Lược sử Giáo Xứ Ba Làng, Nha Trang


Lược sử Giáo Xứ Ba Làng, Nha Trang 

Giáo Xứ Ba Làng nằm cách Trung Tâm Thành Phố Nha Trang khoảng 4 cây số về phía Bắc. Ðông giáp biển Ðông, từ mũi Kê Gà đến giáp đường Mai Xuân Thưởng. Bắc từ mũi Kê Gà đến Ðèo Rù Rì. Tây giáp Quốc lộ I: Từ Ðèo Rù Rì đến ngã ba Quốc lộ I – Mai Xuân Thưởng. Nam từ ngã ba Quốc lộ I – Mai Xuân Thưởng đến bờ biển, tức dài theo đường Mai Xuân Thưởng.

* Ngày Thành lập: 20.07.1955.

* Bổn mạng: Lễ Đức Mẹ Mân Côi (kính ngày 07.10).

* Số giáo dân: 1727 gồm 528 gia đình (2015).

* Ðịa chỉ hiện nay: Phường Vĩnh Hòa – Nha Trang. Website: www.giaoxubalang.net.

* Giờ lễ:          + Chúa nhật:            sáng: 05g00;      chiều: 16g45.

+ Ngày thường:        sáng: 04g45;      chiều: 18g15.

I. Vị trí địa lý:

Giáo Xứ Ba Làng nằm cách Trung Tâm Thành Phố Nha Trang khoảng 4 cây số về phía Bắc.

Ðông giáp biển Ðông, từ mũi Kê Gà đến giáp đường Mai Xuân Thưởng. Bắc từ mũi Kê Gà đến Ðèo Rù Rì. Tây giáp Quốc lộ I: Từ Ðèo Rù Rì đến ngã ba Quốc lộ I – Mai Xuân Thưởng. Nam từ ngã ba Quốc lộ I – Mai Xuân Thưởng đến bờ biển, tức dài theo đường Mai Xuân Thưởng.

II. Hình thành và phát triển:

Vào năm 1955, người dân rời quê hương Ba Làng (Thanh Hóa ) của mình để vào Nam; cập bến Sài Gòn về tạm trú ở Ba Ðèo (Định Tường) hay ở Xuân Trường (Thủ Đức). Sau đó, ngày 20.04.1955, họ được đưa đến xóm Ðầm Phan Thiết. Đây chưa phải là “đất hứa”, vì thế, chiều 20.07.1955, hơn 1000 người di cư Ba Làng được đưa ra Nha Trang, về địa điểm “Chuồng Dê” (tức Thanh Hải ngày nay) để tạm trú. Họ lấy tên cũ Ba Làng mà đặt tên cho quê hương mới, vì khung cảnh nơi đây gợi lại quê hương Ba Làng đất Bắc.

Nhờ sự tháo vát lanh lẹ của hai Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Công và Phêrô Bùi Minh Huy, với sự đôn đốc hăng hái của Ủy Ban Ðịnh Cư và sự giúp đỡ của các ông Vũ Văn Huỳnh, Nguyễn Ðức Thịnh, Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (sau là Giám mục, +2003), Trịnh Thiên Thu (sau là linh mục, +2011) trại đã kiến thiết mau chóng gần 200 căn nhà cho đồng bào, và một ngôi nhà thờ và nhà xứ, một hang đá Lộ Ðức, một cái chợ, một mái trường và một dãy nhà dòng dành cho các nữ tu Mến Thánh Giá Thanh Hóa (sau là MTG Đà Lạt).

Thời gian đầu, ngoài nghề đánh cá và làm nước mắm, điểm đặc biệt của người dân Ba Làng là phát triển ngành chăn nuôi heo rất khoa học, tuy không có hình thức của những chuồng trại lớn như Âu Mỹ. Ngoài ra họ còn tổ chức nuôi gà vịt, đào ao xây hồ thả cá trê, cá chép và lươn ếch. Cùng với đời sống vật chất được phát triển, đời sống tinh thần và truyền đạo rất hăng say. Hiện nay chỉ còn một vài hộ làm nghề chài lưới và nấu rượu. Dân chúng đa số làm các ngành nghề khác nhau, buôn bán nhỏ lẻ.

Giáo dân Ba Làng hãnh diện là một trong những xứ đạo tiên khởi của miền Bắc (di sản của cha Alexandre de Rhodes, 1627) nên họ luôn ý thức duy trì căn bản đạo đức truyền thống làm gốc cho nếp sống ngày càng phát triển.

Khởi đầu, các Giáo họ được phân biệt rõ nét theo phần lô đất cất nhà, nhưng sau đó, các nhu cầu mới của của Giáo xứ buộc phải thay đổi địa hình, cũng như có sự pha trộn giữa các Giáo họ theo đường hôn nhân và những gia đình nhập cư sau 1975. Dầu vậy, bà con vẫn nhận diện dễ dàng nguồn gốc Giáo họ của nhau trong các sinh hoạt cộng đồng Giáo xứ.

III. Các linh mục phụ trách giáo xứ: Các linh mục phụ trách giáo xứ từ ngày thành lập đến nay:

* Giuse Nguyễn Quốc Công, Chánh xứ 1955 – 1957. Qua đời: 09.04.1974

* Phêrô Bùi Minh Huy, Phó xứ 1955 – 1957. Chánh xứ 1957 – 1973. Qua đời: 20.05.2001

* Gioan Baotixita Trần Thúc Ðịnh, Phó xứ – 1961.

* Phaolô Trần Sơn Bích, Quản xứ 1973 – 1987. Qua đời: 15.10.2011

* Phaolô Trần Văn Khánh, hưu dưỡng tại giáo xứ 1976 – 1995. Qua đời: 07.12.1999

* Phêrô Trương Trãi, Quản xứ 1987 – 2009.

* Phêrô Phạm Ngọc Lê, Quản xứ 12.12. 2009 – nay

IV. Các Đoàn Thể:

Gồm 3 Ca đoàn: Ca đoàn Con Đức Mẹ, Ca đoàn Thăng Thiên, Ca đoàn Hiển Linh (thiếu nhi). Phụ trách hát lễ ngày thường và Chúa nhật.

Hội các Bà Mẹ Công Giáo thành lập từ năm 1970 gồm khoảng 100 hội viên.

Hội Lòng Chúa Thương Xót thành lập vào ngày 11.04.2010 gồm 48 hội viên.

Hội Legio Mariae, Praesidium Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, thành lập ngày 26.06.2010 gồm 14 hội viên hoạt động và 110 hội viên tán trợ.

Ban Giuse (chuyên lo việc mai táng): thành lập từ năm 1979, gồm 13 người.

Ban Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (Gia trưởng): thành lập xứ đoàn ngày 12.06.2015 gồm 35 đoàn viên.

V. Hoa quả ơn gọi trong Giáo xứ:

* Linh mục: Phêrô Nguyễn Viết Hiền, Phêrô Trịnh Thế Hùng, F.X Hồ Ngọc Thỉnh, Fx Trần Xuân Thứ, G.B Ngô Đình San, Giuse Nguyễn Bình An, Phêrô Nguyễn Khoa Toàn (Úc Châu), Phêrô Hồ Mạnh Tín, Gioan Baotixita Nguyễn Minh Chính (Đài Loan), Phêrô Nguyễn Văn Viên (Hoa Kỳ), Cha Philipphê Nguyễn Bình Khả (Dòng Đồng Công, Hoa Kỳ), Phaolô Nguyễn Trọng Tài (Hoa Kỳ), Giuse Nguyễn Đắc Thịnh (Dòng Chúa Cứu Thế).

* Tu sĩ: Têrêsa Mai Thị Phúc Hạnh (St Paul Ðà Nẵng), Maria Nguyễn Thị Khang, Maria Nguyễn Thị Bích Ngọc, Têrêsa Nguyễn Thị Thuý Hằng, Mátta Nguyễn Thị Thu Dung, Cêcilia Ðoàn Thanh Tú (MTG Ðà lạt), Anna Lê Thị Sương (Tu Hội Thánh Tâm), Chị Maria Lê Đình Kim Yên (tập sinh dòng Con đức Mẹ Thánh Tâm), Thầy Phaolô Lê Đình Vĩnh Toàn (khấn sinh dòng Thừa Sai Thánh Tâm)

* Dự Tu: thành lập từ năm 2010, hiện có 16 nam và 13 nữ. Có 3 em theo học tại Chủng Viện Lâm Bích (2015).

VI. Những Sinh Hoạt Giáo Xứ:

a. Các lớp giáo lý:

Các lớp Giáo lý từ 4 đến 18 tuổi, theo chương trình chung của Giáo phận, được học vào chiều Chúa Nhật.

Phụ trách các lớp Giáo Lý: Các Sr. Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Ban Giáo lý viên. Tất cả được chuẩn bị về sư phạm Giáo lý, cũng như được bồi dưỡng thêm những môn như Kinh Thánh, Lịch sử của Giáo Hội Công giáo. Ngoài ra, các Giáo lý viên được trang bị thêm một số chuyên môn về sinh hoạt năng động tập thể, nhằm gia tăng hiệu quả cho các buổi học Giáo lý.

Tổ chức hàng năm cho các em Xưng Tội Rước Lễ lần đầu và Thêm Sức. Tổ chức hoạt động dã ngoại cho các em chuẩn bị Thêm sức, tập sống chứng nhân giữa bạn bè; ví dụ:  giao lưu và chia sẻ với các em trường khuyết tật.

Tổ chức trại Lên đường cho các em Vào Đời 3.

Giáo lý dự tòng và hôn nhân: mỗi khóa kéo dài 6 tháng, tuy nhiên cũng có những trường hợp cá biệt dạy với thời gian ngắn hơn.

b. Bác ái xã hội:

Hàng tháng giúp đỡ gạo cho 30 gia đình lương giáo có hoàn cảnh khó khăn.

Hàng năm trước ngày nhập học, giúp tiếp sức các em đến trường khoảng 50 gia đình nghèo lương giáo.

Hàng năm chia sẻ quà và quần áo cho các anh chị em dân tộc Vùng Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Suối Dầu, Buôn Hằng (Ban mê thuột).

c. Các sinh hoạt khác:

Thúc đẩy các hội viên trong các hội đoàn công giáo thăm viếng và giao lưu với các gia đình lương dân. Đặc biệt trong những dịp Trung Thu, Noel, Tết nguyên đán.

VII. Những cơ sở trong giáo xứ:

+ Nhà thờ nguyên trạng bán kiên cố, lợp tôn, có tôn tạo sửa chữa qua nhiều thời kỳ.

+ Nhà xứ.

+ Đài Thánh Tâm (Đối diện nhà thờ).

+ Nghĩa Trang riêng của Giáo Xứ do Ủy Ban Tỉnh Khánh Hòa cấp do hoán đổi Nghĩa Trang cũ của Giáo xứ trong khu dân cư (Bên trong Nghĩa trang phía Bắc Thành Phố Nha Trang).

+ Nhà xe tang (trước mặt nhà Bà Sơn Cứ).

VIII. Hướng Về Tương Lai:

Đức Cha Giuse Võ Đức Minh đã chấp thuận cho xây nhà thờ mới. Giáo dân đang mong mỏi có được một nhà thờ mới và những cơ sở sinh hoạt kèm theo. Hiện nay nhà thờ Ba Làng đã xây xong, chờ ngày Cung Hiến

nguồn: Website Giaoxubalang.net

Lượt xem 510 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *