Năm mới theo âm lịch văn hóa Á Đông, loài Heo, hay còn được gọi tên là Lợn, chúng tôi được đại diện cho cả năm với tên Kỷ Hợi. Hợi là ngôn ngữ văn chương Hán Việt, chỉ về loài Heo chúng tôi.
Khi nói đến Heo, người ta thường nghĩ ngay đến chúng tôi là con vật có bốn chân cẳng, ăn ở không sạch sẽ, ăn xong tiêu hóa thải phân ra hàng đống to lớn ngay tại chuồng xông mùi hôi thối ô nhiễm môi trường. Con vật béo phì, nhiều mỡ màng, cứng đờ nhiều lông lá, một con vật sung sướng chỉ ăn với nằm ngủ, một con vật ăn tạp đủ mọi thứ bằng mồm mõm, và có tuổi đời sống không đầy một năm là bị lên án rồi.
Chúng tôi loài heo có hai loại: loại nuôi trong nhà mang lại lợi nhuận kinh tế cao và loại heo hoang dã sống trong rừng. Cả hai loại đều ăn thịt được. Hình thể loài Heo chúng tôi tuy mang tiếng là phéo phì, nhưng lại cân đối đấy. Chúng tôi có mõm dài đàng trước và có đuôi ở đàng sau, nên khi vẽ phác họa một chú Heo rất dễ đơn giản.
Và người ta cũng lấy Heo chúng tôi, cùng với cách sống của chúng tôi làm biểu tượng hình ảnh, nhất là về phương diện đạo đức luân lý, cho sự sống theo ý thích bừa bãi đồi bại. Một hình ảnh ví von theo nghĩa xấu ngụ ý khinh chê chửi rủa!
Nhưng loài heo cũng là loài vật sinh sản con cái sai mắn hằng năm. Một con heo nái hằng năm sinh sản chừng 15 heo con. Có heo con mới heo thịt, heo nái làm giống.
Loài heo nuôi mau lớn, chỉ trong khoảng năm sáu tháng là heo lớn mập to nặng đủ cân tạ bán được rồi. Càng ngày người ta phát triển thành nền công nghệ nuôi sản xuất heo hàng loạt.
Cũng với đà tiến bộ của khoa học, người ta thử nghiệm phát triển loài Heo chúng tôi có nhiều giống loại cùng theo phương pháp nhân tạo, sao cho giống Heo tốt không bị bệnh, mau lớn ít mỡ. Tất cả để đáp ứng nhu cầu thị trường kinh tế ngày càng cao có nhiều đòi hỏi về thức ăn cho ngon, cho sang đẹp.
Một nguồn lợi kinh tế không chỉ cho gia đình, cho hãng xưởng nông trại mà còn cho cả nền kinh tế quốc gia đất nước nữa.
Một nguồn thức ăn không chỉ riêng cho một vùng, một đất nước mà cho cả thị trường xuất cảng nữa.
Ngày nay đâu đâu cũng cần có, cũng bán thịt heo làm thức ăn. Thịt heo vừa dễ nấu, vừa ngon lại vừa có gía phải chăng. Không dùng thịt heo thì dùng thịt nào đây?
Như thế, thịt heo hữu ích nhiều cho đời sống con người. Với tiến bộ khoa học bắt đầu từ giữa thế kỷ 20. người ta đã nghiên cứu cấy trồng giống heo sao cho ít mỡ, có nhiều thịt nạc. Nên giống heo bây giờ có ít hơn 50% lượng mỡ, có 16 rẻ sườn thay vì 12 rẻ sườn. Ngay thịt bụng của heo cũng phát triển sinh nhiều nạc hơn mỡ.
Dẫu vậy thịt heo mà không có mỡ sẽ khô bã không ngậy ngon. Khi chọn mua thịt heo, người ta thích miếng thịt có nhiều nạc nhưng cũng phải có mỡ dính kèm theo.
Thịt heo được phân loại ra nhiều phần tùy theo cách thức nấu món ăn của nhà bếp. Như thịt đùi thịt mông dùng để luộc nấu gỉa làm thịt chó. Chân heo dùng nấu bún bò Huế. Thịt chân heo ít mở luộc ăn ngon dòn. Cỗ lòng lợn cũng là món ăn ngon miệng dùng nhậu chén hay nấu cháo; Đầu heo, Tai heo dùng để xào giò thủ, ngâm dấm làm dưa rất ngon dòn; Da heo cũng là một món ăn trộn pha với thịt nạc làm nem, chạo; Sườn heo nướng hay chiên thơm ngon.
Thịt nạc vai, thịt thăn của heo thường dùng làm nem, giò, chả, thịt xá xíu, nấu thịt đông, thịt hộp, làm ruốc sấy khô. Thịt Heo quay ăn với bánh hỏi hay với bún rất đúng hợp khẩu vị và có vẻ sang trọng nữa… Tùy theo cách thức nấu nướng, người ta chế biến thịt heo theo nhiều công thức làm thức ăn tùy theo khẩu vị, theo phong tục tập quán của từng dân tộc, từng quốc gia đất nước.
Cũng theo tục lệ cưới hỏi bên Việtnam, người ta thường đem đến làm lễ cưới sính hỏi, một con heo quay chín vàng còn nguyên con nằm trên một mâm khay trông rất đẹp mắt. Điều này cũng muốn nói lên điều may mắn hạnh phúc.
Thay vì nuôi heo sống sau một vài tháng bán có tiền, người ta cũng đúc nung con heo bằng đất, bằng sành, rồi mỗi ngày hay mỗi tuần cất bỏ tiền còn dư vào đó. Sau một thời gian heo đất đầy no, đổ ra có được một số tiền tiết kiệm để dành trong bụng heo đất. Đây là một cách nuôi heo bỏ ống gây vốn và cũng là cách sống tập tiết kiệm để dành trong cuộc sống.
Trong lịch sử niềm tin đạo giáo hình ảnh loài heo chúng tôi được nhìn theo nhiều khía cạnh gần như trái ngược khác nhau.
Thời xa xưa thượng cổ, người Ai Cập nhìn con heo là hình ảnh biểu tượng của mặt trăng. Nên họ giết heo vào những ngày có trăng.
Ở bên Syria con heo là con vật thánh, dùng để tế nữ Thần sự sinh sôi nẩy nở Astarte.
Trái lại theo Do Thái giáo và Hồi Giáo cùng những vùng bên Trung Đông, heo là con vật dơ bẩn kinh tởm. Vì thế người ta không được phép ăn thịt heo.
Trong Kinh Thánh Cựu ước con heo cũng là con vật dơ bẩn: „Con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế. Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế.“ ( Levi 11,7; Dân số 14,8).
Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh con heo để nói về con người có lối sống không trong sạch, không có kỷ luật phạm sự thánh:”Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.“ ( Mt 7,6).
Hình ảnh người con đi hoang phải đi chăn heo sinh sống, nói lên cảnh cùng cực và sự xấu hổ lớn lao phải chịu của một con người ( Lc 15,15).
Trong nghệ thuật Kitô giáo, loài Heo chúng tôi được diễn tả bằng hình hay bằng chữ viết gần như chỉ về sự xấu xa tội lỗi.
Trong dân gian người ta đem loài Heo chúng tôi ra để ví von với ngụ ý chửi rủa:„ ngu như lợn!“ „ Bẩn như heo!“ „ chỉ biết ăn no lại nằm như heo!“.
Nhưng văn hóa dân gian cũng dùng loài Heo chúng tôi để nói về may mắn tự nhiên tới mà không phải làm gì, như „ có số sướng như Heo!“, và người Đức có câu ngạn ngữ ví von „ Schwein gehabt !“
Trong dân gian có câu ca dao ví von:
“ Trông mặt mà bắt hình dong,
Con Lợn có béo thì lòng mới ngon.”
Người ta cũng nói: loài heo chúng tôi có mõm dài chũi ủi đất cát hất ra đằng trước. Đó cũng là hình ảnh của sự tiến bộ khai phá. Và như thế mang đến hạnh phúc.
Có lẽ vì thế, nhiều nơi người ta nấu món thịt heo ăn vào ngày 01.01. hằng năm, để cầu sự may mắn cho năm đó!
Cũng theo phong tục tập quán bên Á Đông, người ta chọn loài heo chúng tôi làm hình ảnh biểu tượng cho một năm. Trong số 12 con vật biểu tượng cho năm luân phiên đứng làm chủ năm đó, loài Heo chúng tôi là con vật biểu tượng thứ mười hai.
Con số mười hai là số nói về điều gì mang lại hạnh phúc. Trong vũ trụ, một năm chia ra làm mười hai tháng theo vòng quay mặt trời. Một ngày chia ra làm hai chu kỳ: ngày có mười hai tiếng và đêm cũng có mười hai tiếng đồng hồ. Năm nay, vào ngày 05.02.2019, bắt đầu tới lượt loài Heo chúng tôi xuất hiện như vai chính trên sân khấu thời gian năm Âm lịch với tên Kỷ Hợi.
Loài Heo chúng tôi là lòai thú vật cũng được Đấng Tạo Hóa dựng nên trong công trình sáng tạo của Ngài cho trần gian như bao loài tạo vật khác.
Nếu không lầm, Thiên Chúa đã tạo dựng loài gia súc, loài dã thú, trong đó có loài Heo cùng vào ngày sáng tạo thứ sáu trước khi Ngài tạo dựng nên con người như cao điểm của công trình sáng tạo, cũng trong ngày hôm đó. (Sáng thế 1,24-31). Chúng tôi không biết gì nhiều hơn nữa.
Và đã là tạo vật do Ngài tạo dựng trong thiên nhiên, chắc Ngài phải có một chương trình nào đó cho loài Heo chúng tôi.
Chúng tôi tin và hy vọng như vậy!
Chúc mừng Năm Mới Kỷ Hợi!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Lượt xem 105 Lần