Dòng chữ rất đẹp và cũng rất đúng ấy khiến tôi suy nghĩ.
Suy nghĩ về những chuyến đi ngắn và suy nghĩ về những chuyến đi dài.
Những chuyến đi với mọi người và những chuyến đi chỉ có một mình.
Mỗi chuyến đi là mỗi trải nghiệm. Vui có, buồn có.
Trải nghiệm nhưng làm nên kinh nghiệm và kỷ niệm bởi tôi còn hiện tại và tương lai.
Nhưng tôi biết ơn những kỷ niệm, nhờ những chuyến đi bởi kỷ niệm ghi dấu và làm nên cuộc sống của tôi, kỷ niệm làm phong phú tâm hồn tôi, mở rộng con tim tôi.
Kỷ niệm gần đây với tôi chính là chuyến đi đến bệnh viện Tâm Thần Thủ Đức, nơi ấy có những con người không còn ký ức, thậm chí không biết có tương lai, không biết mình là ai?
Lúc đầu, tôi chỉ đến với trung tâm vì tò mò, vì muốn xem cho biết cuộc sống của những người bệnh như thế nào.
Sự tò mò phá tan bởi một cảm giác ghê sợ, mùi tanh hôi, những ánh mắt ngơ ngác, lạc lõng, những cử chỉ điên dại…
Tôi đi dọc khu vực các bênh nhân. Họ nằm ngổn ngang, la liệt.
Người trên giường, kẻ dưới đất.
Có người trên mình chỉ mặc một áo nghệch ngoặc, có người chẳng có cái nào.
Người này hát hò, người kia la hét…
Tôi lúng túng không biết phải làm gì.
Vì tôi thấy mình như đi lạc vào thế giới của những người tiền sử.
Tôi quan sát và bước đi thật nhanh một vòng quanh khu ăn ở và sinh hoạt của bệnh nhân ở, rồi đi ra ngoài.
– Sao sơ đi nhanh thế? Một thầy dòng Phanxicô hỏi tôi từ phía sau.
– Sơ hỏi thăm và nói chuyện với những ai rồi?
– Tôi ngập ngừng trả lời: Con không biết bắt đầu từ đâu và không biết nói gì cả.
– Thầy ấy nói: hãy vào nói chuyện với họ, có một số người còn tỉnh đó. Họ tội lắm!
Thật ra, chính tôi cũng chạnh lòng khi gặp họ nhưng cái sợ và khoảng cách ấy là do chính tôi tạo ra.
Tôi chợt nhớ câu nói của thánh I-nhã: “Ai đó đến với con, con không được làm người ta buồn, mà phải làm người ta hạnh phúc hơn trước lúc gặp con”.
Vì thế, tôi lấy hết can đảm quay lại và bắt chuyện với họ.
Mặc dù những câu chuyện tôi được nghe chẳng biết thực hư thế nào, nhưng nét mặt họ lộ nên một niềm vui khi thấy tôi lắng nghe.
Sau đó, tôi tiếp tục được các thầy dẫn đi thăm các khu khác để cắt tóc, cắt móng tay, cạo râu… tôi cảm thấy rất vui.
Vừa cắt móng tay cho họ, tôi vừa hỏi thăm họ và kể một số câu chuyện vui cho họ nghe.
Tôi còn nói đùa là họ phải trả công cho tôi.
Một lát sau, khi chuẩn bị ra về, một bệnh nhân mang đến cho tôi hộp bánh và nói: Cầm lấy, chú cho cháu đó.
Các thầy nhìn tôi cười và nói: Chết rồi! Có người để ý sơ… Tôi cười…
Về đến nhà, lòng tôi trào dâng niềm vui.
Chuyến đi tông đồ nhỏ thật ý nghĩa.
Hình ảnh những người bệnh cứ hiện lên trong tôi.
Có lẽ, tôi cần cố gắng sống và làm nhiều việc hy sinh hơn nữa, để cầu nguyện cho những con người đang phải gánh chịu những bệnh tật, thiếu thốn, nghèo khổ…
Tôi thầm nghĩ: Cũng một kiếp người, cũng một cuộc hành trình, sao lại khác nhau đến thế?
Chúa để vậy làm gì nếu không phải Ngài muốn mượn đôi tay và trái tim tôi để làm cho những tâm hồn bất hạnh ấy được ấm lại?
Một lần nữa tôi nghe Lời Chúa mời gọi thúc bách : “con hãy lưu tâm đến người nghèo khổ, không trao họ cho địch thù hung hãn, chăm nom khi liệt giường liệt chiếu, lúc bệnh hoạn, chữa lành cho họ”.
Con biết khả năng con hạn hẹp, sức con yếu hèn nhưng con tin nhờ ơn Chúa con có thể đến với những con người nhỏ bé với một tâm hồn đơn sơ, chân thành.
Con có thể đem đến cho họ những niềm vui nhỏ nhỏ. Xin dạy con biết cho đi mà không tính toán, biết hiến thân mà không mong được đền trả công lao như chính Chúa đã làm cho con, và toàn thể nhân loại. (x.Tv 41, 2-4).
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì Chúa thương ban cho cuộc đời con biết bao ân huệ, biết đem hết tình yêu, khả năng, sức lực để phục vụ Chúa nơi những người anh chị em của con, họ là hình ảnh sống động của Chúa.
Vì: “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,44).
Têrêsa Hoàng Ngoan
Giáo xứ Cổ Định
Lượt xem 146 Lần