Buôn chuyện với bạn đời của mình có tội không?

Buôn chuyện với bạn đời của mình có tội không?


2/18/2020 1:14:17 PM

Có phải là buôn chuyện không khi bạn nói về ai đó với người bạn đời của mình? ‘Tiến sĩ thiên thần’ có lời khuyên hữu ích để nói về người khác mà không rơi vào tội nói xấu…

buon-chuyen-voi-ban-doi-cua-minh-co-toi-khong.jpg

Roosevelt, cựu đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ, nói: “Những bộ óc vĩ đại sẽ thảo luận về các tư tưởng; những bộ óc bình thường thì thảo luận về các sự kiện; còn những bộ óc nhỏ hẹp thì thảo luận về người khác.”

 

Câu này có vẻ khó nghe đối với những người thích buôn chuyện, nhưng nó là một sự đánh giá công bằng; việc buôn chuyện sẽ nhanh chóng dẫn đến những chê bai hoặc chỉ trích người khác.

 

Nhưng nếu chỉ là nói chuyện riêng tư giữa vợ chồng thì sao? Thảo luận giữa hai vợ chồng về người khác là buôn chuyện hay chỉ là sự chia sẻ? Đầu tiên bạn có thể nghĩ rằng một cuộc trò chuyện riêng tư giữa hai vợ chồng về người khác với niềm thương xót và không xét đoán chắc chắn là tốt. Nhưng hóa ra câu trả lời lại không đơn giản như vậy. Thánh Tôma Aquinô, trong tác phẩm Tổng luận Thần học của mình, đã đưa ra một số tiêu chí nhằm phân định liệu có chính đáng không khi nói về người khác.

 

Với lương tâm ngay lành, đôi khi chúng ta nói về người khác, về những khó khăn hoặc khiếm khuyết của họ, bởi vì họ đã làm tổn thương chúng ta hoặc có tác động tiêu cực đến chúng ta. Chúng ta tìm thấy ở nơi người phối ngẫu của mình một đôi tai biết lắng nghe những cảm xúc đang dâng trào này. Đó có phải là buôn chuyện không?

 

Tương tự như vậy, có phải là phản bội một người bạn không khi chúng ta đưa những bí mật của họ ra để tâm sự với người phối ngẫu của mình? Làm thế nào chúng ta có thể phân biệt giữa thông tin và chuyện phiếm có hại?

 

Buôn chuyện, hay tội gièm pha, theo lời của Thánh Tôma Aquinô, bao gồm việc làm suy giảm danh thơm tiếng tốt của ai đó: “Gièm pha là bôi nhọ danh tiếng của người khác bằng lời nói.” Việc này có thể xảy ra bằng bốn cách: “Trước tiên, khi bạn đặt điều nói xấu về ai đó; thứ hai, khi bạn gia tăng mức độ tội lỗi của ai đó khi kể về nó; thứ ba, khi bạn tiết lộ một bí mật; và thứ tư, khi bạn nói rằng một hành động tốt đã được thực hiện với một ý hướng xấu.” Trong những trường hợp ấy, bạn chắc chắn đang vướng vào tội ngồi lê đôi mách, ngay cả khi bạn đang nói chuyên với người bạn đời rộng lượng và ân cần.

 

Vấn đề ý hướng

 

Theo Thánh Tôma, tội về lời nói được đánh giá chủ yếu theo ý hướng của người nói. Đây là điều chúng ta phải cân nhắc trước khi nói. Ý hướng thực sự khi chúng ta nói về ai đó là gì? Có thể có một động cơ khác ngoài việc làm giảm danh thơm tiếng tốt của ai đó: “Tuy nhiên, đôi khi có những lời được nói ra làm giảm danh tiếng của một người mặc dù người nói không cố tình như vậy.” Trong trường hợp này, thánh Tôma nhận định, “đó không phải là sự gièm pha có chủ đích mà chỉ là do vô ý”.

 

Thánh Tôma nói thêm: “Nếu những lời nói ra làm giảm danh tiếng của người khác vì mục đích tốt hay vì lý do cần thiết, xem xét tất cả các tình huống, thấy là không có tội và không thể nói rằng đó là một sự gièm pha.” Vậy đâu là những tình huống giảm nhẹ như thế – cho phép người ta nói ra như thế mà không phạm tội? Đầu tiên, đó là tiết lộ bí mật cho không nhiều người hơn mức cần thiết; thứ hai là việc tiết lộ phải tạo ra một hiệu quả tốt; thứ ba là nó được thực hiện với một ý hướng ngay lành; thứ tư là tiết lộ để tạo ra một điều tốt hoặc để tránh một điều xấu đáng kể.

 

Trách nhiệm của người nghe

 

Thánh Giêrônimô nói: “Cẩn thận đừng làm ô uế lưỡi hoặc tai của bạn; điều đó có nghĩa là, đừng nói xấu người khác hay nghe những lời nói xấu”. Thánh Tôma nói thêm: “Bất cứ ai nghe lời một kẻ gièm pha mà đáng lẽ ra có thể ngăn lại, và bất cứ ai vui thích khi nghe những lời đó thì đều phạm tội giống như kẻ đó.” Do đó, việc ngăn chặn buôn chuyện trở thành sứ mệnh của hai vợ chồng, một con đường dẫn đến sự nên thánh: Cả hai vợ chồng đều có vai trò trong việc biết cách phân biệt điều gì đó tốt hay không, hữu ích hay không để có nên nói về nó hay không.

 

Sẽ giúp ích cho bạn khi lắng nghe lời khuyên rất cụ thể này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – là người cực lực phản đối việc buôn chuyện: “Một người Kitô hữu, thay vì buôn chuyện thì nên im lặng.”

 

Mathilde De Robien (Aleteia)
Thảo Uyên chuyển ngữ
(tgpsaigon.net 18.02.2020)

Lượt xem 95 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *