Mc 12,38–13,2: Kinh sư, bà goá và Đền Thờ
4/21/2013 8:40:11 AM
|
I. Bản văn Mc 12,38–13,2 xem Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt.
1. Hãy coi chừng các kinh sư (12,38-40)
38 Trong lời giảng dạy của mình, Người [Đức Giê-su] nói: “Anh em hãy coi chừng các kinh sư thích dạo quanh với áo chùng, thích được chào hỏi nơi công cộng, 39 thích chỗ nhất trong hội đường, và chỗ danh dự trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết nhà cửa của các bà goá và làm bộ cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nặng hơn.”
2. Bà goá nghèo và người giàu (12,41-44)
41 Ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng, Người nhìn xem đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng ra sao. Nhiều người giàu bỏ nhiều. 42 Một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền kẽm, trị giá một đồng xu. 43 Gọi các môn đệ của Người lại, Người nói với các ông: “A-men, Thầy nói cho anh em: Bà goá nghèo này đã bỏ vào hơn tất cả những người đã bỏ vào thùng tiền dâng cúng. 44 Vì mọi người lấy từ của cải dư thừa của họ mà bỏ vào, nhưng bà này lấy từ sự túng thiếu của mình mà bỏ vào tất cả những gì bà ấy có, tất cả của nuôi thân bà.”
3. Đức Giê-su tiên báo Đền Thờ bị phá huỷ (13,1-2)
13,1 Khi ra khỏi Đền Thờ, một trong các môn đệ của Người nói với Người: “Thưa Thầy, xem kìa, đá lớn thật, kiến trúc vĩ đại thật.” 2 Đức Giê-su nói với ông ấy: “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, chắc chắn sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào mà không bị phá đổ.”
II. Bối cảnh, phân đoạn và cấu trúc Mc 12,38–13,2
1. Bối cảnh
Mc 1–10 trình bày hoạt động của Đức Giê-su ở vùng Ga-li-lê và phụ cận. Từ ch. 11, Người bắt đầu sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem. Khi đi lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu, còn những kẻ theo Người thì kinh hoàng, sợ hãi (10,32), sau đó Người báo trước cho Nhóm Mười Hai về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người (10,33-34). Theo thần học Mác-cô, lên Giê-ru-sa-lem cũng có nghĩa là đi chịu chết (10,32-34). Đi lên Giê-ru-sa-lem đồng nghĩa với đi xuống trong thân phận làm người. Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị khinh chê và chết trên thập giá.
Tin Mừng Mác-cô cho biết Đức Giê-su và các môn đệ vào thành Giê-ru-sa-lem 4 lần. Lần thứ 1, Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem bằng cuộc rước của dân chúng (11,1-11), sau đó Người trở về Bê-tha-ni-a. Biến cố khai mạc này cho thấy ý nghĩa cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Như thế, những gì Đức Giê-su thực hiện và rao giảng ở Giê-ru-sa-lem đều soi sáng và chuẩn bị cho biến cố này. Trong lần thứ 2 vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ (11,15-17), chiều đến Người và các môn đệ ra khỏi thành. Lần thứ 3 (11,27), Đức Giê-su vào thành với nhiều cuộc trao đổi và tranh luận. Lần thứ 4 (14,16-17) cũng là lần cuối cùng Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem để ăn lễ Vượt qua với các môn đệ, trong đêm đó Người bị bắt.
Đoạn văn 12,38–13,2 xảy xa khi Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem lần thứ 3 (11,27–13,1). Trong đó các thượng tế, các kinh sư và các kỳ mục chất vấn Đức Giê-su về quyền của Người (11,27-33). Kế đến, Người nói với họ về dụ ngôn những tá điền sát nhân (12,1-12). Nội dung của đoạn văn tiếp theo (12,13-37) là ba cuộc tranh luận và một lời giáo huấn: (1) Tranh luận với mấy người thuộc nhóm Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê về việc nộp thuế cho hoàng đế Xê-da (12,13-18). (2) Tranh luận với những người Xa-đốc về việc kẻ chết sống lại (12,18-27). (3) Tranh luận với một người thuộc nhóm các kinh sư về điều răn đứng hàng đầu (12,28-34). Cuối đoạn văn 12,13-37 là lời giáo huấn (12,35-37) về Đấng Ki-tô là Con và là Chúa của Đa-vít. Lời giáo huấn này đặt trong bối cảnh Đức Giê-su “giảng dạy trong Đền Thờ” (12,35). Tiếp theo là câu chuyện về các Kinh sư, về bà góa nghèo dâng cúng và về Đền Thờ (12,38–13,2). Ba câu chuyện sẽ được phân tích dưới đây.
Đoạn văn 12,38–13,2 được thuật lại khi Đức Giê-su và các môn đệ vào thành Giê-ru-sa-lem lần thứ 3. Đoạn văn này mở đầu bằng: “Trong lúc giảng dạy” (12,38) song song với 12,25: “Khi Người giảng dạy trong Đền Thờ” và bàn về đề tài mới: “Coi chừng các kinh sư” (12,38-40). Vì thế, 12,28 khởi đầu một đoạn văn mới.
Trước hết đoạn văn 12,38–13,2 thuật lại việc Đức Giê-su nói với đám đông (12,38-40), sau đó Người ngồi quan sát người ta bỏ tiền vào thùng dâng cúng cho Đền thờ (12,41-44). Sang ch. 13, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi Đền Thờ và Người tiên báo Đền Thờ sẽ sụp đổ (13,1-2).
Mc 13,3 dẫn vào bối cảnh khác: Đức Giê-su “ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và An-rê hỏi riêng Người: “Xin Thầy nói cho chúng con, bao giờ các điều ấy xảy ra, và có dấu chỉ gì khi sắp hoàn tất tất cả những điều đó?” (13,3-4). Với câu hỏi này, Đức Giê-su bắt đầu bài giảng cánh chung (13,3-32) và kêu gọi: “Hãy tỉnh thức” (13,33-37). Như thế, 13,1-2 là phần chuyển tiếp, vừa kết thúc câu chuyện trước đó (12,38-44), vừa mở đầu cho câu chuyện tiếp theo (13,3-32)
Ch. 14 bắt đầu một giai đoạn mới. Sau trình thuật xức dầu tại Bê-tha-ni-a (14,3-9), Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem lần thứ 4 để ăn lễ Vượt qua với các môn đệ (14,12-31), sau đó Người bị bắt (14,43-52). Như thế đoạn văn 12,38–13,2 ở cuối thời kỳ hoạt động công khai của Đức Giê-su và bối cảnh là Đức Giê-su giảng dạy lần cuối cùng trước đám đông trong Đền Thờ, trước khi Người bị bắt.
Đoạn văn 12,38–13,2 được cấu trúc với ba câu chuyện:
1) 12,38-40: Coi chừng các kinh sư
2) 12,41-44: Người giàu và bà goá nghèo và bỏ tiền
3) 13,1-2: Báo trước Đền Thờ sẽ sụp đổ
Ba câu chuyện này tương quan chặt chẽ với nhau qua năm dấu hiệu văn chương sau đây:
1) Câu chuyện đặt trong bối cảnh Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem lần thứ 3. Người tranh luận với giới lãnh đạo Do Thái và giảng dạy trong Đền Thờ. Nơi chốn trọng tâm của đoạn văn 12,38–13,2 là Đền Thờ.
2) Đề tài “coi chừng các kinh sư”, vừa nối kết với những gì Đức Giê-su đã nói trước đó liên quan đến các “kinh sư” (12,28.32.35.38), vừa nối kết với chuyện bà goá. Đức Giê-su nói về các kinh sư như sau: “Họ ngốn cả nhà cửa của các bà goá và làm bộ cầu nguyện lâu giờ” (12,40). Danh từ “bà goá” xuất hiện 3 lần (12,40.42.43) trong đoạn văn 12,38–13,2.
Trong Tin Mừng Mác-cô, các kinh sư là những người chống đối Đức Giê-su. Những lời tố cáo tương tự ở trong Mát-thêu và Lu-ca (Mt 23,5-7; Lc 11,43) không chỉ liên quan đến các kinh sư mà còn có những người Pha-ri-sêu nữa. Trong Mác-cô, khi nói đến các kinh sư, bản văn nói về giới lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ, vì các kinh sư là những người có uy thế trong dân và là bậc thầy trong việc giải thích Kinh Thánh.
3) Đề tài “giảng dạy” (12,35.38) được đề cao trong đoạn văn 12,38–13,2. Đức Giê-su dạy đám đông và các môn đệ. Trong Tin Mừng Mác-cô, đây là nơi duy nhất Đức Giê-su nói với đám đông về các kinh sư thay vì nói trực tiếp với các kinh sư.
4) Chuyện bà goá liên quan đến chuyện Đền Thờ bị sụp đổ với hàm ẩn tương phản và châm biếm. Bà goá đã hy sinh tất cả những gì mình có để dâng vào Đền Thờ, mà Đền Thờ đó sẽ bị sụp đổ. Nghĩa là chấm dứt mọi hình thức tôn giáo gắn liền với Đền Thờ. Cụ thể là việc dâng cúng và việc cầu nguyện ở Đền Thờ.
5) Ba trình thuật trên nối tiếp nhau trong thời gian: (1) Đức Giê-su đang giảng dạy trong đền thờ, Người nói với đám đông (12,37-38), (2) sau đó Người ngồi quan sát người ta bỏ tiền vào vào thùng tiền dâng cúng (3) và cuối cùng Người đi ra khỏi Đền thờ và báo trước Đền Thờ sẽ bị phá huỷ (13,2).
Tóm lại, đoạn văn 12,38–13,2 thống nhất về nơi chốn: Đền Thờ; thống nhất về nội dung: giảng dạy tại Đền Thờ. Thống nhất về thời gian: ba câu chuyện nối tiếp nhau trong chuyến vào thành Giê-ru-sa-lem lần thứ ba. Vì thế, để hiểu ý nghĩa đoạn văn 12,38–13,2 cần phân tích chung với nhau cả ba câu chuyện về các kinh sư, về bà goá và về Đền Thờ.
III. Chú thích Mc 12,38–13,2
– 12,38, “Anh em hãy coi chừng (blepete)”. Động từ “blepô” (thấy) theo nghĩa “coi chừng” là kiểu hành văn riêng của Mác-cô.
– 12,38b-39, “thích dạo quanh”, “thích được chào hỏi”, “thích chỗ nhất”, “thích chỗ danh dự”. Bốn động từ diễn tả sở thích của các kinh sư đều gắn liền với nơi công cộng: “đi dạo”, “công trường”, “hội đường” và “đám tiệc”. Câu tiếp theo (12,40) nói đến điều kín đáo hơn: “ngốn cả nhà cửa của các bà goá” và “làm bộ cầu nguyện lâu giờ.”
– 12,40a, “ngốn cả nhà cửa của các bà goá”. Ngôn sứ Ma-la-khi tuyên sấm về Ngày Đức Chúa thăm viếng Đền Thờ như sau: “Ta sẽ tới gần các ngươi mà xét xử; Ta sẽ mau mắn làm chứng chống lại các tên phù thủy, các kẻ ngoại tình, bọn thề gian cũng như quân bóc lột người làm công và cô nhi quả phụ; chống lại kẻ áp bức ngoại kiều cùng những kẻ chẳng kính sợ Ta, – ĐỨC CHÚA các đạo binh phán” (Ml 3,5).
– 12,41a, “ngồi” (kathizô). Động từ “kathizô” cho thấy Đức Giê-su ở trong tư thế của vị thầy dạy. Nơi ngồi được làm rõ: “đối diện với thùng tiền dâng cúng”, nơi người ta bỏ tiền dâng cúng phục vụ Đền Thờ.
– 12,41b, “Người [Đức Giê-su] nhìn xem đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng ra sao”. Câu chuyện thứ hai bắt đầu với việc Đức Giê-su ngồi quan sát người ta bỏ tiền vào thùng dâng cúng. Sau đó Người đưa ra lời nhận xét với các môn đệ. Nhân vật bà goá trong câu chuyện không lên tiếng, bà cũng không biết chuyện gì đã xảy ra. Câu chuyện tập trung vào nhân vật Đức Giê-su: (1) Người quan sát và (2) đưa ra nhận xét nhằm giáo huấn các môn đệ và độc giả.
– 12,41c, “Nhiều người giàu bỏ nhiều”. Hai lần tính từ “nhiều” (polus) cho thấy sự dồi dào. Nhiều người, nhiều của, nhiều tiền để làm nổi bật lên cái “ít” của bà goá.
– 12,42b, “hai đồng tiền kẽm, trị giá một đồng xu”. Tiền kẽm (leptos), đồng xu (kodrantês) là tiền Rô-ma. “Hai đồng tiền kẽm”, được giải thích là “trị giá một đồng xu”, lời giải thích này dành cho độc giả nói tiếng Hy-lạp sử dụng tiền của Đế quốc Rô Ma, đồng thời cho thấy “tiền kẽm” là đồng tiền nhỏ nhất trong hệ thống tiền tệ thời đó.
– 12,43-44, kiểu nói nhấn mạnh quá mức ở 12,43-44 làm cho ý nghĩa câu chuyện vượt ra ngoài khung cảnh của việc dâng cúng tiền bạc. Hành động của bà goá gợi lên nhiều ý nghĩa quan trọng sẽ được phân tích dưới đây.
IV. Phân tích
Bài viết nhằm trình bày liên kết giữa ba câu chuyện (các kinh sư – bà goá – Đền Thờ), nên sẽ phân tích bốn mục chính: (1) Tố cáo các kinh sư về việc “nuốt hết nhà cửa của các bà goá và làm bộ cầu nguyện lâu giờ” (12,40). (2) Đoạn văn nhắm giáo huấn các môn đệ và độc giả, nên sẽ phân tích kiểu nói đặc thù: Đức Giê-su “gọi các môn đệ của Người lại, Người nói với các ông: “A-men, Thầy nói cho anh em:…” (12,43). (3) Ý nghĩa việc dâng cúng của bà goá. (4) Cách hiểu về việc Đức Giê-su báo trước Đền Thờ sẽ bị sụp đổ trong tương quan với các kinh sư và bà goá nghèo trong trình thuật Mc 12,38–13,2.
1. Tố cáo các kinh sư
Những gì Đức Giê-su nói về cách sống của các kinh sư được trình bày ở Mc 12,38b-39: “38b Anh em hãy coi chừng các kinh sư thích dạo quanh với áo chùng, thích được chào hỏi nơi công cộng, 39 thích chỗ nhất trong hội đường, và chỗ danh dự trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết nhà cửa của các bà goá và làm bộ cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nặng hơn.” Mc 12,38b nói đến bốn sở thích của các kinh sư mà các môn đệ của Đức Giê-su nên tránh. Câu tiếp theo (12,40) nói đến những sai lạc trầm trọng hơn trong tương quan với con người: “Họ nuốt hết nhà cửa của các bà goá” (12,40c) và trong tương quan với Thiên Chúa: “Làm bộ cầu nguyện lâu giờ” (12,40b). Hai vấn đề này sẽ được phân tích sau đây.
a) “Nuốt hết nhà cửa của các bà goá” (12,40a)
Một số tác giả tự hỏi rằng: Thời đó các kinh sư đã làm gì để “ngốn nhà cửa của các bà goá”? (12,40) Những cách hiểu sau đây dựa trên lịch sử và ở ngoài bản văn nên mỗi tác giả đề nghị câu trả lời khác nhau.
– Jeremias cho rằng các kinh sư lợi dụng sự hiếu khách của các bà goá, hoặc là dụ ngọt để các bà goá dâng cúng cho họ (J. JEREMIAS, Jérusalem au temps de Jésus, (trad.), Paris 1967, p 166).
– Légasse giải thích: Kinh sư là những chuyên viên về luật, có thể họ viện cớ bảo vệ quyền lợi của các bà goá để lợi dụng các khoản thù lao (S. LÉGASSE, L’évangile de Marc, [Lectio divina Comemtaire 5], vol. 2, 1997, p.767).
– Derrett lại nghĩ rằng có thể các bà goá đã gửi tiền của cho các kinh sư giữ, và họ đã tìm cách để rút bớt tiền của các bà goá (J. D. M. DERRETT, “‘Eating up the Houses of Widows’: Jesus Comment on Lawyers”, NT 14 (1972) 1-9).
Điều chắc chắn là tuyền thống Cựu Ước khẳng định: Không được ức hiếp cô nhi quả phụ, chẳng hạn Gr 7,3-7 viết: “3 ĐỨC CHÚA các đạo binh là Thiên Chúa của Ít-ra-en phán: Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này. 4 Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của ĐỨC CHÚA! Đền Thờ của ĐỨC CHÚA! Đã có Đền Thờ của ĐỨC CHÚA!” 5 Nếu các ngươi thật sự cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, nếu các ngươi thật sự đối xử công bình với nhau, 6 không ức hiếp ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây, không đi theo các thần ngoại mà chuốc họa vào thân, 7 thì Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này, trong phần đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi đến muôn đời.”
Tuy bản văn Mác-cô không nói rõ các kinh sư đã làm gì để ngốn cả nhà cửa các bà goá, nhưng vế thứ hai có thể soi sáng cho vế thứ nhất: “Họ làm bộ cầu nguyện lâu giờ” (12,40b).
b) “Làm bộ cầu nguyện lâu giờ” (12,40b)
“Làm bộ” chứ không phải “làm thiệt”, không phải là cầu nguyện thật. Chi tiết này cho phép hiểu: Các kinh sư đã “làm bộ cầu nguyện lâu giờ” để ngốn tài sản các bà goá. Nghĩa là họ dùng vẻ đạo đức bên ngoài để làm cho các bà goá mất tiền mất của, mất nhà, mất cửa. Tương phản giữa “ngốn cả nhà cửa của các bà goá” và “cầu nguyện lâu giờ” trở thành lời tố cáo mạnh mẽ hành động của các kinh sư.
Một đàng, các bà goá đã nghèo lại còn bị các kinh sư tìm cách để chiếm đoạt tài sản. Việc này ngược với điều răn yêu thương của Thiên Chúa. Hơn nữa cầu nguyện là việc thờ phượng. Bằng cách giả bộ, các kinh sư đã không thực sự thờ phượng Thiên Chúa. Ngược lại họ dùng chính việc cầu nguyện để làm cho của cải các bà goá chuyển vào túi riêng của họ. Họ đã dùng chính Thiên Chúa để trục lợi.
Ở 12,38b-39, Đức Giê-su tố cáo các kinh sư qua những biểu hiện bên ngoài: “38b thích dạo quanh với áo chùng, thích được chào hỏi nơi công cộng, 39 thích chỗ nhất trong hội đường, và chỗ danh dự trong đám tiệc” (12,38b-39). Trong câu tiếp theo (12,40), Đức Giê-su tố các các kinh sư khi cho biết những ẩn ý không tốt bên trong: “Họ nuốt hết nhà cửa của các bà goá và làm bộ cầu nguyện lâu giờ” (12,40a.b). Kết luận là họ “sẽ bị kết án nặng hơn” (12,40c).
Thái độ của các kinh sư ngược với những gì Đức Giê-su dạy các môn đệ: “Nếu ai muốn là người đứng đầu, sẽ là người đứng sau mọi người và là người phục vụ mọi người” (Mc 9,35), xem Mc 10,43-44. Tóm lại, cách sống của các kinh sư trong đoạn văn ngược với tư cách của người môn đệ Đức Giê-su. Một bên “là môn đệ” (disciple) và một bên “không là môn đệ” (non-disciple).
2. “Gọi các môn đệ lại” (12,43)
Mc 12,43 mở đầu lời Đức Giê-su nói với các môn đệ cách long trọng với hai chi tiết đáng chú ý: (1) Đức Giê-su “gọi các môn đệ của Người lại” (12,43a) và công thức: “A-men, Thầy nói cho anh em:…” (12,43b). Trong đoạn văn 12,38–13,2, nhóm nhân vật “các môn đệ” xuất hiện khá đột ngột. Trước đây, các môn đệ đã xuất hiện trong trình thuật “cây vả bị chết khô” (11,14). Sau đó, Đức Giê-su trao đổi với Phê-rô và các môn đệ ở 11,20-26. Từ câu 11,27: “Họ lại vào Giê-ru-sa-lem”. Đại từ “họ” cho biết Đức Giê-su và các môn đệ vào thành Giê-ru-sa-lem. Đây là lần vào thành Giê-ru-sa-lem lần thứ 3. Trong Tin Mừng Mác-cô, tất cả các lần Đức Giê-su vào thành đều có các môn đệ cùng đi, nhưng điều gây chú ý là trước khi nói với các môn đệ, Người “gọi các môn đệ lại”. Kiểu nói này xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Mác-cô ở 8,34; 9,35; 10,42; 12,43.
Người thuật chuyện kể ở 8,34: “Người [Đức Giê-su] gọi (proskaleô) đám đông cùng với các môn đệ của Người lại, Người nói với họ: ‘Nếu ai muốn đi theo sau Tôi, hãy từ bỏ chính mình, hãy vác thập giá của mình và hãy đi theo Tôi’.”
Ở 9,35, người thuật chuyện dùng động từ phôneô (gọi): “Người [Đức Giê-su] ngồi xuống, gọi (phôneô) Nhóm Mười Hai và nói với họ: ‘Nếu ai muốn là người đứng đầu, sẽ là người đứng sau mọi người và là người phục vụ mọi người’” (9,35).
Đến 10,42-44, Đức Giê-su gọi (proskaleô) các môn đệ lại để dạy các ông phải sống như thế nào: “42 Gọi (proskaleô) các ông [các môn đệ] lại, Đức Giê-su nói với các ông: ‘Anh em biết rằng: Những người được coi là thủ lãnh các dân thì thống trị trên họ. Những người làm lớn trong dân thì thực thi quyền hành trên họ. 43 Nhưng giữa anh em thì không như thế, người nào muốn làm lớn trong anh em sẽ là người phục vụ anh em. 44 Người nào muốn là người đứng đầu trong anh em sẽ là đầy tớ mọi người’” (10,42-44).
Theo như cách dùng trên đây, có thể nói cụm từ “gọi các môn đệ lại” ở 12,43a mở đầu giáo huấn quan trọng của Đức Giê-su và được nhấn mạnh thêm qua công thức: “A-men, Thầy bảo anh em:…” (12,43a). Đây là công thức long trọng, đề cao tư cách giảng dạy của Đức Giê-su và cho biết tầm quan trọng của lời mặc khải theo sau công thức này.
3. Ý nghĩa việc dâng cúng của bà goá (12,44)
Có thể nói, câu chuyện bà goá bỏ tiền dâng cúng vào Đền Thờ, (a) vừa là lời tố các các kinh sư, (b) vừa gợi đến thân phận Đức Giê-su và (3) vừa là lời mời gọi các môn đệ dấn thân đến cùng.
a) Tố cáo các kinh sư qua việc làm của bà góa
Cách bà goá bỏ tiền vào Đền Thờ là lời tố cáo mạnh mẽ giới lãnh đạo tôn giáo thời đó. Thường chúng ta hiểu cách đơn giản. Việc dâng cúng của bà goá là tấm gương cho các môn đệ noi theo, nhưng noi theo điều gì? Nếu hiểu theo nghĩa: Đức Giê-su khen lòng quảng đại của bà goá và muốn mọi người cũng dâng cúng tiền bạc như bà goá thì không ổn. Chẳng lẽ Thiên Chúa là Đấng yêu thương và bênh vực cô nhi quả phụ (xem trích dẫn Gr 7,3-7 trên đây) lại muốn một bà goá dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình sao? Nếu như bà goá đã dâng “tất cả những gì bà ấy có” và “tất cả của nuôi thân” (12,44) thì bà ấy sẽ lấy gì để sống? Cần phân tích kỹ lời nhận định của Đức Giê-su để hiểu ý nghĩa việc làm của bà goá.
Trước hết, “bà goá nghèo này đã bỏ vào hơn tất cả…” (12,43b). Câu này đề cao tương phản: “ít” mà “nhiều”, “nhiều” mà “ít”. Một mình bà goá chỉ bỏ vào một xu mà hơn cả “nhiều người giàu bỏ nhiều” (12,41) vào thùng tiền dâng cúng. Ở đây tương phản trên cả hai bình diện: về người và về của. Về người, một mình bà goá nghèo đối lại với nhiều người giàu. Về của, bà goá chỉ bỏ 1 xu, còn những người giàu bỏ nhiều. Những người giàu bỏ bao nhiêu? Bản văn không nói rõ, nhưng từ “nhiều” vừa gợi lên ý tưởng của cải dư thừa, vừa hàm ý số tiền họ bỏ vào nhiều nhưng không quan trọng đối với họ.
Kế đến, “bà này lấy từ sự túng thiếu của mình mà bỏ vào” (21,44b). Nhận định này làm cho cái “nhiều” của những người giàu (12,41) trở thành “ít”, vì số nhiều mà họ bỏ vào so với tài sản của họ thì chỉ là thứ dư thừa. Như thế, cái “nhiều” làm nổi bật ý tưởng tương phản: “nhiều” nhưng thực sự thì chẳng bao nhiêu, “nhiều” nhưng thực sự là “ít” vì không quan trọng, vì là của cải dư thừa. Ngược lại việc làm của bà goá “ít” về lượng nhưng phẩm chất lại “nhiều”. Một đàng là “lấy từ sự dư thừa”, một đàng là “lấy từ sự túng thiếu”, nghĩa là lấy từ những thứ cần thiết cho bà.
Đặc biệt lời nhấn mạnh trong câu văn: “Bỏ vào tất cả những gì bà ấy có, tất cả của nuôi thân bà” (12,44c.d). Câu giải thích này có hai chi tiết quan trọng: Bà goá nghèo bỏ vào thùng tiền (1) “tất cả những gì bà ấy có”, (2) “tất cả của nuôi thân” (12,44c.d). Danh từ Hy Lạp “bios” (của nuôi thân) còn có nghĩa là “sự sống”, “sự hiện hữu” (x. Lc 8,14). Lời giải thích trên nhấn mạnh cái nghèo của bà goá, đồng thời đề cao giá trị của số tiền ít ỏi bà đã dâng. Giá trị lớn lao này thể hiện qua hai tính từ “tất cả” (pas) ở 12,44c: “Tất cả những gì bà ấy có” và “tất cả”, “toàn thể” (holos) ở 12,44d: “Tất cả của nuôi thân bà”.
Nếu như bà goá đã dâng cúng như thế thì sau khi dâng bà ấy sẽ lấy gì để sống? Theo nghĩa đen, không thể nói: Đức Giê-su khen ngợi việc làm của bà góa. Ngược lại, sự dâng cúng đã tước đi sự sống của bà, làm cho bà đã nghèo lại càng nghèo hơn, sống cơ cực hơn, và theo mạch văn thì sau khi dâng cúng, bà ấy không còn gì để nuôi thân nữa. Dâng cúng như thế không phải là điều Thiên Chúa muốn.
Những nhận xét trên cùng với kiểu hành văn nhấn mạnh quá mức ở 12,44, cho phép độc giả hiểu sự dâng cúng của bà goá như là lời tố cáo các kinh sư. Có thể nói, đây là ví dụ điển hình về cách các kinh sư ngốn nhà cửa và tài sản các bà goá. Xh 22,21-26 cho thấy Thiên Chúa đối xử thế nào với Mẹ goá con côi và người nghèo: “21 Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. 22 Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. 23 Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi… 24 Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. 25 Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. 26 Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ” (Xh 22,21-26).
Qua việc bà goá bỏ vào thùng tiền dâng cúng “tất cả những gì bà ấy có” và “tất cả của nuôi thân” (12,44), câu chuyện gián tiếp tố cáo hệ thống tôn giáo thời đó đã bóc lột bà goá nghèo trên. Dâng cúng theo kiểu bà goá cho thấy các kinh sư đã làm cho các bà goá hiểu sai việc dâng cúng. Bà goá nghèo thực hành việc dâng cúng mà không để ý đến nhu cầu chính đáng của bản thân mình. Sự dâng cúng như thế không làm cho Thiên Chúa hài lòng, vì Thiên Chúa của kẻ sống, không muốn lấy đi tất cả những gì bà có để nuôi thân. Hơn nữa nhận lấy của dâng cúng như thế là không có lòng thương xót và không biết nâng đỡ người nghèo. Wright viết: “Giới lãnh đạo tôn giáo đã dạy bà ta và đã động viên các bà goá dâng cúng như bà goá này đã làm, qua câu chuyện này Đức Giê-su tố cáo hệ thống giá trị tôn giáo đã dẫn bà goá tới hành động như thế, Người lên án những kẻ đã tạo ra suy nghĩ và hành động như bà goá” (G. A. WRIGHT, “The Widow’s Mites: Praise or Lament? – A Matter of Context”, CBQ 44 (1982) p. 262).
Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su đã tố cáo thái độ nệ luật và hạ thấp con người trong câu chuyện về luật “Cô-ban” ở Mc 7,10-13. Khi những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Người, họ từ Giê-ru-sa-lem đến (7,1-2) và chất vấn Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của Ông không sống theo truyền thống của tiền nhân, nhưng để tay ô uế mà ăn bánh?” (7,5). Đức Giê-su trả lời họ rằng: “Các ông là những kẻ đạo đức giả” (7,6); “bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà giữ truyền thống của người phàm” (7,8); “coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông” (7,9). Để minh chứng cho điều này, Đức Giê-su đưa ra trường hợp luật Cô-ban ở Mc 7,10-13. Người nói: “10 Vì Mô-sê đã nói: ‘Ngươi hãy thảo kính cha của ngươi và mẹ của ngươi, và kẻ nguyền rủa cha hay mẹ phải chết tử hình.’ 11 Nhưng các ông, các ông nói: Người nào nói với cha hay mẹ rằng: ‘Những gì con có để giúp cha mẹ là co-ban, nghĩa là lễ phẩm đã dâng’, 12 Các ông không còn cho phép người ấy làm gì nữa cho cha hay mẹ. 13 Các ông huỷ bỏ lời của Thiên Chúa bằng truyền thống của các ông mà các ông đã truyền lại; và các ông còn làm nhiều điều khác giống như thế” (Mc 7,10-13).
Đối với Đức Giê-su, khi giá trị con người và giá trị tôn giáo xung đột nhau, thì giá trị con người phải được đặt lên trên. Con người phải được ưu tiên, cụ thể là phải chăm lo cho cha mẹ, phải lo chăm sóc và nâng đỡ các bà goá nghèo. Để các bà goá nghèo không có gì để nuôi thân, vì dâng cúng cho Đền Thờ là không biết bênh vực họ. Ai làm như thế sẽ lãnh chịu hình phạt như lời Thiên Chúa trong sách Xuất hành: “Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi…” (Xh 22,23) và bị nguyền rủa như sách Đnl 27,19 đã nói: “Đáng nguyền rủa thay kẻ làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều, cô nhi quả phụ!”
Đức Giê-su đưa ra nguyên tắc rõ ràng: “Ngày sa-bát được lập ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27). Lề luật làm cho con người sống và để bảo vệ con người chứ không phải để giết chết con người, hay ngăn cản con người đến với Thiên Chúa.
b) Gợi về thân phận của Đức Giê-su
Có thể nói, về hình thức, việc dâng cúng của bà goá không hợp lý. Thiên Chúa là Đấng yêu thương những kẻ yếu thế, Người không đòi hỏi bà goá nghèo phải dâng cúng như vậy. Tuy nhiên, nếu so sáng với thân phận của Đức Giê-su thì hành động của bà goá có ý nghĩa sâu xa. Cách hành văn lạ lùng ở 12,43-44 cho phép độc giả liên hệ đến thân phận của Đức Giê-su. Theo lẽ thường thì câu chuyện có thể kết thúc ở phần đầu c.44: “Vì mọi người lấy từ của cải dư thừa của họ mà bỏ vào, nhưng bà này lấy từ sự túng thiếu của mình mà bỏ vào” (12,44a.b). Điều lạ là bản văn lại thêm vào hai cụm từ nhấn mạnh: “Tất cả (pas) những gì bà ấy có” (12,44c) “tất cả (holos) của nuôi thân bà” (12,44d). Sự nhấn mạnh bằng hai tính từ Hy Lạp “pas” (tất cả) và “holos” (pas) (tất cả, toàn thể) cho phép hiểu hành động của bà goá theo nghĩa biểu tượng, nghĩa là hiến dâng chính bản thân mình. Điều này gợi đến sự dâng hiến mạng sống của Đức Giê-su trên thập giá.
Thật vậy, việc Đức Giê-su dâng hiến sự sống của Người trên thập giá cũng không “hợp lý”. Nói theo kiểu Phao-lô thì thập giá là sự điên rồ. Mầu nhiệm thập giá nói lên sự hiến dâng tất cả của Đức Giê-su. Nếu như bà goá là nạn nhân của hệ thống tôn giáo thời đó thì Đức Giê-su cũng là nạn nhân của hệ thống tôn giáo ấy. Cụ thể là giới lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Đức Giê-su và cái chết của Người chính là lúc Người hiến dâng tất cả những gì Người có, tất cả sự sống của Người.
Hình ảnh tương phản giữa một bên là thái độ khoe khoang của các kinh sư, họ muốn cho mọi người biết tới, bên kia là bà goá nghèo, xuất hiện cách âm thầm kín đáo gợi đến cuộc đời của Đức Giê-su. Người đã làm người và sống như mọi người và cuối cùng chết ô nhục trên thập giá. Bản văn càng có ý nghĩa hơn khi câu chuyện bà goá dâng “tất cả những gì bà ấy có, tất cả của nuôi thân bà” (12,44) được thuật lại vào lúc Đức Giê-su sắp sửa bước vào cuộc Thương Khó. Có thể nói, Đức Giê-su nhận xét về bà góa nghèo dâng cúng để nói về thân phận của Người. Đức Giê-su sẽ hiến dâng tất cả những gì Người có và hiến dâng trọn vẹn sự sống của Người trên thập giá.
c) Lời mời gọi các môn đệ dấn thân đến cùng
Dựa trên liên hệ giữa việc dâng cúng của bà goá và việc dâng hiến của Đức Giê-su, bài học hành cho các môn đệ trong bản văn và cho các độc giả là đi theo con đường Đức Giê-su đã đi. Thiên Chúa không muốn chúng ta dâng tất cả những gì chúng ta có để nuôi sống mình. Nhưng theo nghĩa biểu tượng qua sự hiến dâng của bà goá, người môn đệ được mời gọi hiến dâng tất cả vì niềm tin. Lòng tin vào Đức Giê-su mời gọi chúng ta hiến dâng chính bản thân mình cho Thiên Chúa, bằng cách sống hết lòng với sứ vụ và với anh chị em mình theo tinh thần Tin Mừng.
4. Báo trước Đền Thờ sẽ bị sụp đổ (13,1-2)
Phần kết (13,1-2) của đoạn văn 12,39–13,2 là lời Đức Giê-su báo trước Đền Thờ sẽ sụp đổ. Nét châm biếm của câu chuyện là bà goá nghèo có quyền đón nhận sự giúp đỡ của người khác để sống, nhưng bà ta đã dâng cho Đền Thờ tất cả những gì bà có để nuôi thân. Điều trớ trêu là Đền Thờ đó sẽ bị phá huỷ, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào mà không bị phá đổ (x. 13,2).
Mạch văn cho phép hiểu Đền Thờ sụp đổ là vì hệ thống tôn giáo gắn liền với Đền Thờ ấy đã xa rời ý định của Thiên Chúa. Cụ thể là các kinh sư giả hình, thích dáng vẻ bên ngoài, họ đã bỏ điều răn của Thiên Chúa để giữ truyền thống của những người phàm (7,8), họ nói mà không làm, họ làm bộ cầu nguyện lâu giờ để ngốn nhà cửa của các bà goá (12,40), trong khi các bà goá nghèo là những người cần họ nâng đỡ. Trầm trọng hơn, giới lãnh đạo tôn giáo lúc ấy đang tìm cách giết Đức Giê-sum, Đấng đến nói Lời Thiên Chúa và mặc khải ý định của Thiên Chúa cho họ. Một lối sống xa rời ý định của Thiên Chúa như thế sẽ sụp đổ thì không có gì lạ. Đền Thờ sẽ sụp đổ và tất cả những hoạt động đi kèm với Đền Thờ sẽ không còn nữa. Lời cảnh báo Đền Thờ bị sụp đổ là lời mời gọi đổi mới tương quan với Thiên Chúa; canh tân cách thức thờ phượng Thiên Chúa và sống thật với nhau.
V. Kết luận
Với ba trình thuật: Tố cáo sự giả hình (12,39-40); ý nghĩa việc dâng cúng (12,41-44) và báo trước Đền Thờ sẽ sụp đổ (13,1-2), người thuật chuyện đề cao sự hiểu biết của Đức Giê-su. Người biết những gì thầm kín trong lòng con người, Người biết trước tương lai của Đền Thờ. Qua đó làm nổi bật tư cách và uy thế giảng dạy của Đức Giê-su, vì “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (1,21-22).
Đoạn văn có nhiều điểm tương phản đối lập và châm biếm: Các kinh sư thích phô trương, bà goá lại âm thầm. Nhiều người giàu dâng cúng nhiều, một bà goá nghèo dâng cúng ít. Bỏ nhiều mà không giá trị, bỏ ít mà giá trị cao: Dâng hiến chính sự sống của mình. Dâng “sự sống” mình cho Đền Thờ nhưng Đền thờ sẽ sụp đổ. Đền Thờ nguy nga tráng lệ tương phản với đống đổ nát, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Một nền phụng tự đạt đến đỉnh cao nơi công trình xây dựng lộng lẫy là Đền Thờ, nhưng thực chất việc thờ phượng lại là giả hình và giả bộ… cầu nguyện.
Tóm lại, ba câu chuyện về các kinh sư, về bà goá và về Đền Thờ vừa là lời tố cáo cách sống của các kinh sư; vừa gợi ý về sự dâng hiến của Đức Giê-su trên thập giá; vừa là lời cảnh báo cách sống của các môn đệ; vừa là lời mời gọi các môn đệ dấn thân trọn vẹn trong sứ vụ làm chứng; vừa cho biết cách thức người môn đệ thi hành sứ vụ ra sao và đối xử thế nào với người nghèo./.
Ngày 21 tháng 04 năm 2013.
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
leminhthongtinmunggioan.blogspot.com
Lượt xem 128 Lần