Thủa trời đất nổi cơn phong tỏa

Những ngày cách ly, không gian vắng vẻ, không khí tĩnh lặng như thời hoang sơ. Ai cũng cảm thấy một bầu khí trầm mặc, thời gian như chậm lại, biến mỗi người thành một “ẩn sĩ” trầm tư mặc tưởng.

Không còn tiếng chuông ngân vang sớm tối. Không còn tiếng ồn ào xe cộ qua lại. Không còn tiếng động của người ra vào quán xá. Không còn tiếng vội vã của người qua lại bên đường. Không còn tiếng ngân rao của những hàng rong. Không còn tiếng hoạt động của các nhà máy. Không còn tiếng nhạc đó đây. Không còn tiếng nô đùa của trẻ em… Mọi người đóng cửa tự nhốt mình trong nhà như tù nhân. Thành phố vắng lặng như trên một hành tinh xa lạ…

Cuộc chiến vô hình nhưng khốc liệt, một cuộc tàn sát dã man, người ra đi trong cô đơn, cô độc, không người yêu thương bên cạnh để an ủi, trăng trối, không người thân gần kề để vuốt mắt tiễn đưa…

Cách ly, mọi hoạt động phải ngưng trệ, mọi tính toán phải dừng lại, và con người bị giam lại trong chính ngôi nhà của mình.

Ở nhà làm gì ? Mỗi người đều có câu trả lời riêng cho mình, nhưng một điều mà ai cũng có cảm giác là thời gian thật thừa thãi, khiến tâm trạng luôn thấp thỏm, sốt ruột, chán ngán, bẳn gắt, uể oải, nhàm chán ngay cả những việc giải trí mà trước đây cho là thú vị.

Cách ly để hưởng nhàn chăng?

Xưa kia các vị quan hoặc người “bất đắc chí”, cũng như các văn nhân thi sĩ, ai cũng muốn chọn cho mình cuộc sống nhàn cư lúc về hưu. Đây là một triết lý nhàn của người trí tuệ, biết sống, biết chọn lựa sau khi đã cống hiến cho đời, đôi khi họ gặp thời thế không biết trọng dụng người hiền tài. Cuộc sống nhàn của họ là sống hòa mình với thiên nhiên, với vẻ đẹp thanh tao của cảnh vật, với ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống thăng hoa. Thường họ có niềm vui lao động với vườn hoa cây kiểng, vườn rau ao cá, với “một mai, một cuốc, một cần câu”…. Họ sống xa rời vòng danh lợi, không muốn bon chen để mưu cầu vinh hoa phú quý.

Nhưng hôm nay với cách ly, giãn cách xã hội, khiến con người nhàn chảy, nhàn phát ngán, nhàn ươn cả người. Trạng thái “nhàn” này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, do các cơ quan không được hoạt động đầy đủ, cộng với tinh thần trở nên tiêu cực, nhiều bệnh tật nguy cơ tăng cao. Ai cũng mong được một cuộc sống nhàn nhã, Nhưng khổ nỗi cứ nhàn hạ lại gặp phải những vấn đề không ngờ tới, nhiều vấn đề rắc rối phát sinh, tư tưởng tiêu cực ám ảnh, sinh ra những hành vi thiếu kiểm soát trong tiêu cực. “Nhàn cư vi bất thiện” chính là ở điều này.

Dịch bệnh tràn lan, cách ly, giãn cách khiến mọi người bị nhốt trong nhà, mọi việc phải ngưng trệ… Điều này gây ra sự bức bối cho con người, vì không phải ai cũng có điều kiện để thích ứng được trong biến cố này, lại ít người có sự chuẩn bị tâm lý trong tình huống “ăn không ngồi rồi” ngày này qua ngày khác.

Ăn rồi ngủ quá nhiều, nằm quá nhiều, ngồi quá nhiều, cả ngày chẳng biết làm gì, dần sẽ khiến cơ thể con người trở nên trì trệ. Càng không làm gì, càng thấy mệt mỏi uể oải. Càng mệt mỏi uể oải, càng không muốn làm gì. Đây là một vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Trên truyền thông có đề cập đến nhiều trường hợp do giãn cách xã hội, nạn bạo lực gia đình gia tăng, bệnh trầm cảm phát sinh, trẻ em nghiện game, tụ tập ăn nhậu gây ra nhiều mâu thuẫn, ma túy có cơ hội hoạt động…

Muốn tiêu trừ những tiêu cực của cái “nhàn cư vi bất thiên” chỉ còn mỗi cách là tìm cái tích cực để thay vào. Tích cực trong suy nghĩ (lạc quan), trong ý hướng, trong cảm xúc, tích cực trong hành động bằng việc làm ý nghĩa và hữu ích.

Ai cũng có thể tìm cho mình những điều tích cự trong cuộc sống, một khi mình có ý hướng và ước muốn vươn lên, giải tỏa và giải thoát được những vấn đề xem ra đang bế tắc. Bước đầu cần tránh những suy nghĩ và nỗi ám ảnh về viễn cảnh đen tối của cuộc đời, đen tối của xã hội, dù rằng thực tế khá bi đát.

Nhưng điều tích cực nhất trên cả tích cực, đó là có tinh thần yêu thương, cảm thông, tha thứ, rộng mở tâm hồn với cả trời đất và muôn người muôn vật, trước tiên đối với người trong nhà, vợ chồng, con cái, anh em, xóm giềng, đất nước…

Mùa dịch bệnh, đã có nhiều người lăn xả vào việc từ thiện, bác ái. Đã có nhiều vị dấn thân vào bệnh viện để phục vụ các bệnh nhân. Đây là những việc hy sinh cao cả, lý tưởng, làm cho xã hội được ủi an, băng bó và xoa dịu những thương tích của xã hội đang gặp phải. Họ là những chứng nhân sống động của Đức Giêsu Kitô giữa trần gian. Thiết tưởng, những ai đang nhàn hạ trong thời giãn cách, cách ly, hãy cầu nguyện và kết hiệp tinh thần với họ, dù một phần thôi, “nhàn cư vi bất thiện” cũng dần bị đẩy lui.

Mặt khác, cách ly là dịp để con người biết thinh lặng nội tâm, để nhìn lại mình, một cơ hội quý giá, dù rằng bất đắc dĩ, nó ở ngay trong tâm hồn mỗi người nhưng nhiều khi lại không nhận ra, không đánh giá đúng giá trị của nó. Một cơ hội TĨNH TÂM qua bao năm tháng ồn ào với mọi lo toan cuộc sống.

Cách ly phải giết thời gian?

Thời gian cách ly, có những người còn tìm cách để quên bằng cách giết thời gian. Khái niệm về “giết thời gian” chẳng còn áp phê với thời gian thừa thãi của những ngày cách ly, giãn cách nữa. Nó không như trước đây, giết thời gian như là một điều hay, điều quý nên làm của nhiều người, nhưng nay nó trở nên vô giá trị.

Phải chăng đây là khoảng thời gian xem ra hoang phí, vô tích sự, đang hủy hoại con người ?

Chỉ cần có chút suy nghĩ tích cực, sẽ nhận ra ngay thời gian rảnh rỗi trong mùa dịch với giãn cách, cách ly có những điều hữu ích mà trước đây con người không có cơ hội nghĩ tới và thực hiện.

Đây là là dịp hiếm có để nhận ra gia đình là một tổ ấm thực sự, là mái nhà với những người thân yêu mang lại sự ủi an, tha thứ, ý nghĩa cho cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho đời mình. Nó không thể có được ở bên ngoài, dù với sự thành công, với những người thân thiết nhất trong môi trường xã hội. 

Đây là dịp để con người kiểm tâm về mình, nhận ra những dại dột, thiếu sót, nhầm lẫn, đánh mất cơ hội, những vấp ngã, sa lầy… đã qua.

Đây là dịp để con người thể hiện tình yêu thương với người thân yêu trong gia đình bằng những việc làm cụ thể nhất, như việc chăm sóc nhau. Là dịp để vợ chồng cảm thông, tha thứ và yêu thương nhau; hiểu được con cái hơn, giúp nhau cải thiện và thăng tiến hơn. Là dịp bù lại những thiếu sót trong việc ăn ở đối xử với người thân yêu trong gia đình, giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau. Với Người Kytô hữu, nhận ra đây là một Giáo Hội Tại Gia rõ nét nhất, trong việc đọc kinh, cầu nguyên chung, Thánh Lẽ trực tuyến trong gia đình.

Đây là dịp thực hiện những sáng tạo trong công việc, tham gia bếp núc, bố trí sắp xếp lại đồ dùng trong gia đình. Dịp thực hiện những việc thú vị cho bản thân, như đọc sách, viết lách, sáng tác, nghe nhạc nhẹ. Thực hiện một luống rau xanh, cây cảnh, sản phẩm trang trí, một món đồ chơi, một cảnh quan trong nhà, ngoài sân, sửa chữa vật dụng, bố trí và thay đổi cảnh vật quanh nhà, trong phòng…

Như vậy còn thời gian đâu nữa để mà giết, mà ai muốn giết cũng chẳng giết được, chỉ thấy nhàm chán vô vị, chán ngán, xem ra bất hợp lý và phi nhân bản. Thời gian luôn là “vàng bạc” trong nghĩa tích cực của nó.

———————

Một cách nào đó có thể nói: “đất nước đang lâm nguy”. Nhiều linh mục, tu sĩ, thiện nguyện viên đã lên đường để phục vụ cho bệnh nhân, noi gương Đức Kitô, sẵn sàng chết vì tình yêu cho danh Cha được cả sáng, chiếu soi mặt đất u tối bởi sự dữ đang vây hãm nhân loại. Các vị hy sinh như những vị tử đạo, sẽ được ghi tên vào sổ Nước Trời.

Trong biến cố đau thương của dịch bệnh, đây là dịp để những người có điều kiên thể hiện tình người, tương thân tương ái, tình bác ái… với bao người khó khăn, thiếu thốn, đói ăn trong mùa đại dịch Covid-19 này.

Là Kytô hữu, hãy sám hối và nguyện cầu cùng Thiên Chúa, nhân danh Đức Giêsu Kitô, ban cho nhân loại và đất nước được an lành, đẩy lùi dịch bệnh. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse cứu giúp quê hương VN đang khốn khổ lầm than.

Xin cho những người đang dấn thân phục vụ người bệnh, các nhân viên y tế, được can đảm, đủ sức mạnh và tình yêu thương, tận tình phục vụ các bệnh nhân.

Xin cho các người lãnh đạo đủ sáng suốt và khôn ngoan, có những chính sách và quyết định đúng đắn, kịp thời giúp đất nước đang gặp khủng hoảng nhiều mặt, vượt qua gian nan khốn khó này.

Hàn Cư sĩ
https://dongten.net/2021/08/22/thua-troi-dat-noi-con-phong-toa/

Lượt xem 178 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *