Vài suy nghĩ về phẩm giá người cao tuổi nhân mùa Covid
8/18/2021 3:09:15 PM
Ai cũng biết, “Sinh, bệnh, lão, tử”, có sinh thì có tử, có lão thì
có bệnh. Do đó, thân phận người cao tuổi luôn gắn bó với sự yếu đuối và bệnh
tật. Theo tâm lý thông thường, lúc còn trẻ chúng ta ít bị “ám ảnh” bởi sự già
yếu và bệnh tật. Nhưng khi về già, chúng ta dễ dàng cảm nhận được ý nghĩa của
câu nói “Tuổi già sức yếu/ gần đất xa trời”. Có thể nói, đến tuổi già chúng ta
luôn phải sống chung với ba “người bạn đời bất đắc dĩ”, đó là bệnh tật, sự cô
đơn và nỗi buồn chán”.
Bs Đỗ Hồng Ngọc, trong tác phẩm “Nếp sống an lạc” đã chia sẻ kiến
thức và kinh nghiệm bản thân, như sau: “Khi đến tuổi 70, người ta thường kêu
là ‘thất thập cổ lai hy’ thì tình trạng xuống dốc rất nhanh và đến tuổi 73-75
thì tuột dốc không phanh…Nó tuột xuống cũng nhanh như lúc đi lên ở tuổi dậy thì
vậy. Lúc đi lên nhanh bao nhiêu thì lúc tuột xuống cũng sẽ nhanh bấy nhiêu, cho
nên khi chúng ta tuột xuống như vậy chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên mới
phải! Cái đó gọi là một ‘vòng đời’ có lên có xuống, có sanh có tử là vậy.”[1]
Ý thức được cái “vòng đời” nó là như vậy nên các vị cao tuổi luôn
được khích lệ để sống an nhiên thời khắc hiện tại đáng quý của mình hơn là
luyến tiếc quá khứ và lo sợ tương lai.
ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI cũng đã nhắn nhủ người già là đừng nhìn lại
quá khứ để thương tiếc trong sự sầu muộn, để rồi coi giai đoạn sống hiện nay
như thời xế chiều. Ngài nhấn mạnh rằng: “Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong
mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những
phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng. Đừng bao giờ để cho mình bị khép kín trong
sầu muộn! Chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sống lâu. Sống, thật là điều tốt đẹp,
kể cả với lứa tuổi chúng ta, mặc dù có một số khó khăn và giới hạn. Ước gì trên
khuôn mặt chúng ta, luôn có niềm vui vì cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu
thương và không bao giờ buồn sầu”.[2]
Có người đã nói, khi người ta 20-30 tuổi thì
người ta còn quá trẻ, 30-40 tuổi thì đang trẻ, 40-50 tuổi hãy còn trẻ, 50-60
trẻ lạ lùng, 60-70 tuổi là trẻ không ngờ và sau 70 là trẻ vĩnh viễn…Nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn cũng có ý kiến sau: “Nói với một người trẻ rằng tôi già
rồi em ạ, là không nên. Không có già, không có trẻ”. Vậy thì ta chẳng có lý
do gì phải bận tâm về cái “già” của mình cả. Cũng chẳng phải mặc cảm về cái tấm
thân gầy héo hay mái tóc bạc phơ làm gì, chẳng qua đó chỉ là dấu ấn của thời
gian mà thôi.
Thực vậy, “Tuổi già là một ân huệ: Kinh Thánh đã ca tụng tuổi
già vì tuổi già là hồng ân của Thiên Chúa, là phúc lành của Chúa (x. St 11,
10-32), người già được kính trọng bởi ‘người đầu bạc thì khôn ngoan’ (Kn 4,
7-15). Sách Châm ngôn viết: ‘đầu bạc là một triều thiên vinh dự’ (Cn 16,31).
Thánh vịnh 92 cũng ca tụng: Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa
sống, cành lá xanh rờn (TV 92,15). Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã
nói: ‘Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì tất cả mọi người có
thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh
giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Phục sinh một cách sâu xa hơn, và được
trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội’.”[3]
Quả vậy, người cao tuổi tuy gần đất xa trời, nhưng họ luôn cảm
thấy mình an bình và hạnh phúc vì đây là giai đoạn đặc biệt của cuộc sống, giai
đoạn khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Nếu nhìn tuổi già trong toàn cảnh
cuộc đời thì ta sẽ thấy rằng chính giai đoạn tuổi cao niên, con người mới thực
sự là chính họ. Họ hiểu chính bản thân họ với thân phận làm người trong kiếp
sống ngắn ngủi. Họ hiểu giá trị cuộc đời hơn. Họ hiểu hạnh phúc là gì và đến từ
đâu. Họ biết trân trọng những biến cố vui buồn trong cuộc sống, bởi đó chính là
nét đẹp đa sắc màu của kiếp nhân sinh.
Trong cuốn “Phẩm giá của người già” (The Dignity of Older
People) có đoạn viết như sau: “Đức thánh GH Gioan Phaolô II sống tuổi già của
người với sự tự nhiên thoải mái dễ chịu. Người không che giấu gì hết, mà còn
biểu lộ ra cho mọi người biết. Với sự hết sức chân thành, người nói: Tôi
là một linh mục già yếu. Người sống tuổi già của người trong niềm tin.
Người không hề để người bị giới hạn bởi tuổi tác.”[4]
Nhân mùa dịch Covid này, chúng ta sẽ suy tư về phẩm giá và thân
phận đặc biệt của người cao tuổi thông qua các ý sau:
1- Người cao tuổi: “Kính lão đắc thọ” thời Covid
2- Người cao tuổi: Nhu cầu lớn nhất là được chăm sóc và yêu thương
3- Người cao tuổi: Già yếu nhưng không phải là đồ bỏ!
* * *
1. NGƯỜI CAO TUỔI: “KÍNH LÃO ĐẮC THỌ” THỜI
COVID
Chúng ta biết rằng, ngày 10-7-2021 vừa qua, chính phủ VN đã triển
khai chiến dịch tiêm ngừa Covid lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân cả
nước. Trong chiến dịch quy mô này, người ta chú trọng tới một số đối tượng ưu
tiên trong đó có người cao tuổi từ 65 trở lên. Sự quan tâm trong việc chích
ngừa này bao gồm việc không bỏ sót cụ nào, chọn địa điểm tiêm an toàn và các cụ
được tiêm thuốc tốt thích hợp (Vd: Moderna), nếu cần y tế sẽ đến tận nhà tiêm,
sau tiêm sẽ được theo dõi cách đặc biệt… Sự quan tâm của nhà nước và toàn xã
hội đối với người cao tuổi như vậy là nhằm bảo vệ sức khỏe cho quý cụ vốn là
nhóm đối tượng “nhạy cảm” với Covid.
Trong bài viết có tựa “Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trước đại
dịch Covid-19” trên tờ báo của BVĐK Long An, người ta cho biết: Người cao tuổi có nguy cơ mắc COVIC-19 cao hơn, bệnh nặng nề hơn,
điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn. Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi
có 6,8 bệnh. Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, sức
đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến
bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra. Do đó việc phòng ngừa sự lây lan bệnh là
giải pháp hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh.
Bài báo viết tiếp: Người cao tuổi là đối tượng rất dễ mắc bệnh và
diễn biến nặng khi có dịch COVID-19 xảy ra. Vì thế phải chú trọng phòng bệnh
cho họ, như: Ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài; thường xuyên rửa tay, vệ sinh nơi
ở sạch sẽ; đeo khẩu trang khi bắt buộc phải đi ra ngoài, tránh tiếp xúc gần với
người khác; bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng, nâng cao đời sống
tinh thần cũng như kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính hiện có để giúp người cao
tuổi đối phó với dịch COVID-19 hiệu quả.[5]
Về phần những người cao tuổi, chắc chắn các cụ cảm thấy yên ủi và
an tâm khi mà trong thời buổi dịch bệnh nguy hiểm này, các cụ được toàn xã hội
quan tâm chăm lo đến sức khỏe một cách thiết thực. Điều này cũng nhắc nhở chúng
ta đến nhu cầu lớn nhất của quý cụ, đó là luôn được chăm sóc chu đáo và yêu
thương tận tình.
2. NGƯỜI CAO TUỔI: NHU CẦU LỚN NHẤT LÀ ĐƯỢC
QUAN TÂM CHĂM SÓC VÀ YÊU THƯƠNG
Chúng ta biết rằng, thế giới đang thay đổi nhận thức về người cao
tuổi.
Từ trước tới nay, rất nhiều người coi người cao tuổi là lớp người
già cần được chăm sóc và trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi thuộc về gia đình.
Từ đó, hầu hết các chương trình, chính sách chỉ thiên về trợ cấp, ưu tiên, thăm
hỏi v.v khiến cho nhiều người cao tuổi ở trong hoàn cảnh khó khăn mà không được
giúp đỡ đúng cách. Rất nhiều nước thiếu chính sách phù hợp với người cao tuổi,
có rất ít hoạt động và các văn bản thỏa thuận, hướng dẫn của LHQ có liên quan
tới người cao tuổi. Điều này đã khiến cho nhiều người cao tuổi không được bảo
vệ trước tình cảnh bị phân biệt đối xử, ít cơ hội hưởng lợi từ các chương trình
phát triển.
Những thiếu sót trên đã được nhiều quốc gia và LHQ nhận ra và họ
đã thống nhất quan điểm là: “Cần phải thay đổi cách nhìn về người
cao tuổi, không chỉ thấy người cao tuổi là nhóm người dễ bị tổn
thương, mà phải thấy người cao tuổi cũng là nguồn lực của xã hội, họ
có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, khả năng, nhiệt tình và lý do để tiếp tục
đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của xã hội”. Chính vì vậy mà từ năm
2010, LHQ đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tìm ra các thiếu sót để sửa sai
và đã có những tiến bộ như nhận xét của ông Eduardo Klien- Giám đốc tổ chức Hỗ
trợ người cao tuổi Quốc Tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là “Đã có
tiến bộ trong nhận thức là phải thay đổi chiến lược tổ chức xã hội để đáp ứng
nhu cầu của xã hội trong bối cảnh già hóa dân số nhanh. Cụ thể là, cần đáp ứng
nhu cầu và phát huy tiềm năng của mọi lứa tuổi trong xã hội”.[6]
Thực ra, không phải chỉ có nhà nước và xã hội quan tâm tới người
cao tuổi, mà chính Hội thánh Công giáo cũng luôn nhắc nhở và bày tỏ sự ưu ái
đặc biệt đối với thành phần đáng kính này. Tin cho biết, vào lúc 10 giờ sáng
Chúa nhật 25-7-2021 vừa qua, tại đền thờ thánh Phê-rô, Đức TGM Rino Fisichella,
Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã thay mặt Đức Thánh
Cha chủ sự Thánh lễ “Ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi” lần thứ
nhất.[7]
Trước đó, vào ngày 22-6-2021, Tòa thánh đã công bố “Sứ Điệp
ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ nhất”.[8] Qua
Sứ điệp này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô muốn nói lên sự gần gũi và quan tâm đầy
yêu thương của Giáo hội đối với quý ông bà và người cao tuổi, mà ngài cũng là
một người trong số đó. Ngài đặc biệt kêu gọi người cao tuổi tiếp tục cống hiến
trong khả năng của mình cho Giáo hội và cho thế giới, bởi vì “ không có
tuổi hưu đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng”.
Ngài cũng nhắc nhở : “Ơn gọi của chúng ta là gìn giữ cội
nguồn, là truyền đạt đức tin cho giới trẻ và chăm sóc các trẻ nhỏ”. Vì thế,
ngài tha thiết kêu gọi : “Chúng tôi cần ông bà để xây dựng thế giới
ngày mai, trong tình huynh đệ và tình bạn xã hội”. Và Đức Thánh Cha đưa ra
ba trụ cột mà người cao tuổi có thể làm tốt nhất : “Trong số các
trụ cột khác nhau sẽ phải nâng đỡ công trình xây dựng mới này, có ba trụ cột mà
quý ông bà có thể giúp đỡ tốt hơn bất cứ ai. Ba trụ cột : ước mơ, ký ức và
cầu nguyện.”
Được biết, “Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi” do ĐTC
Phan-xi-cô thiết lập, và được chỉ định mừng vào Chúa nhật thứ tư của tháng Bảy
(năm nay rơi vào ngày 25/7/2021).
Trong bài giảng Thánh lễ sáng Chúa nhật 25-7-2021, tại đền thờ
thánh Phê-rô, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền
giảng Tin Mừng, đã thay mặt ĐTC Phan-xi-cô chủ sự Thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà
và Người cao tuổi lần thứ nhất. Trong bài giảng soạn sẵn của ĐTC trong dịp này,
có đoạn hướng về các thế hệ con cháu, ngài đặt vấn đề như sau: “Còn chúng ta
thì sao? Chúng ta thấy ông bà và những người cao tuổi của chúng ta như thế nào?
Lần cuối cùng chúng ta đến thăm hoặc gọi điện thoại cho một người cao tuổi để
thể hiện sự gần gũi của chúng ta và được lãnh nhận điều tốt từ những điều họ
nói với chúng ta là khi nào?”
Đức Thánh Cha cũng chia sẻ thêm: “Tôi lo lắng khi nhìn thấy một
xã hội toàn những con người chuyển động liên tục, quá bị cuốn hút vào những
công việc của riêng họ và không có thời gian cho một cái nhìn lướt qua, cho một
lời chào hay một cái ôm. Tôi lo lắng về một xã hội nơi các cá nhân chỉ đơn giản
là một phần của một đám đông vô danh, nơi chúng ta không còn có thể tìm kiếm và
nhận biết nhau. Ông bà của chúng ta, những người đã nuôi dưỡng sự sống
của chúng ta, giờ đây khao khát sự quan tâm và tình yêu của chúng ta; họ mong
mỏi sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt lên và thấy họ,
ngay cả như Chúa Giêsu nhìn thấy chúng ta”.
Cũng theo nội dung bài giảng trên, ĐTC Phan-xi-cô đã kêu gọi các
người trẻ, như sau: “Chúng ta đừng đánh mất ký ức được những người già gìn
giữ, bởi vì chúng ta là những đứa trẻ của lịch sử đó, và nếu không có gốc rễ,
chúng ta sẽ khô héo. Họ bảo vệ chúng ta khi chúng ta lớn lên, và bây giờ trách
nhiệm của chúng ta là bảo vệ sự sống của họ, giảm bớt khó khăn của họ, quan tâm
đến nhu cầu của họ và đảm bảo rằng họ được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày và
không cảm thấy cô đơn”.
Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu hãy tự hỏi
mình: “Tôi đã đến thăm ông bà, những người thân lớn tuổi của tôi, những
người lớn tuổi trong khu phố của tôi chưa? Tôi đã lắng nghe họ chưa? Tôi đã
dành thời gian cho họ chưa?” Và ngài kêu gọi: “Chúng ta hãy bảo vệ họ,
để không có gì trong cuộc sống và ước mơ của họ có thể bị mất. Mong
rằng chúng ta không bao giờ hối tiếc rằng chúng ta đã thiếu quan tâm đến những
người yêu thương chúng ta và đã cho chúng ta sự sống”.
3. NGƯỜI CAO TUỔI: GIÀ YẾU NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ ĐỒ BỎ!
Trong bài giảng Thánh lễ “Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi
lần thứ nhất tại Vatican” (ngày 27-5-2021), ĐTC Phan-xi-cô đã nhấn mạnh tầm
quan trọng của việc chia sẻ giữa người già và người trẻ. Ngài nhắc nhở rằng
người già không phải là thức ăn thừa hay đồ bỏ đi, nhưng là ký ức, là cội nguồn
của người trẻ. Ngài viết: “Ông bà và người già không phải là đồ thừa của
cuộc sống, không phải là đồ vụn vặt bỏ đi. Họ là những mẩu bánh quý giá còn sót
lại trên chiếc bàn cuộc sống và vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương
thơm mà chúng ta đã đánh mất, hương thơm của ký ức.”[9]
Ngoài ra, trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân ngày thế
giới ông bà và người cao tuổi lần thứ nhất công bố ngày 22-6-2021, ngài cũng đã
nhấn mạnh: “Không có tuổi hưu đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng”. Và
ngài đã viết:
“Không quan trọng tuổi tác của ông bà, nếu ông bà còn tiếp tục
làm việc hay không, nếu ông bà đã ở một mình hay vẫn đang còn một gia đình, nếu
ông bà đã trở nên cụ bà hay cụ ông từ rất sớm hay muộn hơn, nếu ông bà vẫn còn
độc lập hay đang cần sự trợ giúp, vì không có tuổi hưu đối với sứ mạng loan báo
Tin Mừng, truyền đạt truyền thống cho các cháu. Cần phải lên đường và, nhất là,
đi ra khỏi chính mình để thực hiện điều gì đó mới mẻ.
“Vì thế, cũng có một ơn gọi đổi mới đối với ông bà vào một thời
điểm then chốt của lịch sử. Quý ông bà sẽ tự hỏi : điều này làm sao có thể
được? Năng lượng của tôi đang cạn dần và tôi không tin có thể làm được điều gì
lớn lao.
“Làm sao tôi có thể bắt đầu cư xử cách khác đi
khi thói quen đã trở thành quy luật của cuộc sống của tôi? Làm sao tôi có thể
cống hiến cho những người nghèo hơn khi tôi đã có biết bao lo âu cho gia đình
tôi? Làm sao tôi có thể mở rộng chân trời của tôi khi thậm chí tôi không còn
rời nơi cư trú của mình được nữa?
“Sự cô đơn của tôi không phải là một gánh nặng
quá nặng sao? Có bao nhiêu người trong ông bà đặt cho mình câu hỏi này :
sự cô đơn của tôi không phải là một gánh nặng quá nặng sao? Nicôđêmô đã đặt một
câu hỏi tương tự cho chính Chúa Giêsu khi ông hỏi Ngài : ‘Làm sao một
người có thể sinh ra khi đã già?’ (Ga 3,4). Chúa trả lời, điều đó là có thể
được, bằng cách mở tâm hồn ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi nơi
đâu Ngài muốn. Chúa Thánh Thần, bằng sự tự do của mình, đi khắp nơi và làm
những gì Ngài muốn.”[10]
ĐGM GB. Bùi Tuần, nguyên GM Chính tòa giáo phận Long Xuyên, trong
bài viết tựa “Sự cộng tác của những vị cao niên trong chương trình Chúa
Thánh Linh” đã chia sẻ như sau: “Tôi hay nghĩ về tuổi già. Tôi tin rằng:
Những người cao tuổi, tuy sức khỏe và nhiều khả năng bị xuống cấp, nhưng vẫn có
thể cộng tác với Chúa một cách đắc lực trong việc cứu độ và xây dựng ích chung.
Ích chung của gia đình xóm ngõ, ích chung của địa phương đất nước, ích chung
của giáo xứ và Hội thánh… Tôi thấy rằng: Chúa Thánh Thần đang hoạt động mãnh
liệt nơi nhiều người già cả, yếu liệt của chúng ta. Xã hội tưởng họ ít còn khả
năng phục vụ. Nhưng họ đang phục vụ rất nhiều: Bằng cầu nguyện, bằng gương
sáng, bằng kinh nghiệm cuộc đời, bằng những lời nói việc làm và những xử sự đầy
ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.”[11]
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn
những bổn phận gia đình Ki-tô hữu cũng đã nêu rõ: “Hoạt động mục vụ của
Hội Thánh cần phải khuyến khích mỗi người biết khám phá và coi trọng vai trò
của những người già trong cộng đồng dân sự và Hội Thánh, và cách riêng trong
gia đình. Thật ra, cuộc sống của những người già giúp chúng ta thấy
rõ bậc thang các giá trị nhân bản, nó cho thấy sự tiếp nối các thế hệ và là một
bằng chứng tuyệt diệu về sự tùy thuộc lẫn nhau trong Dân Thiên Chúa. Những
người cao niên thường có đặc sủng để lấp đầy những hố phân cách giữa các thế hệ
trước khi những hố sâu ấy được đào ra: biết bao trẻ em đã gặp được sự thông cảm
và tình thương trong đôi mắt, trong những lời nói và những âu yếm của những lời
sách thánh này: ‘Triều thiên của ông bà chính là con cháu của họ (Ga 17,6)’…”
(FC số 27).
Thay lời kết
ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui Tình yêu)
số 191 đã viết: “…’Đừng vứt bỏ con lúc tuổi già; đừng bỏ rơi con
lúc con đã lực tàn sức yếu’ (Tv 71:9). Đó là lời van xin của người cao niên, sợ
bị quên lãng và từ bỏ. Như Thiên Chúa đã yêu cầu ta trở thành phương thế để
Người nghe thấy tiếng than của người nghèo thế nào, Người cũng muốn ta nghe
tiếng kêu của người cao niên như vậy. Điều này nói lên một thách đố cho các gia
đình và cộng đồng, vì ‘Giáo Hội không thể và không muốn sống theo não trạng nôn
nóng, nhất là não trạng dửng dưng và khinh miệt, đối với tuổi già. Ta
phải đánh thức một lần nữa cảm thức biết ơn, biết đánh giá cao, biết hiếu khách
một cách tập thể nhằm làm cho người cao niên cảm thấy như đang là thành phần
sống động của cộng đồng. Các người cao niên của chúng ta đều là những
người đàn ông đàn bà, những người cha người mẹ, đến trước chúng ta trên chính
con đường ta đang đi, trong chính căn nhà ta đang ở, trong cuộc đấu tranh hàng
ngày của ta để có được một cuộc sống đáng sống’. Thực thế, ‘Tôi sẽ yêu thương
xiết bao một Giáo Hội biết thách thức nền văn hóa vứt bỏ bằng một niềm vui tràn
trề của cái ôm mới giữa người trẻ và người già!’.”[12]
Aug. Trần Cao Khải
[1]
x. BS Đỗ Hồng Ngọc – Nếp sống an lạc – NXB Văn hóa Văn nghệ TP.
HCM năm 2016, trang 179
[11]
ĐGM GB. Bùi Tuần – Được chọn và sai đi – GP Long Xuyên 2003 –
trang 236, 239
Lượt xem 206 Lần