Khoảng cách trong tình yêu

Khoảng cách trong tình yêu


11/3/2011 7:38:59 PM

Người thường hay nói “xa mặt, cách lòng”. Sự thường là vậy.

Trong xã hội ngày nay, sự bận rộn khiến người ta xa cách nhau về thời gian, dù khoảng cách địa lý và không gian rất gần. Người ta viện nhiều lý do để biện hộ cho mình. Khoảng cách là một thách thức và gây căng thẳng trong các mối quan hệ. Nhưng nếu khéo léo, bạn vẫn khả dĩ “lợi dụng” nó để biến thành niềm hạnh phúc. Tình yêu trong xa cách như ngọn lửa trước gió: gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ, nhưng thổi bùng ngọn lửa lớn. Tình yêu của bạn là ngọn lửa nào?

1. Coi khoảng cách là một cơ hội. Nên cân nhắc những sự thuận lợi của khoảng cách xa nhau, nhất là khi xa nhau không lâu. Khi đó có lợi là bạn có thêm thời giờ dành cho gia đình và bạn bè, là dịp để học giao tiếp tốt hơn, có thời gian thư giãn cuối tuần, được rảnh rỗi hơn để làm việc riêng và làm những gì mình thích: lướt web, làm thơ, viết lách, đọc sách, xem phim… Rất nhiều thứ bạn có thể tự do làm. Đúng là dịp may hiếm có!

2. Tạo hy vọng. Hai người cần chắc chắn mình đang “cùng kênh” để duy trì mối quan hệ, nhất là khi khoảng cách có thể dẫn tới nhiều xung đột. Đây có thể là những vấn đề khó và gây lúng túng, nhưng sẽ cứu bạn khỏi nhiều rắc rối và bớt hiểu lầm nhau. Hãy rõ ràng về những điều như mức độ giao tiếp với nhau hằng ngày và thời gian gặp nhau.

3. Tạo mục đích. Hai người nên nói chuyện về tương lại của mối quan hệ: Khi nào sẽ “góp gạo nấu cơm chung?” vì tình yêu chân chính sẽ dẫn đến hôn nhân. Điều này cho hai người thấy rằng “mối quan hệ sẽ đến một điểm nào đó” và nỗ lực của bạn sẽ đáng giá. Nó còn giúp thỏa thuận về khung thời gian, nhưng ít nhất phải cố gắng tạo ra một khởi đầu tốt đẹp. Hãy thực tế trong “thời gian biểu tình yêu” của bạn.

4. Giữ liên lạc. Nhiều người không thích nói chuyện qua điện thoại, một số người lại dị ứng với tin nhắn, có người lại không thích dùng e-mail. Nhưng đừng quên rằng chủ yếu là để giữ liên lạc thường xuyên. Dĩ nhiên bạn không cần phải “nấu cháo điện thoại” hoặc “chít chát” hàng giờ, bạn chỉ cần “tâm sự với nhau về niềm vui, nỗi buồn, thuận lợi và khó khăn trong công việc, hỏi thăm sức khoẻ… Nếu có thể, cố gắng viết thư cho nhau, những nét chữ sẽ là “bằng chứng hùng hồn” về tình yêu của hai người, cũng có thể gửi món quà nhỏ và gửi thiệp chúc vào những dịp quan trọng.

5. Gặp nhau thường xuyên. Hãy cố gắng tạo cơ hội gặp nhau trực tiếp. Hãy duy trì thói quen gặp nhau thường xuyên để hiểu nhau nhiều hơn, vì càng hiểu nhau nhiều thì càng yêu nhau. Có thể thoả thuận luân phiên: tuần này anh đến với em, tuần tới em đến với anh.

6. Tạo lòng tin. Ghen tuông là thách thức chung cho những người yêu nhau mà ở xa nhau. Ghen là biểu hiện tình yêu, nhưng ghen quá lại là triệu chứng của “bệnh ghen”. Người này sợ người kia đi với người khác, nghi ngờ nhau đủ thứ thì thật là… phiền! Tốt nhất là hãy giao tiếp cởi mở và tin tưởng nhau. Muốn người kia tin thì mình phải chứng tỏ sự nghiêm túc của mình. Một trong các lý do người ta muốn có mối quan hệ lâu dài là có người để chia vui sẻ buồn suốt cuộc đời. Muốn vậy thì phải tin tưởng nhau.

Là người Công giáo, bạn hãy cầu nguyện nhiều, xin Chúa soi sáng và hướng dẫn, đồng thời noi gương Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse. Hãy phó thác tình yêu của bạn cho Ba Đấng.

Saigon, 3-11-2011
Trầm Thiên Thu

Lượt xem 107 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *