[Kỳ 4&5]”Cuộc Đấu Tranh Ba Làng 1954″ Giáo Dân Sắm Vũ Khí Tự Vệ

Cuộc Đấu Tranh Ba Làng 1954″
[Kỳ 4&5] Giáo Dân Sắm Thêm Vũ Khí Tự Vệ & Uỷ Ban Kiểm Soát Đình Chiến Về Ba Làng Lần Thứ Nhất
Sau khi chính quyền bắt anh cả Hiến không thành, chúng tôi ai nấy đều dự đoán, chính quyền sẽ chuẩn bị một lực lương mạnh mẽ hơn để đàn áp cho bằng được phong trào đấu tranh của giáo dân. Muốn chống lại những cuộc bắt bớ của chính quyền, hầu hết mọi tầng lớp giáo dân từ em thiếu niên tới cụ già đều chuẩn bị cho mỗi người một vũ khí riêng, trước là để hộ thân, sau là khi bị chính quyền đàn áp thô bạo, bắt buộc phải chiến đấu thì đã có vũ khí để bảo vệ lực lượng để tiếp tục công cuộc tranh đấu.
Những người chưa chuẩn bị được vũ khí, thấy bạn bè ai nấy đều mang vũ khí trong người để hộ thân thì cũng nóng ruột, vì đây là điều cần thiết trong lúc này.
Thế là một phong trào sắm sửa vũ khí bắt đầu thi đua rất sôi nổi. Các em thiếu niên thường chuẩn bị cho mình một hai cái đinh đóng thuyền dài cỡ một gang tay. Các em mài thật nhọn, sáng quắc, giữ nó trong ống tre và được giấu trong người. Các cụ già thường sắm cho mình con dao phay hay cái búa đóng đinh. Anh em thanh niên thường mang theo cây giáo dài. Có người tự rèn lấy kiếm hay dao găm để tự vệ. Trong thời gian này, mang theo vũ khí trong người là điều cần phải có để giảm bớt áp lực đàn áp của chính quyền. Mặt khác cũng để hộ thân và bảo vệ lẫn nhau.
ỦY BAN KIỂM SOÁT ĐÌNH CHIẾN VỀ BA LÀNG LẦN THỨ NHẤT
Sau khi hiệp định Geneve bắt đầu có hiệu lực, người dân muốn được di cư phải nhờ đến Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến đến Ba Làng can thiệp mới hy vọng được di cư vào Nam. Chính quyền Bắc Việt không bao giờ cho phép người dân được di cư. Vì thế, giáo dân Ba Làng đã cử người đại diện đi Hà Nội để liên lạc với Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến.
Tới nơi, những người đại diện đã đưa được những lá đơn tới tận tay Ủy Ban, và yêu cầu Ủy Ban sớm về Ba Làng can thiệp cho đồng bào được tự do di cư. Nếu Ủy Ban không đến Ba Làng can thiệp thì đồng bào muốn di cư sẽ bị nhà cầm quyền bắt bớ, tù tội. Sau khi nhận số đơn di cư và lời yêu cầu của người đại diện, Ủy ban hứa sẽ về Ba Làng can thiệp cho đồng bào di cư trong một ngày rất gần.
Phía chính quyền Hà Nội một mặt đàn áp những người muốn di cư, mặt khác họ trả lời với Ủy Ban Đình Chiến rằng: “Giáo dân Ba Làng không ai muốn di cư”, trong khi Ủy Ban đã có sẵn trong tay một số đơn xin can thiệp để được vào Nam. Ủy Ban đã không tin tưởng nơi nhà cầm quyền nên ngày 16 tháng 9 năm 1954, Uỷ Ban đã về giáo xứ Ba Làng để tìm hiểu sự thật.
Rất may ngày Ủy Ban về đúng vào ngày chầu lượt của giáo xứ tại nhà thờ Đức Bà. Các giờ chầu Thánh Thể được luân phiên thay đổi suốt ngày. Giờ chầu nào cũng đông đúc giáo dân. Vì thế, khi Ủy Ban Quốc Tế về Ba Làng thì đã có sẵn một số giáo dân đang hiện diện trong thánh đường.
Trong lúc đoàn chiên của Chúa đang sốt sắng nghiêm trang với những lời kinh tiếng hát, bỗng em Nguyễn Văn Tân vội vã từ ngoài nhà thờ chạy vô thánh đường thở hỗn hển báo tin:
– Ủy Ban Kiểm Soát Quốc Tế về…! Ủy Ban Quốc Tế về…! Ủy Ban đang đứng chờ chúng ta ở phía Bắc nhà xứ, cạnh dòng Mến Thánh Giá. Bà con ra đón ngay kẻo Ủy Ban đi mất.
Tin bất ngờ làm mọi người trong thánh đường vừa ngỡ ngàng vừa sung sướng. Cụ Nguyễn văn Tốt là một chức sắc trong hội đồng mục vụ vội đứng lên đưa ý kiến:
– Thưa tất cả giáo dân. Sự mong đợi của chúng ta nay đã đến. Chúng ta phải ra gặp Ủy Ban ngay kẻo Ủy Ban trông chờ không thấy ai sẽ đi mất!
Mọi người trong thánh đường nghe cụ Tốt nói như vậy liền vội đứng dậy chạy theo em Nguyễn Văn Tân. Tôi cũng nhập chung đoàn giáo dân chạy theo ra ngoài. Tới nơi, tôi thấy đã có sẵn khoảng ba chục (30) người lạ mặt mà nhà cầm quyền đã sắp đặt đem họ đến từ bao giờ, họ đến với mục đích gì và họ là người của địa phương nào?.
Khi thấy đoàn giáo dân kéo đến quá đông, khoảng ba chục người lạ mặt kia được lệnh rút lui. Có lẽ nhà cầm quyền sợ xảy ra xung đột, cãi cọ, đánh nhau trước mặt Ủy Ban Quốc Tế nên cán bộ ra lệnh họ rút lui. Số người bỏ chạy đi trong vội vàng khiến Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến phải ngạc nhiên. Ông chủ tịch người Ấn Độ hỏi anh thông dịch:
– Chuyện gì đã xảy ra. Tại sao những người kia lại bỏ đi?
Tuy anh thông dịch đã đoán được âm mưa của nhà cầm quyền nhưng anh vẫn phải hỏi lại chúng tôi như một người vô tư chưa biết gì. Anh thông dịch thuật lại câu hỏi của ông chủ tịch Ấn:
– Số người đã đến đây khá đông tại sao lại bỏ đi?
Một thanh niên trong chúng tôi trả lời:
– Kính thưa Ủy Ban. Lẽ ra chính quyền sở tại phải thông báo cho đồng bào biết ngày Ủy Ban đến đây, nhưng chính quyền không hề thông báo mà lại đem vợ con của cán bộ đến để hòng lừa dối Ủy Ban. Những người bỏ đi đúng là vợ con của cán bộ, người của chính quyền dàn dựng đưa tới, họ không phải là dân Ba Làng của chúng tôi đâu. Họ giả làm người Ba Làng đến để trả lời với Ủy Ban những điều họ muốn lừa dối. Rất may hôm nay là ngày chầu Thánh Thể suốt ngày nên mới có số dân đông đảo từ trong nhà thờ kéo ra. Chính quyền phải ra lệnh rút lui tránh cho việc lừa bịp xảo trá bị lột mặt trước Ủy Ban.
Anh thông dịch thuật lại lời nói của giáo dân cho Ủy Ban biết. Các ông trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến chăm chú lắng nghe rồi nhìn nhau cười. Những nụ cười hàm ý đã biết được bộ mặt lừa bịp gian dối của nhà cầm quyền Bắc Việt.
Cán bộ mật vụ và nhân viên phản gián của trung ương gửi về có kinh nghiệm lừa dối người ngoại quốc đầy mình chỉ biết cứng mép xấu hổ đứng nghe, mà không có tên nào tìm ra được lý lẽ gì để biện minh cho cái hành động lừa dối của chúng. Hành động lừa dối này của họ đã tạo phản ứng ngược làm cho Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến chú ý can thiệp mạnh mẽ và tích cực hơn.
Đây là một bằng chứng nữa để Ủy Ban biết rõ bản chất dối trá, gian manh của chính quyền, cộng thêm những lần trước đây, nhà cầm quyền đã từng báo lên Ủy Ban: “Dân Ba Làng không có người nào muốn di cư”. Thế mà hôm nay đồng bào lại đến xin Ủy Ban can thiệp để được di cư đông đến mức độ này!
Sau khi đám người được cán bộ đem đến để lừa dối Ủy Ban đã đi khuất bóng, trật tự được vãn hồi, mọi người cùng im lặng. Ông Chủ Tịch người Ấn nói với mọi người bằng một cử chỉ trang trọng. Sau đó anh thông dịch thuật lại lời Ủy Ban cho đồng bào biết:
– Uỷ Ban đã nhận được rất nhiều đơn xin di cư của đồng bào Ba Làng. Nhưng chính quyền Hà Nội đã báo cáo: “Số người xin di cư ở Ba Làng chỉ có một vài gia đình, và phía chính quyền đã cấp giấy thông hành cho những gia đình đó vào Nam rồi. Tuy nhiên vì đơn xin di cư của đồng bào Ba Làng còn rất nhiều, nên hôm nay Ủy Ban về đây để biết còn bao nhiêu gia đình muốn di cư nữa. Vậy yêu câu đồng bào giữ trật tự để Ủy Ban làm việc vì thời gian Ủy Ban đến đây rất hạn hẹp”.
Ông chủ tịch nói xong, anh thông dịch thuật lại tóm tắt như sau:
– Ai muốn di cư vào Nam xin giơ tay lên và giữ nguyên cho tới khi Ủy Ban đếm xong mới bỏ tay xuống.
Câu hỏi làm nức lòng những người mong đợi được di cư nên cả rừng cánh tay sung sướng giơ lên để biểu lộ lòng khao khát thoát khỏi sự cai trị của nhà cầm quyền Bắc Việt. Có người giơ cả hai tay để thế cho người đang vắng mặt còn ở nhà.
Hai ông ủy viên Canada và Ba Lan đếm số người giơ tay là bao nhiêu, nhưng hai ông không thể đếm nổi vì cả rừng người giơ cao tay đứng chi chít vây quanh. Không có cách nào đếm chính xác, Ủy Ban lại bàn định kế hoạch khác được anh thông dịch thuật lại lời mong muốn của Ủy Ban:
– Nhiều người giơ tay quá, Ủy Ban không đếm được nên Ủy Ban muốn chụp ảnh để làm tài liệu. Ai muốn di cư xin yêu cầu giơ tay lên và chờ khi nào Ủy Ban chụp ảnh xong mới bỏ tay xuống.
Lại một lần nữa rừng cánh tay giơ cao. Lần này còn đông hơn lần trước vì có thêm thời gian để số người mới được tin ủy Ban Quốc Tế về can thiệp cho đồng bào di cư cho nên đồng bào đã ùn ùn kéo đến sau mỗi phút một đông.
Ủy Ban đã chụp rất nhiều ảnh. Tuy chụp nhiều ảnh nhưng Ủy Ban còn muốn biết chắc con số đồng bào xin di cư là bao nhiêu để chứng minh cho nhà cầm quyền Hà Nội. Ủy Ban đề nghị bộ đội Bắc Việt đứng thành hai hàng rào cho từng người lần lượt đi vào giữa hai hàng rào bộ đội để Ủy Ban đếm được chính xác số đồng bào muốn di cư là bao nhiêu.
Ban đầu giáo dân còn trật tự đi vào giữa hai hàng rào bộ đội, Ủy Ban còn có thể đếm được, nhưng lượng người được tin kéo đến mỗi lúc một đông. Số người chen lấn nhau để được Ủy Ban đếm, thời gian chờ tới phiên mình quá lâu nên đồng bào ồ ạt chen lấn làm hai, hàng rào bộ đội bị tan rã chìm vào biển người không còn thấy hàng rào bộ đội đâu nữa. Máy chụp hình của hai ông ủy viên được chụp lia lịa chụp rất nhiều hình về cảnh xô đẩy của đồng bào. Sau khi bàn luận với nhau xong, ông chủ tịch nói với anh thông dịch được anh thuật lại:
– Ủy Ban đã có đủ tài liệu chứng minh cho chính quyền Hà Nội. Vậy trước khi Ủy Ban ra về, ai có những đề nghị hay ý kiến gì muốn trình bày xin cho Ủy Ban biết.
Anh Nguyễn Văn Thăm giơ tay xin trình bày:
– Kính thưa Ủy Ban, tôi xin có những ý kiến sau đây:
1. Chính quyền không thông báo cho đồng bào biết ngày Ủy Ban về đây để đón tiếp Ủy Ban và đề đạt nguyện vọng lên Ủy Ban.
2. Cách đây một tuần, công an của chính quyền Hà Nội đến bắt anh Nguyễn Hiến chỉ vì gia đình anh muốn được di cư vào Nam mà hiệp định Geneve đã quy định. Đồng bào oán hận việc bắt người vô tội chỉ vì muốn di cư nên kéo đến rất đông kịp thời ngăn cản. Nếu chính quyền không thả anh Hiến có thể xảy ra cuộc đánh giết đẫm máu giữa cán bộ và giáo dân! Hiện nay chính quyền đã đem quân đội về Ba Làng rất đông. Mỗi gia đình bị bắt buộc cho một tiểu đội (12 lính) cư ngụ nhằm uy hiếp tinh thần và bắt bớ đồng bào bất cứ lúc nào. Vì thế giáo dân Ba Làng đang sống trong tình trạng hồi hộp lo sợ không biết ngày nào sẽ bị bắt. Kính xin Ủy Ban luôn đến đây để theo dõi và ngăn ngừa chính quyền dùng bạo lực đàn áp giáo dân, đồng thời giúp đỡ cho đồng bào được tự do di cư vào Nam mà hiệp định Gênve đã quy định.
3. Ngày hôm nay chính quyền Hà Nội đưa những người đã được huấn luyện đến đây để lừa dối Ủy Ban, bắt họ phải nói những lời chính quyền chỉ bảo để lừa dối như hôm nay Ủy Ban đã thấy tận mắt số người phải bỏ chạy.
Ủy Ban nghe anh thông dịch thuật lại lời trình bày trên đã được biết sự thâm độc của nhà cầm quyền nên Ủy Ban hứa sẽ cố gắng về đây nữa để can thiệp cho đồng bào được tự do di cư. Trước khi Ủy Ban ra về, hàng ngàn lá đơn đã tới tấp trao tận tay Ủy Ban và đã được Ủy Ban tiếp nhận tất cả…
Sau khi Ủy Ban ra về, giáo dân vui mừng sung sướng trở lại nơi thánh đường, tốp năm tốp bảy cười vui bàn tán: Nếu không có số người đông đảo trong nhà thờ kéo ra thì số người của phía nhà cầm quyền đưa tới sẽ dễ dàng lừa dối Ủy Ban như lời báo cáo của bọn họ: “Ba Làng không ai muốn di cư” thì Ủy Ban sẽ không bao gờ đến đây để can thiệp cho chúng ta được di cư nữa!
Cũng xin nói thêm về người thông dịch cho Ủy Ban Kiểm Soát quốc tế là thầy Đăng (tôi không biết tên họ). Thầy là một chủng sinh của tiểu chủng viện Ba Làng mấy năm về trước. Khi còn là chủng sinh, thầy thường được cha bề trên tiểu chủng viện sai về giúp giáo xứ Ba Làng mỗi khi cha chính xứ Ba Làng yêu cầu. Thầy được hội đồng giáo xứ đón tiếp nồng hậu, được các hội đoàn kính trọng và thương mến. Thầy đã quen biết rất nhiều giáo dân Ba Làng và thông thạo từng con đường, từng ngõ ngách nhỏ ở Ba Làng.
Tuy quen biết nhưng trước mặt Ủy Ban quốc tế, thầy vẫn giữ tính khách quan coi giáo dân như người xa lạ. Thầy chỉ nở nụ cười kín đáo với những người thầy quen biết thay cho lời chào. Về phần giáo dân biết ý thầy, không ai dám tỏ ra thân mật như người quen biết trước mặt Ủy Ban quốc tế vì sợ làm mất đi trọng trách và sự công bằng của người thông dịch.
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, số người mà nhà cầm quyền mang tới làm cò mồi để lường gạt Ủy Ban thì trong một phiên chợ chiều chị Hương nhận diện được một bạn hàng có mặt trong đám cò mồi ngày Ủy Ban quốc tế về.
Chị Hương hỏi:
– Hôm ủy Ban quốc tế về Ba Làng, tôi có thấy chị đến đó. Ai đã cho chị biết ngày Ủy Ban quốc tế về Ba Làng mà chị đến sớm được như vậy. Gia đình chị cũng muốn di cư vào Nam hay sao?
Chị bán hàng liếc mắt nhình chung quanh rồi nói nhỏ với chị Hương:
– Chúng tôi muốn vào Nam lắm chứ. Nhưng ở xã chúng tôi thì làm sao mà đi được. Nếu bên Ba Làng mà đấu tranh có tàu cặp bến thì dù chết chúng tôi cũng ùa tới. Chị biết rồi mà, cha mẹ chúng tôi đã bị người ta kết tội là địa chủ phản động bóc lột nhân dân, và cha mẹ chúng tôi đã bị họ hành quyết trong Cải Cách Ruộng Đất. Tôi đâu có ưa thích gì những kẻ bắn giết cha mẹ chúng tôi. Hôm đó công an đến bảo chúng tôi đi làm công tác. Không đi thì sợ nên đành phải đi.
Khi tới một nhà của địa chủ bị tịch thu, họ bắt chúng tôi học tập. Khi nào gặp người ngoại quốc hỏi thì phải nói rằng: “Chúng tôi bị mật vụ của ông Ngô Đình Diệm gài lại để dụ dỗ và cưỡng ép phải di cư vào Nam”. Rất may hôm đó các chị tới sớm, chúng tôi có lệnh rút lui nên không còn phải nói những lời cán bộ bắt nói nữa. Nếu chúng tôi ở lại để nói theo những lời học tập, đôi bên có thể xô xát và chúng tôi sẽ là những nạn nhân.
Kỳ tới: Đồng Bào Đem Đồ Đạc Đi Bán & Các Giáo Xứ Thuộc Địa Phận Thanh Hóa Chuẩn Bị Về Ba Làng Nhập Cuộc
Trích: Hồi ký của cụ ông Nguyễn Đức Giỏi
Ảnh: Minh hoạ từ internet

Lượt xem 747 Lần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *