Đức Ki-tô và Thánh Vịnh

Đức Ki-tô và Thánh Vịnh


12/5/2012 10:19:03 PM

“…Các Thánh Vịnh là những thành phần không thể thiếu để hiểu vận mệnh và căn tính của Đức Giêsu-Kitô…”

psalm.jpg

Chúng ta sẽ làm gì khi cầm trong tay sách Thánh Vịnh? Chúng ta sẽ đọc. Nhưng, trả lời như thế vẫn chưa hoàn toàn đúng với thực tế; bởi lẽ, chúng ta đã không đọc các Thánh Vịnh như các bản văn Kinh Thánh khác. Thực vậy, hằng ngày, chúng ta còn «đọc» các Thánh Vịnh như một lời nguyện ngỏ với Thiên Chúa; ngoài ra, chúng ta không chỉ đọc Thánh Vịnh một cách bình thường, nhưng còn hát theo một cung điệu hay đọc cao giọng nữa! Hơn thế nữa, theo sự sắp xếp của sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, chúng ta còn đọc đi đọc lại theo một chu kỳ nhất định, đến độ thuộc lòng một cách tự nhiên.

«Đọc thuộc lòng», chúng ta hãy tạm bỏ qua ý nghĩa không hay của hành vi này, diễn tả điều tôi đang đọc không thuộc về tôi và tôi tỏ lòng kính trọng; ngoài ra, «đọc thuộc lòng» còn muốn nói rằng tôi nhận làm của mình một cách nội tâm điều tôi đọc. «Đọc» Thánh Vịnh được hiểu như trên, có nghĩa là chính mình trở thành thời sự của một sứ điệp vốn không có nguồn gốc nơi chúng ta. Nói cách khác, «đọc» Thánh Vịnh là một hành vi được đảm nhận bởi những «diễn viên» ; «diễn viên» là những người diễn tả vai trò của một người khác.

Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Đức Chúa Giêsu-Kitô” (Rm 13, 14), như mặc lấy chiếc áo, vốn không phải là chính chúng ta. Chiếc áo này là quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Và khi chúng ta nhận được chiếc áo đẹp, chúng ta mặc vào: nó đã không phải là của chúng ta, nhưng nay là thành phần làm nên chúng ta[1]. Cũng vậy, đối với những lời của Kinh Thánh: chúng ta đi vào trong lời Kinh Thánh, và lời Kinh Thánh đi vào trong chúng ta và chúng ta là những «diễn viên». Hiển nhiên, “Mặc lấy Đức Kitô” không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải mang vào mình chiếc áo Thánh Vịnh. Tuy nhiên, truyền thống dạy và làm chứng rằng để mặc lấy Đức Kitô, Thánh Vịnh là một phương tiện tốt.

I. Đức Kitô hát Thánh Vịnh

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu phục sinh nói: “Phải được hoàn tất tất cả những gì đã được viết về Thầy trong Luật Mô-sê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh” (Lc 24, 44). Như thế, Đức Giêsu mặc lấy toàn bộ Sách Thánh và khi chúng ta nói về tương quan mà Đức Giêsu đã có đối với các Thánh Vịnh, thì đó là các Thánh Vịnh được hiểu như một thành phần chính yếu của tổng thể Sách Thánh. Vị trí của các Thánh Vịnh được xác định bởi một đặc điểm rất rõ: khi mà Luật và các Ngôn Sứ nói “Ngươi” với con người, các Thánh Vịnh nói “Con” với Thiên Chúa. Như thế, các Thánh Vịnh chỉ ra vị trí của người đọc hay hát, vốn đã là vị trí của Đức Giêsu. Ngoài ra, theo thánh Luca, các Thánh Vịnh còn được nêu ở vị trí thứ ba trong danh sách các bản văn lớn của Kinh Thánh, sau Luật và các Ngôn Sứ. Điều này có nghĩa là các Thánh Vịnh là những thành phần không thể thiếu để hiểu vận mệnh và căn tính của Đức Giêsu-Kitô[2].

Chính Đức Giêsu đã đọc Thánh Vịnh: “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát” (Lc 4, 16). Những chỉ dẫn như thế này có khá nhiều trong các Tin Mừng và làm cho chúng ta hiểu rằng, nếu Đức Giêsu thuần thục với những thực hành tôn giáo của dân tộc Ngài, thì lời nguyện Thánh Vịnh phải là lời nguyện của Ngài.

Ngoài ra, một chỉ dẫn khác đến từ bản văn của chính Tân Ước : tất cả các tác giả Tân Ước đều tỏ ra rất gần gũi với các bản văn Cựu Ước đến độ họ sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Họ thường xuyên dùng lại các câu của Sách Thánh, và đặc biệt với một lượng lớn phát xuất từ sách Thánh Vịnh, và thường không cho người đọc biết mình đã trích dẫn, vì họ trích dẫn Kinh Thánh một cách tự nhiên và rất thích hợp đến độ chẳng cần suy nghĩ. Vậy, nếu các tác giả Tân Ước mang trong mình đầy tràn các bản văn của Sách Thánh và và đặc biệt của sách Thánh Vịnh, thì thật là phi lý khi nghĩ rằng, về phương diện này, Đức Giêsu đã thua kém họ !

Ở trên là những dẫn chứng gián tiếp. Nhưng chúng ta cũng có những khẳng định trực tiếp. Thật vậy, theo các tác giả Tin Mừng, chính Đức Giêsu đã đọc Thánh Vịnh. Chẳng hạn, trước cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đã cùng với các môn đệ cử hành nghi thức lễ Vượt Qua trong bữa Tiệc Ly, và nghi thức này bao gồm việc hát Thánh Vịnh: «Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu» (Mt 26, 30). Trên thập giá, Đức Giêsu kêu lên: «Eli, Eli, lemâh sabachthani» (Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?), và đó là câu đầu tiên của Tv 22 (Mc 15, 34). Sau biến cố phục sinh, Đức Giêsu tỏ mình ra cho nhóm Mười Một và nói với họ rằng Ngài đã hoàn tất Luật, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh (Lc 24, 44) ; chúng ta đã trích dẫn câu này ở trên. Theo thánh Matthêu, câu nói đầu tiên của Đức Giêsu phục sinh dành cho hai bà đều mang tên Maria, là một câu nói có nguồn từ một Thánh Vịnh: “Hãy đi loan báo cho các anh em của Thầy…” (Mt 28, 10). Đó chính là Tv 22, trong đó lời kêu than “tại sao Ngài đã bỏ rơi con?” được chuyển thành lời ca tụng khởi đi từ câu 23: “Và con công bố danh Ngài trước mặt anh em của con”. Trường hợp sau cùng này là một ví dụ về sự kiện các Thánh Vịnh tràn ngập trong các Tin Mừng và trên môi của Đức Giêsu, nhưng lại không được nêu ra như là nguồn.

Như thế, có một tương quan gần gũi và phong phú giữa các Thánh Vịnh và ngôi vị của Đức Giêsu. Nhưng vấn đề là phải hiểu được điều hiện diện ở bên trong mối tương quan này, và chúng ta sẽ khám ra rằng điều mà mối tương quan này bày tỏ cho chúng ta, là điều thiết yếu. Thực vậy, mối tương quan của Đức Giêsu với các Thánh Vịnh trình bày cho chúng ta một hiểu biết về Đức Kitô ở mức độ nền tảng[3]. Một sự hiểu biết có thể được so sánh với chính sự hiểu biết mà thánh Phaolô đã có kinh nghiệm thiết thân : “Tôi coi mọi sự là thua thiệt, đối với điều tốt đẹp tối thượng, là hiểu biết Đức Kitô Giêsu, Đức Chúa của tôi” (Phl 3, 8). Thế nhưng, nếu chúng ta có thể hiểu biết Đức Kitô qua các Thánh Vịnh, thì chúng ta phải thú nhận rằng điều này thật là lạ lùng và nghịch lý; bởi lẽ chúng ta biết một người qua điều vốn không đến từ người này. Tìm được trong Sách Thánh Cựu Ước bầu khí của cuộc đời Đức Kitô và những dấu ấn sẽ đi qua cuộc đời của Ngài, đó đã là điều rất đáng kể, nhưng xét cho cùng vẫn không chắc chắn và vẫn bất ổn. Đó chưa phải là đá tảng cho sự hiểu biết Đức Giêsu-Kitô. Điều chúng ta sẽ khám phá ra thì tận căn hơn nhiều.

II. Ý muốn của Chúa Cha về Đức Kitô.

1. Kinh Thánh được hoàn tất

Đức Giêsu-Kitô tự coi mình như người thực hiện ý muốn của một Đấng Khác, nghĩa là như người vâng phục. Vì thế, chúng ta được mời gọi đi tìm kiếm, phỏng đoán, khôi phục lại những cách thức qua đó Ngài đã nhận ra điều mà Ngài gọi là ý muốn của Cha Ngài. Trong cuộc tìm kiếm này, chúng ta có được một điều rất chắc chắn, đó là các chứng nhân, khi loan báo Đức Kitô trong Tân Ước, tất cả đều nói rằng ý muốn của Chúa Cha về Đức Giêsu được ghi khắc trong Kinh Thánh:

“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh
.” (1Cr 15, 3-4)

Người ta có thể giả định rằng Đức Giêsu đã biết ý muốn của Chúa Cha và con đường mình phải đi chỉ ở trong những lúc Ngài tách riêng ra để cầu nguyện[4]. Nhưng đối với chúng ta, chúng ta có thể biết được ý muốn của Chúa Cha về Đức Giêsu chỉ ngang qua điều đối với Ngài là Sách Thánh, nghĩa là ngang qua Luật, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh. Các Tin Mừng đã chỉ ra cho chúng ta kế hoạch của Thiên Chúa trong Cựu Ước, vốn được viết về Đức Giêsu Kitô; tuy nhiên, công việc này vẫn phải được tiếp tục. Luật, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh vẫn còn được ban tặng cho chúng ta để đồng hành với Tin Mừng, soi sáng Tin Mừng và để hòa tấu với Tin Mừng, hay nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh, để “tôn vinh” Tin Mừng. Chính vì thế, thật là có ý nghĩa khi nói rằng chúng ta biết Đức Kitô bằng cách biết điều không đến từ Ngài, nghĩa là bằng cách biết con đường đã được vạch ra cho Ngài. Ngài đã nhận ra ở đó ý muốn của Cha, Đấng từ đó trọn vẹn ngôi vị của Ngài xuất phát. Con đường này đã không đến “từ Ngài”, nhưng lại là chính “Ngài” !

Tất cả các sách Tin Mừng được viết ra để chứng tỏ cho chúng ta rằng Đức Giêsu hoàn tất một kế hoạch, và nhờ đó Ngài được nhận biết là Đức Kitô. Thế mà, một kế hoạch bao giờ cũng mang một tầm mức rộng lớn, điều này càng đúng khi đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không được nghĩ rằng Đức Giêsu chỉ hoàn tất một vài câu đơn lẻ, được lọc lựa ở trong Kinh Thánh; vì suy nghĩ theo kiểu cứng nhắc này, Kinh Thánh sẽ trở nên vô ích hay «cũ rích» để hiểu biết Đức Kitô. Thế mà, chúng ta lại hay rơi vào kiểu suy nghĩ này, bởi vì các tác giả Tin Mừng thường hay trích một câu riêng lẻ của Cựu Ước, để đặt nền tảng cho trình thuật liên quan đến một hành vi của Đức Kitô. Nhưng các tác giả làm như thế, bởi vì một câu Kinh Thánh, đối với họ, gợi ra cả một thế giới, còn đối với chúng ta thì không.

Cách tiến hành của các tác giả Tin Mừng cũng rất lạ lùng và chúng ta có thể thấy rõ điều này trong Tin Mừng Luca, chính xác là trong trình thuật Emmau. Theo trình thuật này, chính Đức Giêsu phục sinh đã «đọc Tin Mừng» cho hai môn đệ: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các Ngôn Sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27). Câu này phát biểu hai lần ý tưởng “tất cả”; và cái “tất cả” này chứa đựng một sứ điệp: “Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24, 26). Và khi hiểu được Kinh Thánh, các môn đệ tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Bằng những kinh nghiệm tương tự, nhiều môn đệ khác cũng đã tin bằng con đường đọc lại toàn bộ Sách Thánh. Tuy nhiên, chúng ta thiếu mất một điều, đó là lời giải thích Sách Thánh của chính Đức Giêsu: thánh Luca đã chẳng kể lại gì cả!

Nhưng thật ra chúng ta đâu có thiếu! Chúng ta hãy đọc lại Tin Mừng Luca: chính tác giả đã chỉ ra trong từng trường hợp những đoạn Kinh Thánh để chứng tỏ rằng sự hoàn tất được thực hiện nơi Đức Giêsu-Kitô. Trình thuật Emmau có thể được coi như một chữ ký cho toàn bộ Tin Mừng Luca hoặc như giấy khai sinh của trình thuật Tin Mừng, được dựa trên Kinh Thánh vốn có trước Tin Mừng. Chính qua con đường Sách Thánh mà các Tin Mừng đã cho cuộc đời của Đức Giêsu một khởi đầu, khởi đầu của Người Con duy nhất, hằng ở trong cung lòng của Cha (Ga 1, 18), và làm cho chúng ta nhận ra rằng Ngài trở về cùng Cha bằng sự dâng hiến chính mình như là các Thánh Vịnh mô tả:

“Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: «Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con. ” (Tv 40, 7-9)

2. Kinh nghiệm “con tim bừng cháy

Vẫn còn một điều khác nữa trong trình thuật Emmau: “Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Như thế, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh mà các Thánh Vịnh là thành phần, không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều này đi ngang qua tầng nền của hữu thể và làm cho sinh động mọi gốc rễ của hữu thể. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Kitô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa. Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài.

Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Như thế, sách Thánh Vịnh có hẳn vị trí của mình, bởi vì những con người, vốn nói “Tôi” hay “Con”, đã phải đối đầu với sự sống và sự chết và đã kể lại cuộc thương khó của riêng mình trong các Thánh Vịnh.

Trong các chương trước, chúng ta đã nghiệm ra rằng các Thánh Vịnh đã là tiếng kêu của cả một dân tộc vô danh trong thử thách, trong lúc không còn những kỳ công, trong khủng khoảng tột cùng, trong những lời tố cáo mà kẻ thù bên ngoài và bên trong dành cho những người bất hạnh và những người nghèo của Yahvê. Việc ghi khắc hành trình này nơi cả một dân tộc, đó là công trình của Thánh Linh, được Chúa Cha sai đến trong một dân tộc nhằm qui tụ họ chung quanh Người Con duy nhất. Giữa Chúa Cha và Chúa Con, có công trình của Thánh Linh trong một dân tộc. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc vượt qua, không phải của một mình Đức Giêsu, vì Ngài “không một mình” (x. Ga 8, 16.29; 16, 32), nhưng của Đức Giêsu cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh.

thanhvinh-1.jpg

Khi chúng ta “đọc” Thánh Vịnh, chúng ta “mặc lấy” Đức Kitô. Nhưng điều đó chỉ có thể được, bởi vì Ngài đã “mặc lấy” chính chúng ta. Biết Đức Kitô bằng cách biết chính chúng ta, đó là con đường duy nhất và không có con đường nào khác. Nhưng, con đường này cũng dẫn đến kinh nghiệm chúng ta hiểu ra chính mình ở chỗ mà chúng ta không muốn biết, thậm chí chê bỏ hay lên án, đến kinh nghiệm hiểu biết chúng ta ở chiều sâu. Đôi khi Thánh Vịnh đối với chúng ta có vẻ ít đẹp so với lý tưởng của chúng ta và hầu như không đủ cao siêu đối với chúng ta[5]. Nhưng khi đặt lời Thánh Vịnh vào miệng của Đức Kitô, chúng ta sẽ hiểu được điều mà thánh Phaolô muốn nói, khi viết: “Ngài đã mang lấy thân xác giống như thân xác của tội” (Rm 8, 3)!

Các Thánh Vịnh không được đọc “một cách đơn thuần” như là dân tộc Do Thái nói trong các Thánh Vịnh, cũng không được đọc “một cách đơn thuần” như là Đức Kitô nói ở trong các Thánh Vịnh, và cũng không được đọc “một cách đơn thuần” như là các Thánh Vịnh nói lên đời sống của riêng tôi, đời sống của cộng đoàn, của Giáo Hội hay của toàn nhân loại. Không có chuyện “một cách đơn thuần”. Các Thánh Vịnh thuộc về cả ba chủ thể chúng ta vừa nêu và có thể được ví như ba “chiếc nhẫn”, chiếc nhẫn này được lồng vào chiếc nhẫn kia, đi từ chiếc nhẫn này vào chiếc nhẫn kia. Khi đọc hay hát Thánh Vịnh, chúng ta có thể thay nhẫn mỗi ngày, và như thế chúng ta thực tập hành trình vượt qua từ chiếc nhẫn này sang chiếc nhân kia một cách thuần thục.

thanhvinh-2.jpg

 


III. Khuôn mẫu và Đấng Duy Nhất

Các Tin Mừng thường xuyên trích dẫn Cựu Ước và đặc biệt là các Thánh Vịnh. Một cách chính xác, chúng ta có thể đếm được 16 trích dẫn Thánh Vịnh theo nghĩa chặt (không tính những ám chỉ) trong Tin Mừng Matthêu, 11 trong Tin Mừng Maccô, 17 trong Tin Mừng Luca và 10 trong Tin Mừng Gioan[6]. Những câu nói chắc chắn có xuất xứ từ các Thánh Vịnh, thì rất nhiều nhưng khó có thể liệt kê ra hết được. Điều này giả thiết rằng các tác giả Tin Mừng đã phải có một hiểu biết uyên bác về Kinh Thánh, và vì thế, đòi hỏi những cuộc khảo sát cũng phải uyên bác. Tuy nhiên, đằng sau những tương quan phức tạp về mặt văn chương này, ẩn dấu một kinh nghiệm đơn sơ hơn, đã được chia sẻ bởi các chứng nhân đầu tiên của Tin Mừng và những người đầu tiên nghe loan báo Tin Mừng. Một kinh nghiệm đơn sơ, nhưng lại là nền tảng cho đức tin của chúng ta.

1. Sự tương hợp

Kinh nghiệm này có thể được phát biểu như sau: cuộc đời và cái chết của Đức Giêsu-Kitô đối với các chứng nhân, như hoàn tất một chương trình, như mang dấu vết của một sự tương hợp.

a. Sự tương hợp lạ lùng

Thực vậy, ý thức về một chương trình được hoàn tất, được diễn tả trong công thức “Để cho Kinh Thánh được hoàn tất”. Thánh Gioan rất thích dùng công thức này: Ga 13, 18; 15, 25; 19, 24.28.36 ; các Thánh Vịnh được trích dẫn trong cả năm câu này và tất cả đều được hiểu như những lời loan báo về cuộc Thương Khó. Những trích dẫn khác diễn tả sự kinh ngạc, gây ra bởi sự tương hợp rất đánh động[7]. Sự kinh ngạc được bộc rộ ra trong câu hỏi :

Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao:

“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ,
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!”? (Mt 21, 42)

Trong đoạn văn này, thánh Matthêu đã trích Tv 118, 22-23; thánh Maccô và thánh Luca cũng làm như thế (Mc 12, 10-11; Lc 20, 17). Trong trường hợp này, cũng là để nói về cuộc Thương Khó, bởi vì bối cảnh là các người lãnh đạo ở Giêrusalem muốn loại trừ Đức Giêsu. Bản văn được dành cho những người đối thoại trực tiếp với Đức Giêsu trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Ngài; bản văn một cách thường xuyên cũng ngỏ với người đọc Tin Mừng, giả thiết cũng đã đọc Thánh Vịnh. Bản văn diễn tả hai ngạc nhiên:

Đấng Messia đã đến rồi và khuôn mẫu sống động cho chân dung của Ngài được các Thánh Vịnh phác thảo, vẫn luôn có đó ; bức chân dung của Ngài không phải do sáng tác hay do tưởng tượng.

Ngài đã đến và tôi để cho Ngài đi qua mà không nhận ra Ngài, trong khi tôi có bức chân dung của Ngài.

Sự ngạc nhiên là yếu tố chính yếu của biến cố Đức Kitô, được chờ đợi bấy lâu và nay đã đến. Người ta có thể phản bác rằng hoàn tất một chương trình, hoặc nói theo Kinh Thánh một «kế hoạch», hay tương hợp với một khuôn mẫu, điều đó đâu mang lại được sự mới mẻ gây chưng hửng; ngược lại, điều đó dường như gần hơn với sự lập lại, tính cứng nhắc, và cuối cùng là sự chán ngán! Dù đây là sự tương hợp với một chương trình hay với một chân dung, nhưng cách thức các chứng nhân Tin Mừng phát hiện cho thấy rõ đó là một sự tương hợp tuyệt đối lạ lùng; phải nói rằng đó là một tương hợp hết sức bất ngờ. Sự tương hợp này được ẩn dấu, bởi vì người ta đã không khám phá ra ngay. Đây là một nghịch lý, nghịch lý hơn mọi nghịch lý bình thường.

b. Kinh nghiệm và lời chứng

Tin Mừng đã mang tới và vẫn còn mang tới hôm nay một tin vui: Ngài đã đến, Đấng chưa hề được biết đến, Đấng mà tôi hằng mong đợi; Ngài đã đi qua, người mà tôi đã có được vài đường nét về Ngài. Đó chính là niềm xác tín và Tin Mừng Gioan cho chúng ta một ví dụ về diễn tiến của niềm xác tín này. Ông Philípphê đi tìm gặp ông Nathanael và nói:

«Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.» (Ga 1, 45)

Nhưng Nathanael không được đánh động và cũng chẳng bị thuyết phục, ông trả lời: «Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?» Tất cả những gì chúng ta học được qua lời loan báo như thế này, đó là chứng nhân thì chắc chắn về điều mình nói ; đó là điều kiện thiết yếu, nhưng không đủ để thuyết phục nguời khác, trong đó có chúng ta. Người ta thường nói là phải đối thoại, nhưng ở đây đối thoại cũng chẳng giải quyết được. Bởi lẽ, kinh nghiệm của chứng nhân luôn luôn mạnh hơn và tận căn hơn những dẫn chứng mà người này đưa ra. Chính vì thế, Philipphê nói với Nathanael: «Hãy đến và xem». Lời chứng chỉ hiệu quả khi nó thúc đẩy người nghe, không phải cúi mình trước những dẫn chứng, nhưng là đến lượt mình, đích thân thực hiện một kinh nghiệm.

A : [Kinh nghiệm => Lời chứng] => B : Kinh nghiệm

Chúng ta có thể thực hiện được kinh nghiệm mà các tác giả Tin Mừng mời gọi không, khi họ trích dẫn các bản văn của Cựu Ước và nhất là của sách Thánh Vịnh ? Khi các Tin Mừng thiết lập những tương quan gần gũi giữa cuộc Thương Khó của Đức Giêsu (bởi lẽ đây là điểm chính yếu) và những lời loan báo mang tính ngôn sứ của sách Thánh Vịnh, chúng ta có cảm thấy mình bị đụng chạm không ? Kinh nghiệm của Nathanael chuẩn bị cho chúng ta đối diện với một số trở ngại.

2. Các trích dẫn Thánh Vịnh

Trong phần này, chúng ta sẽ cố gắng đi lại hành trình nhận ra sự tương hợp lạ lùng vừa được trình bày ở trên, bằng cách khảo sát năm trích dẫn Thánh Vịnh trong Tin Mừng Gioan[8].

Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.

Thánh Gioan đã trích Tv 41, 10 để cho thấy sự phản bội của Giuđa đã hoàn tất lời Kinh Thánh (Ga 13, 18). Và cũng như thế đối với Thánh Vịnh 35 (hay Tv 69):

Chúng ghét con vô cớ.

Thánh Gioan đã trích Tv 35, 19 (hay Tv 69, 5), vì nhìn ra ở đó lời tiên báo về sự thù ghét của thế gian đối với Đức Giêsu và và đối với Cha của Ngài (Ga 15, 25). Còn về sự kiện phân chia y phục và bắt thăm áo dài, thánh Gioan trích Tv 22, 19:

Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
cả áo trong cũng bắt thăm luôn.

Giống như ba Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Gioan làm nổi bật sự kiện quân lính chia nhau y phục của Đức Giêsu, nhưng ngài còn thêm vào một chi tiết về chiếc áo dài: «Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới» (Ga 19, 23). Và như trong Tv 69, 22, Đức Giêsu khát và được cho nhấp giấm chua (Ga 19, 28-30):

Con khát nước, lại cho uống giấm chua.

Và sau cùng, xương chân của Ngài không bị quân lính đập gẫy (Ga 19, 31-36), để hoàn tất Tv 34, 21:

Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy.

Trong những tương hợp nêu trên, đa số mang đặc tính phổ biến: sự phản bội của bạn bè, lòng ghen ghét chống lại người công chính, cơn khát của người chịu nhục hình, kể cả sự kiện những người canh giữ chia chác y phục của nạn nhân. Bởi lẽ đã có biết bao người từng trải qua những tình cảnh như vậy. Họ đã trải qua những chuyện như thế trước Đức Giêsu, bởi vì các Thánh Vịnh hát lên những khổ đau có thực; và còn biết bao người khác cũng đã chịu cùng những nghịch cảnh như thế sau Đức Giêsu. Điều lạ lùng là, khi có được bức chân dung của người công chính đau khổ trong các Thánh Vịnh và ở những nơi khác, các chứng nhân đã có thể nói, lúc chứng kiến Đức Giêsu đau khổ, rằng các bản văn này đã nói về Ngài, rằng các bản văn này đã được hoàn tất bởi chính Ngài, chứ không phải bởi một ai khác. Trong khi bức chân dung đó có thể áp dụng được cho biết bao những trường hợp khác!

Bên cạnh những nét phổ biến nói trên, Tin Mừng Gioan cũng nêu ra một số nét đặc thù : Giuđa chia sẻ bánh trong bữa tiệc ly chính vào lúc Satan nhập vào ông (Ga 13, 27), điều này có lẽ nhằm làm nổi bật trích dẫn Tv 41, 10 trước đó. Chiếc áo dài không có đường khâu của Đức Giêsu được lưu ý đặc biệt so với những y phục khác; nhờ thế, khuôn mẫu của Tv 22, 19 được mô phỏng sát hơn. Chân của Đức Giêsu không bị đập gẫy, điều này làm cho Ngài tránh khỏi số phận chung; xét cho cùng, chỉ có điểm này làm nên dấu chỉ đặc thù trong toàn bộ các dẫn chứng về người công chính đau khổ mà thánh Gioan đã thu thập đuợc. Nhưng chúng ta phải nói rằng như vậy là quá ít để có thể nhận ra Đức Giêsu là ai!

3. Những dấu hiệu

Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận dữ kiện này: Đức Giêsu đã được nhận ra với những chi tiết này, hoặc ít là nhìn nhận dữ kiện này: những chi tiết này đã được ghi lại; vậy điều đó có nghĩa là gì? Tiếp đến, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng những chi tiết này không tạo thành một bằng chứng, hay nói thẳng ra rằng chúng rất chủ quan! Tuy nhiên, một chứng từ lại bao gồm những chi tiết như thế. Thực vậy, khi các chứng nhân được hỏi: «Anh đã nhận ra Ngài khi nào?» Bình thường họ sẽ trả lời: «Khi Ngài bẻ bánh» (x. Lc 24, 31); «Thế còn anh?» – «Khi chúng tôi bắt được nhiều cá» (x. Ga 21, 7)… Những câu trả lời như thế không có nghĩa là sự kiện bẻ bánh hay bắt cá là những “bằng chứng” khách quan về sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh. Tương tự như thế, không phải bởi vì Đức Giêsu đã nhấp giấm chua mà Ngài hoàn tất các Thánh Vịnh, nhưng chính khi trình thuật hay cảnh tượng đau đớn này được so với một Thánh Vịnh mà những người tin đầu tiên đã hiểu ra : «Đó là Đức Chúa!»

Vì thế, những dấu hiệu này rất có giá trị, ngay cả khi chúng không phải là những bằng chứng[9]. Chúng cho chúng ta biết làm thế nào các chứng nhân đã tin. Tuy nhiên, các chứng nhân sẽ nói với chúng ta như Philiphê nói với Nathanael: «Hãy đến và nhìn»; các chứng nhân không nói: «hãy thuận theo những lý chứng của tôi», nhưng nói: «khi hiểu được tôi đã tin như thế nào, chính bạn, bạn hãy lên đường!»

Các chứng nhân Tin Mừng đưa ra các dấu hiệu liên quan đến đức tin của họ, khởi đi từ Sách Thánh cổ xưa, họ không đưa ra các bằng chứng. Nhưng các chứng nhân dẫn đưa người nghe đến điều mà chính người này sẽ tìm ra. Đó là vì không ai có thể chỉ cho người khác yếu tính của chân lý, bởi lẽ chân lí chỉ có một bằng chứng là chính mình[10]. Người này chỉ có thể mời gọi người kia lên đường, bằng cách cho biết mình đã đi con đường này rồi. Những người Samari đã nói như thế với người phụ nữ, vốn là người trước đó đã mang lại cho họ chứng từ đầu tiên về Đức Kitô :

Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” (Ga 4, 42)

Nếu các chứng nhân đã dẫn chúng ta đến với lời chứng của Cựu Ước, đó là vì có điều gì đó phải đón nhận ngang qua những bản văn này; ở đây, một cách chính xác, đó là lời chứng về Đức Giêsu-Kitô cần được đón nhận ngang qua các Thánh Vịnh. Thực vậy, Đức Giêsu đã nói: “Chính về tôi mà Môsê đã viết” (x. Ga 5, 58; cf. 1, 45) và lời này của Ngài sẽ phải được mở rộng ra cho tất cả Kinh Thánh. Nhưng chân lý mà chúng ta sẽ tìm ra bằng con đường này, chúng ta được mời gọi làm cho trở nên chân lý của chính mình. Thật vậy, lời loan báo về Đức Giêsu-Kitô trong các Thánh Vịnh chỉ có thể đánh động chúng ta nếu đó cũng là một lời loan báo về chính chúng ta. Lời loan báo sẽ khác nhau tùy theo mỗi ngôi vị và từng thời đại khởi đi từ cùng những bản văn. Như thế, cần phải mở ra con đường.

4. Khuôn mẫu của Đức Kitô và chúng ta

Các chứng nhân Tin Mừng, dựa trên khuôn mẫu của Sách Thánh, đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Duy Nhất. Đó thực sự là một nghịch lý! Nhiều nhà chú giải thông thái vốn từ chối mọi so sánh như thế, đã phản bác kiên quyết: «Làm gì có khuôn mẫu của Đấng Duy Nhấ!». Nhưng chẳng lẽ các tác giả Tin Mừng lại hết sức tha thiết truyền đạt cho chúng ta một nhận thức quá ư mỏng dòn và bấp bênh đến thế ! Chúng ta hãy cố hiểu các vị.

Các tác giả Tin Mừng đã trình bày một nghịch lý thuộc kinh nghiệm: có một khuôn mẫu cho Đấng Duy Nhất; các vị không trình bày những bằng chứng dành cho lý trí thuần túy. Các Thánh Vịnh mô tả người công chính như là người bị phản bội, bị lột trần, bị ghét bỏ, bị loại trừ. Đức Kitô giống như người công chính ấy, vốn hiện hữu nơi biết bao nhiêu trường hợp tương tự thuộc mọi thời. Nhưng Đức Kitô khác người công chính này, bởi vì ngài là tất cả những điều đó một cách trọn vẹn. Trọn vẹn vừa theo nghĩa Ngài mang vào mình mọi nghịch cảnh của thân phận con người (x. Mt 8, 17), vừa theo nghĩa Ngài là nạn nhân tuyệt đối, bởi lẽ Ngài là Đấng Công Chính tuyệt đối (x. Ga 15, 25). Kinh nghiệm này không được chứng minh, nhưng chỉ được cảm nếm và đón nhận. Ngài chỉ có thể là Đấng Duy Nhất nếu Ngài bị phản bội và loại bỏ một cách trọn vẹn.

Đức Giêsu-Kitô phải có một khuôn mẫu, bởi vì Ngài đã đến mang lấy hình ảnh của chúng ta. Khuôn mẫu của Đức Giêsu-Kitô, chính là sự yếu đuối của chúng ta. Với tập sách nhỏ Thánh Vịnh trong tay, trong đó khuôn mẫu được phác họa, khi đứng trước con người Đức Giêsu, ai có thể nói được rằng khuôn mẫu được thực sự thể hiện ? Chắc phải có một kinh nghiệm nào đó về khuôn mẫu để có thể nói Đức Giêsu có phải là chân lý của khuôn mẫu hay không. Các Tin Mừng đã trả lời câu hỏi này theo nhiều cách. Các Tin Mừng nói rằng phải trở nên nghèo khó hay phải chịu thử thách để có thể hiểu được Đức Giêsu có phải là người nghèo trọn vẹn hay không. Các Tin Mừng cũng nói rằng Thiên Chúa phải kêu gọi để người ta có thể nhận ra Đức Giêsu-Kitô trong khuôn mẫu của Ngài : bởi lẽ, chỉ có Đấng Hoàn Hảo mới mặc khải được Đấng Hoàn Hảo mà thôi.

Đường đời, trọn vẹn đường đời chứ không một phần, của chúng ta là thành phần thuộc về hành trình đức tin của chúng ta. Vì thế, nhận ra hoạt động của Thánh Linh trong Kinh Thánh, chính là nhận ra hoạt động của Thánh Linh nhằm dẫn đưa chính chúng ta đến với Đấng Duy Nhất. Thánh Linh chứng thực trong Kinh Thánh rằng Đấng Duy Nhất không một mình và chúng ta cũng không một mình.

Đấng Duy Nhất đã theo khuôn mẫu của tất cả mọi người,
nhưng Ngài cũng là khuôn mẫu thu hút tất cả mọi người từ khởi nguyên.

Giuse Nguyễn Văn Lộc, sj.


[1] Đây chính là kinh nghiệm nền tảng làm nên tiến trình “hội nhập văn hóa” đích thật.

[2] Như vậy, tương quan mà Đức Kitô có với các Thánh Vịnh vừa cụ thể (nghĩa là Ngài đã hát Thánh Vịnh) và vừa thiết yếu (Đức Kitô hoàn tất Kinh Thánh, mà các Thánh Vịnh là một thành phần cấu thành, qua đó, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của mình). Về vấn đề này, tác giả Matthieu Collin nhận định rất đúng khi viết: “Hoàn toàn không phải là chuyện gán Đức Kitô cho các Thánh Vịnh, nhưng đơn giản là nhận ra ý nghĩa sâu sa ẩn dấu trong bề dày của lớp vải Kinh Thánh của các Thánh Vịnh. Theo nghĩa chặt, nếu được thấu hiểu và khai triển trong tất cả sự phong phú Kinh Thánh của nó, thì toàn bộ sách Thánh Vịnh kể lại mầu nhiệm Đức Kitô ở giữa chúng ta” (Matthieu Collin, Le livre des Psaumes, « Cahiers Evangile », No 92, Paris, Editions du Cerf, 19795, tr. 62). Do đó, khái niệm “Kitô hóa” các Thánh Vịnh, mà một số tác giả sử dụng, chỉ diễn tả một tương quan ngoại tại và thứ yếu giữa các Thánh Vịnh và Đức Kitô (đọc Hoàng Đắc Ánh và Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm. Học hỏi Thánh Vịnh và Thánh Ca Cựu Ước Tân Ước, T.P. Hồ Chí Minh, Tủ Sách Đại Kết, 1992, tr 17-19; và NGUYỄN Thế Thủ, Giờ Kinh Phụng Vụ, T.P. Hồ Chí Minh, 2002, trang 150).

[3] Hiểu biết nền tảng, nghĩa là dựa vào đó chúng ta đưa ra những nhận định về các cách trình bày khác về Đức Kitô, chẳng hạn những suy tư Kitô học đuơng thời tại các châu lục khác nhau (về vấn đề này có thể đọc Michel Fedou, s.j., Regards asiatiques sur le Christ, Paris, Desclée, 1998), và trên đó chúng ta xây dựng hiểu biết của mình về Đức Kitô.

[4] Đọc Lc 6, 12. Nhưng chúng ta phải nói rằng giả định này có lẽ không hợp lý, bởi vì sẽ làm cho thời gian 30 năm sống ẩn dật của Đức Giêsu hóa ra vô ích và vì giả định này, theo các Tin Mừng, không phù hợp với cách Đức Giêsu hiểu về con đường của mình.

[5] Đó là điều mà một số tác giả gọi là “mặc khải bất toàn”, như chúng ta đã nêu ở chương 3, khi gặp thấy những điều không thật đẹp và không thật cao trong sách Thánh Vịnh (đọc HOÀNG Đắc Ánh và TRẦN Phúc Nhân, Như Hương Trầm. Học hỏi Thánh Vịnh và Thánh Ca Cựu Ước Tân Ước, TP. Hồ Chí Minh, Tủ Sách Đại Kết, 1992, trang 15-16; 157-158).

[6] Qui chiếu chính xác về những câu Thánh Vịnh được trích dẫn trong các Tin Mừng, có thể tham khảo Michel Gourgues, Les Psaumes et Jésus, Jésus et les Psaumes, “Cahiers Evangiles”, số 25, Paris, Editions du Cerf, 1978, trang 62-63.

[7] Giống như khi chúng ta đi thăm một người chưa từng quen biết, lúc về mới chợt nhận ra người ấy trong một bức chân dung mà mình đã có từ lâu, nhưng đã không biết bức chân dung này là ai.

[8] Có các trính dẫn Thánh Vịnh khác trong Tin Mừng Gioan và các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng ở đây chúng ta giới hạn việc khảo sát trong năm trích dẫn tiêu biểu.

[9] Những dấu hiệu, tự thân là yếu ớt, tùy phụ và dễ bị tổn thương, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng chúng có nhiều hiệu quả hơn những bằng chứng vững chắc để dẫn người ta đến với chân lý, khi chân lý này thuộc bình diện nhân linh.

[10] Để dễ hiểu, chúng ta có thể so sánh với vị ngon và hương thơm của một loại trái cây mà chúng ta thích, chẳng hạn như trái soài. Chúng ta không thể đưa ra bằng chứng cho một ông Tây về hương vị của trái soài, mà chỉ có thể mời ông thực hiện chính kinh nghiệm thưởng thức trái soài mà thôi. Cũng vậy, chân lý không có bằng chứng nào khác ngoài chính bản thân của mình. Khi Đức Giêsu nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), Ngài không đưa ra bằng chứng để thuyết phục chúng ta rằng Ngài đúng là như thế, nhưng chỉ mời gọi chúng ta đi theo Ngài mà thôi. Chính khi đi theo Ngài, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng Ngài đúng là điều mà Ngài đã nói. Có lẽ đây là cách thức thích hợp để nói về Đức Kitô cho con người hôm nay, trong suy tư cũng như trong việc loan báo Tin Mừng.

 

thanhvinh-3.jpg

 

Lượt xem 111 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *