Cuộc kiểm tra dân số

Cuộc kiểm tra dân số


12/24/2011 5:43:58 PM

Những câu mở đầu chương 2 Tin Mừng Luca đã từng lôi cuốn nhiều nhà chú giải Kinh Thánh chú tâm tìm hiểu.

24-MaryAndJoseph.jpg 
Giuse đưa Maria từ thành Nazareth, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành của vua Đavít, để khai tên tuổi theo Tin Mừng Thánh Luca

Mặc dù ý định của Luca đặt việc hạ sinh Đức Giêsu song hành với lịch sử thế giới, thì nhiều nhà chuyên môn cho rằng Lc 2,1-2 là những câu sai lịch sử nhất trong toàn bộ Tin Mừng! Họ nói rằng hoàng đế Augustô đã không hề ra chiếu chỉ kiểm tra dân số trong khắp đế quốc (Lc 2,1) và rằng cuộc kiểm tra dân số của ông Quiriniô, tổng trấn xứ Xyri không thể diễn ra trước năm 6 A.D., nghĩa là khoảng một thập niên sau ngày Đức Giêsu sinh ra vào năm 6 B.C., như nhiều người từng chấp nhận. Nếu chiếu chỉ của hoàng đế Xêda bị đặt nghi vấn về tính lịch sử và cuộc kiểm tra của ông Quiriniô là quá muộn về niên lịch, không thể đặt ông Giuse và bà Maria có mặt tại Bêlem như trình thuật nói đến, thì tại sao Luca lại nối kết những biến cố này lại với nhau để tạo khung cảnh cho cuộc Giáng Sinh đầu tiên?

Nhiều cách giải thích khác nhau về điểm này đã được các học giả đề xuất. Một số người cho rằng Luca lầm lẫn về các sự kiện ông nêu ra. Một số khác cho rằng Luca chỉ trình bày cho chúng ta những phác thảo sơ lược về các biến cố đầu tiên chứ không có ý đặt những chi tiết này đúng theo niên lịch. Và cũng có những người khác nữa mạnh mẽ bảo vệ Luca, cho rằng ông vẫn là một sử gia đáng tin cậy. Những người này buộc phải tái cấu trúc giai đoạn lịch sử này theo những phương thức khó có thể tương hợp với những dữ kiện lịch sử vẫn được chấp nhận. May thay, những tìm tòi mới đây bắt đầu rọi sáng cho chúng ta thấy rõ hơn vấn đề. Điều này đòi hỏi một sự giải thích lại 3 vấn đề nền tảng của những mấu chốt lịch sử, đó là: năm vua Hêrôđê băng hà, sự thật về chiếu chỉ của Xêda, và vai trò của ông Quiriniô.

1.
Phần đông các học giả đều tin rằng vua Hêrôđê Cả,người cai trị xứ Palestin, băng hà vào mùa xuân năm 4 B.C., sau một cuộc nguyệt thực vào tháng ba năm ấy. Sự thống nhất chung đó đã khiến các nhà chú giải đặt ngày sinh của Đức Giêsu 1 năm hoặc 2 năm sớm hơn biến cố Hêrôđê băng hà, vào khoảng năm 6 hay 4 B.C., nghĩa là ông Hêrôđê vẫn còn sống khi Chúa Giêsu sinh ra (Mt 2,1-18). Tuy nhiên, có nhiều ý kiến nêu ra bác bỏ quan điểm này. Thực tếlà khá nhiều học giả lại muốn đưa ngày vua Hêrôđê băng hà vào đầu mùa xuân năm 1, ngay sau cuộc nguyệt thực vào khoảng tháng giêng. Đáng chú ý là những gợi ý này lại hoàn toàn phù hợp với những chứng cứ của các Kitô hữu đầu tiên. Khi tính Sinh Nhật Đức Giêsu theo những năm hoàng đế Augustô trị vì, các Giáo phụnhư Thánh Irênê, Thánh Clêmêntê thành Alexandria, Tertullianô, Origen, Thánh Hippolytô thành Rôma, Eusebiô và Epiphaniô, đều xác định ngày sinh của Đấng Cứu Thế vào khoảng giữa năm 3 và 2 B.C. Nếu chấp nhận như thế thì cách nhìn mới này đưa biến cố Sinh Nhật lùi gần vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất B.C. và hé mở những khám phá mới giúp hiểu hoàn cảnh Luca trình bày.

2.
Chiếu chỉ của hoàng đế Xêda là một chi tiết từng gây tranh luận trong trình thuật của Luca (Lc 2,1). Sự thật thì Augustô đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra các công dân Rôma vào những thời điểm khác nhau trong triều đại của ông, nhưng không có chứng cứ nào ghi nhận rằng công việc này, hoặc một cuộc kiểm tra tương tự như thế bao gồm toàn đế quốc, được thực hiện vào những năm cuối thế kỷ 1 B.C.. Khi mà hầu như tất cả các cuộc kiểm tra dân số đều có mục đích là thu thuế, thì người ta suy luận rằng Xêda đã không thực hiện việc kiểm tra xứ Palestin khi vua Hêrôđê đang trị vì nơi đây và cũng đang thu thuế dân chúng. Và nhận xét chung này được đưa ra để tìm hiểu. Sử gia Do Thái Josephus có thuật lại là vào những năm cuối triều đại Hêrôđê, miền Giuđê được yêu cầu phải công khai thề hứa trung thành với hoàng đế Xêda. Nhiều chứng cứ về khảo cổ học cho thấy những hình thức thề thốt như thế đã được thực hiện trong một số nơi của đế quốc vào khoảng năm 3 B.C.. Rất có thể là cuộc kiểm tra trong Lc 2,1 chính là một hình thức tuyên thệ nói lên lòng trung thành với hoàng đế,chứ không phải cuộc kiểm tra vì mục đích thu thuế. Một sử gia Kitô giáo khác tên là Orosiô (thế kỷ 5 A.D.) trình bày minh thị rằng hoàng đế Augustô yêu cầu từng cá nhân thuộc mỗi tỉnh của đế quốc phải ghi danh vào một lời thề công khai. Mô tả của ông gợi ý một cách mạnh mẽ rằng lời thề này được thực hiện vào trước năm 2 B.C., lúc mà người Rôma đang tôn phong Augustô như là một “thiên tử”. Chính hoàng đế Augustô trong những bút tích cá nhân còn để lại, cho rằng toàn thể thế giới Rôma đều xưng tụng ông là người “cha” của đế quốc vĩ đại, vào chính lúc danh hiệu này được chính thức đặt cho ông vào năm 2 B.C.. Tất cảnhững tài liệu trùng hợp này cho thấy, có thể cuộc kiểm tra trong Lc 2 chỉ là một sự ghi danh các đối tượng bày tỏ lòng trung thành với mẫu quốc, chứ không phải cuộc kiểm tra để thu thuế.

3.
Vai trò của Quiriniô có lẽ là chi tiết khó giải thích nhất trong trình thuật của Luca (Lc 2,2). Người ta ghi lại rằng Quiriniô đã thực hiện một cuộc kiểm tra dân số ngay sau khi được chỉ định làm tổng trấn miền Xyri vào năm 6 A.D.. Tuy nhiên, tài liệu lại không cho thấy là ông giữ chức vụ này 2 nhiệm kỳ, hoặc ông thực hiện không chỉ một lần cuộc kiểm tra. Vậy, làm thế nào Luca có thể nối kết chuyện Quiriniô kiểm tra dân số nhiều năm sau so với biến cố Đức Giêsu hạ sinh? Chi tiết giúp hiểu điều này có thể tìm thấy trong chính ngôn từ của Luca. Từ ngữ Hy Lạp mà Luca sử dụng trong 2,2 đểnói về vai trò trấn nhiệm của Quiriniô cũng giống hệt như khi nói về vai trò của Phongxiô Philatô trong 3,1. Tuy nhiên, nếu Philatô chỉ trấn nhiệm một vùng miền chứ không phải cai quản toàn một tỉnh như Xyri thì điều này hé mở cho thấy có thể Luca nói tới vai trò quản nhiệm mà Quiriniô đảm nhận lúc đó không liên quan tới chức vụ sau này ông nắm giữ như một đại diện chính thức của đế quốc.Điều này cũng được củng cố thêm bởi Thánh Giáo phụ Giustinô Tử đạo; ngài nói rằng Quiriniô làm “tổng trấn” miền Giuđê (chứ không phải Xyri) vào thời Đức Giêsu sinh ra! Một tài liệu khác cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề, đó là lời chứng của một văn sĩ Kitô giáo, ông Tertullianô, người nói rằng Saturninô (chứ không phải Quiriniô) làm đại diện chính thức tỉnh Xyri vào thời Đức Giêsu sinh ra. Như vậy, có lẽ Quiriniô phụ trách một cuộc kiểm tra hành chính miền Giuđê, nghĩa là cuộc kiểm tra ghi nhận lời thề diễn ra vào thế kỷ 3 B.C., xảy ra nhiều năm trước khi ông chính thức thực hiện một cuộc kiểm tra khác để thu thuế, năm 6 A.D..

Mặc dù việc tái cấu trúc những suy nghĩ này còn nhiều kẽ hở và do đó còn để lại một số nghi vấn, nhưng những lý chứng trình bày khá thuyết phục và đem lại những ý nghĩa khá chắc chắn. Cái chết của vua Hêrôđê, chiếu chỉ của hoàng đế Xêda và vai trò của tổng trấn Quiriniô, tất cả đều là những dữ kiện lịch sử. Khi xếp đặt lại những cột mốc chính yếu này, người ta thấy nó đan xen với nhau trong mối quan hệ về thời gian với biến cố Đức Giêsu hạ sinh. Tóm lại, Đức Giêsu sinh ra vào khoảng năm 3 và 2 B.C.; việc khai tên tuổi của ông Giuse và bà Maria là một sự thể hiện lòng trung thành với hoàng đế Rôma; và cuộc kiểm tra dân số này được ông Quiriniô thực hiện tại miền Giuđê trước khi ông được chính thức bổ nhiệm làm tổng trấn tỉnh Xyri. Việc sắp đặt lại những chặng mốc thời gian này không chỉ giải quyết những khó khăn trong Lc 2,1-2 đặt ra, mà còn củng cố sự khả tín của sử gia Luca cũng như tính đáng tin cậy của các tài liệu lịch sử thời Giáo Hội sơkhai.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Lượt xem 391 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *