Những ý nghĩa khác nhau của từ ”Nazareth”

Những ý nghĩa khác nhau của từ ”Nazareth”


1/13/2014 6:08:18 PM

Để hiểu từ “Nazareth”, cần phải tính đến toàn bộ Torah văn bản và Torah truyền khẩu (truyền thống Do Thái giáo).

Nazareth.jpg

Nazareth có gốc là từ נָצַר “Natsar” trong tiếng Do Thái, từ này có 3 nghĩa chính:

1- « Gìn giữ »

Trong vô số nghĩa của từ gốc נָצַר “Natsar“, ta thấy có các nghĩa: “gìn giữ, bảo vệ, canh chừng, chăm sóc, nuôi dưỡng …. Như vậy, Nazareth có nghĩa là « người gìn giữ »

2- « Nơi ẩn dật »

Nhưng ý nghĩa tôn giáo của từ này có nghĩa là “nơi ẩn dật”, nó chỉ một nơi thánh thiêng được dành riêng ra trong ngôi nhà của các ẩn sĩ, những người do lời khấn hay do dòng dõi mà có một vai trò tôn giáo và quốc gia (hai vai trò này được liên kết với nhau trong truyền thống Thánh Kinh).

Nằm trong bình nguyên nóng bức Meggido, Nazareth là một nơi ẩn dật

3- « vương miện », nhắc nhớ đến vương gia Đavít, hoặc một người được thánh hiến (nazir), hoặc vị hôn phu đội mũ miện trong ngày cưới.

Như vậy “Nazareth” là gìn giữ cái gì?

Tên “Nazareth” nhắc lại rằng Thiên Chúa là “người gìn giữ” dân mình.

Ngày ấy, các ngươi hãy ca ngợi vườn nho tuyệt diệu. Chính Ta, Đức Chúa, Ta là người canh giữ vườn nho, vẫn đều đặn tưới nước; Ta canh giữ ngày đêm, không cho ai phá hoại.” (Is. 27, 2-3). Lưu ý rằng “vườn nho” là hình ảnh mà các ngôn sứ thường dùng để nói “dân Thiên Chúa”

Thiên Chúa, giàu nhân nghĩa và thành tín, đã « gìn giữ » lòng nhân nghĩa của mình (Xh 34, 7)

Trong văn bản Kinh Thánh bằng tiếng hébreu, các ký lục đã sao chép lại một vài từ bằng “những mẫu tự rất lớn”, tràn ra cả trang sách với mục đích gây chú ý.

Đây là trường hợp của câu 7 chương 34 trong sách Xuất Hành, trong đó nói rằng Thiên Chúa đã “gìn giữ” (“Notse” trong tiếng hébreu) nhân nghĩa của mình với muôn ngàn thế hệ.  Như thế, câu này là một phần trong tuyên bố căn tính mà Thiên Chúa đã nói với ông Môisen: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.

Từ này nằm giữa đoạn liệt kê điều mà người Do Thái gọi là « 13 thuộc tính của Đức Chúa ». Và theo khẳng định của Thầy (rabbi) Eisenberg thì : « Đức Chúa đã nói rằng người Do Thái nào đọc lên 13 thuộc tính này thì Ta sẽ tha thứ cho người ấy!” Từ nhiều thế kỷ qua, khi cử hành đại lễ Yom Kippour (ngày cầu xin tha thứ), người ta đọc và lập lại nhiều lần lời mạc khải này của Thiên Chúa cho dân mình.

Mỗi lần người Do Thái nghe Thiên Chúa tỏ lộ danh tính mình cho Môisen và cho dân Ngài với từ “Notser”, thì họ nghĩ ngay đến tên “Nazareth”.

 Vì không phải là người Do Thái nên các Kitô hữu không biết đến truyền thống lâu đời này: Nazareth là người gìn giữ lòng nhân nghĩa và sự dịu dàng của Thiên Chúa.

Các ý nghĩa phụ: “nơi ẩn dật” và “vương miện” …

Cần phải hiểu đoạn văn giải thích của Thánh Matthêô 2,22: “Người sẽ được gọi là người “Nazareth” khi từ Ai Cập trở về.  “Nazareth” ở đây không phải là từ tiếng Aram mà là từ tiếng hébreu có nghĩa là “được thánh hiến”, “được dành riêng”, và từ đó sinh ra ý nghĩa là nơi ẩn dật, nơi người ta ở ẩn.

Sự tự nguyện ẩn dật được biểu thị bằng việc cắt tóc chỉ để lại một vòng tròn tóc trên đầu như chiếc vương miện. “Nazor” có nghĩa là sự ẩn dật nhưng cũng chỉ vương miện hoặc cái vòng tóc quý giá trên đầu chỉ sự thánh hiến.

Từ Ai Cập trở về (Mt 2,15 và Hs 11, 1) và cũng để trốn tránh con của Hérode đang trị vì tại Giêrusalem, Chúa Giêsu đã ẩn dật tại Nazareth. Sách Khôn Ngoan cũng đã tiên báo lý do rằng tại đây Thiên Chúa đã chăm sóc Chúa Giêsu để Ngài thoát khỏi tay họ cũng như lãnh nhận triều thiên vinh quang và ngọc miện rực rỡ. (Kn 5, 15-16[1]). Có thể gọi Chúa Giêsu là người nhận lãnh vương miện khi ẩn dật tại Nazareth, một hình ảnh được phát triển ở cuối sách ngôn sứ Isaia (Is 61,7-10[2]) và Thánh Vịnh 132 (Tv 132, 17-18[3]).


Lm. Michel Cuënot

 


[1] Người công chính sẽ sống muôn đời. Họ sẽ được Đức Chúa ân thưởng và được Đấng Tối Cao hằng quan tâm săn sóc. Quả vậy, họ sẽ lãnh nhận triều thiên vinh quang dành cho bậc vương giả, và ngọc miện rực rỡ chói ngời từ bàn tay Đức Chúa. Vì họ sẽ được tay hữu Người phù hộ và cánh tay Người như khiên thuẫn chở che.

[2]  Anh em đã lãnh gấp đôi phần tủi nhục, đã chuốc vào thân sự nhục nhằn phỉ báng; bù vào đó, anh em sẽ được lãnh gấp đôi phần gia nghiệp trên đất chúng, và sẽ được niềm vui vĩnh cửu. Vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta chuộng lẽ công minh, ghét chuyện cướp bóc gian tà, nên Ta sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng cho các ngươi, và sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu. Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân, và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa muôn nước. Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết rằng các ngươi là một dòng dõi được ĐỨC CHÚA ban phúc lành. Tôi mừng rỡ phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.

[3] “Nơi đây, Ta sẽ cho Đa-vít một dòng dõi hùng cường, sẽ thắp cho người Ta đã xức dầu phong vương một ngọn đèn luôn luôn cháy sáng. Kẻ thù vua, Ta phủ đầy nhục nhã, còn trên đầu vua, rực rỡ ánh triều thiên.”

 

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Lượt xem 182 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *