Hôn nhân trong mắt người Kitô hữu

Hôn nhân trong mắt người Kitô hữu


5/3/2018 12:53:57 PM

Ai cũng biết rằng: “Tình yêu chân chính là tình yêu dẫn đến hôn nhân” (F. Engels). Nói cách khác, khi yêu nhau thực tình người ta sẽ quyết định kết hôn với nhau, dõi theo ơn gọi mà Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi người nam cũng như nữ. “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6); và “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

Nhưng liệu tình-yêu-thủa-ban đầu ấy có bền vững mãi theo thời gian không? Hay là “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở!”. Chuyện ly hôn ly dị ngày nay xem ra khá phổ biến, kể cả đối với những cặp đã lớn tuổi, trí thức, giầu có, đạo đức…Và ngay cả những cặp hôn nhân Công giáo, dù đã kết hôn lâu năm cũng không tránh khỏi tình trạng “tan đàn xẻ nghé” khi có “sự cố” xảy ra. Vậy thử hỏi, ý nghĩa sâu xa và mục đích chân chính là gì? Mỗi người có cái nhìn và kinh nghiệm khác nhau về hôn nhân. Tựu trung, thực trạng hôn nhân có hai đặc điểm đối nghịch sau:       

 

1. Hôn nhân bền vững

* Kho tàng quý giá nhất có trong gia đình, đó là tình yêu.

 

Byron nói, “Không có tình, không có gia đình”. Và cũng có câu nói, “Hôn nhân không phải là một điểm đến. Nó chỉ là một cuộc hành trình tiến đến một gia đình hạnh phúc, nơi đây tình yêu là điều quan trọng nhất”. Một trong những mục đích mà hôn nhân chân chính luôn nhắm đến, đó là xây dựng một gia đình hạnh phúc ấm êm, dựa trên nền tảng Tình Yêu chân thành, trong sáng và tự do. Tình yêu là nền tảng bởi vì nó đem lại sức sống và sự thăng hoa cho cuộc đời đôi bạn. Có người đã nói, “Khi bắt đầu yêu là bắt đầu sống”. Quả vậy, tình yêu là mùa xuân, là màu xanh, là hơi thở, là sự sống. Nó giúp cho hôn ước hai bạn được “sống” mãi để hạnh phúc gia đình tồn tại và phát triển.  

 

ĐGH Gio-an Phao-lô II, trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu đã chỉ rõ: “Thiên Chúa là Tình Yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người, và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người…” (x. sđd số 11).

 

* Vợ chồng là bạn tình, bạn đời và bạn đường của nhau.

Tục ngữ VN có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấy”. Đang khi người đàn ông xây nhà mà người phụ nữ “ngồi chơi xơi nước”, thì đó là điều không chấp nhận được. Hôn nhân là hôn ước trong đó hai người cùng thỏa thuận chia sẻ trách nhiệm với nhau, và đảm nhận bổn phận cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Một văn hào Pháp đã nói, “Yêu nhau không là ngồi đó nhìn nhau, mà cùng nhau hướng về một lý tưởng” (Antoine de St Exupéry). Cũng có người đã chia sẻ, “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber).

 

Sự hợp tác song phương giữa đôi bạn trong cuộc sống lứa đôi là yếu tố cực kỳ quan trọng nhờ đó hạnh phúc gia đình được đảm bảo chắc chắn. Khi nhìn vào một gia đình nào mà thấy hai vợ chồng biết hòa hợp, gắn bó để chăm lo việc nhà việc cửa, việc trong việc ngoài, thì nghĩ ngay gia đình ấy hạnh phúc. Bởi “Họ là hai tâm hồn nhưng một ý nghĩ, là hai quả tim nhưng một nhịp đập” (Maria Lowell). Tình yêu bạn tình, bạn đời, bạn đường là thế, đẹp thay!  

 

* Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.

Trong quá trình hợp tác với nhau, không phải lúc nào mối quan hệ vợ chồng cũng êm ả, xuôi chèo mát mái cả đâu, vì có mưa thì cũng có nắng, có lạnh thì cũng có nóng, có nụ cười thì cũng có nước mắt. Như một danh nhân đã nói: “Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên bản nhạc cuộc sống” (David Sarnoff). Những lúc căng thẳng, có khi mâu thuẫn cao độ, thì nguy cơ tan vỡ là có thực. Lúc đó nếu cái kiểu “ông nói gà bà nói vịt” hay “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” cứ tiếp diễn đi tiếp diễn lại thì tình hình sẽ không ổn. Hai bên phải biết tiết chế và dừng lại đúng lúc. Đó là thời điểm mà hai bên cùng nhường nhịn nhau, cùng nhượng bộ nhau. Một sự nhịn chín sự lành. 

 

Thực tế là, “Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (ĐGH Gio-an Phao-lô II, sđd số 21). Do tình hình không mấy sáng sủa đó mà hai bạn luôn phải cảnh giác và nhận ra các mặt khác biệt của nhau, chấp nhận nhau để “dĩ hòa vi quý”. Biết nhượng bộ nhau để quan tâm đến những gì lớn hơn, ích lợi hơn. Thực vậy, “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ, và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson).      

 

2. Hôn nhân không-bền-vững

 

* Người thật nhưng tình “ảo”.

Rất nhiều người khi mới kết hôn thì hồ hởi, vui sướng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, họ thất vọng. Có người than thở, “Hôn nhân là một pháo đài, kẻ ở bên trong thì muốn thoát ra, còn kẻ ở bên ngoài thì muốn chui vào ”. Đối với những người “bên trong” này, thì hôn nhân không còn thơ mộng như lâu đài cổ tích, hay đẹp như một túp-lều-tranh-hai-trái-tim-vàng nữa, nhưng là “ngục tù” chôn vùi tình yêu. Người ta nói, “Người phụ nữ khóc trước khi lấy chồng, còn người đàn ông khóc sau khi cưới vợ”. Cả hai cùng khóc, bởi cái viễn cảnh “hợp hợp tan tan” cứ ám ảnh họ.  

 

Kinh nghiệm của đời sống vợ chồng cho thấy những ai vội vàng, chủ quan khi bước vào hôn nhân đều sẽ phải thất vọng. Vội vàng khi quyết định chọn bạn đời, chủ quan khi nghĩ về hôn nhân. Thay vì cưới nhau vì tình yêu chân chính, thì họ đến với nhau vì danh lợi, vì tiền bạc, vì nhà cao cửa rộng, vì cơ ngơi đồ sộ đáng giá bạc tỷ…hoặc do áp lực xã hội, do ép buộc gia đình, do hám tài hám sắc vv. Cuộc hôn nhân với tình “ảo” như thế không thể bền vững với thời gian và với thử thách trong đời hôn nhân được.

 

Một cuộc hôn nhân nghiêm túc, đúng đắn là cuộc hôn nhân trong đó hai người sẽ phải sống với nhau, gắn bó chặt chẽ, vì “vợ chồng như đũa có đôi”, người này phải yêu người kia và cả hai phải kính trọng nhau. Nếu không, sẽ xảy ra: “Nhiều cuộc hôn nhân thay vì cộng hai người lại với nhau, thì lại trừ người này khỏi người kia” (Ian Fleming). Vậy thì, hãy nhớ điều này, cái làm nên gia đình êm ấm không đơn thuần chỉ là chung sống mà là phải yêu nhau, hiểu nhau

*
Tình yêu “ngoài luồng” hay là thực trạng “ông ăn chả bà ăn nem”.

 
Ngày nay không lạ gì những kiểu nói “chán cơm thèm phở”, hay “ông ăn chả bà ăn nem”, hay “tình yêu ngoài luồng”…để ám chỉ việc một trong hai người hoặc cả hai ngoại tình. Một lúc nào đó, họ chán ngán thực tại, để cho cả thân xác và tâm hồn “bay bổng” theo hình-bóng-người-thứ-ba. Những lý do có thể là do sự nhàm chán, tâm lý thích “mới nới cũ”, có thể là vì họ không tích cực giải quyết mâu thuẫn nội bộ, khiến tình hình đã căng thẳng lại cứ mãi căng thẳng…Sự đổ vỡ trong hôn nhân do ngoại tình hiện nay đang trở thành một trong những lý do phổ biến nhất, sau vấn đề kinh tế và tâm lý. Một bài báo cho biết thông tin sau: “Chúng ta đang sống trong một xã hội mà ngoại tình không còn là chuyện động trời như ngày xưa nữa, thậm chí nó trở thành ‘mốt’ của không ít người. Số liệu điều tra cho thấy khoảng 60% đàn ông40% phụ nữ có tình yêu ngoài hôn nhân ít nhất một lần. Người chung thủy 100% thời nay dường như là của hiếm…” (http://www.anninhthudo.vn/Nhip-tre/No-ro-ngoai-tinh-cong-so * ngày 5-6-2012). 

Nếu cái kiểu “ông thích ăn chả” và “bà thích ăn nem” được xem là chuyện bình thường và được dễ dãi chấp nhận thì khó có cuộc hôn nhân nào bền vững cả. Cái tâm lý thông thường của mọi con người là dễ nhàm chán, muốn thay đổi. Sự nhàm chán trong hôn nhân là một thực tế không ai phủ nhận nhưng không vì thế mà “thay bạn đời như thay áo” được. Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự chung thủy. Hãy thử suy nghĩ thế này, “Tình yêu trong hôn nhân, muốn được bền vững phải dựa trên mối cảm thông sâu sắc với người bạn đời và cùng người ấy nỗ lực hướng về một mục đích nào đó tốt đẹp. Vì nếu cuộc sống chỉ có tính cách cá nhân, vị kỷ, hưởng thụ, thì dầu hai người thực sự yêu nhau cuối cùng cũng sẽ đi đến ngõ cụt, và ở cuối đường là sự vô vị, buồn chán…” (x. “Hôn nhân không đau đớn”, NXB Thanh Niên năm 2000, trg 128-129).     

Chúng ta thử suy nghĩ về ý kiến sau: “Có bốn nhân đức cột trụ cần thiết cho đời sống vợ chồng, đó là khôn ngoan, công chính, can đảm và tiết độ. Khôn ngoan để hiểu biết, chọn lựa và áp dụng những phương thế thích hợp để đạt được mục đích. Công chính để luôn tuân giữ luật Chúa, với tất cả thành tâm và yêu mến. Can đảm để đối đầu với nghịch cảnh và đau khổ. Tiết độ để tự chế và dồn năng lực vào những bổn phận hằng ngày…” (D. Wahrheit, “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô”, trang 227-228)./.

 

Aug. Trần Cao Khải

Lượt xem 135 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *