Thông điệp tình yêu

Kinh Thánh là bức thông điệp tình yêu Thiên Chúa ngỏ với con người trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Cũng vậy, văn chương khôn ngoan, cách riêng sách Thánh vịnh là một tập sách rất giá trị. Qua từng trang sách, chúng ta bắt gặp ở đó câu chuyện riêng tư của mỗi người, với biết bao cung bậc cảm xúc khác nhau.  Khi giao tiếp với Thánh vịnh, mỗi người đều khám phá cho mình một điều gì đó thật mới mẻ. Quả thật, nếu lời Thánh vịnh không vấn vương tâm tư nhân loại, không chất chứa buồn vui nhân thế, thì những trang Kinh Thánh ấy cũng chỉ là những dòng chữ đơn điệu, vô hồn. 150 Thánh vịnh cũng chính là 150 bức thông điệp tình yêu Thượng Đế trao gửi cho con người. Với ơn Thánh Linh soi dẫn, nhất là khi thinh lặng để nhìn xuống dòng đời, tác giả đã thực sự bị đánh động khi chiêm ngắm Lời Chúa qua Tv 103. Bao nhiêu câu chữ là bấy nhiêu nhịp cầu giúp ta có những định hướng quan trọng cho hành trình đức tin của mình.

Tựa như ngàn lời thơ, Thánh Vịnh 103 là điệp khúc ngân vang, diễn tả Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đó là những lời ca bất hủ, một bức tâm thư rất đẹp, rất ý nghĩa và rất nên thơ. Thánh vịnh ấy đẹp không chỉ bởi hình thức văn chương “đầy chất nhạc, chất thơ”, nhưng lời Thánh vịnh đẹp vì nó ẩn chứa bên trong những giá trị giáo huấn sâu xa. Khi đối thoại với Thánh vịnh, mỗi người đều có thể tìm cho mình một lẽ khôn ngoan nào đó, làm kim chỉ nam dẫn dắt và định hướng cuộc đời. Chỉ với 22 câu ngắn gọn, khởi đầu và kết thúc Thánh vịnh, tác giả đã dẫn người đọc hòa cung bậc của những lời chúc tụng, tạ ơn: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi hãy chúc tụng Thánh Danh. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103,1-2) và “Chúc tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ…Chúc tụng Chúa đi, toàn thể thiên binh…” (Tv103, 20-22). Người đọc có thể cảm nghiệm sâu xa Lòng thương xót của Thiên Chúa bao bọc, ấp ủ, chở che con người. Lòng thương xót ấy có thể được soi sáng và cảm nghiệm dựa trên ba chiều kích căn bản: chiều dài, chiều rộng và chiều sâu. Dựa trên ba góc cạnh ấy, những người sống đời thánh hiến, cách riêng bản thân con cũng đã trau dồi cho mình những bài học thật hữu ích, làm hành trang cho đời thánh hiến của mình.

Khi đọc bất kỳ một đoạn Kinh Thánh nào, bạn và tôi phải năng hỏi bản thân mình: “Lời Chúa muốn nói gì với tôi? Tôi giao tiếp với Chúa thế nào? Lời Chúa biến đổi và thăng tiến đời sống tôi ra sao?” Đó cũng chính là những câu hỏi bạn và tôi cần phải đặt ra và chất vấn lương tâm hàng ngày, nhất là mỗi khi đọc Thánh vịnh 103.

Chiều dài Lòng thương xót

Trước hết, khi đọc Thánh vịnh 103, mỗi người có thể tìm ra câu chuyện của đời mình dựa trên kinh nghiệm của Dân Chúa trong Cựu ước. Khám phá chiều dài của Lòng thương xót, chúng ta thấy được chiều kích ấy ngay trong những từ ngữ xem ra rất đỗi giản dị. Theo dòng chảy lịch sử, Lòng thương xót của Thiên Chúa biểu lộ qua việc Ngài tha thứ cho con người không biết mệt mỏi, tha thứ hoài, tha thứ luôn luôn, dù cho Dân phản bội và bất trung với Ngài. Dù cho con người thế nào, Thiên Chúa vẫn yêu thương và sẵn sàng băng bó, chữa lành những con tim rạn vỡ. Ngài bao bọc con người luôn mãi bằng ân nghĩa và lượng hải hà (x. Tv 103, 3-13). Chính Lòng thương xót của Thiên Chúa là chìa khóa mở ra cho nhân loại chân trời hạnh phúc và khóa lại những điều bất hạnh. Có thể nói: Thiên Chúa không giới hạn trong việc thể hiện tình yêu của Ngài, nhưng Ngài còn đi xa hơn là làm cho tình yêu ấy trở nên cụ thể, sống động và có thể đụng chạm được. Tình yêu ấy không bao giờ là một khái niệm trừu tượng, xa vời, cao siêu, khó hiểu, nhưng là những gì rất đỗi hiện sinh. Lời Thánh vịnh minh dẫn: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8). “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103,13). Lòng xót thương ấy tiếp tục được tác giả Thánh vịnh diễn tả cách sâu sắc: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103,11-13). Đặc biệt, tình yêu Thiên Chúa không bao giờ bị giới hạn vào thời gian và không gian, nhưng trường tồn mãi mãi. Tình thương ấy trải qua muôn thế hệ và sẽ không bao giờ đổi thay: “Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn” (Tv 103,17).

Chiều rộng Lòng thương xót 

Thứ đến, xét đến khía cạnh chiều rộng của Lòng thương xót. Khi chìm vào cõi thinh lặng của cõi lòng, ta có dịp ôn lại những giờ phút tương giao giữa bản thân chúng ta với Thiên Chúa. Những lúc chúng ta vui vẻ hân hoan, những lúc ta âu sầu phiền muộn, những khi ta thành công và cả những lúc ta yếu mềm, gục ngã, Thiên Chúa vẫn có đó. Ngay cả trong lúc ta chìm sâu trong tuyệt vọng, ta biết Chúa vẫn đang hiện diện, đang thấu cảm và đang sẻ chia với chúng ta. Vì thế, cuộc đời chúng ta như biến thành một lời kinh và lịch sử đời ta là một Thánh Vịnh. Sau mọi biến cố, lớn nhỏ, vui buồn, chung riêng, con đều đón nhận được tình thương của Thiên Chúa. Ngài mãi mãi là một vì Thiên Chúa từ trời cao đến gặp gỡ và tương giao với con người. Ngài luôn đi bước trước trong việc tìm kiếm và kêu mời chúng ta quay trở lại với lòng thương xót của Ngài. Con tim Ngài mở rộng để yêu thương tất cả, dù cho chúng ta bất xứng, lỗi lầm. Vòng tay Ngài vươn xa, vươn cao để ôm ấp nhân thế vào lòng, hầu an ủi, xót thương, che chở. Tình thương Ngài không gói gọn trong một dân tộc, một nhóm người, nhưng là hết thảy mọi người, một tình yêu rộng lớn không biên giới. Người quyền quý, kẻ giàu sang, người công chính, kẻ bất lương đều được Thiên Chúa ghé mắt nhìn. Đó là một tình yêu đại đồng, một tình yêu lớn lao, một tình yêu rộng khắp.

Chiều sâu Lòng thương xót

Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ trên phương diện chiều dài, hay chiều cao mà thôi, nhưng còn cả trên bình diện chiều sâu. Ngài như người Cha giàu lòng xót thương, luôn sẵn sàng mở cánh cửa đón nhận chúng ta, dù cho chúng ta muốn rời xa Ngài. Sở dĩ Ngài có thể yêu thương chúng ta là vì Ngài là Đấng tác thành nên ta, do đó, Ngài biết rõ con người thật của chúng ta hơn chúng ta biết mình. Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Đấng tác sinh trời đất muôn vật, trong khi con người chỉ là một thụ tạo đầy bất toàn, mong manh, yếu đuối. Vì thế, không ai khác, Thiên Chúa chính là người biết rõ con người chúng ta nhất. Về khía cạnh này, lời Thánh vịnh diễn tả thật thâm thúy: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ ta chỉ là cát bụi” (Tv103,14). Tình yêu Thiên Chúa trong Cựu Ước đóng lại, nhưng không phải là kết thúc, Cựu Ước tìm được sự trọn vẹn của mình trong Tân Ước. Biến cố Nhập thể với mầu nhiệm Tự hủy (Kenosis) đã thực sự làm hồi sinh nhân loại. Một Thiên Chúa từ bỏ ngai vàng đã “mặc lấy xác phàm”, đã “cắm lều” trong nhân gian chỉ vì Ngài muốn vẹn tròn hai chữ “yêu thương”(Ga 1,14). Lòng xót thương của Thiên Chúa được ghi dấu bằng chính giá máu của Đức Giêsu trên đồi Can-vê năm xưa. Nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, Lòng xót thương của Thiên Chúa được loan đi khắp chân trời góc bể.

Một vài suy tư áp dụng

Có thể nói rằng: Mỗi người chúng ta muốn trở nên chứng nhân Lòng thương xót của Thiên Chúa thì phải có cái diệu cảm của chính mình khi được chính Thiên Chúa xót thương. Bởi lẽ, nếu chúng ta không có kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng không có khả năng làm lan tỏa tình thương ấy cho mọi người được. Khi không có Chúa, đời ta trở nên nhạt nhẽo và vô vị biết chừng nào. Nếu cuộc đời chúng ta không trở nên men nên muối ướp mặn cuộc đời, thì đời ta liệu có còn có ý nghĩa gì chăng? Xét về tương quan chiều dài, người Kitô hữu là cộng tác viên của Đức Kitô. Xét về chiều rộng, người Kitô hữu là người đi lên đồi cao để ôm trọn thập giá mà chết như thầy mình. Xét về tương quan chiều sâu, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân Lòng thương xót của Chúa giữa cuộc đời.

Mỗi chúng ta không phải là những con người hoàn hảo nhưng là những thụ tạo đầy bất toàn, yếu đuối và giới hạn. Chính khi nhận biết mình yếu hèn, chính là lúc ta buông mình cho Thượng Đế, để xin Ngài nâng đỡ bước đường tương lai của ta. Khi biết mình còn nhiều khuyết điểm, chính là lúc ta mở rộng cõi lòng để Thiên Chúa đổ đầy tình thương của Ngài trên chúng ta. Vì Lòng thương xót, Chúa đã cho chúng ta được sinh ra trên đời, được làm con Chúa và được trở nên chi thể trong thân thể Mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Thật đẹp biết bao hình ảnh Lòng thương xót Thiên Chúa dành cho nhân loại. Vẻ đẹp cao quý này sẽ toả hương thơm, khi con cái của Thiên Chúa biết thể hiện Lòng thương xót như Cha của mình, biết ý thức sống tinh thần thương xót mọi lúc, mọi nơi, mọi người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày, nhất là với những anh chị em bất hạnh và đau khổ đang khao khát một bàn tay, một tấm lòng.

Ngày nay nhân loại đang khát khao Lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi lẽ khi càng muốn lên cao, ta càng cảm thấy nặng nề, càng cố gắng hướng về Chúa, ta càng thấy sự đời cuốn lôi. Chúng ta không thể có một cuộc đối thoại thực sự nếu không đi vào chiêm niệm, không thể có một tiến bộ tâm linh nào mà vắng bóng suy tư và thầm lặng, không có hoạt động Tông đồ nào mang lại kết quả tốt đẹp nếu không được hun đúc trong cầu nguyện. Do đó, mỗi người hãy để tâm hồn trống rỗng, hầu Thiên Chúa lấp đầy con tim mỗi ngày bằng tình yêu và Lòng thương xót của Ngài.

Đôi dòng cảm nghiệm trên đây, tác giả xin được phép chia sẻ cùng mọi người. Có thể đây là những kinh nghiệm rất đơn sơ của một người xem ra còn non nớt về đường tu và vắn vỏi về đường đời, nhưng dẫu sao tác giả vẫn hy vọng có thể góp thêm chút hành trang bé nhỏ cho hành trình thiêng liêng của những ai đang rong ruổi trên đường lữ hành. Đây cũng là cơ hội quý giá để mỗi người chúng ta nhìn lại Ơn gọi của mình, hầu thấy được những mong manh yếu đuối của phận người trong kiếp nhân sinh. Nhờ đó, mỗi người biết luôn gắn chặt đời mình với Thiên Chúa, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta bước đi trong ân sủng, tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tâm Thành

(Nguồn: gpbuichu.org) 

 

Lượt xem 305 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *