1. Thế giới đang chuyển mình với những cú nhảy vọt vượt bậc về y khoa, công nghệ trong bối cảnh ‘toàn cầu hóa’-vượt bậc. Nhưng thế giới hôm nay lại đang rên siết, quằn quại trong khổ đau và nước mắt chỉ với con Virus Corona nhỏ bé… Một thế giới mà nhà văn trẻ Việt Hà đã nhận định rất đúng: “Quả thật, chưa bao giờ nhân loại khôn ngoan lanh lợi, biến hóa thần kỳ như hôm nay. Phải chăng khi mọi thứ đều trở nên sôi động, ồn ào, mau lẹ, rực rỡ, hào nhoáng, tiện nghi, siêu vi và siêu tốc, thì con người lại đang rơi vào một thảm họa lan tràn, phổ biến khắp địa cầu, một sự đổ vỡ sâu xa do chính hậu quả của sự “khôn ngoan”, thông thái của con người làm ra! Chưa bao giờ nhân loại đông đảo, ồn ào, vui nhộn và tự do xiết chặt tay nhau đến thế, nhưng đồng thời cũng cô đơn trống rỗng biết bao! Chưa bao giờ, nhân loại đầy đủ, tiện nghi, sung sướng đến thế, nhưng cũng hụt hẫng, bơ vơ và đau khổ biết chừng nào! Chưa bao giờ con người khôn ngoan, hiểu biết và nắm bắt mọi sự trên đời đến thế, nhưng cũng bối rối, ngơ ngác và mù mịt về chính mình như thế! (x.Cơ Hội Của Chúa).
2. Hơn bao giờ hết, lời ngỏ Hiến chế, Giáo Hội trong thế giới ngày nay vang lên thật xứng hợp:“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ, số 1). Vì vậy, “Thánh lễ trong ngày toàn quốc cầu nguyện cho đại dịch Covid-19’ mà HĐGMVN đề nghị hôm nay đặt để trong ý nghĩa đó, thể hiện mối bận tâm, thao thức đồng hành cùng dân tộc trong thảm họa Đại dịch Covid-19 này.
Nhớ lại, khi đọc xong THÔNG BÁO KHẨN của HĐGMVN về ‘Thánh lễ cầu nguyện trong thời đại dịch’, trong tôi rộn lên một điều thú vị: là ước mơ cả dân tộc mình cùng hiệp thông cầu nguyện: “Nếu hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (x.Mt 18,19-20).
Trong ngày đặc biệt này, xin kể lại câu chuyện đậm chất cầu nguyện này: Sự là, Federic Ozanam, một nhà xã hội học nổi tiếng của Giáo hội Pháp, thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng Đức Tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học. Có lần khi chàng mon men đứng ở cuối nhà thờ Paris để tìm một chút sự thanh thản, anh đã không ngờ, khi thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu, lại chính là nhà bác học Ampère… Sau khi đã làm quen ít nhiều, Fideric đã mạnh dạn hỏi điều mình trăn trở từ lâu: “Thưa Thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?” Sau phút trầm mặc, nhà bác học Ampère đã quả quyết trả lời: “Con ơi, chúng ta chỉ có thể vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!”
3. Chính trong bối cảnh thời dịch nóng bỏng này, có lẽ chúng ta cần lắm những mẫu gương cầu nguyện vĩ đại và khiêm tốn như nhà Vật lý học Ampère. Thiết tưởng, trong sự khốn cùng của đại dịch, không thiếu những con người đang trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng, ước mong họ cũng có thể tìm được lời giải đáp như một Ampere đã vĩ đại lại càng vĩ đại hơn khi biết cầu nguyện.
Có lẽ, lòng tin của chúng ta chưa đủ lớn và đủ mạnh để Thiên Chúa mau kíp thi thố quyền năng chữa lành cho cơn quằn quại đau thương của thế giới hôm nay, như xưa Ngài đã thách thức các môn đệ: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “Rời khỏi đây, qua bên kia! Nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17, 14-20). Là chiến sĩ hữu Ki-tô, chúng ta hãy tiến đến và mạnh dạn hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao chúng con lại không thể tiêu diệt được con virus nhỏ bé khốn nạn này?” thì Ngài sẽ mách nước: “Giống quỷ này, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 29). Đây chính là lời mời gọi sâu lắng trong ngày đặc biệt hôm nay, bởi vì chúng ta đã được ban tặng: trái tim để yêu mến, có miệng lưỡi để cầu nguyện và có đôi mắt để khóc lóc cho tội lỗi của mình (x. 101 Tư tưởng của Cha thánh G.M.Vianey). Không những khóc cho tội lỗi của mình, mà phải cùng khóc với toàn thế giới, như lời khuyên rất quảng đại: ‘Lời cầu nguyện của các con phải bao la, trái tim con phải đủ lớn và vòng tay con phải ôm trọn thế giới này’ (x. Đường Hy Vọng, ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận).
4. Ước gì qua cơn đại dịch, con người sẽ tin nhận chỉ vào một Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người hơn nữa, và cùng nhau cất lên ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời…’ và khẩn khoản nài xin: “Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Con rất yêu dấu…Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới…”.
(Nguồn: Truyền thông HĐGMVN)
Lượt xem 142 Lần