Các tư tế và nhiệm vụ chúc lành cho dân và canh giữ Đền Thánh Chúa

Các tư tế và nhiệm vụ chúc lành cho dân và canh giữ Đền Thánh Chúa


11/23/2012 7:23:57 AM

Chúc lành và canh giữ Dền Thánh Chúa là hai nhiệm vụ khác nữa của các tư tế. Đây là các nhiệm vụ tích cực hơn so với các nhiệm vụ khám xét người và vật để tuyên bố là ô uế hay trong sạch.

Nhân danh Giavê Thiên Chúa của Israel các tư tế chúc lành cho dân. Thực sự ra các tư tế không phải là những người duy nhất có nhiệm vụ này, nhưng cũng có nhiều người khác chia sẻ nhiệm vụ chúc lành. Chẳng hạn người cha gia đình chúc lành cho con cái. Và cũng xảy ra cảnh em giành phúc lành của anh như trong trường hợp ông Giacóp nhờ mẹ giúp, đoạt phúc lành mà cha là Igiaác muốn dành cho Edau là con cả, như kể trong chương 27 sách Sáng Thế. Rồi cảnh ông Giacóp nhận hai người con của ông Giuse làm con và chúc lành cho chúng, như kể trong chương 48 sách Sáng Thế. Chương 49 thì kể lại biến cố ông Giacóp chúc phúc cho mười hai người con, tức mười hai chi tộc Israel trước khi qua đời.

Nhà vua cũng chúc phúc cho dân mình. Chương 6 sách các Vua II kể lại rằng vua Đavít rước Hòm Bia Giao Ước vào thành Giêrusalem; và sau khi hoàn tất việc dâng các lễ toàn thiêu và lễ kỳ an, vua Đavít nhân danh Giavê chúc phúc cho dân (2 V 6,16). Chương 8 sách các Vua I kể lại rằng sau khi xây dựng xong Đền Thờ vua Salomon cho rước Hòm Bia Thánh từ thành vua Đavít, tức là Sion, vào trong Nơi Cực Thánh của Đền Thờ. Vua quay mặt lại chúc lành cho toàn thể cộng đồng Israel, trong khi cả cộng đồng đều đứng. Và vua cất tiếng hiệu triệu dân chúng, kể lại lai lịch dự án xây Đền Thờ dâng kính Giavê từ thời vua cha cho tới khi nhà vua hoàn thành chương trình ấy.

Chúc lành của các tư tế đặt danh của Giavê trên dân Israel. Sách Dân Số chương 6 ghi lại công thức chúc lành ấy như sau: ”Giavê phán với ông Môshê: ”Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Israel, anh em hãy nói thế này: ”Nguyện Giavê chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Giavê tươi nét mặt và gìn giữ anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Giavê ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6,22-27).

Để tên của Giavê trên Israel có nghĩa là thiết lập một tương quan với con người. Dân Israel hiểu rằng một tương quan tốt với Thiên Chúa là điều kiện không thể thiếu để cho cuộc sống cá nhân và cộng đoàn được xuôi chảy. Phúc lành bảo đảm cho sự phong phú, cho niềm hạnh phúc và cho hòa bình của Israel.

Ngoài nhiệm vụ chúc lành cho dân Chúa các tư tế còn có nhiệm vụ canh giữ Đền Thánh Chúa. Phúc lành của Lêvi không nhấn mạnh trên tương quan giữa tư tế và đền thánh. Tuy nhiên có nhiều văn bản khác chứng minh cho thấy tầm quan trọng của tương quan này. Tư tế là con người của đền thánh. Tư tế có đặc quyền ra vào nơi thánh và phải giữ gìn đền thánh và các vật thánh với sự cẩn trọng tuyệt đỉnh. Nơi thánh là nơi không phải ai cũng vào được, mà chỉ có các tư tế mới được vào thôi. Vì thế chương 3 sách Dân Số xác định như sau: ”Các người đóng trại trước Nhà Tạm ở phía đông, nghĩa là trước Lều Hội Ngộ, hướng mặt trời mọc, là ông Môshê, ông Aharon và các con ông này, là những người có trách nhiệm trông coi thánh điện thay cho con cái Israel; còn ai khác mà tới gần sẽ phải chết” (Ds 3,38).

Khi thành lập một thánh điện, thì lập tức cũng phải thánh hiến một người để trông coi, như viết trong sách các Thẩm Phán chương 17: ”Ông Mikha có một nhà thờ; ông đã làm các êphốt và các teraphim, rồi phong cho một người trong các con làm tư tế cho ông. Thời đó Israel không có vua, ai muốn làm gì thì làm. Có một thanh niên Bêlem Giuđa, thuộc chi tộc Giuđa. Anh là con một thày Lêvi ở đó như khách trú. Người ấy đi khỏi thành Bêlem Giuđa để tìm chỗ cư trú. Trên đường đi anh vào vùng núi Êfraim đến nhà ông Mikha. Ông Mikha hỏi anh: ”Anh từ đâu tới?” Anh ta nói với ông: ”Tôi là một người Lêvi thuộc Bêlem Giuđa; tôi đi tìm chỗ cư trú”. Ông Mikha nói với anh: ”Xin ở lại đây với tôi, để làm sư phụ và tư tế cho tôi. Phần tôi, mỗi năm tôi sẽ cung cấp cho anh mười thỏi bạc, áo mặc và lương thực cần dùng”. Thầy Lêvi đồng ý ở lại với ông; người trẻ tuổi ấy được ông coi như một trong các con ông. Ông Mikha phong cho thầy Lêvi làm tư tế; người trẻ tuổi ấy trở thành tư tế của ông và ở trong nhà ông Mikha. Ông Mikha nói: ”Bây giờ tôi biết Giavê sẽ phù hộ tôi, vì tôi đã có một thầy Lêvi làm tư tế” (Tl 17,5-13).

Vào thời xa xưa có nhiều đền thánh khác nhau. Tổ phụ Abraham đã dựng nhiều đền thánh ở nhiều nơi khác nhau: chẳng hạn như tại Sichem. Ở đây Giavê hiện ra với ông và cho ông biết Người sẽ ban đất này cho dòng dõi ông. Tại đây Abraham dựng một bàn thờ để kính Thiên Chúa, Đấng đã hiện ra với ông (St 12,7). Từ chỗ ấy ông sang miền núi ở phía đông, và tại đây ông cũng dựng một bàn thờ để kính Thiên Chúa, và ông kêu cầu danh Thiên Chúa (St 12,8). Sau khi chia tay với cháu là ông Lót, tổ phụ Abraham di chuyển lều đến ở cụm sồi Mamre tại Hebron, và tại đây ông cũng dựng một bàn thờ để kính Thiên Chúa (St 13,18). Trong vụ sát tế Igiaác, người con duy nhất theo lệnh truyền của Giavê Thiên Chúa, tổ phụ Abraham dẫn con lên tới núi Moria, dựng bàn ở đó và giơ tay sát tế con mình (St 22,9), nhưng thiên thần Chúa bảo ông dừng tay đừng sát hại con trẻ. Abraham đã bắt con dê đực mắc sừng trong bụi cây gần đó sát tế thay cho con mình. Trong suốt cuộc đời mình Abraham đã dựng bàn thờ kính Thiên Chúa tại khắp mọi nơi ông đến.

Nhiều truyền thống khác thì nói tới đền thánh Silo (1 Sm 1,3) và đền thánh Gabaon (1V 3,4). Sau khi đánh chiếm Giêrusalem, vua Đavít cho đem Hòm Bia của Thiên Chúa vào trong thủ đô mới của vương quốc như kể trong chương 6 sách Samuel II để ban cho thủ đô uy tín và tầm quan trọng tôn giáo. Từ nay Giêrusalem sẽ là thủ đô chính trị, và tôn giáo. Sau này vào lúc dịch hạch nổi lên giết hại dân chúng vì nhà vua đã phạm tội kiểm kê dân số, vua Đavít đã đến mua sân lúa của ông Arauna để xây ở đó một bàn thờ dâng lễ toàn thiêu hầu chấm dứt tai ương cho dân. Ông Arauna xin biếu nhà vua sân lúa, bò làm lễ toàn thiêu, bàn đạp lúa và ách của bỏ làm củi, nhưng vua Đavít không nhận. Nhà vua trả ông Arauna 15 lượng bạc để mua sân lúa và bò. Vua Đavít xây một bàn thờ ở đó để kính Giavê và dâng những lễ toàn thiêu và những lễ kỳ an. Giavê đã thương đến xứ sở, và tai ương đã chấm dứt không làm hại dân Israel nữa (2 Sm 24,18-25).

Như thế một nơi thánh mới đã được thành lập, nơi vua Salomon đã xây Đền Thờ Giêrusalem cho Thiên Chúa, như kể trong sách các Vua I chương 6 và sách Sử Biên II chương 3. Từ từ sau đó người ta có khuynh hướng gán cho Đền Thờ Giêrusalem không chỉ là nơi thờ phượng chính của Israel, nhưng còn là nơi độc nhất. Các vua Edekia và Giosia đã canh cải phụng tự trong ý hướng này. Sách các Vua II ghi trong chương 18 rằng vua Edekia ”đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các cột thờ, và đập tan con rắn đồng ông Môshê đã làm, vì cho đến thời đó con cái Israel vẫn đốt hương kính nó” (2 V 18,4). Nhà vua phát động phong trào cải cách tôn giáo trong toàn vùng Giuđêa, và truyền cho các tư tế đem ra khỏi Đền Thờ mọi đồ vật đã làm để kính thần Baal, thần Asera và toàn thể thiên binh. Vua dẹp bỏ hàng tư tế bất hợp pháp mà các vua đã lập; vua cũng dẹp bỏ những kẻ đốt hương kính thần Baal, kính mặt trời mặt trăng và các chòm sao cùng toàn thể thiên binh. Vua đưa cột thờ ra khỏi Nhà Giavê và thiêu hủy nó. Vua phá hủy những nơi chứa trai điếm trong nhà Giavê, nơi phụ nữ dệt khăn áo cho thần Asera. Vua phá hủy các tế đàn ở nơi cao kính các thần dê… Vua làm ô uế Tôphét trong thung lũng Ben Hinom, để đừng có ai làm lễ thiêu con trai con gái mình mà kính thần Môlốc. Vua phá hủy hết các tế đàn các vua khác đã xây, cũng như đập tan các trụ đá và các cột thờ (2 V 23,4-20). Còn vua Giosia thì dẹp bỏ tất cả mọi đền thánh tại các tỉnh nhỏ để cho đền thờ Giêrusalem trở thành đền thờ duy nhất của Giavê Thiên Chúa (2 V 23,8).

Hàng tư tế được tổ chức lại cho xứng hợp (2 V 23,9). Sau thời lưu đầy cuộc canh cải tôn giáo này đã được vững chắc. Tất cả phụng tự tư tế được cử hành trong Đền Thờ Giêrusalem, nơi các hàng tư tế và Lêvi khác nhau nối tiếp nhau theo phiên trong việc phụng tự. Chương 24 sách Sử Biên nói tới 24 nhóm tư tế luân phiên nhau đảm trách việc phụng tự trong Đền Thờ Giêrsusalem. Ông Dakharia, cha của thánh Gioan Tẩy Giả, thuộc nhóm thứ 8 là nhóm Abigia, được vào dâng hương trong nơi cực thánh của Đền Thờ. Chương 31 sách Sử Biên II cũng cho biết rằng ”Vua Khítkigia tái lập các nhóm tư tế và các thầy Lêvi, ai vào nhóm nấy, mỗi người theo phận vụ của mình, tư tế cũng như thầy Lêvi, để dâng lễ toàn thiêu, lễ kỳ an, và để phụng sự, tạ ơn cùng tán tụng tại các cửa doanh trại của Thiên Chúa”.

Trong sự tiến triển hướng về đền thánh duy nhất này cũng có thể nhận ra ảnh hưởng của một ý thức lớn hơn về sự thánh thiện của Thiên Chúa duy nhất. Nhưng tỏ tường nó là một khuynh hướng trao ban sự độc tôn cho Đền Thờ Giêrusalem, là thủ đô của vương quốc Do thái.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1123)

Linh Tiến Khải

Lượt xem 119 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *