); Chúa Thánh Thần là “Đấng Bảo trợ” để bảo vệ họ trước thế gian (Ga 15,26-27), và như là một “Người cố vấn” để đưa ra hướng dẫn trong việc chứng minh thế gian đã sai lầm (Ga 16,8-11), cũng như để dẫn họ đến sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-15). Như thế, Chúa Giêsu đã loan báo trước về vai trò của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ đến để giúp các môn đệ vượt qua nỗi buồn và sự bất lực, cũng như để hiểu biết hơn về những dạy dỗ của Đức Giêsu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định, Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho anh em con đường sự thật.[3] Con đường ấy có thể nhỏ hẹp và gồ ghề, nhưng với Chúa Thánh Thần, anh em sẽ tự tin bước đi. Như thế, với lời hứa: Khi Thầy ra đi, Chúa Thánh Thần sẽ đến và ở cùng anh em, [4] thì có thể hiểu, ngày hôm nay chúng ta đang sống trong „thời đại” của Chúa Thánh Thần.
Khi xưa Đức Giêsu nói với các tông đồ, họ là những người đã đi theo và lắng nghe lời của Ngài. Còn chúng ta là những người đến sau, chúng ta cũng được thừa hưởng lời hứa của Đức Giêsu: Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục ở lại và hướng dẫn Giáo hội. Có thể nói, hoàn cảnh sống của chúng ta thay đổi mỗi ngày với những công nghệ mới và tình hình chính trị mới, nhưng Chúa Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật vẫn luôn ở cùng và giúp chúng ta nhận ra sự thật của Thiên Chúa trong những tình cảnh mới. Trong mọi hoàn cảnh, Chúa Thánh Thần giúp ta nhận ra và hiểu biết hơn về những lời mà Đức Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ. Ngài tiếp tục hướng dẫn Giáo hội tiến bước trong sự thật và trung thành với những điều mà Đức Giêsu đã để lại.
Vậy tại sao có những lúc chúng không nghe thấy tiếng của Chúa Thánh Thần? Phải chăng Ngài có ngày nghỉ?… Hay là do chúng ta đã gạt Ngài ra khỏi cuộc sống của mình và không còn nhận biết Ngài nữa?
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu kể dụ ngôn hạt giống rơi vào những mảnh đất khác nhau.[5] Chất lượng hạt giống được gieo vãi như nhau, nhưng tùy vào “tình trạng” của từng mảnh đất mà hạt giống sẽ sinh hoa kết trái.
Cũng như những mảnh đất, khả năng tiếp nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nơi mỗi người khác nhau. Một số người đã đóng cửa tâm hồn, và họ chẳng thu nhận được gì từ sự dạy dỗ của Chúa Thánh Thần. Những người khác chỉ chú ý tìm kiếm sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần trong lúc khó khăn, còn những lúc bình an thì quên ngay. Cũng không ít người trong chúng ta vẫn nghe thấy giọng nói của Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ nghe thấy lờ mờ qua tiếng ồn ào của những giọng nói hấp dẫn khác. Còn những ai chú ý lắng nghe và vui vẻ đón nhận lời của Chúa Thánh Thần, thì sẽ sinh hoa kết trái dồi dào. Cho nên, chúng ta được mời gọi chuẩn bị tâm hồn mình, để nâng cao khả năng tiếp nhận sự dạy dỗ của Chúa Thánh Thần.
Đúng là Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn và giúp chúng ta tìm ra những phương thế để giải quyết những vấn đề mà Chúa Giêsu đã không đưa ra các hướng dẫn cụ thể, nhưng lời của Chúa Thánh Thần luôn nhất quán với Lời của Chúa Cha và Đức Giêsu. Đây là một tiêu chuẩn để chúng ta „đánh giá” lời nói của những người tự xưng là mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Chúng ta phải coi xem những lời của họ có ăn khớp với lời của Chúa Cha và của Đức Giêsu hay không?
Bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ nói đến vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần, mà còn vén mở cho chúng ta nhận biết về tương quan của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Chúa Thánh Thần sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.” (Ga 16,13-15). Có thể diễn tả thông điệp này bằng những từ ngữ khác, là có một con đường thẳng từ Chúa Cha đến các tông đồ (và cả chúng ta nữa), ngang qua Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần. Mọi lời của Đức Giêsu và của Chúa Thánh Thần đều bắt nguồn từ sự thật của Chúa Cha.
Cho nên, khi một người tự xưng: mình nhận được mặc khải riêng từ trời, nhưng nếu những lời ấy đi ngược lại với những gì Đức Giêsu đã dạy dỗ, thì chắc chắn những lời ấy không đến từ Thần Khí Sự Thật. Đây là một điều quan trọng để người kitô hữu đưa ra đánh giá của mình: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.” (1 Ga 4,1)
Xin Chúa Thánh Thần, là cơn gió mạnh mẽ của Thiên Chúa, thổi vào chúng con, thổi vào tâm hồn con, và làm cho con biết thở ra sự dịu hiền của Chúa Cha! Xin Thần Khí thổi vào Giáo Hội và làm cho Giáo Hội đi đến tận cùng trái đất. Xin Ngài thổi vào thế giới sự nồng ấm của hòa bình, sự tươi mới dễ thương của niềm hy vọng. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến biến đổi chúng con và đổi mới mặt địa cầu. Amen.[6]
…………….
[1] Chỉ có Tin Mừng Gioan dùng danh từ παράκλητος (Paráklētos) = Chúa Thánh Thần. Các tác giả Tin Mừng khác có nhắc đến Thánh Thần (Holy Spirit), và dùng cụm từ πνεῦμα ἅγιον (πνεῦμα = spirit = tinh thần; ἅγιον = holy = thánh ). Trong Tin Mừng Gioan và các thư của thánh Gioan, cũng dùng danh từ pneuma, nhưng chỉ để đề cập đến “gió” (Ga 3,8); sinh lực sống của con người (Ga 3, 6); tinh thần/ tâm thần của Đức Giêsu (Ga 11,33; 13,21; 19,30); thứ mà Đức Giêsu ban cho các môn đồ (Ga 20,22), hoặc thứ gì đó đến từ Thiên Chúa (Ga 1,32-33; 3,5-8; 15,26)…. Và chỉ dùng danh từ παράκλητος (Paráklētos) để chỉ đích danh Chúa Thánh Thần.
[2] Danh từ παράκλητος (Paráklētos) = Chúa Thánh Thần chỉ xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Gioan (Ga 14,16; 14,26; 15,26; 16,7) và 1 lần trong thư thứ nhất của thánh Gioan (1 Ga 2,1).
[3] Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ga 16,12-15).
[4] Đức Giêsu loan báo Chúa Thánh Thần sẽ đến (Ga 14,25-27; 15,26-16,11).
[5] Mt 3,3-23; Mc 4,3-20; Lc 8,4-15.
[6] Trích từ bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô: „Chúa Thánh Thần có thần lực biến đổi lòng người và thay đổi thực tại.” (Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 20.05.2018).
Tác giả: Giuse Trần Văn Ngữ, S.J.
https://dongten.net/2021/05/20/chua-thanh-than-ngai-la-ai-vay/
Lượt xem 199 Lần