Gia đình Á châu hướng đến nền văn minh sự sống[1]
11/14/2011 4:03:45 PM
Gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống và là nhà giáo dục đầu tiên. Nhưng nền tảng gia đình Á châu cũng đang đối diện với những thách đố mang tính thời đại: trào lưu văn hoá toàn cầu đề cao lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ cùng với những vấn nạn mang tính lục địa như thảm hoạ chiến tranh, tình trạng nghèo đói, làn sống di dân, tệ nạn xã hội… đang từng bước huỷ hoại những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Á châu như lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, đề cao tình nhân ái giữa người với người, thăng tiến đời sống tâm linh và niềm tin tôn giáo trong giađình, tôn trọng giá trị thánh thiêng của đời sống hôn nhân.[2]
Trước những thách đố mang tính thời đại, gia đình Á châu được mời gọi hãy diễn tả niềm hy vọng về một nền văn hoá sự sống toàn diện, đặt trọng tâm trên giao ước sự sống với Thiên Chúa, như một lời đáp trả trước nền văn hoá sự chết đang đe doạ tất cả mọi giá trị Tin Mừng được cố kết nơi nền tảng gia đình ngay từ thuở ban đầu.
Ưu sầu và lo lắng
Được xây dựng trên nền tảng văn hoá và tôn giáo phong phú, gia đình Á châu kín múc được nguồn sức mạnh tinh thần từ giá trị tôn trọng sự sống, tinh thần hiếu hoà, lòng kính ngưỡng sâu xa những giá trị thánh thiêng của đời sống hôn nhân, gia tộc và cộng đồng. Đó là sức mạnh cố kết bảo vệ nền tảng gia đình theo dòng lịch sử, tạo nên nét đẹp sâu xa của văn hoá Á Đông. Nhưng trong vài ba thập niên trở lại đây, gia đình Á châu đang phải đối diện với những thách đố về giá trị và căn tính của mình.
Xu thế toàn cầu hoá mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến không ít phiền toái. Làn sóng di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị đang đẩy người trẻ ra khỏi cơ cấu gia đình truyền thống. Chính sách hạn chế dân số cùng với tỉlệ ly hôn đang ảnh hưởng sâu rộng trên những giá trị thánh thiêng của gia đình. Phá thai và những nỗ lực nhằm thao túng sự sống con người tại Á châu đang trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt cùng với đà tiến của khoa học, các vấn đề về đạo đức sinh học được đặt ra vì liên quan đến sự thánh thiêng của sự sống ngay từ lúc khởi đầu.
Bên cạnh đó vấn nạn nghèo đói cũng là một thách đố đáng quan tâm. Nhiều bạn trẻ nghèo không dám nghĩ đến hôn nhân và xây dựng gia đình vì thiếu những phương tiện cơ bản để sinh tồn. Trở lực về kinh tế khiến nhiều người không còn xem hôn nhân như một sự dấn thân trọn đời mà chỉ là sự trói buộc theo định kỳ. Thậm chí đang có những nỗ lực thay đổi những quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình như một hệ quả của làn sóng tự do, chủ nghĩa cá nhân và trào lưu thực dụng. Tất cả những dấu chỉ này nhằm nêu lên những thách đố trên bề mặt của sự kiện. Nhưng tự bản chất, gia đình Á châu vẫn đang gìn giữ một sức sống mãnh liệt kín múc từ những giá trị văn hoá, tôn giáo truyền thống. Và đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để sức mạnh Thánh Linh hoạt động và biến đổi, là môi trường thuận lợi để hạt giống Tin Mừng được triển nở.Vì vậy, chúng ta hãy vui mừng và hy vọng.
Vui mừng và hy vọng
Vì các dân tộc Á châu vẫn xem hôn nhân là một định chế thánh thiêng. Tại Á châu, gia đình vẫn là cơ cấu nền tảng. Nơi đó, con người được phát triển toàn diện như quà tặng của Thiên Chúa. Quan hệ huyết thống là mối dây nối kết tuyệt hảo. Bên cạnh đó còn có những giá trị nhân bản khác như: quan hệ gắn kết cộng đồng, tinh thần hiếu hoà, lòng hiếu thảo, tôn trọng các bậc trưởng thượng,… là những yếu tố mang lại niềm hy vọng sâu xa, biến nhiều gia đình Á châu thành những vườn ươm cho ơn thiên triệu.
Hy vọng vì gia đình Á châu vẫn đang được nuôi dưỡng bởi những giá trị văn hoá, tôn giáo truyền thống. Một nền văn hoá đậm nét nhân văn, đềcao lòng nhân ái giữa con người, tôn trọng giá trị thánh thiêng của đời sống hôn nhân. Một định chế tôn giáo đậm nét tâm linh, thể hiện lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống. Chính truyền thống này đã hun đúc tính can trường của gia đình Á châu trước những thách đố của thời đại. Đây cũng chính là nền đá tảng trên đó giá trị Tin Mừng được xây dựng và là mảnh đất màu mỡ trên đó hạt giống Tin Mừng được dưỡng nuôi.
Gia đình Á châu hướng đến nền văn minh sự sống
Ưu sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng… tất cả nhằm diễn tả một cận cảnh chân thật về xã hội Á châu hôm nay. Có những thách đố đang làm xói mòn nền tảng gia đình tại Á châu nhưng Giáo Hội vẫn luôn hy vọng về sức mạnh cố kết của truyền thống văn hoá tại đây và mời gọi gia đình Á châu hãy mạnh dạn trình bày hình ảnh về một nền văn hoá sự sống toàn diện. Nền văn hoá đặt trọng tâm trên giao ước sự sống với Thiên Chúa. Nền văn hoá đề cao những giá trị Kitô giáo về tình yêu, sự hiệp thông giữa cá nhân, gia đình và xã hội. Nền văn hoá luôn tôn trọng và bảo vệ quà tặng sự sống như ân ban của Thiên Chúa từ lúc thụthai cho đến lúc lìa đời. Nền văn hoá đề cao vai trò trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, đề cao tính ưu việt của sự sống và nhân phẩm con người trên hiệu xuất và lợi nhuận xã hội. Nền văn hoá chống lại tất cả những nỗ lực đê hèn nhằm thao túng sự sống của con người dưới bất kỳ hình thức nào.
Nền văn hoá sự sống này phải được xây dựng trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và trao ban sự sống cho con người.[3]Sự sống con người khởi thuỷ bởi tình yêu, tác thành trong tình yêu và hiện hữu trong cuộc đời như một ân ban vô giá là được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa mà Giáo Hội muốn tất cả các gia đình tại Á châu hãy mạnh dạn trình bày căn tính của chính mình là một “cộng đồng tình yêu và sự sống” với niềm xác tín mãnh liệt và hy vọng sâu xa vì chính “Thiên Chúa đã nâng sự sống con người lên mức độ thần linh, và chia sẻ sự sống đó với chúng ta trong Giáo Hội nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần”.[4]
[1] Chủ đề của Liên Hội đồng Giám mục Á châu họp tại Deajon, Hàn Quốc, từ ngày 17 đến 23-8-2004.
[2] Trích lược nội dung sứ điệp của Liên Hội đồng Giám mục Á châu họp tại Deajon, Hàn Quốc, từ ngày 17 đến 23-8-2004.
[3] St 1,26-28.
[4] x. Sứ điệp “Gia đình Á châu hướng đến sự sống toàn diện” của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu họp tại Deajon, Hàn Quốc, từ ngày 17 đến 23-8-2004.
Phaolô Nguyễn Hải Đăng, OP
Nguồn: Đaminh VN
Lượt xem 131 Lần