Quan niệm về tính dục con người trong thông điệp “Evangelium Vitae”

Quan niệm về tính dục con người trong thông điệp “Evangelium Vitae”


9/9/2011 5:00:03 PM

Trước tiên, cần nói rõ ngay rằng luân lý tính dục không phải là mục đích của Thông điệp này. Nó chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ thông điệp mà mục đích của nó là bảo vệ và tôn trọng sự sống con người, từ lúc thụ thai cho đến lúc chết. Chính luôn luôn nhân cơ hội những suy tư thuộc trật tự thần học hay luân lý mà việc áp dụng thực tiễn thực tại tính dục được đề cập. Nó được đề cập phần nào trong các số 13, 23, 43, 81, 97…

09-JohnPaultheGreatandchild.jpg 

Dầu sao đi nữa, tính dục luôn là sự biểu lộ cuộc sống của con người hay nói như Thông điệp: “tính dục, là sự phong phú của toàn thể nhân vị…” (số 97 ; x. số 23). Chính vì thế, cha Philippe Bordeyne đã khẳng định: “Vào thời đại này, luân lý tính dục trở nên một nền luân lý của sự sống [1]”. Nói về tính dục con người, đó chính là nói về sự sống con người.

1. Những vấn đề lịch sử và luận đề chung của Thông điệp

   1.1. Những vấn đề lịch sử

Số 3 của Thông điệp nhắc lại những đe dọa, những cuộc tấn công mưu sát và những tội ác chống lại sự sống con người (ngừa thai, phá thai, gây chết êm dịu…). Thông điệp cũng ghi nhận rằng nhiều người biện minh cho những tội ác chống lại sự sống của họ nhân danh tự do cá nhân, nhân danh tự do tuyệt đối (số 4), nhân danh “một quyền tự trị hoàn toàn và trọn vẹn” (số 64). Đặc biệt, những tội ác này đã được thực hiện cách có hệ thống với sự trợ giúp của các Nhà Nước, các tổ chức quốc tế, của y khoa: “Sự kiện các luật pháp của nhiều nước…đã chấp nhận không trừng phạt hay, còn hơn nữa, nhìn nhận tính hợp pháp hoàn toàn của những thực hành chống lại sự sống này hoàn toàn vừa là một triệu chứng gây quan ngại vừa là một nguyên nhân không thể coi thường gây nên sự sụp đổ nghiêm trọng về luân lý… Cả y khoa, là khoa có sứ mạng bảo vệ và chăm sóc cho sự sống của con người, cũng luôn sẵn sàng tiếp tay rộng rãi…cho việc thực hiện các hành vi chống lại con người” (số 4 ; xem thêm số 59). Điều đó giúp phổ biến và gây nên “một não trạng buông thả về tính dục” (số 59). Chính cuộc khủng hoảng luân lý này đã đưa đến việc soạn thảo Thông điệp “Tin Mừng về Sự Sống”.

   1.2. Luận đề chung của Thông điệp

Nói cách khác, sự sống con người bị đe dọa. Tương lai nhân loại bị đe dọa. Vấn đề những đe dọa và những thực hành chống lại sự sống con người đã là đối tượng của những phê phán và lên án của Thông điệp. Toàn bộ “nền văn hóa sự chết” cần được thay thế bằng “nền văn hóa sự sống”, cần được soi sáng bởi “Tin Mừng về sự sống”.

Đứng trước “muôn vàn con người yếu đuối, vô phương tự vệ, bị coi rẻ trong quyền căn bản được sống còn”, đứng trước những bất công lan tràn đang đe dọa mạng sống con người, Thông điệp nói lên mục đích và ước muốn của mình trong việc xây dựng “nền văn hóa sự sống”: “Thông điệp này… muốn tái khẳng định cách rõ ràng và mạnh mẽ giá trị của sự sống con người và tính bất khả xâm phạm của nó, và, đồng thời, nhân danh Thiên Chúa, thiết tha kêu gọi mọi người và mỗi người: hãy tôn trọng, bảo vệ, yêu mến và phục vụ sự sống, toàn thể sự sống con người !”

Ở đây, Thông điệp không ngừng ngại mời gọi con cái mình và những người thiện chí dấn thân vào cuộc chiến đấu giữa “nền văn hóa sự chết” và “nền văn hóa sự sống” (các số 21, 28, 50). Cuộc chiến đấu này được biểu hiện qua Thập giá của Chúa Kitô mà Giáo Hội xác tín rằng: “Ánh rạng ngời của Thập giá không bị bóng tối này che đi ; Thập giá thậm chí càng nổi bật rõ nét và sáng tỏ hơn, và xuất hiện như là trung tâm, ý nghĩa và cứu cánh của toàn thể lịch sử và của toàn thể sự sống con người” (số 50).

Và để xây dựng “nền văn hóa sự sống” đó, Thông điệp kêu gọi “cấp bách phải lao vào cuộc động viên toàn bộ các lương tâm và một cố gắng chung thuộc lãnh vực đạo đức, để phát triển một chiến lược lớn hơn cho việc phục vụ sự sống”. Tính cấp bách, theo Thông điệp, phát xuất “từ hoàn cảnh lịch sử chúng ta đang trải qua” và nhất là phát xuất “từ sứ mệnh Phúc Âm hóa” của Giáo Hội (số 95). Bởi vì, đối với Giáo Hội, “Tin Mừng được chỉ định nhuần thấm mọi nền văn hóa và làm cho chúng sinh động từ bên trong, để chúng bày tỏ toàn thể chân lý về con người và sự sống con người” (số 95). Ở đây, vấn đề giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa sự sống. “Giáo dục lương tâm luân lý về giá trị bất khả đo lường và bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người”, giúp “tái khám phá mối dây liên hệ không thể tách rời giữa sự sống và tự do” và “mối dây cấu thành kết hợp tự do với chân lý” (số 96). Bên cạnh đó, việc giáo dục là giúp con người “duy trì những tương quan đúng đắn với các nhân vị”, giúp “hiểu và sống giới tính, tình yêu”, bao hàm cả việc giáo dục “đức khiết tịnh” giúp tôn trọng “ý nghĩa ‘hôn ước’ của thân xác” và “việc sinh sản có trách nhiệm” (số 97). Điều đó có nghĩa rằng Giáo Hội không quên lưu tâm đến vấn đề “thăng tiến không biết mệt mỏi việc mục vụ gia đình” (số 94).

2. Vấn đề tính dục con người trong Thông điệp

Để hiểu cách đặt vấn đề và luận đề của Thông điệp liên quan đến tính dục con người, chúng ta cần khởi đi từ những vấn đề lịch sử được đề cập ở đó.

Thông điệp cho thấy rằng, ngày nay, tính dục con người bị “tầm thường hóa” (số 97), bị “phi nhân vị và bị khai thác” (số 23). Đối với nhiều người, tính dục hay thân xác không còn là một “thực tại đặc trưng nhân vị, dấu chỉ và là nơi chốn của mối tương quan với người khác, với Thiên Chúa và với thế giới”, nhưng là “một tổng hợp các cơ quan, các chức năng và năng lượng để dùng theo những tiêu chuẩn của lạc thú và của hiệu quả mà thôi” (số 23). Do đó, tính dục con người như là “cơ hội và dụng cụ của sự thỏa mãn ích kỷ của các dục vọng và bản năng” (số 23). Cội rễ của việc đánh giá thấp, của việc thiếu hiểu biết này về tính dục nằm trong “não trạng hưởng thụ khoái lạc và vô trách nhiệm trong vấn đề tính dục” (số 13), trong chủ nghĩa duy vật thực hành, chủ nghĩa chủ quan luân lý, chủ nghĩa tương đối luân lý, chủ nghĩa cá nhân…(x. các số 69, 70, 90, 95…).

Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng vấn đề thực sự mà Thông điệp muốn đặt ra là vấn đề tiếp cận tính dục con người. Tính dục con người phải chăng chỉ là “một tổng hợp các cơ quan, các chức năng và năng lượng để dùng theo những tiêu chuẩn của lạc thú và của hiệu quả mà thôi”? Phải chăng nó là một “dụng cụ cho sự thỏa mãn ích kỷ của các dục vọng và bản năng ?” Phải chăng đó là một quan niệm đích thực, một lối tiếp cận đúng đắn về tính dục con người?

Rõ ràng Thông điệp muốn tái khẳng định ý nghĩa sâu xa và đích thực của tính dục con người. Chúng ta có thể nhận thấy luận đề của Thông điệp qua lời khẳng định sau: “Tính dục, là sự phong phú của toàn thể nhân vị, biểu lộ ý nghĩa thâm sâu của nó bằng cách mang (nhân vị) đến chỗ hiến thân trong tình yêu” (số 97). Như thế, tính dục con người được xem xét trong sự phong phú toàn diện của nhân vị và trong trật tự các mối tương quan nam nữ: tình yêu giới tính được nhận thấy trong mối tương quan hỗ tương trao ban và lãnh nhận (x. số 81).

3. Những biện luận của Thông điệp

Từ lời khẳng định này liên quan đến tính dục con người, chúng ta thử trình bày lối biện luận của Thông điệp dưới hai khía cạnh sau: 1) “Tính dục, sự phong phú của toàn thể nhân vị”, 2) Tính dục, được biểu lộ qua sự hiến thân trong tình yêu.

   3.1. “Tính dục, sự phong phú của toàn thể nhân vị”

    3.1.1. Lối trình bày phong phú về sự sống con người và do đó tính dục của nó

Thông điệp Evangelium Vitae là một Thông điệp rất phong phú, trình bày sự sống con người bằng một lối tiếp cận đa ngành: sinh học, triết học, xã hội học, pháp lý, Thánh Kinh, thần học và luân lý. Đức Hồng y G. Cottier khẳng định: “Sự đóng góp của mỗi (lối tiếp cận) là cần thiết, nhưng nếu tách rời ra, thì không có bất cứ lối tiếp cận nào có khả năng cung cấp một câu trả lời thích đáng [2]“.

Nếu “vào thời đại này, nền luân lý tính dục trở thành một nền luân lý sự sống”, thì tính dục cũng phải được tiếp cận trong các nhìn phong phú này. Thật sai lầm khi tách rời tính dục khỏi toàn thể cuộc sống của một nhân vị, vì tính dục biểu lộ thực tại phong phú của con người. Nó có một lịch sử lâu dài nơi mỗi người, với một nguồn gốc vào thời thơ ấu và một sự phát triển trong suốt cuộc sống. Nó là một thực tại nhân linh đang hình thành. Nó là một chiều kích thiết yếu của nhân vị. Thông điệp cảnh báo: một khi bị phi nhân vị hóa và bị khai thác, tính dục càng ngày càng sẽ trở nên “cơ hội và dụng cụ cho việc khẳng định cái tôi và cho việc thỏa mãn ích kỷ các dục vọng và bản năng” (số 23).

    3.1.2. Nhân chủng học Kitô giáo về con người

Khi đọc Thông điệp, chúng ta nhận thấy rằng nó trình bày quan niệm về con người theo cách cổ điển, và do đó tính dục của nó.

a. Người nam và người nữ ở đỉnh cao của công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Họ được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Họ là “sự biểu lộ Thiên Chúa, một dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài, một dấu vết của vinh quang của Ngài”. Tính yêu giới tính biểu lộ một tương quan hoàn hảo giữa người nam và người nữ. Không có sự xuất hiện của người nữ, người nam cảm thấy không thỏa mãn trong “sự đòi hỏi đối thoại liên vị”. Thiên Chúa được phản ảnh trong mối quan hệ nam nữ này (x. số 34-35). Thiên Chúa đã chúc lành cho người nam và người nữ (x. số 43). Tính dục con người do đó được trình bày vừa nhân linh vừa thánh thiêng.

b. Sự hữu hạn của con người: sự kiện con người được Thiên Chúa chúc lành, được mời gọi tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa không muốn nói rằng con người là tuyệt đối và là ông chủ của mạng sống mình (x. số 52). Việc Thiên Chúa đặt ra những luật lệ cho con người cho thấy sự hữu hạn của nó (x. số 42).

c. Sự sa ngã của con người do nổi loạn chống lại Thiên Chúa, điều đó cho thấy nó đã vượt quá giới hạn của mình. Từ đó, con người sống dưới sự thống trị của tội lỗi (x. số 36). “Khi không nhìn nhận Thiên Chúa như là Thiên Chúa, người ta phản bội ý nghĩa sâu xa của con người và làm tổn hại đến sự hiệp thông giữa những con người” (số 36).

d. Con người được Chúa Kitô cứu độ. Chính trong Chúa Kitô mà con người có thể tìm lại căn tính của mình và tái xây dựng tình huynh đệ giữa con người với nhau (x. số 36).

Nói tóm lại, Thông điệp có một cái nhìn vừa tích cực vừa quân bình về con người. Nó nhấn mạnh đến phẩm giá của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Người nam và người nữ được mời gọi tham dự vào công trình tạo dựng cua Thiên Chúa. Thiên Chúa chúc lành cho sự chung sống giữa người nam và người nữ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều” (Kn 1, 28). Mặt khác, Thông điệp cho thấy sự hữu hạn của con người bị tội lỗi làm tổn thương. Nó phải ý thức về sự giới hạn của nó. Sự tự do của nó không phải là một sự tự do tuyệt đối nhưng là một sự tự do đã bị tội lỗi làm tổn thương và cần được chữa lành. Dù sao, cái nhìn bi quan và do dự về tính dục như được thấy trong các thủ bản của các cha giải tội hoàn toàn không còn nữa.

    3.1.3. Chiều kích thiêng liêng của thân xác con người

Khi đối lập với quan niệm giảm thiểu thân xác con người thành tính vật chất thuần túy, Thông điệp cho thấy rằng thân xác được nhận biết như là “thực tại đặc trưng nhân vị, dấu chỉ và là nơi chốn của mối quan hệ của con người với người khác, với Thiên Chúa và với thế giới” (số 23). Về mặt triết học, nó nhấn mạnh đến sự thống nhất toàn vẹn của con người, là hồn và xác. Con người là một nhân vị. Thân xác không phải là một “tổng hợp các cơ quan, chức năng, năng lượng để dùng theo chỉ những tiêu chí của lạc thú và tính hữu hiệu”. Hệ quả một cái nhìn như thế, đó là người ta đi đến chỗ phi nhân vị hóa và khai thác tính dục con người. Đối với Thông điệp, tính dục là “dấu chỉ và là ngôn ngữ của tình yêu, tức là của việc hiến thân và việc đón nhận người khác trong tất cả sự phong phú của người ấy” (số 23).

    3.1.4. Ý nghĩa nguyên thủy và đích thực của tính dục con người

Chính ở đây Thông điệp đưa chúng ta đến chỗ hiểu ý nghĩa nguyên thủy và đích thực của tính dục con người hay chiều kích nhân vị của nó. Thông điệp lên án những ai tầm thường hóa tính dục khi chỉ quan niệm nó theo những tiêu chí của dục vọng lạc thú và tính hiệu năng. Thông điệp cũng lên án những ai “đã giúp phổ biến não trạng bi quan về tính dục và coi thương thiên chức làm mẹ” (số 59), những ai có cái nhìn sai lệch về sự luyến ái, “chỉ thấy trong việc sinh sản một chướng ngại cho sự triển nở nhân cách của mỗi người” (số 13), và một não trạng duy vật khi coi việc truyền sinh như là “một kẻ thù cần phải tránh trong việc thực hành tính dục” (số 23). Cũng chính từ những quan điểm sai lệch này về tính dục mà người ta biện minh cho việc ngừa thai và phá thai (x. số 13).

Trái lại, Thông điệp cho thấy hai ý nghĩa nguyên thủy của tính dục con người, là phối hợp và truyền sinh, “gắn liền với chính bản chất của hành vi hôn nhân” (số 23). Đặc biệt, ý nghĩa sâu xa của tính dục con người, đó là “mang nhân vị đến chỗ hiến thân trong tình yêu” (số 97). “Đời sống tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu trao bao và đón nhận: chính ở tầm mức này mà tính dục và việc sinh sản của con người đạt tới chân tính của chúng” (số 81) và điều đó nói lên ý nghĩa sâu xa của hôn nhân “khi người nam và người nữ kết hợp với nhau bằng dây liên kết hôn nhân, họ đã cộng tác vào công trình của Thiên Chúa bằng hành vi sinh sản”, hôn nhân của người nam và người nữ như thế giống như “một họa sĩ vẽ nên hình ảnh thần linh” (số. 34).

   3.2. Tính dục, được biểu lộ qua sự hiến thân trong tình yêu

    3.2.1. Chiều kích gia đình của tính dục con người

Tính dục con người được quan niệm như thế (chiều kích nhân vị) tìm thấy ý nghĩa đích thực của nó trong tương quan “tình yêu trao ban và đón nhận”, trong việc trao hiến chính mình. Việc tự do luyến ái và sự coi thường truyền sinh đã quên đi chiều kích gia đình của tính dục và đồng thời làm tổn hại đức khiết tịnh vợ chồng trong hôn nhân. Chính vì thế Thông điệp đề nghị giáo dục tính dục bằng cách qua đó hiểu như là “một sự đào tạo đức khiết tính, nhân đức giúp cho sự trưởng thành của nhân vị và làm cho nó có khả năng tôn trong ý nghĩa ‘hôn ước’ của thân xác” (số 97). Thông điệp kêu gọi vai trò của các bậc cha mẹ bằng ba danh xưng rất đẹp: những cộng tác viên (collaborateurs), những người hợp tác (coopérateurs) và những thông dịch viên (interprètes) của Thiên Chúa (x. số 43, 92).

Gia đình ở đây được coi như là “cung thánh của sự sống” và bản chất của nó là “một cộng đồng sự sống và tình yêu, được xây dựng nền móng trên hôn nhân”. Nó không thể thiếu trong việc “xây dựng nền văn minh sự sống” (số 92) và nó phải là “nền móng và động cơ của mọi chính sách xã hội” (số 90). Các bậc cha mẹ cũng có nhiệm vụ, bên cạnh giúp cho con cái hiểu ý nghĩa của đau khổ và sự chết, “khai tâm cho con cái đến tự do đích thực, được thể hiện trong việc hoàn toàn hiến thân, và họ vun trông nơi con cái lòng tôn trọng người khác, ý thức về công bằng, sự đón tiếp nhân từ, việc đối thoại, lòng phục vụ cách quảng đại, tình liên đới và các giá trị khác giúp ta sống cuộc đời này như một hồng ân” (số 92).

Trong Thông điệp này, đức khiết tịnh vợ chồng đối nghịch với việc ngừa thai, bởi vì việc ngừa thai “mâu thuẫn với chân lý toàn vẹn của hành vi tính dục như là sự diễn tả riêng của tình yêu vợ chồng” (số 13). Cha Philippe Bordeyne cho thấy rằng khi tuyên bố như thế, Đức Gioan-Phaolô II đã đặt mình trong lối tiếp cận truyền thống về đức khiết tịnh như là “nhân đức lý trí (vertu intellectuelle), một nhân đức cho phép hiểu biết sự thiện và phân biệt nó với sự dữ [3]“. Lối tiếp cận này khác với lối tiếp cận về đức khiết tịnh như là “nhân đức luân lý cho phép chọn lựa sự thiện và đẩy lui sự dữ”. Cũng cần biết rằng ở đây lần đầu tiên một Thông điệp phân biệt rõ giữa ngừa thai và phá thai (x. số 13).

    3.2.2. Chiều kích xã hội của tính dục con người

Con người có bổn phận không chỉ xây dựng đời sống của mình, gia đình của mình, nhưng còn xã hội nữa. Thực tại tính dục không chỉ bao hàm một chiều kích nhân vị, chiều kích gia đình mà thôi, nhưng còn chiều kích cộng đồng nữa. Người ta cũng ghi nhận rằng xã hội luôn có một ảnh hưởng trên quan niệm về tính dục con người, do đó, về các hành xử của nó. Chính vì thế, theo Thông điệp, “cần phải đưa ra những sáng kiến xã hội và pháp lý có khả năng bảo đảm những điều kiện tự do đích thực trong những chọn lựa liên quan đến tình phụ tử và mẫu tử” (số 90).

Đời sống tính dục không thể không kể đến mối tương quan thể chế này. Thông điệp nhấn mạnh trách nhiệm của đôi bạn trong đời sống tính dục của mình: “Người nam và người nữ, trong hôn nhân, trao ban sự sống qua việc sinh sản” (số 43). Tính dục con người như thế vừa đảm nhận sự tự do cá nhân và lòng tôn trọng tha nhân. Con người phải tôn trọng trật tự chung của xã hội và có trách nhiệm về tương lai của nhân loại.

Thông điệp mời gọi mọi người “can đảm bước vào một phong cách sống mới, chấp nhận một bậc thang các giá trị như là nền tảng của những chọn lựa cụ thể, trên bình diện cá nhân, gia đình, xã hội và quốc tế: sự trỗi vượt của hữu thể trên sở hữu, của ngôi vị trên các sự vật” (số 98).

4. Một vài nhận định cá nhân

4.1. Một cái nhìn tích cực

Lần đầu tiên một Thông điệp bàn về sự sống con người bằng một lối tiếp cận đa ngành. Điều đó xem ra dễ thuyết phục hơn. Nó trình bày cách tích cực sự sống con người, và đo đó, tính dục con người. Với tư cách là kitô hữu, chúng ta có thể nhận thấy tính cách thích đáng của nó, vì nó trình bày mầu nhiệm con người vừa dưới ánh sáng của đức tin vừa dưới ánh sáng của lý trí. Giáo sư Germain Sicard cho thấy rằng Đức Gioan-Phaolô II đã đề nghị “những giải pháp có tính đòi hỏi không chỉ qua Thánh Kinh và Truyền Thống, nhưng còn qua những giá trị được nhìn nhận trong đời sống văn hóa hiện đại: lòng tôn trọng con người, sự hiến thân toàn vẹn, khát vọng sống một tình yêu trọn vẹn với những trách nhiệm sẻ chia[4]“.

Một nhận xét khác: vấn đề tương quan giữa “éthos” (tạm dịch: lối sống/phong tục) và “éros” (tạm dịch: tình dục) là rất quan trọng. Có thể nhận thấy rằng khi nói về tính dục, Thông điệp cho thấy rằng nó được xem như là “sự phong phú của toàn thể nhân vị”. Tính dục con người được nhận thức trong chiều kích của “éthos” (vừa cá nhân, vừa cộng đồng và vừa trước nhan Thiên Chúa), chứ không phải trong chiều kích của “éros” mà, theo cách hiểu của nhiều người thời nay, bị giảm thiểu thành “một tổng hợp những cơ quan, chức năng, năng lượng để dùng theo những tiêu chí của lạc thú và tính hữu hiệu”. Con người phải đảm nhận tính dục của mình, “éros” của mình cách có trách nhiệm trong sự nhân bản hóa chính mình, gia đình và xã hội. Đức Gioan-Phaolô II khẳng định: “Éthos” phải trở nên “một hình thức cấu thành của ‘éros’ [5]“. Đối với ngài, “éros” phải có ý nghĩa là “đà hướng của tâm trí con người đến những gì là chân, thiện, mỹ”, tức là những gì đóng góp vào việc xây dựng “éthos” cá nhân và cộng đồng.

Thông điệp là một bản văn tuyệt vời, nhưng không phải là không có những vấn đề đặt ra.

   4.2. Những câu hỏi

Dù hoàn toàn có một cái nhìn đa ngành về sự sống con người, nhưng Thông điệp dường như không quan tâm đủ đến những dữ kiện phân tâm học. Những dữ kiện này cho thấy rằng, nơi con người, luôn luôn có một phần bóng tối mà không ai có thể thấm nhập vào. Đó là phần vô thức. Khi trình bày một con người xem ra luôn có thể làm chủ chính mình, Thông điệp dường như có nguy cơ không lưu tâm đủ đến những khó khăn, những ngăn trở có thể của tự do con người, điều mà người ta gọi là một “tính bất khả đừng” (compulsivité) nào đó trong đời sống tính dục. X. Thévenot cho thấy điều đó: “Nền nhân chủng học Kitô giáo vẫn còn quá thường quên rằng vô thức tồn tại cùng với các áp lực của nó [6]“. Việc phê bình luân lý Kitô giáo như là một nền luân lý “được ăn cả ngã về không” như thế xem ra vẫn còn thích đáng. Khi luôn luôn nhấn mạnh đến việc sinh sản trong tương quan tính dục, phải chăng Thông điệp đã không quan tâm đủ những người có những “tổ chức tâm lý-tính dục bất thường”?

Thông điệp rất bận tâm đến việc phê phán những đe dọa chống lại sự sống và đưa ra những đề nghị hay những định hướng vì lời ích thiêng liêng của các tín hữu đến nỗi dường như nó có nguy cơ quên đi tính phức tạp của đời sống tính dục? Vị mục tử nào dường như cũng cảm thấy có sự khác biệt lớn giữa lý thuyết và thực tế, chẳng hạn liên quan đến vấn đề ngừa thai!

Thông điệp muốn bảo vệ sự sống con người chống lại mọi đe dọa và tấn công, chính vì thế Thông điệp luôn luôn liên kết việc truyền sinh với quan hệ tính dục giữa người nam và người nữ. Điều đó dễ gây cảm tưởng rằng hành vi vợ chồng hẳn phải đổ ra việc truyền sinh bằng mọi giá, và việc có con hẳn là mục tiêu đầu tiên và tối hậu của đời sống vợ chồng? Nếu như thế, người ta có nguy cơ rơi vào não trạng duy vật chủ nghĩa. Ở đây, có thể nhận thấy rằng Thông điệp thiếu một lời giải thích về các mục đích của hôn nhân. Cần phải tìm kiếm ở nơi khác. Số 50 của Hiến chế Gaudium et spes sẽ mang lại cho chúng ta câu trả lời: “Tuy nhiên, hôn nhân không phải chỉ được thiết lập để mưu sự truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc tính giao ước bất khả phân ly giữa hai người và lợi ích con cái đòi hỏi tình yêu hỗ tương của hai vợ chồng phải được phát biểu, thăng tiến và nẩy nở cách chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng đặc tính bất khả phân ly của mình”.

Lm. Võ Xuân Tiến

——————————————————————–[1] Philippe BORDEYNE, “Vers une morale de la vie”, in Les grandes révolutions de la théologie moderne (sous la direction de François Bousquet), Paris, Bayard, 2003, tr. 264.[2] J.P. PERRENX, L’Evangile de la vie: A la lumière de la raison, Tome I, Paris, Beauchesne, 1999, tr. XI. Lời Tựa.[3] Xem tài liệu số 30 của lớp học “Luân lý tính dục và gia đình” của cha P. Bordeyne.[4] Germain SICARD, “L’éthique conjugale d’après les enseignements pontificaux”, in Le Sexe, la Sexualité et le Droit, Paris, Pierre TEQUI, 2002, tr.215.[5] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 12.11.1980, được trích lại trong Germain Sicard…., tr. 7.[6] Xavier THEVENOT, Repères éthiques pour un monde nouveau, Salvator, 1997, tr. 131.

Lượt xem 282 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *