Sân khấu và cuộc đời

Sân khấu là nơi biểu diễn các tiết mục nghệ thuật. Qua các tiết mục này, người ta muốn thể hiện “nhân tình thế thái”, chuyển tải những vui buồn sướng khổ và những ước vọng sâu xa của con người. Dù mang nội dung gì đi nữa, các tiết mục biểu diễn trên sân khấu đều do các nghệ sĩ – chuyên hay không chuyên – “đóng vai”, tức là chỉ diễn lại một sự kiện hay một ý tưởng.

Cuộc đời là nơi con người sinh sống với bao nỗi niềm trăn trở. Nơi cuộc đời, con người phải đối diện với sự thật, phải bon chen để tồn tại và vươn lên. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, nhờ cọ sát với đời, mà con người ngày càng trưởng thành để trở nên “người” hơn. Cuộc đời vừa bao dung vừa nghiệt ngã. Bao dung vì nếu ta biết khiêm tốn nhận ra khuyết điểm để sửa mình, thì ta sẽ được mọi người đón nhận; nghiệt ngã vì nếu ta chủ quan và bất cần, thì sẽ có ngày bị nghiền nát tiêu vong.

Gần đây, qua báo chí, chúng ta đọc thấy một số thông tin có liên quan đến các nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ chân chính, sống tư cách và đạo đức. Họ đáng trân trọng vì cuộc sống đời thường của họ rất thanh tao. Nghề nghệ sĩ thường nghèo. Họ vui với cái nghèo và bằng lòng với những đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật. Có những nghệ sĩ vang bóng một thời, nay sa cơ lỡ vận, bị quên lãng và sống nương nhờ người khác. Lại có những nghệ sĩ mang gương mặt nhân hậu trên sân khấu, nhưng lại tráo trở gian dối trong đời thường. Một số người mang danh là “người của công chúng” nhưng lại nổi tiếng ăn chơi, nghiện ngập cờ bạc và thay tình như thay áo. Một vài trường hợp đã xảy ra, đối với diễn viên A, người mẫu B, danh hài C, nổi tiếng trên sân khấu, nhưng khi vi phạm luật giao thông, bị cảnh sát thổi còi, lại cự cãi và buông những lời tục tĩu làm người nghe ngỡ ngàng. Đành rằng nghệ sĩ cũng là con người, nhưng nhân bản và lịch sự là điều tối thiểu đối với hết mọi người, dù người đó là ai. Thế mới thấy, từ sân khấu đến cuộc đời quả là một khoảng cách rất xa.

Cuộc đời cũng không mơ mộng và tràn ngập ánh sáng màu hồng giống như sân khấu. Qua vụ việc lùm xùm có liên quan đến Hãng Phim truyện Việt Nam bị cổ phần hóa, chúng ta gặp lại những nghệ sĩ điện ảnh gạo cội đã có một thời làm nên niềm tự hào của ngành “nghệ thuật thứ 7” của Việt Nam. Những diễn viên đã để lại ấn tượng khó phai trong các bộ phim để đời, nay thể hiện những bức xúc về nghề nghiệp, về đồng lương và những gì có liên quan đến cơm áo gạo tiền. Những gương mặt thường chỉ thấy trên sân khấu và trong phim ảnh, nay quyết liệt đòi quyền lợi và sự công bằng trước những bất công và tình trạng phe nhóm nơi những người lãnh đạo. Đây cũng là một khoảng cách xa vời giữa sân khấu và đời thường.

Cuộc đời cũng được so sánh như một sân khấu rộng lớn bao la. Tất cả mọi người đang sống trên trần thế đều là những “nghệ sĩ” và đang đảm nhận một vai nào đó trên sân khấu mênh mông vĩ đại này. Quả thật, chúng ta dù nghèo hay giàu, dù trí thức hay bình dân, dù ở nông thôn hay thành thị, đi tu hay sống ở đời, tất cả đều đang đảm nhận một vai trò trong cuộc sống. Vai trò này hoàn toàn khác với vai đóng trên sân khấu. Bởi lẽ những gì chúng ta đang sống và đang làm, phải được thực hiện với lương tâm ngay thẳng và với trái tim chân thành. Nếu mỗi người sống trên trần gian đều đang là một “nghệ sĩ” trên sân khấu cuộc đời, thì chỉ có một khán giả duy nhất là Thiên Chúa. Phong cách sống của chúng ta, cùng với cách xử sự, lời nói, kể cả những tâm tư thầm kín, đều được Ngài biết rõ. Tác giả Thánh vịnh đã diễn tả: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả” (Tv 139, 1b-3). Ý thức Chúa luôn quan sát dõi theo từng bước đường đời, sẽ giúp chúng ta thận trọng hơn trong lời nói việc làm. Chúa không theo dõi đường đi nước bước của chúng ta để xử phạt, nhưng để gìn giữ, yêu thương và chúc lành.

Trên sân khấu nghệ thuật, có những vai diễn dở, có những người diễn tốt. Diễn tốt không phải là vì vai của một nhân vật quan trọng, mà do diễn viên biết nhập vai và phản ánh được thông điệp qua vai diễn. Trên sân khấu cuộc đời, cũng có những người thực hiện tốt vai trò của mình, nhưng cũng có những người thất bại chua cay. Thực hiện tốt, không phải vì là người có địa vị quan trọng trong xã hội hay Giáo Hội, mà là người chuyên tâm chu toàn nhiệm vụ được trao phó, mặc dù ở bậc sống nào. Có thể đó chỉ là người cha người mẹ rất bình dân khiêm tốn, nhưng đã chu toàn trách nhiệm dạy dỗ con cái bằng gương sáng đạo đức của mình. Có thể đó chỉ là những người nông dân suốt đời vất vả, nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh tao, sống nhân ái với mọi người. Trong khi đó, có những người được trao phó những nhiệm vụ quan trọng, nhưng lợi lộc vật chất và ham hố quyền lực đã làm họ mờ mắt, biến chất và sau cùng chuốc lấy thất bại đắng cay. Sự kiện một số quan chức đã phải đứng trước vành móng ngựa vì lợi dụng quyền hạn để tham nhũng đã chứng minh điều đó.

Thiên Chúa không chỉ là một Khán giả trước sân khấu cuộc đời. Ngài còn là vị Thẩm phán tối cao và nhân từ. Đến ngày tận thế, mỗi người sẽ phải trả lời trước tòa Chúa vì những việc mình đã làm khi còn sống trên dương gian. Những gì chúng ta làm khi còn sống, sẽ là lý do để lãnh phần thưởng hay chịu hình phạt, vào lúc Thiên Chúa xét xử con người. Ai đong đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy, Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta như vậy (x. Lc 6,38). Vào lúc phán xét, Chúa sẽ căn cứ vào cách chúng ta đối xử với tha nhân để cho chúng ta được sống hạnh phúc đời đời hay trầm luân vĩnh cửu (x. Mt 25, 31-46).

Người nghệ sĩ trên sân khấu chỉ thực hiện một “nghề diễn”, trong khi con người sống trên sân khấu cuộc đời là sống thực. Các vai diễn bao giờ cũng có một kịch bản viết sẵn, chỉ cần học thuộc lời thoại và nhập vai, trong khi các “vai diễn” trên sân khấu cuộc đời chẳng có kịch bản viết sẵn nào, mà phải tự tìm tòi và trau dồi hiểu biết, để có thể đối nhân xử thế một cách xứng hợp. Có những nghệ sĩ trên sân khấu được mọi người biết đến vì một vai diễn thành công, đến nỗi tên gọi của nhân vật trở thành tên gọi của người nghệ sĩ đó. Trên sân khấu cuộc đời, cũng có những người đã thành công “vai diễn” đến nỗi danh thơm của họ được lưu cho hậu thế. Họ là những người đạo hạnh, là niềm tự hào cho con cháu và thậm chí niềm tự hào cho cả một giang sơn. Đó cũng là đời sống tốt lành của các vị thánh. Danh thơm của các ngài lưu truyền cho mọi thế hệ noi theo. Bí quyết thành công của họ thật đơn giản: đó chỉ là mến Chúa yêu người.

Ai đó đã viết, đại ý: Cuộc sống có nhiều cơ hội và thách thức, người có chí thì tìm thấy trong thách thức có nhiều cơ hội và người lười biếng thì chỉ thấy trong cơ hội có nhiều thách thức. Cuộc sống vẫn phức tạp như nó từng phức tạp xưa nay, từ khi con người hiện hữu trên trái đất này. Khám phá ra lợi điểm hay yếu điểm của cuộc sống tùy thuộc ở mỗi chúng ta. Người khôn ngoan không mơ mộng trong đời như đang ở trên sân khấu nghệ thuật, cũng không dựa dẫm vào một kịch bản viết sẵn, nhưng không ngừng khám phá và can đảm vươn lên, tìm lối đi cho riêng mình. Trên sân khấu cuộc đời, người tín hữu tin có Thiên Chúa là Đấng Quan phòng. Ngài luôn gìn giữ và thêm sức cho chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ (Mt 10,29-31). Lời Chúa trên đây giúp chúng ta kiên vững và thành công giữa bao thử thách gian truân để thực hiện tốt vai trò của mình giữa sân khấu cuộc đời.

Tháng 10 năm 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Lượt xem 184 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *