Vai trò của truyền thông giao tiếp trong đời sống vợ chồng

Vai trò của truyền thông giao tiếp trong đời sống vợ chồng


3/18/2020 1:08:51 PM

Chúng ta biết rằng, trong đời sống hôn nhân, giao tiếp hằng ngày đóng vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ gắn kết đôi bạn lại, mà còn giúp cả hai hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn. Một ngày các vợ chồng bạn phải ở xa nhau ít nhất cũng tám giờ do công việc làm ăn, có biết bao chuyện xảy ra xung quanh cả hai người. Do đó, rất cần kể cho nhau nghe mọi chuyện, chia sẻ với nhau những gì xảy ra trong ngày.

truyenthong.jpg

Không thể coi một đôi vợ chồng là hạnh phúc nếu mỗi ngày họ không nói chuyện với nhau được 30 phút.

 

Vậy, điều cốt yếu là đôi bạn phải tìm cơ hội để giao tiếp với nhau, không để giữa hai người có khoảng lặng quá lớn chẳng hạn như hai người làm việc riêng, mạnh ai người đó quan tâm đến công việc của mình thôi và không hề nói chuyện với nhau. Trong khi đó, giao tiếp hằng ngày với nhau là yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình.

 

Cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành cơn ác mộng nếu suốt ngày cả hai vợ chồng không nói chuyện với nhau hoặc cảm thấy không có gì để nói. Đó thực chất là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của bạn đang có vấn đề nghiêm trọng và cần có giải pháp chấn chỉnh ngay… [1]

 

Mới đây có tờ báo đưa tin ở Trung Quốc ly hôn tăng vì hai vợ chồng ở nhà với nhau quá nhiều do Covid-19. Theo bản tin này thì tỷ lệ ly hôn tăng đột biến trên khắp Trung Quốc sau khi các cặp vợ chồng dành quá nhiều thời gian bên nhau khi không thể ra đường do Covid-19. [2]

 

Theo quan chức tại các cục dân chính trên toàn Trung Quốc, tỷ lệ ly hôn ở nước này đã tăng đáng kể trong vài tháng qua. Ông Lu Shijun, lãnh đạo của văn phòng dân chính tại thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết từ hôm 24-2 đến nay, hơn 300 cặp vợ chồng đã lên lịch hẹn đến giải quyết thủ tục ly hôn. Ông Lu giải thích là tỷ lệ ly hôn đã tăng vọt so với trước khi có Covid-19. Giới trẻ đang dành nhiều thời gian ở nhà. Họ có xu hướng cãi vã gay gắt vì những chuyện nhỏ nhặt rồi vội vã đi đến quyết định ly hôn.

 

Chính quyền Trung Quốc cho rằng sự gia tăng của số lượng đơn xin ly hôn có thể bắt nguồn từ nguyên nhân các cặp vợ chồng thời gian gần đây ở bên nhau quá nhiều. Họ phải tự cách ly ở nhà giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát do sống trong hoặc gần các vùng dịch.

 

Câu chuyện trên chứng minh cho ta thấy một điều là không phải vợ chồng cứ “được” ở cạnh nhau suốt ngày mà hạnh phúc, sung sướng đâu. Trái lại thời gian ở bên nhau quá nhiều có thể lại là nguyên nhân gây nhàm chán, bực bội, bất đồng, cãi vã. Vợ chồng thay vì nói chuyện với nhau thì cãi cọ, xích mích nhau. Thay vì đối thoại với nhau thì họ đối chọi nhau bằng những lời lẽ thô lỗ, cọc cằn, thù ghét. Thay vì giúp nhau chia sẻ công việc nhà thì họ lại tìm một góc trời riêng cho mình, không hề quan tâm tới người khác trong gia đình.

 

Nói một cách đơn giản, đó là không có đối thoại chân thực trong quan hệ vợ chồng. Một vị giáo sư nọ, vì thấy rõ tầm quan trọng của đối thoại trong hôn nhân nên đã nói rằng: “Nếu tôi có cơ hội khuyên những đôi vợ chồng sắp cưới chỉ một lời mà thôi, thì tôi sẽ khuyên điều sau đây, đó là để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, bằng mọi giá, vợ chồng phải giữ cho đường dây đối thoại với nhau”. “Giữ” ở đây là nối kết, duy trì và làm mới, không để nó đứt đoạn, mất kết nối và rơi vào tình trạng bế tắc.

 

Vậy để cho “Đường dây đối thoại” giữa đôi bạn luôn được thông thoáng, thân thương, liên tục, thiết nghĩ chúng ta nên quan tâm tới vấn đề giao tiếp ứng xử giữa hai bạn đời, làm sao để mỗi người đều cảm thấy hạnh phúc và ấm lòng khi hai người có cơ hội ở gần bên nhau. Khi nói đến giao tiếp thì không chỉ hiểu là những gì liên quan tới lời nói qua lại, cách nói chuyện mà còn là thái độ ứng xử, cung cách giao tiếp nữa giữa hai người nữa.

 

Sau đây xin gợi ý mấy nguyên tắc cơ bản liên quan kỹ năng giao tiếp trong đời sống vợ chồng.

 

Hãy tăng cường đối thoại

 

Hãy tạo nhiều cơ hội để có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Chúng ta biết rằng, hôn nhân không phải là một “dịch vụ” sắp đặt hai bạn nam nữ cạnh nhau như hai bức tượng. Trái lại họ là những cá thể khác biệt, nhưng vì yêu nhau nên tình nguyện sống chung với nhau suốt đời. Do đó, trong suốt cuộc hôn nhân, họ chung sống trong cùng một mái nhà, sinh hoạt trong cùng một gia đình, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Tất nhiên là họ sẽ có rất nhiều thời gian để tương tác với nhau.

 

Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta dễ dàng chứng kiến những cuộc ly hôn, tan vỡ của nhiều đôi vợ chồng, kể cả những đôi mới kết hôn. Lý do ly hôn đơn giản chỉ là họ không thể sống chung với nhau do bất đồng, mâu thuẫn chồng chất. Cứ cái kiểu, “Ông nói gà, bà nói vịt”, hay “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì sớm muộn gì cũng tan đàn xẻ nghé! Ca dao VN ta cũng có câu, “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khi lời nói không còn làm vừa nhau nữa thì chẳng khác gì những nhát dao đâm vào trái tim bạn đời.

 

Các nhà tâm lý học hôn nhân gia đình đều quả quyết rằng nghệ thuật giao tiếp ứng xử quyết định phần lớn cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vợ chồng dù bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng cũng nên tìm mọi cơ hội để gặp nhau, nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe “chuyện đời chuyện người”, trao tâm sự cùng nhau, thậm chí có thể cùng nhau xem một chương trình giải trí trên truyền hình hay cùng nhau hát một bài hát vv. Đây có thể được coi như một “chìa khóa vàng” đảm bảo hôn nhân bền vững. 

 

Ngày nay, người ta nói nhiều đến việc gia tăng đối thoại để loại stress trong hôn nhân. Có rất nhiều cặp vợ chồng chia tay nhau với lý do họ không tìm thấy tiếng nói chung, nếu không “cứ mở mồm ra là cãi nhau” thì cũng cứ như những diễn viên kịch câm đầy thâm niên trong sân khấu gia đình. Để tránh dẫn đến kết cục buồn thảm ấy, đôi bạn hãy gia tăng đối thoại trong gia đình, vừa để tránh tối đa những hiểu lầm “ý em thế này mà anh lại hiểu khác”, vừa để hâm nóng bầu không khí trong tổ ấm.

 

Một tác giả khi bàn về đối thoại trong hôn nhân đã viết như sau:

 

“Trong hôn nhân, sở dĩ có những lúc vợ chồng phiền giận nhau hay hiểu lầm nhau không những vì chúng ta không thể nói lên những điều cần nói, mà cũng có khi vì không có ai lắng nghe.

 

“Những người mới yêu nhau trò chuyện với nhau rất nhiều. Họ mong gặp nhau mỗi ngày, và khi gặp thì trao đổi với nhau nhiều điều. Lắm khi chỉ nhìn nhau chứ không nói một lời nào nhưng vẫn hiểu nhau và cảm thấy gần nhau. Khi còn là người yêu của nhau, nếu có điều gì hiểu lầm hay phiền giận chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua, vì đang sống trong tình yêu và đang cùng hướng đến một mục đích, đó là hướng đến ngày cưới.

 

“Tuy nhiên, khi nên vợ chồng rồi, khi có điều buồn giận chúng ta không dễ làm hòa với nhau và vì đời sống bận rộn, chúng ta cũng ít có thì giờ trò chuyện với nhau. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng cảm thấy ngăn cách với nhau, và nếu không cẩn thận, sự ngăn cách đó sẽ khiến tình yêu phai nhạt dần và chết”. [3]

 

Hãy nói ít nghe nhiều

 

Trong giao tiếp vợ chồng, việc lắng nghe nhau là một đòi hỏi tối quan trọng. Nghe quan trọng hơn nói. Nghe nhiều nói ít. Nhưng nghe không bằng lắng nghe. Lắng nghe là cách dễ dàng lôi kéo bạn đời vào câu chuyện hai người. Đó cũng là điều chứng tỏ ta tôn trọng người đối thoại. Nếu hai người cùng nói thì kết cục gia đình sẽ là một cái chợ. Còn nếu hai người chỉ biết ngồi nghe nhau thì bầu khí thật là ảm đạm, buồn chán.

 

Lắng nghe là một kỹ năng trong giao tiếp, vì thế vợ chồng phải tìm hiểu, học hỏi và thực hành sao cho nó trở thành một thói quen tốt.

 

Vai trò của nghe và lắng nghe trong giao tiếp là thế nào?

 

Nghe là hoạt động thường ngày của con người nên chúng ta thường bỏ qua, ít quan tâm tới rèn luyện kỹ năng này mà cho rằng đã có sẵn. Có kết quả nghiên cứu cho thấy rằng con người dùng 45% thời gian giao tiếp hàng ngày cho việc nghe, tuy nhiên người ra lại không được luyện nghe mà chủ yếu là luyện viết. Mặt khác, nghe và lắng nghe khác nhau. Bởi vậy cần phải phân biệt nghe và lắng nghe. Nghe là thụ động, là trạng thái tự động mang tính chất vật lý. Lắng nghe là chủ tâm, chủ động. Lắng nghe đòi hỏi tập trung, tìm kiếm tích cực ý nghĩa của người nói. Trong giao tiếp chúng ta phải cố gắng tạo ra trạng thái lắng nghe để đón nhận và hiểu đúng, để giao tiếp cởi mở, để chọn lọc thông tin.

 

Trong giao tiếp, lắng nghe sẽ tiếp nhận đầy đủ, trọn vẹn thông tin, giúp lợi thế trong giải quyết vấn đề và thương lượng với người đối thoại. Lắng nghe còn thể hiện sự tôn trọng người nói và thu phục sự hợp tác trong công việc.

 

Lắng nghe kết hợp quan sát còn có thể nghe được những gì mà người ta không nói bằng lời. Lắng nghe sẽ làm thỏa mãn người nói, thể hiện mình tôn trọng người nói. Lắng nghe sẽ nhận nhiều thông tin dẫn tới việc ra quyết định chính xác hơn. Lắng nghe người khác sẽ làm cho người khác có cảm tình với mình, thân thiện với mình khi làm việc. lắng nghe làm cho mình nắm bắt chính xác tính cách, tính nết và quan điểm của người nói chuyện. Lắng nghe giữa hai bên tạo không khí trao đổi thẳng thắn, hiểu nhau dẫn tới giải quyết mâu thuẫn, tìm kiếm giải pháp nhanh hơn. [4]

 

Khi có dịp ngồi trò chuyện với nhau, hai người phải chăm chú quan tâm lắng nghe bạn mình nói, vì nghe người khác nói mình mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng hay ý nghĩ sâu kín của người kia. Lắng nghe sẽ giúp ta đạt được nhiều ích lợi, chẳng hạn: Giúp ta giải quyết được nhiều vấn đề khúc mắc; giúp ta hiểu được người khác vì họ sẽ bộc lộ con người thật của họ trong khi họ nói chuyện; giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai người; giúp ta thu thập được nhiều thông tin hữu ích nhờ đó ta có quyết định chính xác kịp thời…

 

Hãy tranh luận ôn hòa

 

Tránh tối đa những xung đột trong giao tiếp. Chúng ta biết rằng, trong đời sống vợ chồng, không phải lúc nào mối tương quan giao tiếp cũng trơn tru, suôn sẻ cả đâu. Có những lúc vì một lý do bất đồng hay bất bình nào đó mà vợ hoặc chồng hay cả hai người đều nổi nóng. Sóng gió bắt đầu nổi lên. 

 

Khi hai người bắt đầu đi vào cuộc tranh luận nảy lửa, tốt nhất cả hai đều nên bình tĩnh, nhường nhịn nhau. Ca dao VN có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Nếu vợ hay chồng cứ khăng khăng bảo vệ ý riêng chủ quan của mình mà không chịu hòa giải, nhượng bộ thì “chiến tranh” sẽ nổ to! Khi một bên nóng nảy, bên kia cần nín nhịn, đợi cho nguôi giận, bình tĩnh trở lại rồi mới trao đổi quan điểm với nhau.

 

Người ta nói rằng, tranh cãi luôn là một phần của mọi cuộc hôn nhân. Tranh cãi, tranh luận là chuyện bình thường. Nhưng nếu các cặp đôi thất bại trong việc thỏa hiệp thì thường là do sự ích kỷ và hiếu thắng của bản thân. Bên nào cũng muốn phe kia thay đổi. Ai cũng cho mình là đúng, đối phương sai. Một khi ai cũng bảo vệ ý riêng mình mà không chấp nhận dung hòa thì từ tranh luận sẽ chuyển sang tranh cãi, và cuộc tranh cãi thường trở nên căng thẳng. 

 

Trên thực tế, không cặp vợ chồng nào mà không có lúc cãi vã, xung khắc nhau. Đó là điều tất nhiên. Vì hai người là hai cá thể khác biệt. Cá tính khác nhau. Tính cách khác nhau. Học vấn khác nhau. Sở thích khác nhau. Cảm xúc khác nhau. Quan điểm nhân sinh khác nhau vv. Họ chấp nhận sống chung là vì họ yêu nhau và muốn đem lại hạnh phúc cho nhau. Lúc đó, họ phải thấu hiểu nhau và học cách nhượng bộ nhau.

 

Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Một danh nhân đã nói, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”.

 

Trong cuộc sống chung, hằng ngày có vô vàn những điều trái ý nhau, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống, sinh hoạt, giải trí, giờ giấc…đến những vấn đề lớn như việc chi tiêu trong gia đình, việc dạy dỗ con cái, việc ứng xử với cha mẹ (chồng/ vợ), với họ hàng hai bên…nếu cả hai bạn chỉ biết bảo lưu ý kiến riêng của mình thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Thực ra, không nhất thiết hai người phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhưng ít nhất họ cần bàn tính sao để cuối cùng có tiếng nói chung, vừa lòng cả đôi bên… 

 

Vợ chồng khi cãi nhau đừng quên điều này là, dù yêu thương cách mấy cũng khó có đôi vợ chồng nào mãi mãi hòa thuận. Thế nhưng việc gì cũng nên có chừng mực, mỗi khi cãi vã xong, cả hai nên dành chút thời gian để hòa giải một cách ôn hòa. Nhiều cuộc hôn nhân sẽ tốt hơn nếu người chồng và người vợ hiểu rõ ràng rằng họ đang ở cùng một bên chứ không phải ở hai phe đối lập.

 

Lời nói chẳng mất tiền mua…

 

Lưu ý tới tới lời nói, cách nói và giọng nói. Chúng ta biết rằng, trong giao tiếp vợ chồng lời nói và cách nói có tác dụng rất lớn tới mối quan hệ phu thê. Nhiều khi chuyện chẳng có gì, nhưng vợ hay chồng đưa ra những câu nói có tính chê bai hay chỉ trích khiến bạn đời mình khó chịu và bị tổn thương.

 

Chẳng hạn, khi ăn một món ăn ngon, thay vì khen ngợi tài khéo của vợ, thì chồng lại lạnh lẽo chê bai hay không thèm đụng đũa tới. Hay trường hợp người chồng đi làm về mệt nhọc và đói bụng, người vợ thay vì nói một câu hỏi thăm sức khỏe hay tình hình công việc thế nào thì lại tỏ vẻ khó chịu vì chồng về trễ ít phút, thậm chí có khi còn quay lưng làm việc khác, coi như không có sự hiện diện của chồng. Những người nhạy cảm luôn cảm thấy đằng sau một lời nói hay một thái độ luôn ẩn chứa một thông điệp nào đó, hoặc tốt đẹp hoặc tệ hại. Một lời cám ơn, một lời xin lỗi có ý nghĩa rất lớn đối với tình cảm và sự yêu thương của đôi bạn trong sinh hoạt đời thường.

 

Không ai trong chúng ta lại không thích nghe những lời êm ái hòa nhã hơn là những lời đốp chát, thô lỗ. Nói năng dịu ngọt, chọn lựa từ ngữ không có nghĩa là nói lời gian dối, không đúng sự thật. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trong giao tiếp, ta phải biết lựa lời để mà nói để người được hài lòng, có nghĩa là vẫn cùng một ý tưởng, một quan điểm nhưng được cố gắng diễn đạt, trình bày theo cách êm ái, hòa nhã nhất.

 

Phong cách nói năng là một lợi thế không tốn kém, nhưng thường có thể mang lại cho ta những kết quả tốt đẹp không ngờ. Vì khi ta chú ý lựa chọn cách nói năng hòa nhã, trước hết ta giữ được sự thanh thản, sáng suốt của chính mình. Thói quen nói năng hòa nhã là một trong những phương thức hữu hiệu để tu dưỡng tính tình. Như vậy, chúng ta vừa tránh làm thương tổn người khác mà đồng thời cũng có lợi cho chính bản thân mình.

 

Khi vấn đề được trình bày theo cách ôn hòa, người nghe sẽ dễ chấp nhận hơn vì điều đó tỏ ra là họ đang được tôn trọng. Ngay cả khi có sự bất đồng, chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận được một phản ứng êm dịu hơn.

 

Nói năng hòa nhã cũng là cách rất tốt để ta luôn tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Khi ta nói, ta biết mình đang muốn nói gì và nên nói ra như thế nào. Bằng cách đó, chúng ta ý thức đầy đủ về bối cảnh giao tiếp hiện tại mà không bị chi phối bởi bất cứ định kiến hay sự lơ đễnh nào.Nói năng theo cách nặng nề, thô lỗ thường là do thói quen tập nhiễm lâu ngày.

 

Nói năng hòa nhã cũng là một thói quen ngược lại mà ta hoàn toàn có thể tạo ra được. Để có được hạnh phúc trong cuộc sống, chúng ta không thể không quan tâm đến việc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

 

Trong gia đình, chồng không nên có thái độ gắt gỏng, nạt nộ vì tính cách đó chẳng bao giờ làm đẹp lòng ai. Có điều gì lầm lỡ, những lúc vắng vẻ bảo nhau còn có lợi hơn nhiều, dễ cảm hóa hơn. Phụ nữ bao giờ cũng thích nghe những lời dịu dàng, êm tai và thích có những sự vỗ về nho nhỏ. Thân mật, nhưng đừng suồng sã, không nên có hành động lỗ mãng đối với vợ, cả trong những lúc kín đáo nhất.

 

Trong khi đó, vợ phải biết tôn trọng chồng. Sức mạnh của phụ nữ là khéo léo, mềm mỏng, uyển chuyển trong cư xử. Bất cứ lúc nào, người vợ cũng phải ghi tâm, khắc cốt rằng mình là người yêu, là người tình, là bạn đời chứ không phải kẻ giám sát, điều hành của chồng minh. Đừng coi chồng là đứa trẻ con cũng đừng khinh thường chồng. Người phụ nữ thông minh và khôn ngoan thì biết rằng một lời nói ngọt ngào dễ chịu, một lời tán dương chân thực, một câu khen ngợi đúng lúc sẽ có giá trị ngàn vàng… ./.

 

Aug. Trần Cao Khải

 

_______________

 

[1]Những quy tắc ứng xử vợ chồng – Alpha Books biện soạn – NXB LĐ-XH Hà Nội 2018 trang 52-53

[2]https://ngoisao.net/thoi-cuoc/ly-hon-tang-vi-o-nha-voi-nhau-qua-nhieu-do-covid-19-

[3]Nguồn: ubmvgd.org

[4]Nguồn: Internet

Lượt xem 100 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *