Chiêm ngưỡng vinh quang Thập Giá Chúa Kitô

Hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô, nhất là trong những lúc khốn khó, trong những khi mệt mỏi. Và đừng càm ràm than trách Thiên Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Nuối tiếc quá khứ

Bài đọc một kể câu chuyện dân Do Thái thiếu kiên nhẫn trên hành trình tiến về đất hứa. Có những người muốn bước theo Chúa, muốn tiến lại gần Chúa, nhưng đến lúc nào đó, dường như gặp khó khăn không thể vượt qua. Vào lúc ấy, chúng ta thốt lên: “Thôi, đủ rồi!”, “Tôi muốn dừng lại, tôi muốn quay đầu trở lại”. Người dân Do Thái đang đi trong sa mạc cũng thế, họ nhìn lại quá khứ mà tiếc nuối. Họ tiếc củ hành củ tỏi trên đất Ai Cập. Ký ức tiếc nuối ấy là một thứ tâm bệnh, vì quả thực khi ở đất Ai Cập, họ có củ hành củ tỏi, nhưng đó là kiếp nô lệ.

Cũng thế, trong cám dỗ, ma quỷ tạo nên cho bạn nhiều loại ảo tưởng. Ma quỷ vẽ lên nhiều điều đẹp đẽ, để lôi kéo bạn quay lại với quá khứ, để làm cho bạn dừng bước, để làm cho bạn không còn tiến bước trong việc thực thi lời Thiên Chúa hứa. Đó cũng là con đường của Mùa Chay. Mùa Chay có đầy thử thách và cả an ủi của Thiên Chúa. Có thử thách của sa mạc. Có an ủi của đồ ăn là manna và chim cút, có nước để uống, tuy không có những bữa ăn ngon. Nhưng đừng quên một điều: trong quá khứ của Ai Cập, có nhiều bữa ăn ngon, nhưng đó là kiếp nô lệ. Đừng quên điều ấy!

Càm ràm than trách Chúa

Càm ràm than trách Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta trên hành trình theo Chúa. Muốn theo Chúa, nhưng ta thấy mệt mỏi. Có người tệ hơn nữa là đi trách móc Chúa. Có lẽ người ấy nghĩ rằng, Thiên Chúa chẳng giúp ích gì. Hãy nghe, hãy cảm nhận, rằng trái tim người ấy đang chán nản và bị trúng độc. Giống như trường hợp của các người trong bài đọc một hôm nay. Họ càm ràm than trách, và rồi họ bị rắn cắn, bị trúng độc. Bị trúng độc như thế, là biểu tượng của tâm hồn thiếu trung tín trên con đường theo Chúa.

Trong hoàn cảnh đó, Môsê đã cầu khẩn cùng Thiên Chúa. Ông vâng theo ý Chúa là làm một con rắn bằng đồng và treo lên cao, để ai nhìn lên con rắn đồng ấy thì khỏi bị rắn cắn. Con rắn đồng chính là hình ảnh tiên trưng về Chúa Kitô trên thập giá. Đây chính là chìa khóa của ơn cứu độ chúng ta. Chìa khóa của sự kiên nhẫn trong đời sống, chìa khóa để vượt qua những sa mạc, đó là nhìn lên thập giá. Nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô. Lạy Cha, con phải làm gì bây giờ? Hãy nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô! Nhìn lên những dấu đinh, đi vào chiều sâu mầu nhiệm của những vết thương ấy. Từ những vết thương của Chúa, chúng ta được chữa lành. Mỗi khi bạn cảm thấy bị trúng độc, mỗi khi bạn cảm thấy buồn bã, cảm thấy thất vọng về cuộc đời, cảm thấy đầy những khó khăn và bế tắc, hãy nhìn lên những vết thương của Chúa Giêsu.

Nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu

Hãy nhìn lên thập giá Chúa. Trong giây phút ấy, ta thấy một thập giá xấu xí, nhưng đó là sự thật là thực tế. Bởi vì thập giá ấy không phải là loại thập giá đầy tính nghệ thuật do người ta chế tác bằng vàng bạc hay đá quý. Ở đây không có ý nói các thập giá ấy mang tính thế gian, nhưng ở đây chỉ muốn nói tới Thập Giá của Chúa Kitô, nói tới vinh quang của thập giá, vinh quang của Phục Sinh. Khi nào bạn cảm nhận được như thế, bạn sẽ nhìn thấy, sẽ thấy vinh quang của Chúa. Thời nhỏ, tôi đi cùng bà ngoại trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Lúc đó có rước cuộc Thương Khó của Chúa. Bà và tôi quỳ xuống. Bà nói với tôi: Hãy nhìn cho kỹ Chúa vác thập giá, nhưng mà Ngài sẽ phục sinh! Và rồi đến sáng ngày Phục Sinh, chúng tôi ngắm nhìn vinh quang của Chúa Kitô.

Hãy dạy cho các con trẻ nhìn lên thập giá và vinh quang của Chúa Kitô. Trong những giây phút khó khăn, đen tối, hãy nói bằng tiếng nói của cõi lòng với Chúa về những thất vọng của mình, và hãy nhìn vào những vết thương của Chúa. Chúa Kitô đã được nâng cao, như con rắn đồng xưa, để tiêu diệt những con rắn độc. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta hãy nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô. Chúng ta hãy làm như thế, nhất là trong những lúc khó khăn đen tối của cuộc đời.

Tứ Quyết SJ
(Truyền Thông Vatican 20.03.2018)

Lượt xem 170 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *