Tại sao lại phải ‘Về Quê’ để ‘Ăn Tết’?

Tại sao lại phải ‘Về Quê’ để ‘Ăn Tết’?


1/1/2013 2:55:05 PM

Người Á Đông nói chung, và đặc biệt đối với người Việt Nam, chúng ta rất quan trọng về những sinh hoạt truyền thống của gia đình. ‘Ngày lễ Giỗ’, ‘lễ Cưới’, ‘Ngày Tết’ … là những dịp quan trọng để người Việt Nam chúng ta lại có cơ hội để gặp gỡ nhau, để gia đình đoàn tụ, vui chơi.

QUE.jpg

Có một điểm rất khác biệt giữa nền Văn Hóa Á Đông, người Việt Nam chúng ta, và người Tây Phương ở chỗ là; thông thường, người Tây Phương, khi họ có những buổi họp mặt gia đình và bạn bè, họ thường tổ chức tại công viên, nhà hàng, bãi biển, hay tại những khu du lịch, để họ cùng nhau tiệc mừng và vui chơi giải trí. Văn hóa người Việt Nam chúng ta đa phần thì lại khác, chúng ta thường ‘kéo nhau’ về ‘Quê’ trong những dịp đoàn tụ gia đình và bạn bè. Chúng ta vẫn thường hay kháo nhau, ‘về quê ăn giỗ, ăn cưới’, hay ‘về quê ăn Tết.’ Có lẽ cái văn hóa ‘Quê Hương’ này đã trở nên quá quen thuộc đối với chúng ta đến nỗi đôi khi chúng ta chỉ thực hành như một thói quen mà ít ai để ý tới, hay tự hỏi; ‘Tại sao chúng ta lại phải về ‘Quê’ trong những cuộc hội ngộ, những lần gia đình đoàn tụ quan trọng như vậy?’

 

Phải chăng danh từ ‘Quê Hương’ đối với người việt nam chúng ta không còn đơn thuần là một danh từ được dùng để chỉ nơi chốn- địa phương, như được định nghĩa trong tự điển hán- việt. Danh từ ‘Quê Hương’ được dùng để diễn tả tâm tư, tình cảm. Danh từ ‘Quê Hương’ được nhắc đến như muốn gợi lại trong ký ức người nghe hình ảnh thiêng liêng, cao quý, thanh tao, lòng nhiệt huyết, sự mạnh mẽ và cũng lại rất ấm áp nồng nàn. Tôi muốn mời gọi các bạn cùng kiểm chứng những suy nghĩ của tôi vừa trình bày trên đây bằng cách các bạn hãy dành ra một phút để suy nghĩ và cảm nghiệm cái hương vị của những danh từ ‘Quê Hương’, ‘Quê Mẹ’. Có lẽ nếu thời gian mà các bạn dành ra để suy tư về ý nghĩa của những danh từ này càng nhiều, càng lâu bao nhiêu thì các bạn sẽ cảm thấy ý nghĩa của nó càng sâu thẳm, càng bao la và càng rộng lớn bấy nhiêu.

 

Hiểu như thế ‘Quê’ không còn là địa danh, nơi chốn nhưng ‘Quê’ đang hiện hữu trong ký ức của mỗi người chúng ta, ‘Quê Hương, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người’ là vậy đó. ‘Quê Hương’ nghe có vẻ vừa trừu tượng, xa xăm, nhưng lại như vừa quá gần gũi đâu đây. Phải chăng khi nhắc đến ‘Quê Hương’, ‘Quê Mẹ’, ‘Quê’, đưa ta đến một cảm giác thân thương về tình cảm khó quên trong ký ức, một thứ tình cảm bao la rộng lớn, một thứ tình cảm vô bờ bến nhưng có lẽ cũng quá gần gũi trong tầm tay, có lẽ cũng đang ngự trị trong tâm khảm của mỗi con người chúng ta. Đối với tôi có lẽ tình cảm thiêng liêng cao quý mà tôi thường nghĩ mỗi khi nhắc đến ‘Quê’ là tình Mẫu- Tử.

 

Hôm nay, trong tinh thần của những ngày đầu năm mới, mỗi người chúng ta hãy dành ra ít phút để nhìn lại những nghĩa cử cao đẹp mà người Mẹ của chúng ta đã thể hiện cho chúng ta. Khi nhắc tới Mẹ, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta ai ai cũng trào dâng lên trong lòng mình, một cảm giác êm ái dịu dàng, những ấn tượng khó quên, những kỷ niệm yêu thương triều mến, những hy sinh vất vả, những tảo tần mưa gió mà người Mẹ của mình đã và đang dành cho mình, trong từng ngày sống.

 

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ một câu chuyện có thật đã xảy ra cách đây chưa lâu đã làm cho cả thế giới phải cảm kích và khâm phục. Chuyện xảy ra trong một biến cố động đất vào năm 1987 tại bang Xô Viết, cũng như hàng chục ngàn người khác bị chôn vùi trong đống gạch vụn, Bà Suzanna và người con của mình may mắn hơn đã bị kẹt dưới một bức tường bị đổ, chỉ vừa đủ chỗ cho hai mẹ con bà cựa quậy trong bóng tối. Sau hai ngày bị chôn vùi như vậy đứa con của bà kêu lên, ‘Mẹ ơi con khát nước, mẹ lấy nước cho con uống’. Đang khi bị chôn vùi như vậy, lấy đâu ra nước mà cho con mình uống, chính bản thân bà, chắc chắn bà cũng đang mơ đến những giọt nước đó mà không dám nghĩ đến việc có nước để mà uống. Nhưng chỉ vì tiếng kêu khát của đứa con mình, bà đã nghĩ ra một cách mạo hiểm, với bàn tay gầy xương xẩu, bà quờ quạng trong bóng tối và tìm được một mẩu gạch vụn. Bà đã dùng mẩu gạch đó cắt trên đầu một ngón tay của mình, bà đút ngón tay vào miệng con, hy vọng với những giọt máu yếu ớt đó con bà sẽ được đỡ khát. Được một lúc sau, đứa con bà lại kêu khát, bà lại cắt tiếp thêm một ngón nữa và đút vào miệng con mình. Sau vài ngày bị chôn vùi, cả bà và đứa con của bà đã may mắn được cứu sống. Khi người ta hỏi bà là tại sao bà lại làm như vậy, có thể bà sẽ bị chết nếu như không được giải cứu kịp thời. Bà trả lời rất đơn giản, ‘Tôi biết chắc chắn là tôi sẽ chết, nhưng lúc đó tôi chỉ suy nghĩ một điều duy nhất, là làm thế nào để cho con tôi được sống.’ Câu trả lời xem ra đơn giản, nhưng bà sẽ không thốt ra được nếu như nó không được bắt nguồn từ tình mẫu tử xâu thẳm trong tấm lòng của bà.

 

Các bạn thân mến, tình mẫu tử là như vậy đó. Và đó cũng là cái ‘Quê’ của chúng ta đó các bạn ạ. Đó chính là cái nơi mà chúng ta cần phải trở về trong những dịp quan trọng như những ngày đầu năm mới này. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có những kỷ niệm yêu thương êm đềm, mà mẹ mình đã dành cho mình, đã hy sinh cho mình để mình có được những gì như ngày hôm nay, nhất là tình mẫu tử của người Á Đông chúng ta. Có những bà mẹ, suốt đời chân lấm tay bùn, chỉ với ước nguyện là con mình được ăn no mặc ấm. Có những người mẹ, quanh năm tảo tần chỉ vì muốn cho con mình được cắp sách tới trường. Có những người mẹ sẵn sàng để cho thân xác mình bị gầy gò đi, bị hao mòn đi, chỉ vì muốn cho con mình được lớn khôn và xinh đẹp. Có những người mẹ sau một ngày lao động mệt mỏi, vẫn sẵn sàng thức trắng đêm, để lo cho con của mình, khi nó chỉ bị nhức đầu hay chỉ bị cảm nhẹ. Có những bà mẹ quằn quại trong những cơn đau bệnh nhưng không dám khóc than thành tiếng, chỉ vì sợ những đứa con của mình bị phân tâm trong công việc làm ăn, hay sợ ảnh hưởng đến việc học hành của chúng. Có những bà mẹ, quằn quại trong đau bệnh nhưng không dám uống thuốc chỉ vì sợ con mình ngày mai đến trường không có tiền quà sáng. Có những bà mẹ sẵn sàng nhận phần thua thiệt, sẵn sàng nhận lãnh những khinh chê trong xã hội, để con mình được hiên ngang ngẩng mặt nhìn đời, để đường tiến thân cho con mình được rộng rãi thênh thang. Và rồi có những bà mẹ lo cho con chưa xong, lại còn phải lo thêm cho cháu nữa, để những người con của mình được an tâm trong công việc làm ăn.

 

Phải chăng tất cả những nghĩa cử cao quý đó được người Việt Nam chúng ta ngắn gọn hóa bằng hai chữ ‘Quê Hương’. Phải chăng những tình cảm đó được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ưu ái gọi là ‘Một cõi đi về’. Hôm nay nhân những ngày trọng đại bắt đầu của một năm mới, chúng ta hãy dành ra ít phút để tôn vinh mẹ của chúng ta, cho dù còn sống hay đã qua đời. Chúng ta bằng cách này hay cách khác, hãy nói lên lời tạ lỗi với người mẹ của chúng ta, vì đã bao lần chúng ta chưa làm tròn bổn phận của đạo làm con. Chúng ta đã quá dửng dưng và vô tình đối với tình mẫu tử cao vời mà chúng ta đã và đang hưởng được. Sự nâng niu che chở, sự lo lắng vỗ về, sự hy sinh tận tụy, để cho chúng ta được lớn khôn, để con đường tiến thân của ta được rộng rãi thênh thang hơn. “Tôi biết chắc chắn tôi sẽ chết, nhưng tôi chỉ muốn một điều là con tôi được sống” đó cũng chính là câu nói mà người mẹ của mình đã và đang nói bằng chính cuộc sống của các Ngài.

 

Vậy có lẽ quá cần thiết để chúng ta phải trở về cái chỗ ‘Quê’ ấy để ‘Ăn tết’, để tổ chức những buổi đoàn viên. Có lẽ những ngày Tết chúng ta sẽ được thưởng thức những món ăn ngon, những mùi vị thơm nồng của thức ăn, nhưng nếu được hòa chung với sự ấm áp, dịu dàng êm ái của tình Mẹ, thiết nghĩ thực phẩm sống của chúng ta thêm đậm đà bổ ích hơn. Đây cũng là lý do chúng ta cần phải về ‘Quê’ để ‘Ăn Tết’. Để rồi, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho mẹ của chúng ta được an nhàn thư thái, được bớt đi gánh nặng, những nỗi lo sầu khi còn sống, và xin thiên Chúa trả công cho các ngài khi đã qua đời.

ME.jpg  

Chắc chắn Thiên Chúa cũng thấu hiểu sự tận tụy cao vời và cần thiết của tình mẫu Tử, vì thế, khi con một Ngài xuống thế làm người. Thiên Chúa đã lo liệu cho Hài Nhi Giêsu cũng có được một người mẹ trên trần gian là Mẹ Maria. Mẹ Maria là Mẹ của mọi tình mẫu tử, là Mẹ của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy dâng những người đang có được thiên chức làm mẹ, chúng ta hãy dâng những người mẹ của chúng ta lên Mẹ Maria. Xin Mẹ ban ơn can đảm và nghị lực để những người Mẹ của chúng ta, luôn biết sống theo gương của Mẹ. Luôn can đảm và trung thành với tình Mẫu Tử như Mẹ Maria đã dành cho Chúa Giêsu và cho mỗi người chúng ta. Để rồi một ngày kia chúng ta cùng được quy tụ với Mẹ của chúng ta trên ‘Quê Hương’ thật, ‘Quê Hương’ vĩnh cửu của chúng ta trên Thiên Quốc.

 

Nhân dịp Mùa xuân lại về, xin kính chúc tất cả mọi người, mọi nhà một Mùa Xuân vui tươi hạnh phúc. Nguyện xin Chúa Xuân ban cho chúng ta muôn vàn ơn lành hồn xác để chúng ta luôn sống trong yêu thương và phụng sư Chúa nơi những người anh chị em chung quanh, đặc biệt những nguời kém may mắn hơn chúng ta.

 

LM. Giuse Thiện Nguyễn

Davenport, Iowa

Lượt xem 99 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *