Nhà Bốn Mái, 120 Cửa- Gia đình giàu nhất Ba Làng thế kỷ 19 và chuyện về cụ Hào Nên, ông Chánh Thành


Với lịch sử gần 400 năm hình thành và phát triển, giáo xứ Ba Làng ẩn chứa trong nó những câu chuyện vô cùng ly kỳ, hấp dẫn. Một trong những chủ đề được truyền tụng nhiều nhất bao đời nay chính là giai thoại về “Ngôi Nhà Bốn Mái, 120 Cửa” của dòng dõi cụ Hào Nên, ông Chánh Thành.

“Nhà Bốn Mái” là ngôi nhà của dòng họ cụ Hào Nên, được xây dựng vào những thập niên 1900 của thế kỷ trước. Đây là một ngôi nhà to nhất, đẹp nhất Ba Làng. Với kiến trúc kiểu biệt thự Pháp cổ, móng nhà làm bằng những khối đá xanh được đục đẽo vuông vức, xếp không mạch vữa, cao quá đầu người.

Nhà có 2 tầng cao và có mái trầm 4 mặt (gọi là nhà 4 mái). Tầng 1 được xây bằng tường đá và vôi vữa trộn với rơm kết dính cùng mật mía rất chắc chắn. Sàn và xà gồ tầng 2 được gác bằng hàng chục khối gỗ lim Thanh Hoá vô cùng vững vàng, những hàng cột bằng gỗ lim to tựa các cột hiện có tại nhà thờ Đức Bà Ba Làng ngày nay.

4 mái dựng bằng gỗ lim, được lợp ngói của Pháp rất bền và đẹp. Trước khi lợp mái, chủ nhà còn đổ trần phẳng bằng vôi và cót tre ngâm rất chỉn chu. Vừa chống nóng vừa tăng độ thẩm mỹ cho nội thất bên trong căn nhà.

Tương truyền, dòng họ Ông Hào Nên có một người con bị “điên” muốn gả cho bà Khiêm (con đầu của bà này tên Khiêm). Bà này rất đẹp nên có nói “thách” nhà ông Hào Nên là phải được ở trong căn nhà có 120 cửa, nếu làm được thì mới đồng ý về làm dâu!

Tưởng là lời thách đố như vậy sẽ làm dòng họ ông Hào Nên rút lui nhưng không ngờ gia đình ông Hào Nên dựng được một căn “Nhà Bốn Mái” có đúng 120 cửa thật!

Lúc bấy giờ, cả xứ đạo Ba Làng xôn xao về căn “Nhà Bốn Mái” 120 cửa lạ kỳ, theo lối kiến trúc biệt thự Kiểu Pháp, to đẹp nhất cả Phủ Tĩnh Gia. Người dân khắp nơi lũ lượt kéo nhau đến xem ngôi nhà này để thoả trí tò mò.

Trước những năm 1954, dân chúng Ba Làng đa phần đói khổ, họ ở trong những căn nhà “Tranh tre vách đất” tuyền toàng, mỗi mùa mưa bão là một mùa chằng chống gia cố rất vất vả. Câu hỏi đặt ra là gia đình Ông bà Cố Hào Nên lấy tiền đâu để dựng được căn “Nhà Bốn Mái” cỡ khủng như vậy???

Người ta đồn thổi rằng, Ông bà Cố Hào Nên trước đây thuê người đào giếng, trong lúc xúc đất dưới hố lên, thợ đào đụng phải một vật gì đó có nắp, họ sợ không dám mở ra, cuối cùng khi mở ra thì thấy đó là cả một kho báu bằng vàng, nghe đâu có cả hài cốt của cô gái Đồng Trinh bị chôn cùng kho báu để làm con ma giữ của cho người xưa. Vì vậy mà dòng họ ông Hào Nên mới có nhiều tiền của để xây nhà, nhưng cũng vì thế mà con Ma giữ Của đã “ám” vô một người trong dòng họ khiến người này bị điên.

Câu truyện chúng tôi vừa kể có phần hư cấu do dân gian truyền miệng, độ xác thực không thể kiểm chứng, tuy nhiên, theo các cụ cao niên trong làng, dòng họ ông bà Hào Nên có nghề làm nước mắm và buôn bán nước mắm khắp vùng Bắc Bộ. Nhà ông đi trẩy nước mắm hàng tháng, giao nước mắm ra ngoài tận Nam Định…

Lục lại lịch sử nghề mắm ở Ba Làng, Xưa kia, các hộ làm nghề thường đi trẩy nước mắm bằng thuyền, dọc theo các cửa lạch ngược lên Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa… hay theo sông Hồng ra tận Nam Định, Phú Thọ… Cũng nhờ vậy mà nước mắm Do Xuyên Ba Làng đã có tiếng khắp các vùng. Phải chăng sự giàu có của ông bà Hào Nên là từ việc đi trẩy nước mắm muôn phương này chăng?

Cũng theo các cụ cao niên trong xứ đạo Ba Làng kể lại. Dòng họ ông bà Hào Nên sống rất tốt, dù giàu có nhưng ông bà rất thương yêu và giúp đỡ những người dân đói nghèo ở trong vùng.

Vào những năm xảy ra nạn đói 1945, ông bà Hào Nên đã giao thương buôn bán nước mắm lên các tỉnh phía bắc, dân không có tiền trả thì họ thu đổi bằng lúa gạo chở về Ba Làng cất ở trong kho. Chính nhờ kho lúa của họ mà đã cứu được cho dân Ba Làng và cả dân Làng Do Xuyên trong những tháng ngày cùng cực của nạn đói 1945

Trong cuộc cải cách ruộng đất xảy ra ở Ba Làng, chính vì sự giàu có này mà đã dẫn đến sự kết tội phi lý những người giàu tốt bụng như dòng họ ông bà Hào Nên.

Ba làng có 3 người bị bắn: Ông Hào Nên (bố ông Chánh Thành), ông Cựu Cường, ông Cựu Khoa. Ông Cả Nhất cũng nằm trong danh sách bị bắn, nhưng khi biết tin ông đã theo bè ra đảo Mê trốn thoát.

Những người này bị bắn tại bãi Bầu, Mã Gai trong cuộc đấu tố Địa Chủ (có người cho rằng nơi xử bắn là vị trí căng đá bóng của UBND xã Hải Thanh bây giờ)

Sau cuộc cải cách ruộng đất đau thương, dòng họ ông bà Hào Nên đã di cư gần hết vào Nam để lại căn “nhà Bốn Mái 120 cửa” bị nhà nước trưng thu làm của công. Rồi sau này bị dân trong vùng lấy gỗ, lấy ngói về làm nhà, xuống cấp theo mưa nắng của thời gian và chỉ còn lại phế tích là phần nền móng hiện tại.

Ngày nay, vị trí căn “Nhà Bốn Mái 120 cửa” nổi tiếng Phủ Tĩnh Gia xưa chính là Trạm Y Tế Xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá (giờ là Tổ dân phố Quang Minh, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá)

Sau đây là dòng dõi gia đình ông bà Hào Nên cho đến ngày nay:

Con ông Hào Nên đẻ ra ông (Chánh Thành): ông Khiêm, Dũng (bố Dũng Tuyết), ông Tuệ (bố Minh Kính), ông Hoà lấy bà Dung Tòng, bà Cúc Cần, bà Hợp (quang minh), bà Mầu Mắn,..

Note:
Tổng hợp theo giai thoại các cụ cao niên Ba Làng kể lại
Một số chi tiết có thể chưa chính xác, rất mong nhận được sự đóng góp của các cụ cao niên, nhất là những người am hiểu sự việc
Ảnh: Minh hoạ từ internet

Lượt xem 436727 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *