Thần khí Chúa có sai đi không?

Thần khí Chúa có sai đi không?


2/2/2021 11:36:37 AM

Có một bài thánh ca được nhiều người đón nhận và biết đến trong nhiều năm gần đây đã được Ban Thánh Nhạc sửa lại lời vì có vài chữ chưa diễn tả đúng tư tưởng thần học, đó là bài Thần Khí Chúa sai đi của nhạc sĩ Đức Tuấn. Nhiều người cảm thấy khó hiểu tại sao Ban Thánh Nhạc lại sửa lời ca từ “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” thành “Này chính Chúa đã sai tôi đi” và cho rằng Thần Khí Chúa sai đi thì đâu có vấn đề gì là sai tín lý? Hơn nữa, các cộng đoàn đã hát bài này thuộc lòng thì sao lại cần phải sửa lại? Liệu “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” có đúng với cách hiểu của thần học không? Có nên sửa lời bài hát lại không?

dove.jpg 

 

Đầu tiên, ta phải nói rằng lời hát này lấy cảm hứng từ Is 61,1-4. Nguyên văn của đoạn ấy thế này (theo bản dịch của nhóm CGKPV): “Thần khí của Ðức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Ðức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não. Người ta sẽ gọi họ là cây thánh rừng thiêng, là vườn cây Ðức Chúa trồng để làm cho Người được vinh hiển. Họ sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, sẽ dựng lại những hoang tàn thuở trước, tu bổ những thành bị bỏ hoang,những chốn hoang tàn từ bao thế hệ…”

 

Nguyên bản Hy Lạp của bản văn, nhất là câu đầu tiên như thế này: “Πνεῦµα (The Spirit) κυρίου (of the Lord is) ἐπ’ (upon) ἐµέ (Me), οὗ (of which) εἵνεκεν (because) ἔχρισέν (He has anointed) µε (Me) εὐαγγελίσασθαι (to preach goodnews) πτωχοῖς (to the poor) ἀπέσταλκέν (to send forth) µε (Me)…” Chúng ta có thể dịch sát nghĩa tiếng Việt: “Thần Khí của Chúa ngự trên tôi, bởi vì Người đã xức dầu cho tôi để rao giảng Tin Mừng cho kẻ nghèo khó. Người sai tôi đi…”

 

Trong Tân Ước, cụ thể là nơi Tin Mừng Lc 4,16-22, chúng ta thấy chính Đức Giêsu đọc những lời này trong Hội đường Nazareth và tuyên bố rằng những lời này đã ứng nghiệm nơi sứ vụ công khai của Người: “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người…”.

 

Câu chúng ta lưu ý là câu: “Πνεῦμα (The Spirit) Κυρίου (of the Lord is) ἐπ’ (upon) ἐμέ (Me), Οὗ (of which) εἵνεκεν (because) ἔχρισέν (He has anointed) με (Me) Εὐαγγελίσασθαι (to preach good news) πτωχοῖς (to the poor). Ἀπέσταλκέν (He has sent) με (Me)…” Câu này trích dẫn hầu như nguyên văn đoạn Is 61,1.

 

Người Công Giáo chúng ta đã quá quen với những đoạn Kinh Thánh này và chúng ta đinh ninh rằng: “thì Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa (=Thần Khí) xức dầu tấn phong tôi, sai tôi…” Vì vậy, lời bài hát trên có gì là sai với thần học hay tín lý đâu? Thần Khí Chúa không phải là Chúa sao?

 

Trước hết, về từ nguyên, chúng ta thấy rằng từ Thần Khí vốn bắt nguồn từ chữ RUAH tiếng Hipri, nghĩa là hơi thở/không khí/gió. Đây là một hạn từ được sử dụng rất nhiều trong văn chương Thánh Kinh, với rất nhiều nghĩa khác nhau. Từ điển Công Giáo Anh Việt của tác giả Nguyễn Đình Diễn (nhạc sĩ Phanxicô) cho rằng, tùy theo ngữ cảnh, có thể dịch chữ này là: 1. tinh thần, 2. hơi thở, 3. tinh thần theo nghĩa đường lối (từ đó phát xuất  từ spiritualità /spiritualité/spirituality: linh đạo), 4. thần linh (Thánh Kinh nói đến cả những “unclean spirit” mà chúng ta dịch là thần ô uế/uế thần), 5. linh hồn, 6. thần trí (tâm thần)[1]. Riêng để chỉ Chúa Thánh Thần, tiếng Việt dùng rất nhiều từ ngữ phong phú khác nhau để dịch từ này: Thánh Thần Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh, Thần Khí Chúa, Thần Trí Chúa, Thần Linh Chúa (có vài người còn sử dụng các dịch nghe khá lạ tai như Linh Khí, Thánh Khí…) Ngược lại, nhiều người cũng lẫn lộn Thiên Thần và Thánh Thần[2]!

 

Trong Cựu Ước, người ta hay nói về Thần Khí/Tinh Thần (Do Thái: Ruah, Hy Lạp: Pneuma, Latin: Spiritus, Tiếng Anh: Spirit) của Chúa/Đức Chúa/Chúa Thượng (Do Thái: Adonai/Elohim, Hy lạp: Kyrios, Latin: Dominus, Tiếng Pháp: Seigneur, Tiếng Anh: Lord), Thiên Chúa/Thần (Do Thái: YHWH, Hy lạp: Theo, Latin: Deus, Tiếng Pháp: Dieu, Tiếng Anh: God) của Israel. Nhưng khái niệm Thần Khí/Tinh Thần của Đức Chúa/Chúa Thượng ấy chỉ được diễn tả như một đặc tính của Thiên Chúa hay có khi nói chung về Chúa, chứ không hề xác định tính ngôi vị của Thần Khí/Tinh Thần này[3]. Khi Đức Giêsu đến, ngài mạc khải cho chúng ta càng ngày càng rõ ràng hơn về các mầu nhiệm, rồi với ánh sáng của cuộc tử nạn – phục sinh của Người, với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống và rồi các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi suy niệm và sống nghiệm các lời Thánh Kinh, lần hồi các tín hữu mới nhận ra rằng Thần Khí/Tinh Thần của Đức Chúa là Thiên Chúa Israel được nói đến trong Thánh Kinh Do Thái thật sự có tính ngôi vị, nghĩa là đó là một ĐẤNG. Trước đó, những hình ảnh diễn tả về Đấng ấy còn khá rời rạc và chưa có những suy tư được hệ thống lại cách rõ ràng. Ví dụ, sự hiện diện của Đấng này đã có ngay từ trang đầu của sách Sáng Thế: “Thần Khí của Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1) hay chuyện ba vị Thiên Thần đến gặp ông Abraham (St 18) được coi là một trong những hình ảnh tiên trưng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi… Với Tân Ước, dần dần hình ảnh của Thần Khí của Chúa không còn chỉ là một đặc tính của Thiên Chúa như cách hiểu của Cựu Ước nữa[4]. Trong Tân Ước hình ảnh Thánh Thần được nói đến tựa như chim bồ câu ngự xuống trong lúc Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,22) hay hình lưỡi lửa khi ngự xuống trên cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (Cv 2). Chính Đức Giêsu rải rác trong chương 14 và 16 của Tin Mừng Gioan đã phác họa dung mạo của Thần Khí Chúa mà Người gọi là Đấng Bảo Trợ/Bào Chữa/ An Ủi (Paracletus) cho các môn đệ Người. Niềm tin về Chúa Thánh Thần được Kinh Tin Kính các Tông Đồ tuyên xưng rằng Người là ngôi thứ ba trong Ba Ngôi, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Khi các bản dịch, người ta thường viết hoa Thần Khí là chỉ về Chúa Thánh Thần, viết thường thần khí là chỉ về các tà thần hay về những sự thuộc về con người tùy theo ý nghĩa và ngữ cảnh. Như thế, chỉ với Đức Giêsu, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mới được mạc khải rõ ràng, và khái niệm Thần Khí của Chúa trong Cựu Ước mới được các tác giả Tân Ước nhìn nhận là một ngôi vị thần linh, được gọi là Thánh Thần/Thần Khí Thánh (Hy Lạp: Hagios Pneumatos, Latin: Sancte Spiritus, Tiếng Pháp: Saint Esprit, Tiếng Anh: Holy Spirit).

 

Trở lại với đoạn Isaiah 61,1-4 ở trên, tham khảo cả các bản dịch từ bản văn gốc, bao giờ chúng ta cũng đọc thấy rằng: “Thần Khí của Chúa ngự xuống trên tôi, vì Chúa/Người đã xức dầu tấn phong tôi…” Vì Thánh Kinh Do Thái không coi Thần Khí là một ngôi vị, nên Chúa hay đại từ Người ở đây luôn phải hiểu là Thiên Chúa duy nhất mà người Israel tôn thờ. Khi coi Thánh Kinh Do Thái là Cựu Ước, người Công Giáo dù hiểu Thánh Thần là một ngôi vị thần linh nhưng vẫn giữ lại nguyên vẹn cách hiểu của bản văn Cựu Ước này. Thật vậy, chính Chúa (Chúa Cha) xức dầu tấn phong tôi (ở đây là Isaiah, nhưng đích thực sẽ ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Đấng được gọi là Messiah [Do Thái], hay Kitô [Hylạp: Christos] có nghĩa là Đấng được xức dầu) Và chính dầu đó là Thần Khí Chúa, nói cách khác, Thánh Thần là dầu và sự xức dầu[5]. Chúa Thánh Thần không phải là Đấng sai đi. Chính Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con và Thánh Thần đi[6]. Trong Tin Mừng Ga, Chúa Giêsu cũng xin Chúa Cha ban Thánh Thần (Ga 14,16) và chính Đức Giêsu cũng sai Thánh Thần đến ở với các môn đệ của Người nữa (Ga 15,26). Có lẽ, chúng ta đang sống trong đức tin Công Giáo nên dễ có suy nghĩ không chính xác lắm về bối cảnh của các bản văn Cựu Ước, như đoạn Thánh Kinh ở trên. Cụ thể trong trường hợp này, chúng ta nói Thánh Thần sai đi là vì chúng ta là người Công Giáo, chúng ta hiểu rằng Thánh Thần là một ngôi vị Thiên Chúa, trong khi bản văn Do Thái không hề nói như vậy. Và cho dù Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước như thánh Augustinô đã nói[7], thì chính bản thân cách diễn tả của Cựu Ước đã đặt nền tảng cho cách hiểu của Tân Ước. Và cho dù chúng ta phải hiểu Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước, thì Giáo Hội xưa nay vẫn chỉ nói Chúa Cha mới là Đấng sai đi và Chúa Con, nếu có sai các môn đệ đi thì cũng là chuyển giao sứ mạng ấy mà thôi. Có vài ví dụ khác để chúng ta dễ hình dung. Chữ “sai đi” của Tân Ước trong bản văn Hy Lạp cũng có lúc là chữ apostello, có lúc là chữ pempo. Câu Kinh Thánh chúng ta quen dịch “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” ở Ga 20,21 thì ở nguyên bản tiếng Hy Lạp là: εἶπεν οὖν αὐτοῖς [ὁ Ἰησοῦς] πάλιν, Εἰρήνη ὑµῖν· καθὼς ἀπέσταλκέν µε ὁ πατήρ, κἀγὼ πέµπω ὑµᾶς. Chúng ta thấy hai động từ khác nhau: Chúa Cha thì apestalken (chia từ động từ gốc là apostello- sai đi, từ đó phát xuất chữ Tông Đồ) còn Chúa Con thì sai đi nhưng hiểu với ý nghĩa là chuyển giao sứ mạng đó lại (pempo). Những đoạn khác cũng có nói Chúa Cha sai đi, ví dụ như Ga 4,38; Ga 5,36; Ga 17,3; Ga 17,8; Ga 17,18, 1 Ga 4,14 cũng dùng lại động từ apostello như vậy. Tuy nhiên, chính Đức Giêsu cũng sai các môn đệ đi, không chỉ với chữ pempo mà còn với chữ apostello như ở Mt 10,16 (tương đương là Lc 10,3) khi Người nói: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Ἰδοὺ ἐγὼ ἀποστέλλω ὑµᾶς ὡς πρόβατα ἐν µέσῳ λύκων) Tương tự là đoạn Lc 22,35. Như vậy, Chúa Cha sai Chúa Con đi, và nếu Chúa Con có sai các môn đệ đi thì chúng ta cũng hiểu hành động sai đi của Chúa Con là vì Người thừa ủy lại sứ vụ đó cho các môn đệ, sứ vụ mà Người nhận từ Chúa Cha.

 

Tuy nhiên, đọc trong Thánh Kinh Tân Ước, chúng ta thấy hoạt động của Thánh Thần rất mạnh mẽ, nhất là sau biến cố Hiện Xuống. Có những chỗ nói rằng chính Thần Khí sai đi. Cụ thể là trường hợp của thánh Phaolô và Barnabas ở Cv 13, 4: “Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xê-lêu-kia, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp.” Chữ “sai đi” ở đây là ἐκπεμφθέντες, với từ gốc cũng là pempo. Ngoài ra, Thánh Thần còn thúc đẩy (Cv 19,21), khuyến cáo (Cv 20,22), hướng dẫn (Rm 9,1) hay ngăn cản (Cv 16, 6-8) các nhà thừa sai này trong hành trình truyền giáo theo thánh ý và sự khôn ngoan quan phòng của Người nữa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những người Thánh Thần sai là các Tông Đồ và môn đệ. Còn bản văn Is 61 trên có ý ám chỉ về Đấng Cứu Thế, thì rõ ràng không nói Thánh Thần sai đi, mà Người được Thiên Chúa (Chúa Cha) sai đi với sự xức dầu là Thần Khí. Niềm tin Công Giáo cho rằng dù có sự phân biệt giữa các ngôi vị trong Ba Ngôi và từng Ngôi có những vai trò đặc biệt trong nhiệm cục cứu độ, nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi.

 

Chúng ta có thể hiểu thế nào? Tóm lại, nếu các bài thánh ca có ý nói cách chung rằng Thiên Chúa sai chúng ta đi vào đời, làm chứng nhân cho Tin Mừng thì rất tốt, và theo thiển ý cá nhân, cũng có thể sử dụng tư tưởng Thần Khí Chúa sai tôi đi. Dầu vậy, việc sử dụng như thế cũng có thể gây nhập nhằng, khó hiểu khi đề cập đến Đấng Sai Đi vốn chỉ là Chúa Cha mà thôi, chính vì vậy cũng cần cân nhắc… Còn nếu những tư tưởng, bài hát nào được dệt từ tư tưởng của đoạn Is 61 mà lại viết rằng “Thần Khí Chúa sai tôi đi” thì e rằng không đúng với cách hiểu của Thánh Kinh Cựu Ước lẫn thần học của Giáo Hội, vì khi đó đối tượng của việc thực thi đó được hiểu là chính Đức Giêsu, cũng như chủ thể của hành động sai đi phải luôn là Chúa Cha. Kể cả là chúng ta đi nữa, cần phải nhớ rằng chính Chúa Cha là Đấng sai chúng ta đi, qua sự thừa ủy và sự hiện diện của Chúa Con, bằng dầu Thần Khí Chúa. Riêng bài hát này, dù không dệt nhạc hoàn toàn sát lời của bản văn Is 61, nhưng tư tưởng và tinh thần của bài hát chính là đoạn Thánh Kinh này. Chính vì thế, việc sửa lại ca từ trong trường hợp bài hát này là điều cần thiết, vì một bài thánh ca phụng vụ không được gây cho người nghe cảm giác mơ hồ, nhầm lẫn hay sai lầm. Đây cũng là dịp để những nhạc sĩ viết nhạc thánh ca cũng như những ca trưởng, những người hoạt động cho thánh nhạc có dịp trau dồi việc học hỏi, suy tư và thấu hiểu những chân lý đức tin cho thấu đáo và nghiêm túc hơn, để phục vụ cộng đoàn tốt hơn.

 

Con chiên nhỏ

22/01/2021



[1] NGUYỄN ĐÌNH DIỄN, Từ điển Công Giáo Anh-Việt, NXB Đồng Nai, 2014, trang 1928-1929

[2] Phải chăng do sự tương tự nhau giữa hai từ ngữ? Nên chăng khi dịch nên tránh chữ “Thần” thì sẽ tránh được sự nhầm lẫn này?

[3] GERALD O’ COLLINS, SJ, The Tripersonal God, Paulist Press, New York, 1999, trang 165

[4] Chúng ta cũng có thể thấy sự chuyển đổi về cách hiểu tương tự như thế trong trường hợp Ngôi Hai, nghĩa là chính Đức Giêsu, Đấng được Cựu Ước gọi là Đức Khôn Ngoan trong văn chương Khôn Ngoan – Giáo Huấn chẳng hạn. Chính cách hiểu của Tân Ước mới cho chúng ta cái nhìn đồng nhất Đức Giêsu như là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa của Cựu Ước, (và cũng là Logos – Ngôi Lời, một diễn ngữ rất riêng của triết học Hy Lạp mà thánh Gioan đã sử dụng trong các văn phẩm của ngài) như hiện nay chúng ta hiểu. Thật vậy, Đức Khôn Ngoan của Cựu Ước chỉ được hiểu là một đặc tính của Thiên Chúa, được chia ở giống cái.

[5] GIOAN PHAOLÔ II, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin, NXB Tôn Giáo, 2012, số 689-690 và 695

[6] Có thể tìm thấy cụ thể giáo huấn này trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 689-690

[7] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 16

Lượt xem 371 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *