Chúa thăng thiên: Ơn gọi người môn đệ

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.

Rôma, 22/05/2020

WHĐ, 23-05-2020 – Trong ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, Giáo Hội chọn và công bố cho cộng đoàn phụng vụ nghe đoạn kết của các sách Tin Mừng. Mỗi năm chúng ta được nghe bản văn của một tác giả Tin Mừng khác nhau tùy theo chu kỳ phụng vụ là năm A, B hay C. Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu tuy có nhiều điểm tương đồng với Tin Mừng do Thánh Mác-cô và Thánh Lu-ca biên soạn nhưng đoạn kết lại rất khác biệt. Điểm dị biệt này không những làm nên nét độc đáo cho Tin Mừng Mát-thêu mà còn là một tình tiết mấu chốt giúp chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa của biến cố Chúa về trời.

Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm (gồm 3 cuốn Tin Mừng đầu tiên, có nhiều điểm tương đồng với nhau), nếu như cả Tin Mừng theo Thánh Mác-cô và Thánh Lu-ca đều khép lại với biến cố huy hoàng rực rỡ “Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha” (Mc 16, 19; x. Lc 24, 51) thì Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu lại có một cái kết hết sức nhẹ nhàng khiêm tốn. Quả thực đoạn cuối của Tin Mừng Mát-thêu có phần kém huyền bí và kỳ vĩ là bởi vì không đề cập gì đến việc Chúa thăng thiên cả. Thay vào đó, Thánh Mát-thêu đã khép lại những trang Tin Mừng do ngài viết bằng những lời dặn dò thấm đẫm tình thầy trò của Đức Ki-tô Phục Sinh. Phải chăng tác giả Mát-thêu muốn nhấn mạnh rằng ý nghĩa thực của biến cố Thăng Thiên có thể tìm thấy nơi 2 chữ “Môn đệ”? Chúng ta hãy cùng đọc lại đoạn Tin Mừng này:

Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 16-20)

Môn Đệ: Cảm Nghiệm Tình Bằng Hữu

Khi viết về cuộc gặp gỡ sau cùng, Thánh Sử Mát-thêu không dùng cụm từ “Nhóm Mười Một” viết hoa (Mc 16, 14; Lc 24, 8; 33) hay “các Tông Đồ” (Mc 16, 20) để chỉ nhóm người vinh hạnh được thấy Đức Ki-tô hiện ra sau khi Người sống lại từ cõi chết. Tác giả Mát-thêu đơn giản dùng cụm từ “mười một môn đệ”. Phải chăng đối với Thánh Mát-thêu, ơn gọi được làm môn đệ của Thầy Giê-su là niềm vinh hạnh lớn nhất rồi, không còn gì đáng ước ao hơn? Đối với Đức Giê-su, môn đệ chính là bạn hữu (x. Ga 15:15), là người tâm phúc cùng Người chia ngọt sẻ bùi. Giống như các thầy Do thái cùng thời, Chúa Giê-su đã quy tụ một nhóm các đồ đệ và đã trải qua những năm tháng cùng chung sống với họ. Thầy trò hai bên không chỉ có tương quan truyền – thụ (trao – nhận) tri thức mà quan trọng hơn là đôi bên hiểu biết lẫn nhau thông qua việc chia sẻ cuộc sống hằng ngày. Lúc bấy giờ giữa thời khắc chia ly, “Thầy phải trở về cùng Cha Thầy” (x. Ga 16, 5 và Ga 20, 17) còn các môn đệ thì tiếp tục “ở trong thế gian” (Ga 17, 11) và “ra đi rao giảng khắp nơi” (Mc 16, 20), mong mỏi cuối cùng đọng lại trong trái tim của Người Thầy chính là được thấy các đồ đệ biết gìn giữ mối tương quan thân tình ấy. Tuy xa cách về thể lý nhưng tâm hồn và ý hướng của thầy trò mãi mãi hiệp nhất nên một, vì Thầy đã hứa là sẽ “luôn ở cùng [với họ] mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28, 20). Điều đáng lưu ý là nếu như mối tương quan thầy trò có ý nghĩa đặc biệt trong thời gian Đức Giê-su thi hành sứ mạng nơi trần thế thì sau khi Người về trời, mối ân tình ấy lại càng khẩn thiết quan trọng hơn trong công cuộc loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (x. Mt 28, 19). Sao không phải là “thành sứ giả” hay “thành chứng nhân” mà là “thành môn đệ”? Có lẽ vì sứ mạng “môn đệ” đã bao hàm cả hai sứ mạng vừa nhắc đến. Nơi trình thuật chia ly của Mát-thêu, chúng ta khám phá mối liên hệ khắng khít giữa sứ mạng truyền giáo và ơn gọi làm “môn đệ”. Khắng khít đến độ không thể truyền giáo nếu không có tương quan bạn hữu với Đức Ki-tô. Cũng vậy, không thể là môn đệ đích thực nếu không thao thức với ước nguyện làm cho nhiều người biết và mến Chúa. Mệnh lệnh sai đi của Đức Ki-tô Phục Sinh, dưới ngòi bút của Mát-thêu, trở nên không gì khác hơn di nguyện của Người Thầy trăn trối cho đoàn môn sinh.
Khi tưởng niệm việc Chúa rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, chúng ta không được phép xem thường ước nguyện cuối cùng của Thầy Chí Thánh và không được quên rằng tình thầy trò giữ vị trí chủ chốt quyết định sự thành bại của công cuộc truyền giảng Tin Mừng mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm dấn thân. Sứ mạng rao giảng quả thực phải bắt đầu từ tương quan sâu đậm với Đức Ki-tô và tình huynh đệ hiệp nhất (x. Eph 4, 3). Ngày nay, “cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Ki-tô, trong cái chết và sự sống lại của Người, cái chân lý làm rực sáng lên cả cuộc đời” của họ.[1]

Môn Đệ: Tuân Giữ Điều Thầy Dạy

Khi đối chiếu đoạn kết Tin Mừng Mát-thêu với các sách Tin Mừng khác, chúng ta nhận thấy trong trích đoạn này cả một bầu không khí thân tình ấm áp. Mát-thêu 28, 16-20 trình bày cho chúng ta cuộc hiện ra sau cùng của Đức Ki-tô Phục Sinh mà lại không có tình tiết bất ngờ, cũng không có tâm trạng ngỡ ngàng sợ hãi. Không có ai đòi hỏi xác minh tính chân thực của thân thể Chúa. Điều quan trọng là những lời nói của Đấng Phục Sinh trong bối cảnh này lại rất thân tình ấm áp. Ẩn trong cung giọng trìu mến của người Thầy và tâm trạng đầy ưu tư của người sắp ra đi là một thông điệp đầy dứt khoát mạnh mẽ: “Anh em hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (x. Mt 28, 20). Như thế, thông điệp của biến cố Thăng Thiên còn là thông điệp đề cao đức vâng phục. Các nhà chuyên môn đã nhận định rằng: “Những huấn lệnh như thế của Chúa Giê-su chiếm vị thế hàng đầu trong [Tin Mừng theo Thánh] Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ, và [kêu gọi] chúng ta phải thể hiện ý muốn Chúa Cha theo như Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta biết.”[2]

Đức Ki-tô Phục Sinh muốn các môn đệ tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng với đôi mắt mở rộng và đôi tai tỉnh táo để có thể nhìn thấy và lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đấng Bảo Trợ chính Người đã hứa sẽ sai đến giúp đỡ họ trên đường thi hành sứ mạng (x. Ga 16, 7-13). Bản thân Đức Ki-tô và Đấng Bảo Trợ là hai mẫu gương tuyệt hảo về nhân đức phục tùng (x. Phil 2, 8). Đấng bảo trợ “sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại” cho anh em biết (x. Ga 16, 13). Chính vì vậy, người môn đệ chân chính của Thầy Giê-su không có lựa chọn nào khác hơn là bước đi trên con đường ‘vâng phục’. Đến lượt mình, là môn đệ, chúng ta không chỉ tuân giữ điều chúng ta nhận lãnh từ Thầy Chí Thánh, mà còn phải chu toàn sứ mạng của người môn đệ; đó là ra sức giúp cho anh chị em xung quanh nhận ra và vâng nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua giáo huấn và gương sáng của các phần tử Giáo Hội Chúa Ki-tô (x. Lumen Gentium, #1 & #8).  

Môn Đệ: Rao Giảng và Làm Chứng

Khi suy tư về sứ mạng của người môn đệ trước lệnh truyền giáo của Đấng Thăng Thiên, chúng ta nhớ đến lời khuyên dạy chí lý của Chân  Phước Giáo Hoàng Phao-lô VI: “Con người hôm nay sẵn lòng nghe theo các chứng nhân hơn là các thầy dạy, mà nếu họ có nghe các thầy dạy thì bởi vì những thầy dạy này chính là những chứng nhân” (Tông Huấn Evangelii nuntiandi, #41)Rao giảng không chỉ bằng lời nói suông nhưng còn phải bằng cuộc sống chứng tá, vì chưng đời sống chứng tá và lời rao giảng của các môn đệ chân chính phải phát xuất từ Chúa Thánh Thần (x. Cv 1: 8). Ở đây, chúng ta cẩn trọng kẻo rơi vào việc cắt nghĩa sai lệch giáo huấn của Đức Phao-lô VI. Đức Chân Phước Giáo Hoàng không có ý xem nhẹ việc rao giảng bằng lời nói vì trong cùng một Tông Huấn, ngài có nhắc đến việc chính Đức Ki-tô bậc thầy vĩ đại nhất đã dùng lời nói mà gieo vãi chân lý vào lòng nhân loại chúng ta (x. Evangelii nuntiandi, #11).  

Biến cố Đức Ki-tô phục sinh và lên trời “là trung tâm điểm của Tin Mừng, nhưng trình thuật của Mát-thêu lại rất ngắn gọn. Tại sao? Thưa bởi vì, vào thời tác giả biên soạn, sự phục sinh được xem là một biến cố quá sức quan trọng để mà truyền tin qua chữ viết: phải nhường lời cho các nhân chứng kể lại thì hơn, và cũng không quên chứng từ của Thần Khí đang hoạt động trong các cộng đoàn Ki-tô hữu.”[3] Các nhà chú giải Thánh Kinh giúp chúng ta nhận ra một sự thật liên quan đến sứ mạng làm chứng của Giáo Hội: Thời thế thay đổi khiến cho cách thế loan báo Tin Mừng ngày càng phong phú đa dạng. Tuy nhiên, nền tảng chính yếu của cộng đoàn loan báo Tin Mừng phải là chính chủ thể của Tin Mừng – Đức Ki-tô Phục Sinh. “Cộng đoàn Giáo Hội làm chứng hùng hồn về Chúa Phục Sinh không phải là một cộng đoàn có bề thế, được tuyên truyền quảng cáo thật tốt, mà là một cộng đoàn đã được phục sinh.”[4] Hội Thánh được khai sinh từ lời sai đi của Đấng Cứu Thế, Hội Thánh có sứ mạng ra đi Phúc Âm hóa các dân tộc nhưng chính Hội Thánh phải được Phúc Âm Hóa trước đã” (x. Evangelii nuntiandi, # 15).  

Kết: Sứ Mạng Hòa Giải

Trong ngày tưởng niệm mầu nhiệm Đức Ki-tô Phục Sinh vinh thăng cõi trời sau khi hoàn tất sứ mạng trần thế, Lời Chúa mời gọi chúng ta tái khám phá nét đẹp sứ mạng của người môn đệ Chúa Ki-tô. Người môn đệ trung hiếu là người trân trọng tình thương và ơn nghĩa cao dày mà họ đã nhận lãnh từ Thầy mình. Người môn đệ trung tín là người luôn khắc cốt ghi tâm, cẩn thận tuân giữ từng giáo huấn vàng ngọc Thầy đã truyền lại. Người môn đệ trung kiên là người liều chết để phát huy chia sẻ những bài học giá trị mà mình đã học tập được. Trung hiếu, trung tín, trung kiên là những đức tính làm nên vẻ đẹp thiêng liêng của người môn đệ nhưng nét đẹp vẫn chưa đầy đủ. Người môn đệ đích thực của Thầy Giê-su còn phải là người trung nghĩa với anh em. Lệnh truyền của Đấng Thăng Thiên một lần nữa vang lên như nhắc bảo cho chúng ta điều ấy: “Anh em hãy đi và làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28, 19). “Cử hành phép rửa” nghĩa là gì nếu không phải là trở nên tác nhân hòa giải? Người môn đệ đích thực của Đức Ki-tô là người sẽ cống hiến hết mình cho công cuộc hòa giải và cứu độ của Đấng Phục Sinh sinh hoa kết quả ngọt ngào nơi mọi tâm hồn. Khi cử hành phép rửa chính là lúc người môn đệ thực hiện ý muốn của Đức Ki-tô là làm cho muôn dân đón nhận và được thông phần vào ơn cứu độ mà Người đã dùng chính máu đào để chuộc lấy. Tất cả là vì phần rỗi của anh chị em đồng loại. Đó chính là nét đẹp kiện toàn chân dung cao quý của người môn đệ Đức Ki-tô. 

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển; là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con, các môn đệ và là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen. (x. Lời Nguyện Nhập Lễ Chúa Thăng Thiên, năm A)
__________
 

[1] Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước: Lời Chúa Cho Mọi Người, “Chú giải Luca 28, 16-20” của Bernard Hurault và Louis Hurault, bản dịch do Nhóm CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2006, tr. 1657.
[2] Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước: Lời Chúa Cho Mọi Người, tr. 1657.
[3] Ibid, tr. 1656.
[4] Ibid.

Lượt xem 137 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *