Cây biết điều thiện điều ác (St 2,9)

Cây biết điều thiện điều ác (St 2,9)


6/18/2013 6:57:58 AM

Ta hãy bắt đầu với thể loại văn chương của 11 chương đầu trong sách Sáng Thế. Các chương này thuật lại khởi nguyên của thế giới và con người, thực tế là những suy tư về con người, và về con người trước Thiên Chúa.

adam-eve-evil.jpg 

11 chương đầu của sách Sáng Thế là những huyền thoại. Nhưng hãy coi chừng! Trong khoa chú giải, người ta không dùng từ này để nói về một điều gì đó không có thực hoặc là chuyện cổ tích. Huyền thoại ở đây có nghĩa là một chân lý cao sâu và huyền nhiệm mà ta không thể diễn tả cách hoàn hảo hay thích đáng bằng những ý niệm. Trong trường hợp này, người xưa kể lại một câu chuyện mà họ đặt vào thời hồng hoang, các nhân vật của họ có điều gì đó siêu nhân hoặc giống như thần thánh. Như vậy, huyền thoại vén mở một điều bí ẩn về con người mà không ai có câu trả lời. Những vấn đề như tại sao có sự hấp dẫn bí ẩn giữa người nam và người nữ? Câu trả lời là đoạn sách Sáng Thế 2, 18-24. Tại sao người ta luôn nghiêng chiều về sự dữ? Câu trả lời là Sáng Thế chương 3. Khi đọc huyền thoại trong các chương 1-11 của sách Sáng Thế, đừng hỏi rằng câu chuyện có thực sự xảy ra đúng như đã được ghi chép lại không (hỏi như vậy là chứng tỏ ít thông minh, ngay cả các tác giả cũng không tin vào những điều đó); hãy hỏi rằng câu chuyện đó nhắm đến tình trạng nào của nhân loại ngày hôm nay.

Để thuật lại những huyền thoại cơ bản, người xưa dùng các biểu tượng. Biểu tượng là yếu tố của thế giới bên dưới đưa dẫn đến một yếu tố bên trên. Sự khác nhau giữa dấu hiệu (signe) và biểu tượng (symbole) là: dấu hiệu nằm trên cùng một bình diện (khói là dấu hiệu của lửa), trong khi biểu tượng có một bước nhảy vượt cấp lên phía trên nhờ vào một yếu tố chung (nước là biểu tượng của phép rửa).

Có hai cây trong vườn Địa Đàng biểu tượng cho hạnh phúc mà nhân loại được kêu mời đạt đến: cây sự sống và cây điều thiện điều ác. Trước khi xác định nhiệm vụ của mỗi cây, cần phải biết ý nghĩa biểu tượng của nó. Quan sát một cây nào đó, ta thấy rằng nó có thân và cành. Biểu tượng của cây gắn liền với chiều kích không gian này. Thân cây có nhiệm vụ liên lạc giữa đất là những nhánh rễ và trời là nơi nó hướng lên. Như vậy, cây là biểu tượng  của sự nối kết giữa hai thế giới: thế giới bên trên là nơi cư ngụ của các thần thánh và thế giới bên dưới là nơi ở của con người.

Cây đầu tiên là cây sự sống, thường gặp thấy trong các huyền thoại khác của các dân tộc Đông phương cổ xưa, như thiên hùng ca Gilgamesh nổi tiếng. Người ta kể rằng có vị anh hùng nọ nghe nói về cây ban sự sống trường sinh nên ra sức kiếm tìm. Khi gần như đã tìm được thì một con rắn đã phỗng tay trên, và sau khi ăn cây đó thì con rắn lột da. Lột da có nghĩa là tái tạo sự sống và là sự tròn đầy của sự sống (vì lột da nên con rắn luôn được các huyền thoại cổ xưa giải thích như là biểu tượng của sự sống vĩnh cửu, và các kitô hữu sơ thời dùng con rắn làm biểu tượng cho sự sống lại). Nếu vườn Địa Đàng biểu trưng cho hạnh phúc của con người thì một trong những khía cạnh của niềm hạnh phúc đó là sự sống trọn vẹn, phong phú và ngay cả sự sống vĩnh cửu, một ân ban của Thiên Chúa.

Về cây biết điều thiện điều ác thì chỉ có trong sách Sáng Thế 2, 9[1] chứ không có trong các huyền thoại khác và thật khó mà giải thích tường tận. Các học giả Kinh Thánh đưa ra nhiều lý thuyết khác nhau như sau.

Trước tiên, ta có thể lý luận rằng nếu cây sự sống trao ban sự sống thì cây biết thiện ác đem lại sự hiểu biết điều thiện điều ác. Nhưng nên lưu ý rằng sự hiểu biết này bị cấm trong St 2,17[2] và St 3,3[3] và ai đạt đến sự hiểu biết ấy thì giống với Thiên Chúa (St 3,5[4]). Nếu ta đồng hóa cây này với sự thức tỉnh lương tâm con người hoặc sự hiểu biết về ý nghĩa luân lý, thì điều này hàm ý rằng, trong dự định ban đầu, Thiên Chúa muốn cầm chân con người trong tình trạng trẻ con, và để trưởng thành, con người phải bất tuân hoặc vi phạm luật cấm của Thiên Chúa. Vì thế, ý kiến này không đứng vững.

Ý kiến khác cho rằng hiểu biết này là sự độc lập về luân lý, theo nghĩa này, từ nay con người có thể quyết định điều gì tốt điều gì xấu. Nhưng giải pháp này lại không tôn trọng bản văn vì con người đã thi hành sự độc lập về luân lý rồi khi quyết định ăn trái cây biết điều thiện điều ác. Như thế, ý kiến này cũng không ổn.

Đúng ra, cây biết điều thiện điều ác biểu trưng cho quyền năng tuyệt đối. Trong tiếng hébreu cũng như các ngôn ngữ sêmít khác, người ta thích dùng hai thái cực để diễn tả một toàn thể. Như vậy, «trời và đất» có nghĩa là « vũ trụ » (xem Xh 20,11; 31,17; 2 V 19,15; Is 37,16). Như vậy, “điều thiện điều ác” không chỉ cái nào trong hai thực tại này nhưng cả hai chỉ một “toàn thể”, “tất cả” (so sánh 2 Sm 14,17[5] với 14,20[6]: lúc thì người ta dùng thành ngữ “điều thiện điều ác”, lúc thì dùng từ “tất cả”). Còn về từ «hiểu biết», nó không có nghĩa trừu tượng như trong ngôn ngữ của chúng ta. Trong các ngôn ngữ sêmít, nó có nghĩa là sự hiểu biết thâm sâu, thân mật. Khi biết một ai đó là người ta thiết lập mối liên hệ thân mật và vững vàng với người kia. Độc giả Kinh Thánh cũng đã biết ý nghĩa tính dục của từ này; thật vậy, đối với người đàn bà, « biết một người đàn ông » có nghĩa là có quan hệ tính dục với người đó. (xem St 4,1.17.25; 19,5.8; 24,16; Lc 1,34).

Như vậy, cây biết điều thiện điều ác tượng trưng cho ước vọng thâm sâu của con người: muốn biết tất cả và sử dụng quyền năng này cách tuyệt đối. Con rắn đã dùng thành ngữ « biết điều thiện điều ác » để nói với người đàn bà theo nghĩa này, rằng khi ăn trái cấm này sẽ làm cho họ trở nên giống như Thiên Chúa (St 3,5[7]). Là một vị Thiên Chúa, với một quyền năng tuyệt đối, nghĩa là không bị giới hạn bởi tình trạng con người, đây chính là cơn cám dỗ phổ biến của toàn thể nhân loại ở mọi thời đại.


Hervé Tremblay, OP
(InterBible)
  


[1] Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.

[2] Nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết

[3] Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.”

[4] Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác

[5] Nữ tỳ ngài tự nhủ: “Ước chi lời của đức vua là chúa thượng tôi làm tôi yên lòng, vì đức vua là chúa thượng tôi khác nào sứ giả Thiên Chúa để lắng nghe điều thiện điều ác. Xin Đức Chúa, Thiên Chúa của ngài, ở với ngài

[6] Chính là để cho sự việc có một bộ mặt khác mà tôi tớ ngài là ông Giô-áp đã làm việc đó. Nhưng sự khôn ngoan của chúa thượng sánh được với sự khôn ngoan của sứ giả Thiên Chúa: ngài biết tất cả những gì xảy ra trên mặt đất

[7] Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.

 

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Lượt xem 510 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *