Lập trường của Chúa Giêsu đối với chức tư tế
12/16/2012 9:48:41 AM
Khó mà có thể nhận ra vài liên hệ tích cực, bởi vì con người của Đức Giêsu, chức thừa tác và cái chết của Người không đáp ứng ý niệm cổ xưa về chức tư tế. Trước hết vì chức tư tế được dành riêng cho chi tộc Lêvi và có tính cách cha truyền con nối, từ đời cha sang đời con, trong khi Đức Giêsu thuộc chi tộc Giuđa, và không phải là tư tế theo luật Môshê. Trong cuộc sống của Người, Đức Giêsu đã không bao giờ yêu sách cho mình là ”kohen” là tư tế, cũng không hề thi hành chức vụ tư tế, mà chỉ có cung cách hành xử như một tín hữu do thái và như một rabbi.
Sứ vụ thừa tác của Người đã không phải là thừa tác tư tế, mà đúng hơn có tính cách ngôn sứ. Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng Lời Chúa, như các ngôn sứ đã làm. Một đôi khi Người diễn tả bằng các hành động biểu tượng như các ngôn sứ đã làm xưa kia. Còn hơn thế nữa, các phép lạ Người làm nhắc nhớ thời các ngôn sứ Elia và Elideo: chẳng hạn như việc hóa bánh ra nhiều như kể trong chương 14 Phúc Âm thánh Máthêu (Mt 14,13-21) và chương 4 sách các Vua II (2V 4,42-44); cho con gái của một bà góa sống lại như trình thuật trong chương 7 Phúc Âm thánh Luca (Lc 7,11-17) và trong chương 17 sách các Vua I (1 V 17,17-24) và chương 4 sách các Vua II (2 V 4,18-37). Đức Giêsu được thừa nhận như là rabbi, bậc thầy (Mt 22,16; Ga 3,2), như là ngôn sứ và còn hơn thế nữa như là một ”ngôn sứ lớn”. Thánh Luca kể sau khi Chúa Giêsu cho thanh niên con bà góa thành Naim sống lại, ”mọi người đều kính sợ tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16.39; Mt 21,11.46; Ga 4,19; 6,14). Sau khi Đức Giêsu sống lại, tông đồ Phêrô đã tuyên bố rằng Đức Giêsu là ngôn sứ giống như ông Môshê, đã được Thiên Chúa hứa ban cho dân Người, như viết trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 18,18); và lời tiên tri này được thánh Phêrô nhắc lại khi giảng trong Đền Thờ Giêrusalem, như thánh sử Luca kể lại trong chương 3 sách Công Vụ (Cv 3,22).
Thật thế, Đức Giêsu đã tiếp tục truyền thống ngôn sứ, thẳng thắn và nghiêm khắc phê bình khuynh hướng giữ đạo giả hình, vụ hình thức bề ngoài của các tư tế và hàng lãnh đạo Do thái. Chúa Giêsu cũng ít chú ý tới sự trong sạch lễ nghi, như phải rửa tay trước khi ăn. Người bênh vực các môn đệ vì đói đã bất lúa ăn trong ngày sabát là ngày lễ nghỉ, và Người cũng chữa bệnh cho người bị bại tay trong hội đường ngày sabát như thánh Mátthêu kể trong chương 12 (Mt 12,1-13). Trong chương 5 thánh Gioan kể lại chuyện Chúa Giêsu chữa cho người bị bại liệt nằm bên bờ hồ Bếtdatha chờ đợi ròng rã suốt 38 năm, mà không có ai giúp hay nhường cho xuống nước để được lành, khi sứ thần xuống khuấy nước lên. Chúa Giêsu đã bảo anh: ”Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi”, và hôm đó là ngày sabát (Ga 5,1-18).
Và Chúa Giêsu rất hay làm phép lạ trong ngày thứ bẩy là ngày lễ nghỉ của Do thái giáo. Bởi vì đối với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa nhập thể làm người để rao giảng Tin Mừng cứu rỗi, chữa lành tật bệnh cho con người, giải thoát con người khỏi tội lỗi và các ám hại quấy phá của Satan và ma qủy qủy là các hành động hữu hiệu tôn vinh tình yêu thương của Thiên Chúa và là các việc đáng làm nhất trong ngày lễ nghỉ.
Nhưng giới tư tế, đặc biệt là các thượng tế và hàng lãnh đạo Do thái giáo, lại không muốn hiểu như vậy. Chính họ là những người cho phép cứu vớt các con vật rơi xuống giếng trong ngày sabát, nhưng lại không chấp nhận việc Chúa Giêsu, là Thiên Chúa của tình yêu thương, cứu vớt con người trong ngày sabát. Thay vì tán đồng các việc lành chính đáng ấy của Chúa Giêsu, thì họ lại lên án Chúa Giêsu là vi phạm Lề Luật. Thứ tôn giáo và các luật lệ, mà hàng lãnh đạo Do thái tỉ mỉ tuân giữ như nô lệ, đã mất hết tinh thần và sức sống của nó. Khi thấy Chúa Giêsu tái lập sư tinh túy của Luật Lệ, họ nhân danh Luật Lệ để kết án Người và dùng nó như khí giới để giết Chúa Giêsu. Trong khi đối với Chúa Giêsu chỉ có tình yêu, lòng thương xót, sự thứ tha và tình bác ái với con người, với mọi người không phân biệt ai, mới diễn tả đúng ý nghĩa tinh tuyền của Lề Luật, mà Thiên Chúa đã ban cho dân Do thái và qua họ, cho mọi dân tộc toàn thế giới.
Ngoài ra Chúa Giêsu cũng không chấp nhận ý niệm cũ về sự thánh hóa qua các phân chia tách biệt và kiêng cữ theo các luật lệ và lễ nghi do thái. Trong chương 9 thánh Mátthêu kể lại biến cố Chúa Giêsu kêu gọi ông làm tông đồ tại Capharnaum, và Người cùng các môn đệ đến dự tiệc tại nhà ông với nhiều người thu thuế và tội lỗi. ”Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: ”Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: ”Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân thứ, chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,10-13). Chúa Giêsu đã trích lại lời ngôn sứ Hosea: ”Ta muốn lòng thương xót, chứ không cần của lễ” (Hs 6,6) để nhắc cho các Pharisêu giả hình nhớ rằng Người thi hành giáo huấn của các ngôn sứ thời Cựu Ước, mà họ biết nhưng không thi hành, chứ không hề lỗi Luật như họ nghĩ và vu khống cho Người.
Thật vậy, 613 điều luật mà giới lãnh đạo do thái, gồm các Pharisêu, các luật sĩ, ký lục, tư tế, thượng tế và kỳ mục, thêm vào sau này, là do con người bầy ra và áp đặt trên các tín hữu, chứ chúng không đến từ Thiên Chúa. Chính vì thế thứ tôn giáo mà giới lãnh đạo Do thái tuân giữ và giới thiệu không diễn tả trung thực ý muốn của Thiên Chúa. Nó là thứ tôn giáo vụ luật lệ, mốc meo, không sức sống, do con người bày đặt thêm ra, và chỉ là gánh nặng nô lệ hóa chứ không giải phóng và khích lệ đỡ nâng con người trong tương quan với Thiên Chúa và với nhau. Chính dựa trên các điều luật tách rời, phân chia và kỳ thị ấy, họ có các thái độ kinh tởm, khinh bỉ và xa lánh những người tội lỗi, trong đó có các người thu thuế, trộm cắp, đĩ điếm, các mục đồng, các người nghèo khổ thấp kém trong xã hội, cũng như những người đau yếu, đặc biệt là các anh chị em phong cùi, và cả những dân ngoại, trong đó có các người Roma thống trị họ. Nhưng Đức Giêsu thì không. Là Đấng Cứu Thế, hiện thân tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu tiếp xúc với tất cả mọi người, đặc biệt với những người tội lỗi để tha thứ, chữa lành, tái tạo, trao ban cho họ sự sống thật, và dẫn đưa họ trở về Nhà Cha, vào trong Vương Quốc Tình Yêu của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa ưa thích tình yêu, lòng bác ái và thương xót, chứ không ưa các lễ vật sát tế của con người.
Trên bình diện tôn giáo cũ, cái chết của Đức Giêsu lại càng khiến cho khoảng cách lớn hơn nữa giữa Người và chức tư tế cũ của Do thái giáo. Thật vậy, cái chết của Đức Giêsu không có một tương quan nào với phụng tự và nghi lễ cựu ước. Tuy là Thượng Tế, lễ vật được sát tế và bàn thờ, Chúa Giêsu đã không chết trong một nơi thánh, nhưng bên ngoài thành Giêrusalem.
Cái chết bị đóng đinh của Người là một hình phạt hợp pháp, là việc thi hành một án tử hổ nhục. Nó đã không phải là một cử chỉ thánh hóa theo lễ nghi, nhưng trái lại là một hành động nguyền rủa, biến Người thành một lời chúc dữ như thánh Phaolô viết trong chương 3 thư gửi tín hữu Galát: ”Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta Người trở nền đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay, mọi kẻ bị treo trên cây gỗ. Như thế là để nhờ Đức Giêsu Kitô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Abraham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa ban tức là Thần Khí” (Gal 3,13-14). Chương 21 sách Đệ Nhị Luật cũng đã viết rằng: ”Khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và các ngươi đã treo nó lên cây, thì xác nó không được để qua đêm trên cây, nhưng các ngươi phải chôn ngay hôm ấy, vì người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Các ngươi không được làm cho đất của các ngươi ra ô uế, đất mà Giavê, Thiên Chúa của các ngươi đã ban cho các ngươi làm gia nghiệp” (Đnl 21,22 tt.). Trước mắt người đời thì Đức Giêsu là kẻ bị nguyền rủa, nhưng vì Người là Đấng thánh vô tội và vâng phục triệt để thực hiện chương trình tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa Cha, nên cái chết của Người đã cứu chuộc mọi tội lỗi và đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên, khi thấy cộng đoàn kitô tiên khởi không đề cập tới chức tư tế của Đức Giêsu. Bởi vì trong con người, mầu nhiệm và cái chết của Ngài các kitô hữu đã không tìm thấy tương quan lập tức nào với cơ cấu tư tế cũ của thời Cựu Ước.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1127)
Linh Tiến Khải
Lượt xem 136 Lần