Ga 1,1-13. LỜI (LOGOS) là sự sống, là ánh sáng cho loài người

Ga 1,1-13. LỜI (LOGOS) là sự sống, là ánh sáng cho loài người


12/23/2012 7:48:55 AM

Jn 1:1-13. WORD (LOGOS) is the life and the light of men

Sunrise.jpg


Nội dung

Dẫn nhập

1. Bản văn và cấu trúc 1,1-13

2. Lời là sự sống và là ánh sáng của loài người

3. Lời là ánh sáng đến thế gian

4. Đón nhận và không đón nhận Lời

Kết luận


Dẫn nhập


Danh từ Hy Lạp “logos” có nghĩa “lời nói”. Triết học Hy Lạp dùng từ “logos” chỉ thực thể vĩnh hằng, nguyên lý thần linh hay linh hồn của vũ trụ. Lời tựa Tin Mừng Gio-an dùng từ “Logos” (Lời) để nói đến một ngôi vị, vì Lời được đồng hoá với Đức Giê-su trong nội dung Tin Mừng. Khi viết về Logos (Lời) trong lời tựa Tin Mừng Gio-an, người thuật chuyện vừa giới thiệu nội dung sách Tin Mừng, vừa trình bày mặc khải về nguồn gốc và sứ vụ của Đức Giê-su, vừa cho biết lời tuyên xưng niềm tin của cộng đoàn Gio-an vào Đức Giê-su. Chuyển ngữ “Logos” bằng từ “Lời” cho phép giữ được những hàm ẩn độc đáo của thần học Tin Mừng Gio-an: Đức Giê-su là “Lời” (Logos) ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa (1,1); Đức Giê-su là “Lời” (Logos) làm người (1,14). Đức Giê-su là lời của Thiên Chúa cho loài người, đồng thời Người là Đấng nói lời Thiên Chúa, Đấng mặc khải ý định cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại (1,18; 3,16).

Bài viết: “‘Thấy’ và ‘Nghe’ Lời Nhập Thể (Ga 1,1-18)đã trình bày cấu trúc lời tựa Tin Mừng Gio-an (1,1-14) và một số đề tài quan trọng trong phần thứ hai của lời tựa (1,14-18): “Lời đã trở nên người phàm” (1,14a); “Thấy vinh quang của Lời” (1,14b); “Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (1,18a) và “Con Một kể về Thiên Chúa” (1,18b). Bài viết này sẽ tìm hiểu phần thứ nhất của lời tựa (1,1-13) qua phân tích các đề tài: sự sống, ánh sáng và đón nhận hay không đón nhận Lời trong tương quan với sứ vụ của Đức Giê-su.


1. Bản văn và cấu trúc 1,1-13


a) Bản văn Ga 1,1-13 (Xem
Bản văn Gio-an Hy Lạp – Việt)


Bản văn Ga 1,1-13 dưới đây chia thành các tiểu đoạn A, B, C, A’, B’, C’. Cách phân đoạn này sẽ được lý giải trong phần cấu trúc Ga 1,1-13.


A:

1,1 Lời có lúc khởi đầu, và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. 2 Người ở với Thiên Chúa lúc khởi đầu.

B:

3 Nhờ Người, mọi sự được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người;

C:

5 và ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng.


A’:

6 Có một người được sai đến từ Thiên Chúa, tên ông là Gio-an. 7 Ông ấy đến làm chứng. Ông làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy. 8 Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng.

B’:

9 Người là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian.

C’:

10 Người ở trong thế gian, thế gian được tạo thành nhờ Người và thế gian đã không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người. 12 Nhưng những ai đã đón nhận Người, Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ là những người tin vào danh của Người. 13 Họ được sinh ra không bởi khí huyết, cũng không bởi ước muốn của người phàm, cũng không bởi ước muốn của đàn ông, nhưng bởi Thiên Chúa.


b) Cấu trúc Ga 1,1-13


Lời tựa sách Tin Mừng Gio-an (1,1-14) được chia làm hai phần chính: 1,1-13 và 1,14-18. Danh từ “Logos” xuất hiện 4 lần trong lời tựa vào đầu mỗi phần: 3 lần ở 1,1 (câu đầu tiên phần 1,1-13) và 1 lần ở 1,14 (câu đầu tiên phần 1,14-18). Phần thứ nhất (1,1-13) có cấu trúc song song: A, B, C, A’, B’, C’ như sau:

 

CautrucGa1_1-13.jpg


Đoạn văn 1,1-13 được cấu trúc song song: A, B, C, A’, B’, C’. Yếu tố A // A’ cho biết căn tính của Lời. Yếu tố A (1,1-2) là phần tuyên xưng niềm tin của người thuật chuyện. yếu tố A’ (1,6-8) là lời chứng của Gio-an Tẩy Giả về Lời là ánh sáng và mục đích của lời chứng là để mọi người tin. Các yếu tố B // B’ trình bày sứ vụ của Lời. Nhờ Lời, mọi sự được tạo thành (B. 1,3-4) và Lời là ánh sáng thật, đã đến thế gian (B’. 1,9). Các yếu tố song song C và C’ nói về tương quan giữa ánh sáng và bóng tối (C. 1,5); tương quan giữa “không nhận biết Lời” và “nhận biết Lời” (C’. 1,10-13). Tất cả những đề tài song song này sẽ được trình bày chi tiết trong nội dung sách Tin Mừng. Những phân tích dưới đây về liên hệ giữa “Lời trong lời tựa” và “Đức Giê-su trong nội dung Tin Mừng” sẽ giúp hiểu “Lời là ai” và “Đức Giê-su là ai”. Xem thêm về cấu trúc theo hướng này trong Francis J. MOLONEY, The Gospel of John, (Sacra Pagina Series 4), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 1998, p. 34-35.

2. Lời là sự sống và là ánh sáng của loài người

Trong hai câu đầu của lời tựa Tin Mừng Gio-an (1,1-2), người thuật chuyện giới thiệu nguồn gốc của Lời qua ba yếu tố: (1) Sự hiện hữu của Lời: “Lời có lúc khởi đầu” (c.1a). (2) Nơi ở của Lời: “Lời ở với Thiên Chúa” (cc. 1b.2). (3) Bản chất của Lời: “Lời là Thiên Chúa” (c.1c). Tiếp đến c.3a.b trình bày công trình tạo dựng của Lời qua lối hành văn khẳng định và phủ định: “Nhờ Người, mọi sự được tạo thành (khẳng định), và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành (phủ định).” Cách diễn tả một ý tưởng bằng câu văn khẳng định và phủ định có mục đích nhấn mạnh và đề cao vai trò của Lời trong công trình tạo dựng. Nguồn gốc thần linh và vai trò của Lời ở Ga 1,1-3 gợi đến trình thuật tạo dựng đầu sách Sáng Thế (St 1–2).


Ga 1,3c-4 nói về tương quan giữa Lời và loài người: “3c Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người.” Bản văn Hy Lạp Byzantine (The New Testament in the Original Greek, Byzantine Text Form, 2005) ngắt câu khác với bản văn Hy Lạp
Nestle-Aland (Novum Testamentum Graece, Nestle-Aland 27th Edition, 1993 Deutsch Bibelgesellschaft, Stuttgart). Bản văn Byzantine chấm câu sau c.3c, nên c.3c không nối với c.4. Theo bản văn Byzantine, c.3: “Nhờ Người, mọi sự được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành mà hiện hữu.” Vì vậy, c.4 đủ nghĩa và không nối với câu trước: “Ở nơi Người (en autô) là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người” (1,4). Bản văn Byzantine đồng hoá rõ ràng hơn “Lời” với “sự sống” và với “ánh sáng”. Sự đồng hoá này phù hợp với nội dung sách Tin Mừng, trong đó Đức Giê-su được đồng hoá với sự sống (zôê) và ánh sáng (phôs).


Trước hết Đức Giê-su là Đấng “có sự sống (zôê)”. Người nói với những người Do Thái: “Như Cha có sự sống (zôên) nơi mình thế nào thì cũng ban cho Con có sự sống (zôên) nơi mình như vậy” (5,26). Kế đến, Đức Giê-su là Đấng làm cho bất cứ ai tin vào Người thì “có sự sống đời đời”. Đức Giê-su tuyên bố ngay từ đầu sứ vụ: “Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (3,16). Cuối cùng, chính Đức Giê-su là sự sống như Người đã mặc khải cho Mác-ta ở 11,25-26: “25 Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26 và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết.” “Sự sống” là đề tài quan trọng trong Tin Mừng Gio-an, bởi vì mục đích của việc Đức Giê-su đến là để ban sự sống cho thế gian (x. 6,51). Sự sống là chính Đức Giê-su và được đồng hoá với ánh sáng.

Thật vậy, người thuật chuyện khẳng định trong lời tựa: “Lời là ánh sáng cho loài người” (1,4). Nội dung Tin Mừng cho biết nhiều lần Đức Giê-su mặc khải Người là ánh sáng. Ở 8,12, Đức Giê-su đồng hoá mình với ánh sáng và nối kết ánh sáng với sự sống. Người tuyên bố: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống” (8,12). Trước khi chữa lành người mù từ thuở mới sinh ở Ga 9, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng của thế gian” (9,5). Lời tuyên bố này cho thấy sứ vụ của Đức Giê-su mang chiều kích phổ quát: Người là ánh sáng cho toàn thể nhân loại. Điều này đã được khẳng định trong lời tựa sách Tin Mừng: “Ở nơi Người [Logos] là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người” (1,4).


Cuối sứ vụ công khai (ch. 12), Đức Giê-su mời gọi đám đông: “35 Còn một ít thời gian nữa, ánh sáng ở giữa các người. Hãy bước đi khi các người có ánh sáng, để bóng tối không bắt được các người. Ai đi trong bóng tối thì không biết mình đi đâu. 36a Khi các người có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (12,35-36a). Trong đoạn văn này, xuất hiện nhiều kiểu nói dùng biểu tượng ánh sáng. Theo thần học Tin Mừng Gio-an, “ánh sáng” ở 12,25-26a là chính Đức Giê-su, vì thế, “có ánh sáng” là có Đức Giê-su, “tin vào ánh sáng” là tin vào Đức Giê-su. Ý tưởng “trở nên con cái ánh sáng” gợi lại đề tài “trở nên con Thiên Chúa” trong lời tựa Tin Mừng (1,12). Tóm lại, những đề tài nói đến trong lời tựa đã được triển khai trong nội dung sách Tin Mừng. Nói cách khác, lời tựa giới thiệu nội dung Tin Mừng.

3. Lời là ánh sáng đến thế gian

Nếu như lời tựa khẳng định “Lời là ánh sáng đến thế gian” và “chiếu soi mọi người” (1,9), thì nội dung Tin Mừng trình bày Đức Giê-su là Đấng đến thế gian và thi hành sứ vụ trong thế gian. Người ta thường nghĩ mầu nhiệm nhập thể được trình bày từ 1,14: “Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người” (1,14a). Thực ra Lời nhập thể đã xuất hiện từ c. 4 qua khẳng định: “Lời là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người” (1,4). Lời đem đến sự sống và ánh sáng cho loài người.


Lời tựa cũng tóm kết xung đột giữa Đức Giê-su và những kẻ chống đối trong Tin Mừng Gio-an ở c.5: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng.” Lời này báo trước ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối, bởi vì thế lực bóng tối đã không lấn át được ánh sáng là Đức Giê-su. Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả ở 1,6-8 là dấu hiệu cho thấy Lời là ánh sáng đã đến trong lịch sử nhân loại. Gio-an Tẩy Giả sẽ nói rõ hơn sự xuất hiện của Đức Giê-su trong phần sau của lời tựa. Người thuật chuyện kể ở 1,15: “Gio-an làm chứng về Người [Lời đã trở thành người phàm], ông ấy hô lên rằng: ‘Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng vượt trước tôi, vì Người có trước tôi.’” Khi Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su ở 1,29-30, ông đã nhắc lại lời này (1,15). Người thuật chuyện kể ở 1,29-30: “29 Hôm sau, ông ấy [Gio-an Tẩy Giả] thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, ông ấy nói: ‘Đây là Chiên của Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội thế gian. Chính Người là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi vượt trước tôi, vì Người có trước tôi.’” Như thế, khẳng định ở 1,9: “Người là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian” được áp dụng cho vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su sẽ được thuật lại trong Tin Mừng.

4. Đón nhận và không đón nhận Lời


Trước lúc khẳng định “Lời đã trở thành người phàm” (1,14a), phần đầu lời tựa (1,1-13) dùng đại từ, giống đực, ngôi thứ ba, số ít: “houtos” (Người) để thay thế cho danh từ “Logos” (Lời) là danh từ giống đực. Tuy trong đoạn văn 1,1-13, Lời chưa “trở thành người phàm” (1,14), nhưng Mầu Nhiệm Nhập Thể đã được nói đến. Điều này càng rõ hơn khi người thuật chuyện nói về đề tài “đón nhận Lời” hay “không đón nhận Lời” trong cấu trúc song song: C (1,5) và C’ (1,10-13). Hai yếu tố này nói về tương phản giữa “ánh sáng” và “bóng tối” (1,5); giữa “đón nhận” hay “khước từ” (1,10-13). Người thuật chuyện kể ở 1,11: “Người đã đến nhà mình, và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người”. Câu này gợi đến xung đột trong toàn bộ nội dung Tin Mừng. Đức Giê-su là người Do Thái, Người thi hành sứ vụ và rao giảng cho dân Do Thái là dân Thiên Chúa tuyển chọn. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai đến với dân của Người nhưng phần lớn những kẻ lãnh đạo thời đó đã không đón nhận Đức Giê-su, không tin vào Người. Cụ thể những kẻ chống đối Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an là các nhóm nhân vật: “những người Pha-ri-sêu”, “những người Do Thái” và “các thượng tế”. Như thế, lời tựa đã tóm kết sự khước từ này ở 1,5 // 1,10-11.


Sự tương phản đối lập giữa “Không đón nhận” (1,11) và “đón nhận Lời và tin vào Danh Người” (1,12-13) làm nổi bật vụ kiện giữa “ánh sáng” và “bóng tối” trong Tin Mừng Gio-an. Tuy lời tựa báo trước sự không tin vào Đức Giê-su, nhưng phần thứ nhất lời tựa (1,1-13) kết thúc trong ánh sáng và trong hy vọng. Thật vậy, người thuật chuyện dành hai câu (cc. 12-13) để định nghĩa cách long trọng thế nào là “đón nhận Lời”, thế nào là “tin vào Đức Giê-su”: Họ được trở nên “con Thiên Chúa” (1,12), họ được “làm con Thiên Chúa” cùng với Đức Giê-su là “Con Một Thiên Chúa” (1,18), nghĩa là người tin vào Đức Giê-su được trở thành “anh em” của Người. Sau khi Ma-ri-a Mác-đa-la nhận ra Thầy đã sống lại, Đức Giê-su Phục Sinh nói với chị: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Cha. Nhưng hãy đi đến với anh em của Thầy và nói với họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em’” (20,17). Như thế, đón nhận hay không đón nhận Lời là tin hay không tin vào Đức Giê-su. Ai đón nhận và tin vào Đức Giê-su thì sẽ “có sự sống” và sẽ bước đi trong “ánh sáng của sự sống”, họ sẽ được hiệp thông với Thiên Chúa và trở thành Con Thiên Chúa, trở thành anh em và bạn hữu của Đức Giê-su (x. 15,13-15).

Kết luận

Những phân tích trên cho thấy lời tựa sách Tin Mừng Gio-an liên kết chặt chẽ với nội dung sách Tin Mừng. Thông thường lời tựa cuốn sách được viết sau khi sách đã hoàn thành, nhằm giới thiệu cho độc giả nội dung cuốn sách đó. Cũng vậy, có thể nói lời tựa Tin Mừng Gio-an được viết sau khi Tin Mừng đã có phần nội dung, nhằm giới thiệu toàn bộ các đề tài bàn đến trong sách Tin Mừng. Điều độc đáo trong lời tựa sách Tin Mừng Gio-an là dùng từ “Logos” (Lời) để trình bày nguồn gốc và căn tính của nhân vật chính của Tin Mừng. Lời tựa Tin Mừng Gio-an vừa giới thiệu nội dung sách Tin Mừng, vừa là lời tuyên xưng niềm tin của cộng đoàn về nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su trong tương quan với lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại.

Nhờ lời tựa sách Tin Mừng, độc giả biết Đức Giê-su thực sự là ai trước khi đọc câu chuyện về Người trong Tin Mừng. Các đề tài được nói đến trong lời tựa: “Lời là sự sống”, “Lời là ánh sáng”, “đón nhận hay không đón nhận Lời” liên kết chặt chẽ với sứ vụ của Đức Giê-su. Như thế, lời tựa trở thành lời chứng mạnh mẽ cho độc giả: “Logos” (Lời) trong lời tựa chính là Đức Giê-su, nên Người là Đấng đáng để TIN. Lời giáo huấn của Người là lời có khả năng “đem lại sự sống đời đời” (6,68). Đi theo Đức Giê-su và trở thành môn đệ của Người thì sẽ “có ánh sáng của sự sống” (8,12), bởi vì chính Đức Giê-su là Logos (Lời), Người có lúc khởi đầu, Người ở với Thiên Chúa và Người là Thiên Chúa (1,1)./.


Ngày 23 tháng 12 năm 2012.

Giuse Lê Minh Thông, O.P.

leminhthongtinmunggioan.blogspot.com

Xem các bài liên hệ:

Ga 1,1-18: “Thấy” và “Nghe” Lời Nhập Thể

“Ánh sáng” và “bóng tối” trong Tin Mừng Gio-an

Lượt xem 129 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *