Tục Ngữ có câu:
“ Ai ơi bưng bát cơm đầy
dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Vâng, câu tục ngữ như lời mở đầu trong suy tư của tôi về lao động và công khó của lao động trong ngày lễ Thánh hóa công ăn việc làm hôm nay.
Có thể nói lao động là một phần cuộc sống không thể thiếu đối với một con người bình thường. Tùy vào khả năng, sức lực trí tuệ mà mỗi người có những chọn lựa và mục tiêu cho công việc của mình, người lớn làm việc lớn, người nhỏ làm công việc nhỏ, có người lao động chân tay, người thì lao động trí óc… nhưng dù ở đâu, làm gì, hay ở vị trí nào thì chúng ta cũng được mời gọi phải biết trân trọng giá trị lao động và sức lao động của mỗi người.
Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng vì của ăn mang lại sự sống đời đời” (Ga 6, 27). Thật ý nghĩa biết bao khi Giáo Hội cho chúng ta suy gẫm về lao động trong ngày đầu năm này.
Lao động là tiếp nối và cộng tác trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa để làm cho thế giới và con người mỗi ngày thêm tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Hơn nữa, lao động trong âm thầm, vui tươi, biết phát huy những khả năng Chúa ban để tôn vinh danh thánh Chúa trong mọi sự, mọi việc, nơi mọi người, … Vì thế, chúng ta phải luôn kiên nhẫn, không lùi bước trước mệt mỏi khó khăn, để có được cuộc sống êm ấm trong gia đình, bên xóm làng và trong thế giới. Chúng ta đừng làm việc chỉ để tìm hư danh, đừng đi tìm vinh dự giả trá cho chính mình nhưng là tôn vinh danh Chúa.
Ngày lễ Thánh hóa công ăn việc làm hôm nay, gợi lên trong tôi suy nghĩ về thực tại cuộc sống, với biết bao nhiêu khó khăn, chật vật để có được miếng cơm manh áo… Nhìn những giọt mồ hôi thấm ướt áo cha, nhễ nhại trên khuôn mặt tần tảo sớm hôm của người mẹ hiền; những giọt mồ hôi thấm xuống trên cánh đồng quê hương của những người nông dân cần cù lao động, để ta có hạt cơm thơm ngon; sự nhiệt tâm, tận tụy của thầy cô cho ta những bài học làm người, bài học vào đời,… tất cả những hy sinh âm thầm ấy vẫn ngày đêm thấm xuống đời ta như những cơn mưa phùn từ trời cao thấm vào lòng đất.
Ông cha ta có lý khi truyền dạy cho thế hệ con cháu: “Khó nghèo cấy mướn gặt thuê. Lấy công đổi của chớ hề luỵ ai“. Hay có câu: “Muốn no thì phải chăm làm. Một hột thóc vàng, chín hột mồ hôi”. Như vậy, lao động là quy luật sống của con người không những giúp chúng ta có của nuôi thân, mà còn giúp làm tăng giá trị nhân phẩm của từng người chúng ta. Nhờ lao động chúng ta phát triển tình yêu thương, tinh thần tương thân, tương ái, tính kỷ luật…, Như ai đó đã từng nói: Lao động làm ta khuây khoả được nỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa khỏi được bệnh lười biếng…Thế giới này sẽ ra sao, nếu không có lao động và con người không muốn lao động?
Chúng ta tìm thấy ý nghĩa lao động trong tình yêu cha mẹ, bạn hữu, tình làng nghĩa xóm, tình liên đới giữa người với người. Vì thế, mỗi người chúng ta cũng có phần trách nhiệm của mình trong lao động để làm cho môi trường sống và cho thế giới thêm tốt đẹp hơn. Chúng ta không nên “ở không ngồi rồi”, chúng ta cũng không ngồi chờ sự cứu trợ hay bố thí của người khác, không ỉ lại khi sức mình còn tràn đầy, trí tuệ còn minh mẫn… Chúng ta càng không nên sống bằng sức lao động và mồ hôi nước mắt của người nghèo, chúng ta càng phải công tâm trong việc trả công cân xứng với người lao động…
Vâng, một lần nữa chúng ta cùng suy nghĩ về lao động theo tinh thần Kitô Giáo, chúng ta được mời gọi : “hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn mang lại cuộc sống đời đời”. (x.Ga 6,27). Chính vì tin tưởng mà Thiên Chúa đã trao vào tay chúng ta một tài sản vô giá và cho ta quyền làm chủ vũ trụ cùng muôn loài muôn vật.
“Có công mài sắt có ngày nên kim”, chúng ta hãy tin rằng bàn tay ta làm nên tất cả. Lao động là ân ban của Thiên Chúa nhưng cũng là công khó của con người, là công trình của Thiên Chúa nhưng cũng còn là công trường còn dang dở của chúng ta. Vì thế, để có được thành quả trong lao động ta cần đầu tư sức lực, tài năng, dành trọn tình yêu và trách nhiệm cho công việc mình làm.
Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng con trong năm mới này. Xin Chúa chúc lành cho mọi nghành nghề, từ lao động chân tay đến lao động tri óc, từ ngoài đồng cho đến văn phòng công ty, xí nghiệp. Chúng con xin phó thác vào bàn tay quan phòng của Chúa, để Người gìn giữ chúng con trong mọi việc chúng con làm.
Têrêsa
Lượt xem 123 Lần