Chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô
12/30/2012 11:56:28 AM
Thật vậy, bởi vì trong chức tư tế cũ, vật bị sát tế và vị tư tế khác biệt nhau. Chính tác giả thư gửi giáo đoàn Do thái khai triển một cách rất rộng rãi và chứng minh cho thấy Đức Giêsu Kitô đã không chỉ là vật bị sát tế, mà còn là tư tế; và còn hơn thế nữa cũng là vị thượng tế, và Người duy trì địa vị này cho tới muôn đời. Để đi tới kết luận này, một đàng tác giả đã phải vượt qua ý niệm cổ điển thời đó về chức tư tế, không dừng lại trên các hình thức lễ nghi bề ngoài, nhưng phân định ý hướng sâu xa của chúng; đàng khác ông đã duyệt xét lại các dữ kiện nền tảng của nền Kitô học, làm sao để khám phá ra tương quan của chúng với chủ ý sâu đậm của cơ chế tư tế.
Ý thức được các khó khăn của vấn đề tác giả ghi nhận như sau: ”Hiển nhiên là Chúa chúng ta đã xuất thân từ chi tộc Giuđa, một chi tộc không được ông Môshê nói gì đến, khi bàn về các tư tế” (Dt 7,14); ”Vậy, giả như Đức Giêsu ở dưới thế, thì Người chẳng phải là tư tế, bởi vì đã có những người dâng lễ vật như Luật truyền” (Dt 8,4). Nghĩa là không thể gán cho Đức Kitô chức tư tế theo nghi thức cũ của Do thái giáo. Nhưng đàng khác, cũng phải thừa nhận rằng Đức Kitô là tư tế, bởi vì Người đã thực thi một công trình trung gian giữa loài người và Thiên Chúa, và chiếm được một địa vị của người trung gian. Trong mầu nhiệm cuộc khổ nạn và vinh hiển của Chúa Kitô thật dễ dàng phân định ba giai đoạn trung gian tư tế: giai đoạn đi lên, giai đoạn trung tâm và giai đoạn đi xuống.
Trong các chặng khác nhau của việc chứng minh, tác giả thường bắt đầu với giai đoạn chính giữa, là giai đoạn của việc chấp nhận vị tư tế vào nhà Thiên Chúa. Nghĩa là các tín hữu được mời gọi chiêm ngưỡng Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Người cao trọng hơn các thiên thần. Trong chương 1 câu 4 tới 14 tác giả trích nhiều văn bản Thánh Kinh Cựu Ước để chứng minh cho sự kiện này. Đức Kitô là vị thượng tế trung thành và biết cảm thương. Người cao trọng hơn ông Môshê, được tôn vinh và tuyên bố là ”đáng tin” (Dt 3,1-6). Người là thượng tế đời đời và ”hằng sống để chuyển cầu cho các tín hữu” (Dt 7,25). Điểm khởi hành của việc trình bầy là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô, biết rằng cuộc sống của mình có được là do Chúa Kitô vinh hiển ban cho, và cho cộng đoàn được tiếp xúc với Thiên Chúa. Thật ra Đức Kitô, đồng thời cũng là Con Thiên Chúa, được ngự trên ngai gần Thiên Chúa Cha, như tác giả viết trong chương 1: ”Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúu đã phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta. Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa phải thờ lạy Người. Về các thiên thần thì có lời chép: Người làm cho thiên thần của Người nên những luồng gió, và thuộc hạ của Người thành những ngọn lửa. Nhưng về Người Con, thì Kinh Thánh lại nói: Lạy Thiên Chúa, ngôi báu Ngài sẽ trường tồn vạn kỷ! Vương trượng Ngài, vương trượng công minh. Ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ngài đã tôn phong Ngài vượt trổi các đồng liêu, mà xức cho dầu thơm hoan lạc… Và có bao giờ Thiên Chúa đã phán với một thiên thần nào rằng: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con!” (Dt 1,5-13).
Là Con Thiên Chúa nhưng Đức Kitô cũng là anh của loài người, và Người hoàn toàn liên đới với họ cho tới chết. Tác giả Diễn từ về chức tư tế của Đức Kitô viết trong chương 2 rằng: ”Nhưng Con Người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa…
Qủa thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hóa là Đức Giêsu, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.
Người lại nói: Phần tôi, tôi sẽ tin cậy Thiên Chúa. Người lại nói: Này đây, cùng với những con cái mà Thiên Chúa đã ban cho tôi.
Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma qủy, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,9-18).
Các Kitô hữu không ở trong một tình trạng thua kém các tín hữu Do thái, vì họ cũng có một vị thượng tế, như tác giả viết trong chương 3: ”Do đó, thưa anh em là những người trong dân thánh, những người được hưởng chung ơn gọi bởi trời, anh em hãy ngắm nhìn Đức Giêsu là Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin” (DT 3,1). Ông lập lại trong chương 4: ”Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được lãnh ơn xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,14-16)
Từ kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô, tác giả Diễn từ về chức tư tế của Đức Giêsu bước sang việc trưng dẫn các văn bản kinh thánh. Trước hết là Thánh vịnh cứu thế 110. Câu đầu tiên của thánh vịnh này chứa đựng lời sấm diễn tả việc tôn vinh Đức Kitô bên hữu Thiên Chúa Cha: ”Sấm ngôn của Chúa ngỏ cùng Chúa tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110,1). Các tác giả Tân Ước thường áp dụng lời sấm này cho Đức Giêsu. Thánh sử Mátthêu ghi lại câu Đức Giêsu hỏi các Pharisêu: ”Các ông nghĩ sao về Đấng Kitô? Người là con của ai?” Họ thưa: ”Con của vua Đavít”. Người hỏi: ”Vậy tại sao vua Đavít, được Thần Khí soi sáng, lại gọi Người là Chúa, khi nói rằng Chúa phán cùng Chúa tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con? Vậy nếu vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa, thì làm sao Đấng Kitô lại là con vua ấy được?” Không ai đáp lại Người được một tiếng. Và từ ngày ấy, chẳng ai còn dám chất vấn Người nữa” (Mt 22,41-46).
Trong chương 26 thánh sử kể lại buổi Thượng Hội Đồng Do thái chất vấn Đức Giêsu sau khi bắt Người. ”Vị thượng tế nói với Người: ”Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho Ông phải nói cho chúng tôi biết: Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” Đức Giêsu trả lời: ”Chính ngài vừa nói. Hơn nữa Tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy con Người ngự bên hữu Đấng toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,63-64).
Sau khi ghi lại lệnh Chúa Kitô phục sinh truyền cho các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, Phúc Âm thánh Mạccô kết thúc như sau: ”Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Trong bài giảng thứ nhất thánh Phêrô cũng đã lập lại lời sấm của Thánh vịnh 110 (Cv 2,34) và trong thư gửi tín hữu Êphêxô thánh Phaolô cũng khẳng định rằng Thiên Chúa đã biểu lộ quyền năng nơi Đức Kitô, ”khi làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời” (Ep 1,20).
Tác giả Diễn từ về chức tư tế của Đức Giêsu ngay từ đầu chương 1 đã nêu bật sự kiện này khi viết: ”Người là phản ảnh huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1,3). Và tác giả nhiều lần trở lại với tư tưởng này (Dt 1,13). Ông viết trong chương 8: ”Điểm chủ yếu trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời. Vị đó lo việc tế tự trong cung thánh, trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng nên” (Dt 8,1-2). Đề cập tới sự hữu hiệu hy lễ của Đức Kitô tác giả khẳng định trong chương 10: ”Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời” (Dt 10,12).
Xa hơn trong chương 12 tác giả nói về gương sáng của Đức Kitô và khuyên tín hữu hãy ”kiên trì chạy trong cuộc đua… mắt hướng nhìn về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay ngự bện hữu ngai Thiên Chúa” (Dt 12,3).
Trong câu 4 của thánh vịnh 110 còn có một lời sấm khác nữa long trọng tuyên bố về Người rằng: ”Muôn thủơ, Con là Thượng Tế, theo phẩm trật Melkixêđê” (Tv 110,4). Kết qủa là chức linh mục của Chúa Kitô là một dữ kiện rõ ràng của mạc khải kinh thánh. Chính Thiên Chúa đã không chỉ khẳng định, mà còn ”thề” rằng Đức Kitô được tôn vinh là tư tế. Và tác giả đã trích các văn bản kinh thánh để chứng minh cho sự kiện này. Ông viết trong chương 5: ”Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Melkixêxê” (Dt 5,8-10).
Linh Tiến Khải
Lượt xem 157 Lần